Rủi ro khi chạy bộ: Hãy biết lắng nghe cơ thể

KHƯƠNG XUÂN 24/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - Sự cố một chàng trai đột tử trên đường chạy giải marathon TP.HCM mới đây khiến không ít người lo lắng, nhất là khi phong trào chạy bộ đang lan tỏa mạnh mẽ.

Hơn 9.500 người tham gia Giải marathon TP.HCM 2019. Chạy bộ đang lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. Ảnh: TẤN PHÚC
Hơn 9.500 người tham gia Giải marathon TP.HCM 2019. Chạy bộ đang lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. Ảnh: TẤN PHÚC

 Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa tim mạch kiêm người mê chạy bộ Đinh Huỳnh Linh khẳng định chạy bộ là môn thể thao an toàn hàng đầu trong số các môn thể thao mà loài người đang lập luyện...

Một nghiên cứu đăng trên chuyên san y học New England Journal of Medicine theo dõi 10,9 triệu lượt người chạy marathon ở Mỹ từ năm 2000-2010 cho thấy: có tổng cộng 59 trường hợp ngừng tim (tỉ lệ 0,54/100.000), trong đó có 42 ca tử vong (0,39/100.000). Dù vậy, cũng không thể chủ quan khi chạy bộ, nhất là chạy marathon trên quãng đường dài, thời tiết khắc nghiệt.

Nằm viện 2 tháng vì sốc nhiệt.

Anh Đặng Ngọc Lâm (sinh năm 1978) hay còn gọi là Lâm “người sắt” - một VĐV ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) nổi tiếng tại Việt Nam - là một trong những người VN đầu tiên hoàn thành cuộc thi Ironman 70.3 tại Đà Nẵng và 140.6 tại Langkawi (Malaysia) 2016. Trên hành trình đó, anh Lâm đã trải qua không ít biến cố về sức khỏe, có khi cực kỳ nghiêm trọng.

Anh Lâm chia sẻ: “Tháng 4-2017, trong một buổi tập chạy tại hồ Gươm, tôi đã bị sốc nhiệt rất nặng đe dọa đến tính mạng.

Hôm đó trời Hà Nội đang giao mùa giữa xuân và hè, thời tiết khá mát mẻ. Tôi dự định chạy 20km vòng quanh hồ cùng mấy người bạn. Tuy nhiên đến hai vòng hồ cuối cùng, bạn tôi nói không thấy tôi vẫy tay chào họ như các vòng khác. Chạy gần đến Bưu điện Hà Nội thì tôi hoàn toàn mất ý thức, sau đó ngất xỉu. Ngay sau đó tôi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đó và mất hai tháng điều trị”.

Trong suốt hai tháng nằm viện, anh Lâm mất một tháng đầu hôn mê. Chỉ số sinh tồn của người bình thường khoảng 15, xuống đến 8 đã gây hôn mê, nhưng chỉ số lúc đó của anh Lâm chỉ còn 5. Anh Lâm bị suy đa tạng, liên tục phải lọc gan, lọc thận, thở máy...

Cơ hội sống sót của anh theo các bác sĩ đánh giá chỉ còn khoảng 60%. Thế nhưng do có sức khỏe và được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện hàng đầu VN nên sau hai tháng anh Lâm đã hồi phục và ra viện.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, anh Đặng Ngọc Lâm cho biết do chủ quan nên hôm chạy đó anh không được khỏe lắm. Trước đó anh bị cảm cúm nên có dùng thuốc kháng sinh, đêm hôm trước ngủ thì mở cửa nên có thể bị nhiễm lạnh.

Đã vậy, đặt mục tiêu sẽ chạy marathon dưới bốn giờ tại giải sắp tới nên anh phải nhận hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy sau khi hồi phục thần kỳ, Lâm “người sắt” đã tiếp tục tập luyện trở lại. Anh tham dự nhiều giải đấu trong thời gian qua và tháng 5-2019 này, anh Lâm sẽ tham dự Giải Ironman vô địch châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng.

 

 Sốc nhiệt khi chạy gặp ở cả người chạy chuyên nghiệp

Bác sĩ cũng gặp rủi ro khi chạy

Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia VN) cho biết mọi người không nên hoang mang khi có một người không may qua đời khi đang chạy bộ. Rủi ro có thể đến với bất kỳ ai, chơi bất cứ môn thể thao, hoạt động gì, hay thậm chí chỉ cần đi ra đường cũng có thể tử vong. Đánh giá khách quan, khoa học thì chạy bộ là môn thể thao an toàn hàng đầu, xác suất tử vong cực kỳ thấp.

Để tránh rủi ro có thể xảy ra, khi tập luyện hay thi đấu, điều quan trọng là VĐV phải lắng nghe cơ thể mình. Là bác sĩ tim mạch nhưng bác sĩ Linh cho biết chính anh cũng từng bị sốc nhiệt khi tham dự một giải đấu. Đó là vào tháng 5-2017 khi anh tham dự cuộc thi Ironman đồng đội tại Đà Nẵng. Khi đó anh Linh là thành viên cuối cùng của nhóm tham dự nội dung chạy bộ 21km vào thời điểm khoảng 11h trưa.

Anh Linh chia sẻ: “Khi đến km thứ 15 tôi bị rơi mũ đội đầu, sau đó bị mệt và choáng váng vì nắng nóng. Lúc đó tôi không biết mình đã đi qua điểm rẽ của đường chạy chưa hay đã quá rồi, trong khi đó trước và sau tôi không có bất cứ ai để hỏi thăm.

Lúc đó tôi đã hoa mắt, choáng váng và vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên tôi đã chủ động chạy chậm lại, rất may sau đó tôi nhìn thấy điểm tiếp nước của ban tổ chức, tôi đến uống nước, đổ nước lên đầu để hồi phục. Nếu thời điểm đó không biết điều chỉnh thì có thể đã có chuyện không hay xảy ra”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (Trung tâm HLTTQG Hà Nội), người đã thời gian dài là bác sĩ của đội tuyển bóng đá nam VN, cho biết rủi ro với người tập thể thao nghiệp dư hay VĐV chuyên nghiệp là không tránh khỏi.

Tuy nhiên vì rủi ro trong chạy bộ, đá bóng tương đối ít nên khi có một người bị thì ai cũng biết, dễ dẫn đến dư luận không hay. “Việc quan trọng là người chơi thể thao phải tập luyện đều đặn, ăn uống đủ chất, mặc trang phục thoải mái, dễ thoát mồ hôi, bù nước và điện giải đủ khi tập luyện. Là con người không thể nói trước điều gì vì lúc thế này lúc thế khác, do đó phải biết tự lắng nghe cơ thể mình khi tập luyện” - bác sĩ Thủy nói.

Tập 40km mỗi tuần trong 6 tháng mới nên chạy marathon

Theo bác sĩ Đinh Huỳnh Linh, sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho người chơi thể thao nghiệp dư và chuyên nghiệp. Để có thể tham gia các cuộc thi chạy marathon 42km, VĐV không thể “ngẫu hứng” mà chạy.

Quá trình chuẩn bị để tham dự một giải đấu cần có sự tập luyện nghiêm túc, mỗi người cần tập luyện trung bình 40-50km/tuần, mỗi tuần năm buổi và kéo dài tối thiểu sáu tháng mới có thể thi marathon.

Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, hô hấp đã biết trước thì nên thận trọng và cần đi khám bác sĩ để được tư vấn có cho chạy bộ hay không. Những ai tiền sử gia đình có người đột tử do tim cũng cần đi khám trước.

Ông Bùi Lương, nguyên HLV trưởng đội marathon VN, cho biết điều quan trọng nhất với người chạy bộ chính là thái độ chuẩn bị nghiêm túc trước mỗi buổi tập hay cuộc thi.

Ông Lương nói: “VĐV cần tập luyện chăm chỉ tập luyện, tích lũy thể lực đầy đủ mới có thể tham gia thi đấu. Trước mỗi buổi tập cần khởi động rất kỹ để làm nóng cơ thể, khởi động các khớp. Cá nhân tôi luôn đếm nhịp tim cho VĐV trước khi tập và tập xong cũng bắt mạch đếm lại xem có ổn không. Cá nhân tôi chạy marathon 20 năm, 37 tuổi mới nghỉ thi đấu đỉnh cao để chuyển sang huấn luyện. Giờ tôi đã 81 tuổi nhưng hằng ngày vẫn chạy 3-4km, tuyệt nhiên chưa từng gặp sự cố nào”. ■

Sốc nhiệt là gì ?

Theo bác sĩ Đinh Huỳnh Linh, sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất. VĐV được chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng quá 40 độ C, đi kèm các rối loạn về tri giác và ý thức.

Ngay khi bị sốc nhiệt, VĐV phải được sơ cứu ban đầu bằng cách làm mát rồi đưa đến cơ sở uy tế uy tín. Hạ nhiệt gấp là cách sơ cứu ban đầu hiệu quả nhất trong 30 phút từ khi có biểu hiện, bằng cách: tháo bỏ tất cả thiết bị trên người VĐV, cởi hoặc nới lỏng quần áo (để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn); đưa VĐV tới chỗ có bóng râm. Có thể đưa vào phòng điều hòa nhiệt độ; ngâm VĐV vào bể nước đá để hạ nhiệt khẩn cấp...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận