'Theo dòng Quây Sơn, chỗ nào mà không đẹp'

THÁI LỘC 06/04/2019 02:04 GMT+7

Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng là địa danh đã quá quen thuộc với “dân” du lịch. Nhưng nhận xét của một người bạn rằng “đuổi theo dòng Quây Sơn, chỗ nào mà không đẹp” cứ thôi thúc tôi tìm đến Phong Nậm.

Cảnh sắc hữu tình. Ảnh: Thái Lộc
Cảnh sắc hữu tình. Ảnh: Thái Lộc

Quả thật, núi non, suối, thác, làng mạc, ruộng đồng ven sông Quây Sơn (xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) dẫn tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Từ thị trấn Trùng Khánh, chúng tôi lên xe máy theo đường tỉnh 211 chừng 10km, rẽ trái vào con đường nhỏ để đến Phong Nậm.

Cánh đồng hoa tam giác mạch hớp hồn du khách. Ảnh: Thái Lộc
Cánh đồng hoa tam giác mạch hớp hồn du khách. Ảnh: Thái Lộc

Điều bất ngờ đầu tiên là một cánh đồng hoa tam giác mạch đang rộ nở với một màu trắng ươm hồng nằm ven đường, trải dài đến bờ sông làm nền cho một thung lũng với hai dãy núi đá vôi cao ngất nối tiếp hai bên. Chủ nhân là một thanh niên người Tày cho hay loại cây này trước đây chủ yếu được trồng xen giữa các vụ ngô và rau màu để cho lợn ăn. Song gần đây, tam giác mạch trở thành loại rau xanh và bột ngũ cốc được ưa chuộng nên được người dân trồng nhiều.

Theo hướng ngược dòng sông Quây Sơn tiến vào thung lũng, từng bản làng nối tiếp nằm ven chân các dãy núi, phía trước là những cánh đồng xen kẽ những lũy tre xanh um. Trên tuyến đường này, có không biết bao nhiêu thung lũng mở ra từ những dãy núi cao ngất, điệp trùng như thế, phía dưới là cánh đồng hẹp có sơn nữ làm đồng bên những con ngựa, con trâu đang gặm cỏ. Thỉnh thoảng bắt gặp những tiều phu gánh củi về từ chân núi, trở thành những khung hình tuyệt đẹp trong buổi chiều tà.

Góc bình yên.  Ảnh: Thái Lộc
Góc bình yên. Ảnh: Thái Lộc

Đang say sưa với cảnh sắc trên đường, chúng tôi bỗng nghe ầm ầm từ phía trái. Đó là một ngọn thác lớn, với những cột nước trắng xóa chảy len trên những tảng đá lớn cỏ rêu xanh đầy. Không chỉ thích thú với những dòng nước tuôn xối xả kia, đoạn hạ nguồn của con thác mới đáng nhìn ngắm hơn cả: dòng nước xanh như ngọc bích len lỏi qua mấy ghềnh đá, lượn một vòng rồi ẩn khuất sau mấy rặng tre. Ngọn thác này không có tên riêng, được người dân địa phương gần đó gọi theo tên làng mình. Dân làng Đà Bè phía đầu nguồn thì gọi là thác Đà Bè. Còn dân Nà Hâu cách chân thác không xa thì gọi là thác Nà Hâu...

Góc thác nước đẹp. Ảnh: Thái Lộc
Góc thác nước đẹp. Ảnh: Thái Lộc


Điều mà anh bạn đi cùng thích thú, mê mẩn nhất ở Phong Nậm vẫn là tre và núi. Tre ở đây được trồng từng bụi lớn, rẽ đều và vươn rộng, từng bụi nối tiếp thành dãy dài, làm nền cho dãy núi đá cao ngất. Nối tiếp với làng là những cánh đồng ngô, tất cả soi bóng lên mặt nước sông tạo nên cảnh sắc ngẩn ngơ lòng người và trở thành những khung hình tuyệt đẹp.

Phong Nậm nằm giữa các xã Ngọc Khê, Ngọc Chung và Khâm Thành, cách thị trấn Trùng Khánh chừng 5km, phía bắc là đường biên giới tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Dân cư trong xã chủ yếu là người Tày và một ít người Nùng sinh sống trong những bản làng chừng 20-30 hộ dân quây quần.

Làng quê bình yên sẽ để lại cho du khách nhiều cảm xúc. Ảnh: Thái Lộc
Làng quê bình yên sẽ để lại cho du khách nhiều cảm xúc. Ảnh: Thái Lộc

Chúng tôi len lỏi vào những ngôi làng để khám phá cách sinh hoạt của người dân địa phương. Tại làng Pác Nông với 23 căn nhà sàn Tày đặc trưng với những nếp mái bằng ngói máng (âm dương) màu nâu thẫm nối tiếp nhau. Mỗi ngôi nhà cao chừng 7-8m, luôn gồm 2 phần: phần sàn và các bậc tam cấp chủ yếu xây bằng đá núi trát vữa để nhốt trâu bò. Cuộc sống gia đình ở bên trên, bao quanh là tường gỗ hoặc tre đan, hệ thống rường cột chia nhà thành ba gian: gian giữa thờ tự, nơi có bếp lửa phía trước dành để tiếp khách. Các phòng ngủ được ngăn hai bên, có phòng nam, phòng nữ và sắp xếp theo thứ bậc...

Tiếc là Phong Nậm hiện chưa có homestay đón khách lưu trú. Khi đến đây, mọi người đừng ngần ngại nếu muốn qua đêm, trải nghiệm cùng cuộc sống người dân. Người Tày ở đây rất dễ gần, hòa đồng và hiếu khách. Hầu hết những ngôi nhà chúng tôi ghé vào, đàn ông luôn mời dùng trà nước và rượu ngô. Nhiều gia chủ rất thiệt tình mời ở lại dùng bữa cùng gia đình. Họ luôn có sẵn trong nhà những loại thức ăn như lạp xưởng, thịt heo gác bếp và măng rừng...

Để đến Phong Nậm, từ Hà Nội có thể đi xe lên TP Cao Bằng, hoặc chuyến xe giường nằm chạy đêm từ Mỹ Đình đi Trùng Khánh. Tại thị trấn Trùng Khánh có nhiều khách sạn đầy đủ tiện nghi, nhà hàng, quán xá và dịch vụ thuê xe máy...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận