Tăng học phí, nên từ năm học 2010-2011

LÊ MINH TIẾN 16/05/2009 11:05 GMT+7

TTCT - Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2009-2012” sẽ được bộ GD-ĐT trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc ngày 20-5.

Phóng to
GS Nguyễn Minh Thuyết - V.Hà

Trong đề án này, nội dung “nóng” nhất là học phí, đặc biệt là học phí Đại học - Cao đẳng, sẽ có những thay đổi quan trọng. Sau khi thẩm tra đề án, GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đánh giá:

Về quan điểm cá nhân, tôi thấy đề án đã đưa ra được giải pháp hợp lý hợp tình. Tuy nhiên, đề án chưa phân biệt khu vực giáo dục phổ cập (lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở) với khu vực mở rộng (các lớp mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, trung học phổ thông).

Theo tôi, đối với khu vực giáo dục phổ cập thì ngân sách nhà nước gánh vác là chính, sự chia sẻ của người dân thông qua học phí nên ở mức thấp để tiến tới miễn học phí cho dân. Còn với khu vực mở rộng thì nên xác định mức học phí hợp lý. Ví dụ, học phí của trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề - những nhánh rẽ sau trung học cơ sở - không nên quá chênh lệch. Có như vậy mới khuyến khích được học sinh học nghề.

Một điều băn khoăn nữa là mức học phí của các trường ngoài công lập, nhất là trường đại học. Trong đề án do Bộ GD-ĐT dự định không quy định mức trần học phí cho các trường ngoài công lập nên dễ dẫn đến chỗ thu chi tùy tiện, biến giáo dục thành món hàng kinh doanh lợi nhuận cao.

Cũng theo đề án, sẽ tiếp tục duy trì việc bao cấp cho sinh viên các trường an ninh, quốc phòng, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Khoản bao cấp này chiếm tới 11,6% ngân sách giáo dục (trong khi kinh phí cho toàn bộ khối đại học, cao đăng chỉ chiếm 8,91%, khối dạy nghề 6,70%, trung cấp chuyên nghiệp 2,62% và khối trung học phổ thông là 10,33% ngân sách giáo dục). Theo tôi, những quyền lợi ưu tiên nên thể hiện bằng các chế độ khác, không nên miễn phí, bao cấp như vậy mới công bằng.

* Theo ông, học phí phổ thông mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong đề án này có phù hợp với thực tế hay không khi dự kiến các khoản chi cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập của hộ gia đình?

- Bộ GD-ĐT xác định nguyên tắc này trên cơ sở khảo sát chi phí cho con đi học của người dân ở một số nước. Theo kết quả khảo sát của bộ, bình quân chi phí cho con đi học phổ thông ở mười nước phát triển và đang phát triển được khảo sát (úc, Đức, CH Czech, Nhật, Hàn Quốc, Mexico, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Philippines) là 5,74%.

Ở VN, nếu theo nguyên tắc Bộ GD-ĐT đưa ra, tính ra một gia đình thu nhập bình quân 2.000.000 đồng/tháng phải chi cho con đi học 120.000 đồng/tháng. Gia đình có thu nhập bình quân dưới 650.000 đồng/tháng không đủ tiền cho con đi học sẽ được miễn học phí, thu nhập bình quân dưới 508.000 đồng/tháng được ngân sách nhà nước cấp bù từ 13.000-50.000 đồng/tháng...

Giải pháp này, theo tôi, là hợp lý hợp tình. Ngân sách nhà nước chi 20% cho giáo dục, mỗi nhà chi 6% cũng là bình thường. Chỉ có điều chưa rõ là thu nhập bình quân của các hộ được tính theo cách nào và 6% là chi phí cho mỗi người con hay tất cả các con trong gia đình đi học. Nếu một gia đình có hai con đi học phải chi 12% thì con số đó cũng khá lớn.

* Học phí mới cho bậc đại học, cao đẳng sẽ tăng từ mức 120.000-180.000 đồng lên mức từ 230.000-800.000 đồng/tháng liệu có phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân?

- Mỗi năm nước ta chỉ có chừng 10% học sinh tốt nghiệp phổ thông được vào đại học, cao đẳng. Không tăng học phí để bù đắp cho ngân sách có nghĩa là phải lấy đóng góp của toàn dân trợ giúp 10% này, trong đó có cả những sinh viên xuất thân từ các gia đình thu nhập khá hoàn toàn có khả năng và cũng sẵn sàng đóng góp để bảo đảm điều kiện học tập tốt hơn cho con em mình. Vấn đề làm nhiều người băn khoăn là khả năng chi trả của sinh viên nghèo thì nay Chính phủ đã giải quyết được bằng cách cho sinh viên vay tín dụng.

Sinh viên thuộc diện chính sách hoặc hộ nghèo được miễn học phí hoặc được giảm 50-70% học phí. Sinh viên học giỏi còn được học bổng khuyến khích học tập... Khung học phí tăng như thế là sát với chi phí đào tạo thực tế.

Tuy nhiên, trần của khung học phí mới ở đại học, cao đẳng cao gấp 3, 4 lần mức trần hiện nay và gấp 5, 7 lần mức sàn hiện nay. Học phí của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng cao hơn mức hiện nay nhiều. Việc tăng học phí đột ngột như vậy chắc khó được người dân đồng tình.

* Ông đánh giá thế nào quan điểm coi tăng học phí là một giải pháp để tăng chất lượng đào tạo của giáo dục đại học? Theo ông, phải mất bao lâu sau khi tăng học phí, chất lượng đào tạo mới thay đổi được?

- Bộ GD-ĐT đã xác định khá rõ trong đề án là trách nhiệm của cơ sở GD-ĐT phải “đảm bảo tương quan giữa chất lượng đào tạo và nguồn tài chính được sử dụng”. Không thể nghĩ đơn giản rằng tháng này tăng học phí, tháng sau chất lượng đào tạo sẽ thay đổi ngay, nhưng người dân không thể chấp nhận tăng học phí mà chất lượng đào tạo không tăng hoặc tăng rất chậm. Chính vì vậy, theo tôi, học phí không nên tăng đột ngột mà phải tăng dần theo lộ trình, mỗi năm khoảng 20-30% mà thôi, kèm theo đó là lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo được xác nhận bằng sự kiểm định thường xuyên.

* Bộ GD-ĐT đề nghị áp dụng mức tăng học phí mới cho năm học 2009-2010, theo ông đã phù hợp chưa?

- Theo tôi, cần cân nhắc cho kỹ. Nhân dân đang trải qua những thử thách rất khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Nhà nước đang áp dụng nhiều chính sách khoan sức dân. Những chính sách giảm thu thì nên áp dụng ngay, còn các chính sách tăng thu thì nên để một thời gian cho người dân chuẩn bị. Vì vậy, theo tôi, khoan áp dụng vào năm học tới, nên để đến năm học 2010-2011 thì hợp tình hợp lý hơn. Trong tình huống bất khả kháng, nếu phải tăng học phí từ năm học 2009-2010, thì mức tăng không nên quá 25% so với mức trần học phí hiện nay.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Tại sao lại là 6%?

Chúng tôi hoàn toàn không hiểu dựa vào đâu để Bộ GD-ĐT đưa ra con số “mức học phí không quá 6% thu nhập bình quân hộ gia đình”. Con số 6% này được tính toán như thế nào? Câu hỏi kế tiếp là tại sao lại dựa vào thu nhập bình quân mà không dựa vào các chỉ tiêu khác?

Ai cũng biết trong thống kê, có ba chỉ số thể hiện giá trị đại diện của biến số (thu nhập chẳng hạn) là mốt (mode), trung vị (median) và bình quân/trung bình (mean). Trong ba đại lượng này thì bình quân/trung bình là con số mang tính cào bằng và không đáng tin cậy. Một ví dụ rất quen thuộc là có hai người, trong đó có một người ăn hết hai con gà và người còn lại nhịn đói, thế nhưng tính bình quân thì mỗi người ăn được một con gà.

Bộ GD-ĐT đưa ra cách tính học phí dựa trên thu nhập bình quân là điều cần phải xem lại vì đã không tính đến độ biến thiên trong thu nhập, tức chênh lệch về thu nhập trong dân số. Chẳng hạn với TP.HCM, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 2.500 USD (www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/13823/) và nếu chỉ dựa vào mức thu nhập để xác định học phí phải đóng là điều không thuyết phục xét về mặt khoa học.

Bởi còn cần phải trả lời mức thu nhập mốt của người dân TP.HCM là như thế nào, tức thu nhập bình quân là 2.500 USD nhưng mức thu nhập nhiều người có nhất (tức thu nhập mốt) chỉ là 1.500 USD thì nếu tính học phí là 6% của thu nhập bình quân (tức phải đóng 150 USD/tháng, tức 6% của 2.500 USD) thì sẽ có rất nhiều người phải đóng học phí cho con ở mức 10% thu nhập hăng tháng (150 USD bằng 10% của 1.500 USD) chứ không phải tối đa là 6% như đề án của Bộ GD-ĐT.

Vậy tại sao mức học phí không được xác định theo thu nhập mốt hay thu nhập trung vị mà lại dựa theo thu nhập bình quân?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận