“Sức mạnh Siberia” và những toan tính phía sau

TƯỜNG ANH 20/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - “Sức mạnh Siberia” - dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử của Gazprom để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc - đang củng cố vị thế nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới của Nga và tăng cường đáng kể quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng hùng mạnh trải khắp hai lục địa Á - Âu.

Hệ thống đường ống khí đốt để
Hệ thống đường ống khí đốt để "khí đốt hóa toàn Nga" và xuất khẩu sang Trung Quốc trải rộng ở vùng Siberia và Viễn Đông Nga. Ảnh: Gazprom.com

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình ngày 2-12, qua một cầu truyền hình, đã cùng khai trương tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia”, đưa khí đốt từ Siberia (Nga) tới tận tỉnh Hắc Long Giang của TQ (xem box).

10 năm thương lượng

Các cuộc đàm phán của Gazprom và Công ty CNCP của TQ về xuất khẩu khí đốt từ Nga sang TQ kéo dài hơn 10 năm, nhưng một thỏa thuận chỉ đạt được vào tháng 5-2014 cho một hợp đồng 30 năm.

Theo chuyên gia Leonid Khazanov, “Sức mạnh Siberia” đã mang lại lợi nhuận cho Nga ngay cả ở giai đoạn đặt đường ống. Hầu hết các nhà sản xuất trong nước đều nhận được hợp đồng cung cấp ống có đường kính lớn. Chưa kể “Sức mạnh Siberia” đảm bảo việc làm cho 10.000 người, dù trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, với mùa đông Siberia nhiệt độ có lúc xuống dưới âm 500C.

Giờ đây, Nga đang tiếp cận thị trường khí đốt tăng trưởng nhanh nhất thế giới: nhu cầu khí đốt TQ tăng 10% trong năm 2019, tương đương 30 tỉ m3. Để giảm ô nhiễm môi trường, TQ buộc phải từ chối than đá để chọn năng lượng sạch hơn.

Về chi phí của dự án, theo Gazprom, hơn 600 tỉ rúp (9,4 tỉ USD) đã được đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng đường ống. Tổng chi phí của dự án, từ việc lắp đặt đường ống đến xây dựng Nhà máy xử lý khí Amur, trang thiết bị, phát triển các mỏ Kovykt và Chayandinsky, có thể lên tới 3.000 tỉ rúp (47,1 tỉ USD).

Mặt khác, khí được bơm vào các đường ống đến châu Á dẫn tới cạnh tranh lớn hơn trên thị trường năng lượng, bao gồm việc khai thác khí hóa lỏng (LNG). Ở châu Á hiện nay chưa có đủ nhu cầu về LNG, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây sụt giảm doanh số LNG.

Tình trạng ứ đọng hàng hóa ở châu Á đã đưa các nhà sản xuất LNG quay sang châu Âu. Vì vậy, khí đốt bơm vào đường ống làm tăng thêm cạnh tranh. Trong điều kiện này, “Sức mạnh Siberia” là một vấn đề cho các nhà sản xuất LNG châu Á.

Với TQ, “Sức mạnh Siberia” cũng mang tới lợi ích trực tiếp: không có “một Ukraine” nào giữa Nga và TQ. Nguồn năng lượng cho TQ sẽ chảy ổn định ít ra là trong ba thập niên tới và dự án năng lượng này sử dụng tiền tệ của hai quốc gia, chứ không phải thông qua đồng đôla Mỹ, đồng tiền đã kiểm soát sản xuất và mua bán năng lượng suốt nửa thế kỷ qua.

Ngoài việc chuyển sang năng lượng sạch, điều quan trọng nhất là TQ được đảm bảo nguồn cung khí đốt, đặc biệt là vào mùa đông. Trước đó đã có các báo cáo về tình trạng thiếu khí đốt từ Trung Á (hiện TQ đang nhập khí đốt từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan qua ba tuyến đường ống khác nhau, nhưng tổng công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu năng lượng tăng nhanh của nước này).

Cuộc đàm phán cung ứng khí đốt kéo dài này được “chốt hạ” đúng thời điểm Nga nhận các lệnh trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014, và giá bán được giữ tuyệt mật là gợi ý cho thấy ai đã giành được lợi ích lớn nhất trong hợp đồng này.

Trả lời Reuters hồi tháng 10-2019, phó chủ tịch Petrochina Ling Xiao (Lăng Tiêu) chỉ úp mở rằng giá bán khí đốt của Nga “rẻ hơn của Turkmenistan”. Không ít nhà phân tích còn tỏ ra bi quan cho việc thu hồi vốn của Nga, với giá bán “tuyệt mật” có thể có nghĩa là “bèo bọt”.

Phân tích phát biểu của ông Tập tại lễ khai trương tuyến đường ống trên cầu truyền hình vào ngày 2-12, tờ Tygodnik Solidarność (Ba Lan) nhận định: “Ông Tập nói về ý nghĩa kinh tế của khoản đầu tư, ý nghĩa môi trường của nó (các tỉnh phía bắc TQ đang phải vật lộn với vấn đề khói bụi) và an toàn khai thác.

Điểm “củng cố tình hữu nghị” chỉ nằm ở vị trí thứ tư. Có nghĩa Bắc Kinh không quá chú ý đến các khía cạnh chiến lược của dự án như Matxcơva”. Nói cách khác, bài báo nhận định “Sức mạnh Siberia” không có ý nghĩa chiến lược: trong năm nay, TQ sẽ mua 305 tỉ m3 khí đốt từ các nhà cung cấp nước ngoài (so với 5 tỉ m3 trong năm 2020 và tổng cộng 38 tỉ m3 mà toàn tuyến “Sức mạnh Siberia” mang tới trong tương lai), có nghĩa Nga hiện chỉ cung ứng 1-2% tổng lượng nhập khẩu của TQ và trong tương lai không quá 10%.

Có lẽ vì thế TQ không vội xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực đông bắc đất nước, nơi đường ống của Nga đi qua. Trong buổi khai trương, TQ quả có nói về kế hoạch mở rộng mạng lưới giao thông cho phép nhiên liệu của Nga chảy tới Thượng Hải, nhưng kế hoạch vẫn nằm trên giấy”.

“Khí đốt hóa toàn Nga”

Không có ý nghĩa chiến lược với TQ, nhưng rõ ràng “Sức mạnh Siberia” có ý nghĩa chiến lược với Nga. Sức mạnh của nó không chỉ nằm ở chỗ đa dạng hóa tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt, mà còn là sự đóng góp cho “Chương trình khí đốt phương Đông” (khí hóa Đông Siberia và Viễn Đông, sản xuất khí hóa lỏng và khí heli tại Nhà máy xử lý khí Amur) và “Khí đốt hóa toàn Nga”: Nga đang có tham vọng trong vòng 10 năm, tức đến 2030, sẽ hoàn tất “Khí đốt hóa toàn Nga”, một dự án sẽ tiêu tốn hơn 1.000 tỉ rúp (15,7 tỉ USD).

Thậm chí còn ý nghĩa hơn thế là vấn đề địa chính trị và chính sách đối ngoại. 10 năm trước, Nga sở hữu trữ lượng khổng lồ khí đốt tự nhiên nhưng chỉ có thị trường độc nhất là châu Âu. Không chỉ thế, Nga còn không cung ứng được khí đốt trực tiếp cho các bạn hàng EU, mà phải trung chuyển qua Ukraine hoặc Belarus và Ba Lan. Đây là một “cám dỗ” lớn với các “quốc gia quá cảnh”, kể cả những láng giềng thân thiết như Belarus.

Đầu tiên, không ai có ý định thay thế hệ thống trung chuyển khí đốt ở Ukraine hay Belarus - Ba Lan. Nhưng rồi Maidan nổ ra ở Ukraine và nhìn từ quan điểm của các thị trường năng lượng, đối với người bán là Nga và người mua là các quốc gia châu Âu, Maidan Ukraine là một thảm họa. Tình hình chính trị khiến đường ống dẫn khí Nga - Tây Âu không còn được bảo đảm.

Chính quyền Ukraine ngày càng đưa ra nhiều hạn ngạch trung chuyển khác nhau, gây khó khăn cho việc Nga hoàn tất nghĩa vụ cung ứng khí đốt cho bạn hàng châu Âu. Chính vì lý do này, Nga bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng những tuyến đường ống mới, không chỉ “Sức mạnh Siberia” mà còn có “Dòng chảy phương Bắc 2” (qua biển Baltic) và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Giải quyết cuộc tranh cãi với Ukraine

Ukraine kiếm được 3 tỉ USD mỗi năm nhờ vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu và muốn duy trì việc làm ăn này bằng một thỏa thuận 10 năm mới, trong đó Nga cung cấp 60 tỉ m3 khí mỗi năm.

Năm ngoái, Gazprom đã chuyển 87 tỉ m3 - hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của tập đoàn này sang Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ - qua mạng lưới đường ống do Tập đoàn Naftogaz của Ukraine vận hành. Nay Gazprom đề nghị ký thỏa thuận quá cảnh một năm với mức giá cùng có lợi, chấm dứt kiện tụng kéo dài và cũng thúc giục Ukraine mua lại khí đốt của Nga, điều Ukraine đã tạm ngưng từ năm 2015.

Tuy nhiên, Naftogaz lại muốn ký hợp đồng dài hạn với Gazprom trước khi Nga hoàn thành việc xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ukraine cũng muốn Gazprom trả hết khoản nợ 3 tỉ USD theo quyết định của Tòa án Stockholm và Kiev sẵn sàng chấp nhận khí đốt thay cho tiền.

Để giành chiến thắng trong cuộc tranh chấp với Nga, Naftogaz đã tuân thủ các yêu cầu của châu Âu về việc tách các công ty sản xuất và vận chuyển khí đốt với hi vọng thu hút đầu tư quốc tế vào việc quản lý kho dự trữ và đường ống dẫn khí dài 35.000km của họ, một trong những mạng lưới dẫn khí lớn nhất ở châu Âu.

Châu Âu từng có kinh nghiệm “đau thương” khi việc cung ứng khí đốt từ Nga bị gián đoạn trong ba tuần vào năm 2009, do tranh cãi về giá cả vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga. Balkan là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, các chính quyền phải hạn chế tiêu thụ khí đốt, đóng cửa nhà máy và cúp điện.

Slovakia thậm chí nghĩ đến việc khởi động một nhà máy điện hạt nhân thời Liên Xô mà họ đã đóng cửa để được gia nhập EU. Không muốn tái diễn cảnh đó, EU bắt đầu phát triển mạng lưới các thiết bị đầu cuối cho khí tự nhiên hóa lỏng và đang thực hiện các bước để đảm bảo những quốc gia dễ tổn thương ở Đông và Đông Nam Âu, như Bulgaria, được tiếp cận các nguồn khí thay thế.

Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp chính, vì sản xuất trong nội bộ châu Âu đang giảm và chỉ chiếm khoảng 37% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ nội khối.

Kremlin thừa nhận việc cung cấp khí đốt cho châu Âu gián đoạn sẽ làm giảm uy tín của Nga như một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy. Nhưng Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bởi việc giao hàng qua Ukraine không còn quá quan trọng. Đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dưới đáy biển Baltic sẽ sớm được hoàn thành, cho phép cung cấp trực tiếp hằng năm lên tới 55 tỉ m3 cho Đức, tăng gấp đôi công suất hiện tại.

Ngoài ra, khí đốt của Nga sẽ được chuyển qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ - có thể đến Đông Nam Âu - thông qua “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, dự kiến khai trương đầu năm 2020. Nếu hai tuyến mới hoạt động hết công suất, Gazprom có thể không quá quan tâm đến hạ tầng của Naftogaz. Giờ với đường ống mới dẫn khí sang TQ, áp lực “quá cảnh” Ukraine lại càng giảm. Chính vì vậy, nhà phân tích năng lượng Andrew Hill bình luận trên Washington Post rằng hợp đồng khí đốt với TQ là “cuộc hôn nhân có tính toán” của Nga.■

Tổng chiều dài của tuyến đường “Sức mạnh Siberia” mất 5 năm xây dựng là 3.000km. Hiện nhánh đầu tiên đã được đưa vào vận hành, từ Chayandinsky ở Yakutia đến Blagoveshchensk của Nga, rồi vượt sông Amur sang tỉnh Hắc Long Giang của TQ. Sau đó là nhánh thứ hai (khoảng 800km) từ Kovykt đến Chayandinsky.

Hợp đồng về trữ lượng cung ứng cụ thể của Gazprom là 5 tỉ m3 cho năm 2020, 10 tỉ m3 năm 2021, 15 tỉ m3 năm 2022 và đến năm 2025 “Sức mạnh Siberia” sẽ đạt công suất dự kiến 38 tỉ m3/năm (một phần dành cho tiêu thụ nội địa ở Viễn Đông Nga). Không chỉ thế, hồi tháng 4-2019, ông Putin và ông Tập đã giao cho cấp dưới tăng tốc phê duyệt và thực hiện “Sức mạnh Siberia 2”, với cơ sở là mỏ khí Yamal.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận