Sau những tiếng nổ, là bình an...

LÊ ĐỨC DỤC 30/04/2016 17:04 GMT+7

TTCT- Ở “Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn” (Mine Action Visitor Center - MAVC) tại Quảng Trị có một quả bom hiện vật, phần vỏ thép bị xé rách, tạo hình như dáng đứng đau thương và nhẫn nại của một con người trên vùng đất quá nổi tiếng vì đạn bom này.

Nguyễn Thị Diệu Linh bên quả bom chôn 42 năm ở nhà ông Nguyễn Vũ -Ngô Xuân Hiền
Nguyễn Thị Diệu Linh bên quả bom chôn 42 năm ở nhà ông Nguyễn Vũ -Ngô Xuân Hiền

 

Chuyện của một quả bom

Quả bom có ký hiệu MK82, nặng 500 cân Anh (khoảng 220kg), là một trong ba quả bom ném xuống vườn nhà ông Nguyễn Vũ ở thôn 3, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vào tháng 3-1972. “B-52 khi nào cắt bom cũng ba quả một lúc, năm đó tôi 16 tuổi, còn nhớ vừa qua Tết Nhâm Tý (1972) không lâu, khi quân giải phóng bắt đầu các đợt tấn công giải phóng Quảng Trị.

Hải Lăng dù nằm ở cực nam tỉnh, gần Huế nhưng vẫn coi như vùng chiến sự”. Ba quả bom ném xuống hôm đó chỉ có hai quả nổ, xô sập căn nhà của gia đình ông, tạo thành hai hố sâu hoắm trong mảnh vườn, quả còn lại nằm ở góc vườn. Rất may là hôm đó cả gia đình ông trú ẩn ở một căn hầm xa nên an toàn. Quả bom không nổ dài hơn một mét rưỡi, nằm phơi mình ở góc vườn như một lời đe dọa.

Rồi chiến tranh lan đến, cả nhà tản cư đến sau Hiệp định Paris 1973 mới quay về nhà cũ. Nhà đã sập nhưng quả bom vẫn nằm đó. Rất khó để rời mảnh đất hương hỏa của ông cha, rời khu vườn chôn nhau cắt rốn, cha của ông Nguyễn Vũ, ông Nguyễn Chắt, năm ấy đã gần 60 tuổi gọi cả gia đình lại và bảo: “Ba sẽ đào hố chôn quả bom này, mấy mẹ con hãy tìm nơi thật xa mà nấp, nhỡ có mệnh hệ gì thì chỉ ba lãnh thôi, mấy đứa còn nhỏ” - ông Vũ nhớ lại.

Dù mấy mẹ con đều can ngăn nhưng ông Vũ biết tính cha mình, đã quyết là làm. Khi cả nhà rời đi, ông Chắt lặng lẽ ra góc vườn, một mình đào một hố sâu rồi bạt ta-luy xuôi từ vị trí quả bom xuống tận đáy hố, dùng một đòn bẩy nhỏ để đẩy quả bom xuống đáy hố. Không ai còn nhìn thấy quả bom, nhưng sự ám ảnh của nó thì còn nguyên.

Mãi đến tháng 8-2015, quả bom mới được các thành viên đội xử lý bom mìn lưu động của RENEW đào lên và mang đi hủy nổ. Gần nửa thế kỷ sống chung với một quả bom ngay trong vườn nhà không hề là chuyện dễ dàng, bởi khi việc tìm kiếm, buôn bán phế liệu chiến tranh trở thành cuộc mưu sinh cho hàng vạn người dân Quảng Trị thì quả bom 500 cân Anh quả là một món hàng hấp dẫn.

Ông Vũ bảo: “Rất nhiều người mang tiền tới, có người mang đến ba chỉ vàng cho cha tôi để được “khai thác” quả bom chôn lấp kia. Cha tôi không đồng ý, bởi ba chỉ vàng hay ba ngàn chỉ vàng cũng không cứu được nếu nó phát nổ khi khai quật.

Nhiều năm quả bom nằm trong vườn, cả nhà thêm nỗi lo canh gác, sợ khi vắng nhà lâu có thể bị đào trộm. Năm 2005, trước khi mất, cha tôi khi ấy đã gần 90 tuổi dặn lại: khi nào có điều kiện thì nên báo cho công binh tháo gỡ”.

Chỉ khi các thành viên của đội khảo sát phi kỹ thuật của RENEW tìm đến phỏng vấn, biết được công việc và uy tín của RENEW, ông Vũ quyết định hợp tác với RENEW để đào quả bom lên và mang đi hủy.

Bản “lý lịch” của quả bom MK82 đã khiến việc hủy nổ nó không được tiến hành như với những quả bom khác mà được hủy theo phương pháp giữ được phần vỏ quả bom để làm hiện vật trưng bày. Giờ thì nó đứng đó, như dáng một con người đi qua chiến tranh, rách xé và im lặng trong góc nhỏ của MAVC.

Cùng thời điểm các thành viên của RENEW đang vô hiệu hóa quả bom này tại Quảng Trị (ngày 11-8-2015) thì ngay phía đông thủ đô London (Anh), người ta cũng phát hiện một quả bom nặng đúng 500 cân Anh có sức công phá tương tự, bị quân Đức ném xuống từ Thế chiến thứ hai, nằm trong một công trường.

Cả một khu phố với hơn 700 người được lệnh di tản để lực lượng công binh Anh tháo gỡ quả bom này (*). Những quả bom dường như không có khái niệm thời gian dù chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm hay hơn 70 năm. Có chút gì khác thì ở điều người ta cảm nhận sau tiếng nổ: trong chiến tranh, đó là những tiếng nổ chết chóc, còn giờ đây, sau tiếng nổ mới thật sự là cảm giác an bình.

Cái hố sâu trong vườn nhà ông Vũ đã được lấp lại, đất hơi trũng xuống. Những luống ngô và lạc trong mảnh vườn phủ lên màu xanh, những thân ngô dường như xanh tốt hơn nơi vệt trũng ấy.

Ở gần đó, một đội xử lý bom mìn lưu động đang giúp những người dân phá hủy những vật liệu nổ được tìm thấy khi đào móng nhà. Ở vùng đất này có vài điều kỳ lạ, đấy là người dân khi đào móng làm nhà thường gặp hai điều: hài cốt liệt sĩ và bom đạn.

Nhân viên của Tổ chức Cây Hòa Bình (Peace Tree) chuẩn bị hủy nổ một quả bom 1.000 cân Anh được chuyên chở hơn 100km từ tây Hướng Hóa về bãi hủy miền duyên hải -Lê Đức Dục
Nhân viên của Tổ chức Cây Hòa Bình (Peace Tree) chuẩn bị hủy nổ một quả bom 1.000 cân Anh được chuyên chở hơn 100km từ tây Hướng Hóa về bãi hủy miền duyên hải -Lê Đức Dục

 

Người trẻ và cuộc chiến với bom mìn hậu chiến

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, bom đạn hậu chiến với tôi là chuyện cơm bữa. Trong những kỷ vật gia đình, tôi vẫn cất giữ vỏ một quả bom bi loại BLU26. Cha tôi, gần 40 năm trước, khi đi làm rẫy đã cuốc phải một quả bom loại BLU26 này và qua đời.

Để những đứa con của mình sau này không phải khó khăn khi hình dung về cái chết của ông nội, tôi đã kiếm cái vỏ bom bi ấy cất đi để sau này giải thích cho chúng, thỉnh thoảng tôi vẫn lấy vỏ quả bom ra ngắm nhìn như một mảnh ký ức buồn đau.

Tôi nghĩ mình đã quá “thuộc” chuyện bom đạn ở quê hương và khó có điều gì làm tôi ngạc nhiên nữa. Nhưng điều ngạc nhiên ấy vẫn đến, từ những người thật trẻ mà tôi gặp ở vùng đất này.

Nguyễn Thị Diệu Linh, người quản lý hoạt động của Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tại dự án RENEW ở Quảng Trị, một cô gái bé nhỏ “như cái kẹo” đang đảm trách công việc mà thoạt nghe không ai nghĩ lại dành cho phụ nữ.

Năm trước, Linh được bổ nhiệm vào vị trí quản lý hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn tại RENEW khi mới 32 tuổi. Cô có chứng chỉ Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế cấp độ 2 về xử lý bom mìn do NPA cấp, trải qua các khóa tập huấn nâng cao dành cho các nhà quản lý hành động bom mìn do Đại học James Madison (Hoa Kỳ) tổ chức tại Jordan năm 2009.

Nguyễn Thị Diệu Linh - Quản lý hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn tại dự án Renew/NPA giới thiệu hiện trường khảo sát bom mìn ở xã Cam Tuyền cho đại sứ Mỹ tại VN ông Ted Osius - Ngô Xuân Hiền
Nguyễn Thị Diệu Linh - Quản lý hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn tại dự án Renew/NPA giới thiệu hiện trường khảo sát bom mìn ở xã Cam Tuyền cho đại sứ Mỹ tại VN ông Ted Osius - Ngô Xuân Hiền

 

Từ một nhân viên phiên dịch, sau 8 năm gắn bó với... bom mìn, giờ Linh đang phụ trách 26 đội với hơn 160 nhân viên tại dự án, gồm 21 đội khảo sát dấu vết bom chùm, 4 đội xử lý bom mìn lưu động và 1 đội khảo sát phi kỹ thuật. Đưa tôi vào hiện trường vùng đồi phía tây xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng), nơi có một đội khảo sát dấu vết bom chùm đang làm việc, nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Linh và các thao tác dứt khoát khi giới thiệu hiện trường, công việc của đội mới thấy nội lực tiềm ẩn trong cô gái này.

Đội khảo sát bom chùm do Nguyễn Quốc Bảo làm đội trưởng làm việc dưới cái nắng rát của Quảng Trị dù mới 9g sáng. Để vào khu vực đang khảo sát, tất cả phải trải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt bắt buộc, đầu tiên là điền các thông số về cá nhân, nhóm máu vào một bảng biểu của một nhân viên y tế trực tại hiện trường. Tấm bản đồ của khu vực khảo sát mang ký hiệu 339 được chia thành những ô vuông, mỗi ô vuông tương ứng với 50mx50m trên thực địa.

Thực tế cho thấy khi phát hiện được một quả bom chùm (bom bi) thì sẽ phát hiện thêm nhiều quả khác tại khu vực xung quanh vì một quả bom “mẹ” khi thả xuống thường chứa từ 650 đến hơn 1.000 quả bom chùm. Tọa độ ném bom chùm cũng là mục tiêu tấn công của nhiều loại đạn khác.

Bom chùm và các loại vật liệu nổ khác phát hiện được trong quá trình khảo sát sẽ được xử lý vào cuối ngày làm việc, những khu vực khảo sát có dấu vết bom chùm được lập bản đồ và nhập vào cơ sở dữ liệu của Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị (**).

Trung tâm sau đó sẽ giao cho các tổ chức phi chính phủ tiến hành rà phá các khu vực này. Tổ chức MAG (Nhóm tư vấn bom mìn) đang rà phá các khu vực nguy hiểm do RENEW xác định tại Cam Lộ và Triệu Phong. Cùng đối tác chính NPA, RENEW đang khảo sát trên toàn tỉnh Quảng Trị, dự kiến sẽ hoàn thành trong 5 năm, để cuối cùng đem lại một mảnh đất an toàn.

Trước đây, các tổ chức hành động vì bom mìn như RENEW, MAG, Cây Hòa Bình, C.P.I… hoạt động ở các huyện riêng lẻ, các tổ chức khác nhau có phương pháp và hệ thống thông tin khác nhau, nhưng từ năm 2014 đến nay, các tổ chức này làm việc với nhau để triển khai tiếp cận có hệ thống, thực hiện một kế hoạch khảo sát và rà phá cho toàn tỉnh Quảng Trị.

Giữa vùng đồi rộng mênh mông, tiếng máy dò kim loại vang lên u u trong không gian tĩnh lặng. Trên khu đồi, thấp thoáng những dải ruybăng màu đỏ trắng vây lấy những ô hình tam giác đánh dấu những vật nổ được phát hiện. Trong đội của Bảo có một nhân viên nữ là Cẩm Nhung.

Nhìn cô gái trẻ bên chiếc máy dò mìn và những quả bom giết người được phát hiện nằm phơi lớp vỏ kim loại han gỉ trong lòng hố đất, giữa buổi trưa nắng rát, tôi như thấy có một điều gì đó vừa vô lý vừa trĩu nặng.

Nhung mới ngoài 20 tuổi, hay Linh - người chỉ huy của hơn 160 thành viên dự án - đều là những người sinh ra khi chiến tranh đi qua rất lâu. Nhưng chính họ lại đang là những người giải quyết hậu quả chiến tranh trực tiếp nhất.

Tôi bất ngờ gặp lại Lê Xuân Tùng, đội trưởng của đội xử lý bom mìn lưu động số 1 thuộc dự án RENEW ở Hải Thọ, khi anh đang trên đường đi xử lý một số vật liệu nổ từ nguồn tin báo của dân. Buổi sáng, sau khi hủy nổ một quả bom bi ở nhà anh Lực tại 23 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị, Tùng nhận được điện thoại gia đình anh Thi đang trùng tu lăng mộ ở Hải Lăng báo phát hiện bom mìn.

Trên đường từ Quảng Trị vào Hải Lăng, xe của đội bị... chặn lại bởi những người dân đang xây nhà ở Hải Thọ cũng vì họ vừa đào thấy bom bi. Cùng hai quả M.79 được chuyển về từ một nhiệm vụ khác, đội xử lý bom mìn lưu động của Tùng tổ chức điểm phá hủy ngay cạnh đó.

Khi đội trưởng Tùng chuẩn bị kiểm tra các khâu kỹ thuật an toàn cho việc hủy nổ, những nhân viên khác dùng loa điện thông báo cho người dân không đi vào khu vực hủy nổ.

Ở điểm chỉ huy cách xa 150m, Tùng liên lạc qua bộ đàm với các nhân viên để kiểm tra vòng cảnh giới an toàn thật cẩn thận lần nữa rồi nhấn nút thiết bị kích nổ. Một tiếng nổ trầm đục vang lên, khói bụi phủ mịt mù một góc trảng cát. Vài phút sau, Tùng đích thân quay lại nơi hủy nổ kiểm tra, chỉ sau khi anh thông báo qua bộ đàm “đã hủy thành công”, các nhân viên mới cho phép người dân qua lại trên tuyến đường quanh đấy.

Gần như hằng ngày, Tùng và các anh em trong bốn đội xử lý bom mìn lưu động của RENEW đều mang đến những tiếng nổ như thế, những tiếng nổ chấm dứt tai ương. Và sau đó, bình an mới thật sự quay về, dưới hình hài những vùng đất an toàn. Dù chiến tranh đã đi qua miền đất này hơn 40 năm.■

(*): http://www.theguardian.com/uk-news/2015/aug/11/bethnal-green-second-world-war-bomb-hundreds-home-device-defused.

(**): Với sự hỗ trợ của Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), UBND tỉnh Quảng Trị mới đây đã thành lập Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh để điều phối tất cả các nỗ lực giải quyết bom mìn sau chiến tranh, với sự tham gia của các tổ chức NGO và chính quyền địa phương.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận