​Sôi động lớp kỹ năng hè

YẾN TRINH 02/06/2015 00:06 GMT+7

TTCT - Từ lắng nghe, giao tiếp đến tư duy hiệu quả, phát triển trí tưởng tượng, từ ngồi trong lớp đến hoạt động sôi nổi ở trại hè..., các lớp học kỹ năng dành cho học sinh đã trở thành một sân chơi rộn ràng khi vừa chớm hè.

undefined
Các học viên ở lớp học Tomago hào hứng với chiếc kính thiên văn vừa chế tạo - Ảnh: YẾN TRINH

8g sáng, học sinh của lớp học Tomago (Q.7, TP.HCM) đã có mặt đầy đủ. Tiếp nối nội dung của buổi học trước, hôm nay các em sẽ hoàn thiện chiếc kính thiên văn đầy màu sắc của mình.

PHÁT HUY TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Quỳnh Như, học sinh lớp 6, chăm chú gò từng nét vẽ lên tờ giấy màu để tạo hình chú bò sữa, khỉ con. “Kính sơn nãy giờ khô chưa?” - em quay sang hỏi bạn mình. “Kính” mà em nói là chiếc kính thiên văn các em đã mày mò chế tạo từ nhiều đoạn ống nước, thấu kính, keo dán... trong buổi học trước. Hữu Tín, học sinh lớp 9, ra bancông đem chiếc kính vào. Các em tiếp tục quét màu xanh lá lên những chỗ sơn còn mỏng.

Nét mặt háo hức, Tín cho biết: “Em rất thích tìm hiểu về kính thiên văn. Khi học lớp này, tụi em được quan sát thử, thắc mắc thì đặt câu hỏi, sau đó tự đo khoảng cách giữa hai thấu kính... nên cảm thấy việc chế tạo cũng dễ”. Nhóm Kids 1 do Tín làm nhóm trưởng có sáu thành viên, mỗi người mỗi việc: Như và một bạn nữ lo việc trang trí, Tín cưa ống nước làm thân kính, các bạn khác người lo sơn, người kiểm tra độ chính xác của kính...

Góc bên kia, nhóm Kids 2 của Minh Đức (học sinh lớp 6) đang cắt hình đĩa bay dán lên thân kính được sơn đen, mô phỏng vũ trụ thu nhỏ. Đức nói ngày đầu đến lớp, em hơi mắc cỡ vì chưa quen các bạn và ngại phát biểu. “Giờ em thấy lớp học rất vui nên cũng dần thân thiết với các bạn. Em còn tự tin phát biểu, làm bài nhóm hiệu quả!” - Đức hào hứng nói.

Cạnh Đức, các bạn khác cũng chăm chú chỉnh lại những hình dáng trên chiếc kính của mình. Các em vừa làm vừa trò chuyện, có cả cãi nhau, nhưng liền sau đó tiếng cười lại giòn tan.

Với lớp lắp ráp robot thuộc Trung tâm Stem Education (Q.Tân Bình) dành cho độ tuổi 5-14, các em sẽ được học từ cơ bản đến nâng cao các kỹ năng để lắp ráp một robot. Với “bộ đồ nghề” lắp ráp, giáo trình bằng tiếng Anh, khóa học này giúp các em phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo trên mô hình được gợi ý. Kỹ năng làm việc nhóm cũng được chú trọng thông qua sự tương tác, bàn luận cùng bạn bè và đưa ra các ý tưởng phá cách cho sản phẩm của nhóm.

Lớp học toán trí tuệ của Trung tâm Superbrain (Q.Tân Bình) với bốn buổi học dựa trên phương pháp tính toán ngón tay Finger Match và bàn tính của Nhật giúp các em nhỏ rèn luyện trí nhớ, sự linh hoạt. Nhờ vậy, việc học toán của các em ở trường lớp sẽ trở nên nhẹ nhàng bởi việc áp dụng cách tính toán mới thay cho phương pháp truyền thống.

LỚP NĂNG KHIẾU VÀO MÙA

6g chiều, sân tập của Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1) trở nên sôi động với lớp học võ Thiếu Lâm và võ Bình Định miễn phí cho học sinh từ lớp 1-12. Theo võ sư Hồ Tường - người đứng lớp giảng dạy nhiều năm nay, mục đích của khóa học là rèn luyện sức khỏe và khả năng tự vệ cho học viên.

Trong ba tháng hè, lớp võ thuật còn giúp kết nối học viên thông qua hình thức tập đối kháng, hỗ trợ nhau khi tập luyện. Nhiều học viên sau ba tháng học làm quen đã tiếp tục đăng ký sinh hoạt. Minh Thanh - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, vừa ghi danh học mùa hè này - chia sẻ: “Quê mình ở Phú Yên, hè mình ở lại làm thêm kiếm tiền trang trải việc học. Tình cờ biết lớp võ này, mình thử đăng ký học xem sao”.

Ngoài lớp học võ miễn phí, Nhà văn hóa Thanh niên còn mở các lớp rèn luyện kỹ năng như chương trình huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội “Chúng ta đều tài giỏi” cho trẻ 7-10 tuổi trong 38 buổi, học kỳ huấn luyện hè “Xếp bút nghiên - luyện kỹ năng” cho các em 13-17 tuổi.

Mỗi dịp hè, Nhà thiếu nhi Q.10 trở thành một sân chơi sôi động với các lớp năng khiếu và kỹ năng. Về nghệ thuật, có thể kể đến các lớp múa, vẽ truyện tranh, thiết kế thời trang... Về âm nhạc thì có đàn organ, guitar. Đó là chưa kể các lớp võ thuật, thể dục nhịp điệu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, phụ trách các lớp năng khiếu, chia sẻ: “Mùa hè là thời điểm chúng tôi tăng cường hướng dẫn năng khiếu cho các em vì đây là lúc học sinh không bị việc học trên trường chi phối. Hiện Nhà thiếu nhi có khoảng 30 môn học cho các em”.

Tương tự, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM cũng mở các lớp trong hè như kỹ thuật chế biến món ăn cho tuổi teen, mô hình nhà trang trí, đan len, múa, thanh nhạc, võ tự vệ, nhảy hiện đại... Có thể kể thêm các lớp năng khiếu như cờ vua, cờ tướng, cờ vây tại Trung tâm cờ Maika với lịch học linh hoạt trong tuần ở năm cơ sở. Trung tâm này dịp hè cũng mở các lớp bơi lội, cầu lông, bóng đá, vẽ...

TỔNG HỢP NHIỀU KỸ NĂNG

undefined
Sinh hoạt sôi động ở Trung tâm Children Center - Ảnh: Children Center

Ở lớp học Tomago, song song việc chế tạo kính thiên văn, các em còn tự làm ra một trang web với đầy đủ thông tin về kính thiên văn như một trang bán hàng thực thụ. Đây là yêu cầu cuối khóa học dành cho các em. Lê Hoàng Nhật (27 tuổi, người sáng lập Tomago) cho biết: “Việc lập trang web nhằm giúp các em ứng dụng tất cả kỹ năng suốt khóa học: lập trình web, marketing, lập kế hoạch ngắn hạn, kỹ năng đàm phán... Qua đó, các em sẽ ghi nhớ kiến thức sâu hơn mà không cần thuộc lòng lý thuyết”.

Cũng chính vì vậy, các em sẽ thêm hào hứng dồn tâm sức vào “đứa con” của mình. “Trong quá trình lập web, mình sẽ hướng dẫn thêm để giúp các em bộc lộ sự sáng tạo, nhanh nhạy trong giải quyết vấn đề!” - Nhật chia sẻ. Cuối mỗi khóa, lớp Tomago sẽ có thuyết trình báo cáo kết quả của cả nhóm, một dịp tốt để các em tập nói trước công chúng.

Việc học kỹ năng không còn là điều quá mới mẻ với cả phụ huynh lẫn học sinh. Vì thế, các trung tâm đào tạo kỹ năng sống đã chú trọng giúp trẻ học xong có thể áp dụng được nhiều kỹ năng.

Chị Trần Thị Ngọc Liễu, chuyên gia tư vấn của Children Center, cho biết với lớp học “Ngày hè của bé” tại trung tâm, trẻ sẽ rèn cho mình kỹ năng phát triển lòng yêu thương, độc lập trong suy nghĩ, từ đó có thể tự lập trong các công việc đơn giản như thức dậy đúng giờ, vệ sinh, ăn uống, giải quyết một số vấn đề không quá phức tạp trong việc học và quan hệ bạn bè... Lớp học thường chia nhóm, mỗi nhóm tám em có thể chênh nhau 1-2 tuổi để dễ chia sẻ, cùng nhau làm đồ chơi, giải quyết những câu hỏi khó.

“Có vài em buồn cha mẹ vì không hiểu thế giới riêng của các em, có em thắc mắc tại sao mẹ sinh em bé thì mình không còn được mẹ thương như trước... Gặp trường hợp như vậy, thầy cô trong lớp thường chia sẻ riêng với các em về lý do, cách cư xử cho đúng. Dần dần các em thấy yêu đời, tự tin hơn rất nhiều” - chị Liễu kể.

Để học kỹ năng tính toán và vận dụng vào thực tế, các em còn được thầy cô dẫn đi siêu thị tập mua hàng. Buổi trưa sau khi học xong, các em sẽ ngồi tư thế thiền và nghe nhạc nhẹ để thư giãn.

Còn với hệ thống giáo dục CitySmart, chương trình học FasTracKids trong hai tháng giúp trẻ trang bị kỹ năng phản biện, giao tiếp, hợp tác... theo kiểu “vừa học vừa chơi”. Theo một nhân viên phụ trách chương trình, các em sẽ được học cách lật ngược vấn đề, suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau, ứng xử trong khi làm việc nhóm, trở nên dạn dĩ và sáng tạo. Điều thú vị là lớp học sẽ được ghi hình để phụ huynh có thể biết được con mình học ra sao, sau mỗi buổi học phụ huynh sẽ nhận được điện thoại, email từ người dạy báo cáo kết quả học của con.

Việc học kỹ năng kết hợp dã ngoại, sinh hoạt hội trại cũng là cách huấn luyện của một số trung tâm. Khóa học hè chín tuần của Công ty cổ phần giáo dục Titan được giới thiệu đem đến cho học sinh sự phát triển tư duy, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng kỹ năng và rèn luyện thể chất thông qua việc học toán, đánh cờ, tiếng Việt, thanh nhạc, kỹ năng đồng đội... Đây là chương trình học bán trú được những phụ huynh quá bận rộn lựa chọn.

Cũng bốn năm qua, chương trình “Vui hè quốc tế” của CitySmart trong hai tháng gồm phát triển kỹ năng và làm giàu kiến thức, kịch, nghệ thuật, tư duy ngôn ngữ... Đặc biệt là các chuyến dã ngoại vào thứ sáu, có cả trồng rau, sinh hoạt hội trại. Nhà thiếu nhi Q.10 tổ chức chương trình “Tình nguyện hè” trong bốn ngày ở Cần Giuộc (Long An) dành cho học sinh cấp II và cấp III.

Anh Nguyễn Thanh Tuân, phụ trách khoa Đội của Nhà thiếu nhi Q.10, chia sẻ: “Trong chuyến đi, các em sẽ cùng ăn cùng ở với người dân, tham gia đắp đường, đắp đê, quét dọn nhà tình nghĩa... Khi về, các em học được nhiều kỹ năng, giàu lòng nhân ái và trưởng thành hơn trong suy nghĩ”.

Đa dạng học phí

Các lớp học kỹ năng hè tùy thời gian và giáo cụ, có lớp chỉ chừng 140.000-500.000 đồng như các lớp năng khiếu, kỹ năng ở Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà thiếu nhi Q.10, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM (riêng Children Center tính theo ngày với trung bình 70.000 đồng). Với các khóa kéo dài vài tuần và hình thức học bán trú, học phí có thể lên đến 16 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, kết hợp với các trang mạng, các lớp học hè còn có hình thức mua phiếu giảm giá (voucher) để giảm khoảng 50% học phí. Ngoài ra còn có lớp học kỹ năng trực tuyến với mức giá khoảng 300.000 đồng cho nhiều độ tuổi ở địa chỉ kyna.vn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận