Tận dụng nội lực

LÊ NGUYÊN MINH 19/09/2011 21:09 GMT+7

TTCT - Tin rằng việc bốn quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trở thành một điểm đến sẽ mang lại một sản phẩm du lịch hấp dẫn bậc nhất của khu vực, nhưng để điều này trở thành thực tế, theo nhiều chuyên gia, cần có cách làm đột phá. Cách làm ấy phải dựa trên việc tận dụng triệt để nội lực thay vì trông chờ những nguồn đầu tư bên ngoài.

Bốn quốc gia - một điểm đến: Đi tìm những kết nối thỏa đáng

Cho rằng ý tưởng liên kết bốn quốc gia thành một điểm đến là “rất thông minh”, ông Ando Katsuhiro, chuyên gia phát triển du lịch thuộc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận định du khách Nhật chắc chắn sẽ thích mua tour trọn gói đi đến bốn quốc gia này. Theo ông, việc liên kết điểm đến này sẽ giúp sản phẩm du lịch các nước vừa bổ sung cho nhau, vừa làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nên sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Tìm vốn để giải quyết nút thắt

Gặp nhau tại Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch “Bốn quốc gia - một điểm đến” diễn ra ngày 13-9 tại TP.HCM, đại diện lãnh đạo ngành du lịch bốn nước đều cho rằng nguồn vốn đầu tư đang là vấn đề nan giải hiện nay. Thiếu vốn là lý do khiến các dự án hạ tầng phục vụ ngành du lịch giậm chân tại chỗ. Không chỉ các điểm du lịch nổi tiếng trong từng nước không được kết nối mà giữa các nước cũng khó khăn.

“Một điểm du lịch hấp dẫn cỡ nào đi nữa mà không có đường kết nối hoặc đường đến quá xấu sẽ làm nản lòng du khách”, giám đốc một hãng lữ hành chuyên về khách Nhật ở TP.HCM nói.

Lấy ví dụ về quãng đường đưa du khách từ TP.HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hay ra các bãi biển ở Phan Thiết, vị giám đốc này cho rằng đoạn đường không dài nhưng phải mất 4-8 tiếng đồng hồ là quá nhiều và đầy mệt mỏi đối với những du khách có tiền và muốn được phục vụ tốt như người Nhật. Khó khăn này cũng được các nhà lãnh đạo ngành du lịch Lào và Myanmar chia sẻ bởi họ cũng đang đối diện vấn đề tương tự.

Còn phó tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư thuộc Hội đồng phát triển Campuchia, ông Chea Vuthy, cho rằng nước này cần nguồn vốn lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng nhưng “vốn nhà nước không thể đủ” và cần sự tham gia từ các công ty tư nhân.

Đây chính là điểm vướng mắc chung mà cả bốn quốc gia đều đang đối diện. Nhiều ý kiến cho rằng dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước là điều không khả thi trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Vì thế, thu hút vốn tư nhân là một trong những cách làm khả dĩ nhằm đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Lâu nay thông thường nhà nước sẽ bỏ vốn ra làm cầu, đường nhưng ngân sách eo hẹp nên các dự án thường chậm. Vì thế, hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực này đang được xem là giải pháp “mở lối” triển vọng hơn cả.

Chờ những chính sách mang tính kích thích

Nhưng gọi vốn tư nhân cũng chỉ mới là một vế của câu chuyện mà việc cần khuyến khích thúc đẩy hơn là biết tận dụng sức mạnh chung của bốn nước dù còn là những nước nghèo trong khối ASEAN. Hợp sức, bổ sung cho nhau là cách mà ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia từng hợp tác trong việc tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch. Ý tưởng này cần tiến xa hơn trong chương trình “Bốn quốc gia - một điểm đến”.

Chẳng hạn như việc tận dụng nội lực của các doanh nghiệp trong bốn nước này để đầu tư phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Việc Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh (Việt Nam) hồi đầu năm nay đã bỏ ra 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria ở một số điểm du lịch Việt Nam và ở Siem Reap, Campuchia được cho là một cách làm hay trong việc kết nối các điểm đến, tạo dựng một thương hiệu du lịch đồng nhất hiện diện xuyên suốt các quốc gia.

Chia sẻ ý tưởng này, ông Trần Hùng Việt, tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết vừa kết thúc một chuyến khảo sát ở Campuchia và Lào nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động của Saigontourist tại hai quốc gia này. Saigontourist dự kiến đầu tư một khách sạn và đẩy mạnh hoạt động lữ hành ở Campuchia. Theo ông Việt, Myanmar cũng nằm trong kế hoạch này.

“Nhưng trước khi đầu tư phải đẩy mạnh hoạt động của các công ty lữ hành, du lịch, đưa du khách các nước tham quan lẫn nhau nhiều hơn để tăng cầu” - ông Việt nói. Chính việc khuyến khích tăng sự đi lại của du khách giữa bốn nước đã là một cách tận dụng nội lực. Thiếu thông tin, thiếu những chương trình kích thích du lịch giữa bốn nước là một sự lãng phí rất lớn về nội lực. Vì thế, ông Việt cho biết trong chương trình quảng bá mới của toàn hệ thống Saigontourist, thông tin về bốn nước nói chung, Myanmar nói riêng sẽ được chú trọng hơn.

Việc tạo điều kiện để tăng đầu tư của các doanh nghiệp giữa bốn nước là cách tận dụng nguồn vốn trong “nội khối” này được đánh giá là khả thi, mà điển hình nhất là đầu tư của Việt Nam tại Campuchia và Lào. “Nội lực của các doanh nghiệp không phải đều kém, vấn đề là chính phủ các nước cần có chính sách kích thích thích hợp để doanh nghiệp thấy có lợi là làm” - chủ một doanh nghiệp bất động sản nói.

Theo doanh nhân này, một khi đã kéo được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào khách sạn, khu nghỉ mát thành chuỗi, thành hệ thống gắn bó ở bốn nước thì sự liên kết sẽ tự nhiên được hình thành. Nhưng nếu đầu tư một khách sạn ở Myanmar mà phải chờ 15-20 năm mới thu hồi vốn thì trong tình hình lãi suất cao hiện nay, không doanh nghiệp nào dám đầu tư nếu không có chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

“Bây giờ hỏi chúng tôi có tiềm năng không thì rõ là có, nhưng rất ít doanh nghiệp đủ khả năng bỏ tiền đầu tư hoàn toàn. Nhà nước không cần làm hết tất cả nhưng phải đi đầu, phải làm điều gì đó trước như ra một chính sách ưu đãi mang tính dẫn đường, kích thích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm bước tiếp theo, chứ không thể hô hào động viên suông” - doanh nhân này nói thẳng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận