​Thời buổi gì lạ quá mấy chú?

LÊ MINH TÚ (LONG AN) 27/05/2015 21:05 GMT+7

Trưa thứ bảy qua phòng trọ đứa bạn chơi. Đang nằm nhắm mắt để đó chứ không ngủ được vì nóng quá thì nghe một giọng miền Nam rất thân quen: “Có gì bán không chị?”

Mở mắt ra thì thấy chị chủ nhà trọ đang phơi quần áo nơi khoảng sân chung bé xíu và đầy nắng trước nhà. Những chiếc quần áo nhiều màu và bé xíu của cô con gái chừng 3-4 tuổi được chị giăng đầy dây phơi với sự ân cần, trìu mến của người mẹ trẻ.

Trong khi người mẹ trẻ đang tập trung cho những chiếc áo cuối cùng thì cô ve chai vẫn đứng đợi phía ngoài khung cửa với hi vọng sẽ mua được món đồ nào đó. “Có gì bán không chị?”. Cái giọng miền Nam ấy vang lên vài bận nữa thì người mẹ trẻ mới tạm hài lòng cho sự thẳng thớm nhất có thể của những chiếc áo đang còn ướt nhẹp trên dây phơi.

Không biết gương mặt và thái độ lúc đó thế nào, người mẹ trẻ bước nhanh về phía cổng. “Tách!”. Không nói một lời, người mẹ trẻ ấy bấm khóa cửa rồi vội quay lưng vào trong nhà.

Cô ve chai quầy quả đạp xe đi. Hẻm trưa hun hút nắng, tôi không biết có giọt nước mắt nào rơi hay không. Mà nếu có thì cũng không làm sao tôi thấy được: chúng sẽ bốc hơi ngay dưới cái tiết trời này. Nhưng tổn thương thì không tránh khỏi dù ít hay nhiều!

Vì sao người ta lại ngày càng nghi kỵ và mất dần sự tử tế dành cho nhau? Tôi đã tìm cho mình nhiều câu trả lời, nhưng thật tình tôi chẳng hài lòng với câu trả lời nào cả. Mỗi lý do tôi đưa ra có vẻ rất bề nổi, chưa chạm đến cội rễ của vấn đề. Lừa gạt, trộm cướp thì thời nào cũng có.

Cẩn thận không bao giờ là thừa. Nhưng cẩn thận đến mức đánh mất đi sự tử tế của mình như thế, làm tổn thương người khác như thế thì có còn bình thường nữa không, có thể xem đây là hệ lụy của một lối sống nào hay không?

***

- Cái thời buổi gì lạ quá mấy chú?

Buổi cà phê sáng chủ nhật của tôi sẽ nhẹ nhàng biết bao nếu không bất ngờ gặp phải câu hỏi đó.

Đó là câu nói được thốt ra từ người đàn bà bán vé số lần đầu tiên tôi gặp mặt. Bà chừng 60 tuổi, trông rất đáng thương với chiếc nón lá bung vành, áo bà ba nâu bạc thếch, cái quần vải đen “ống treo ống trễ” cùng đôi dép tổ ong thâm xì. Tôi buộc lòng phải tả nhiều về bà một chút để mọi người dễ hình dung và không nhầm lẫn.

Bạn biết đó, ở thành phố nhỏ tôi đang sống có vô số người bán vé số. Một phần trong số họ là mấy cô trẻ trẻ, có cô đi xe tay ga. Mấy cô này chỉ việc rà rà đến mấy anh mấy bác trung niên, ỏn a ỏn ẻn vài câu thì mấy anh, mấy bác này mua giùm đến cái gì luôn chứ nói chi mấy tờ vé số.

Tôi còn băn khoăn chưa biết nói sao thì người đàn bà nghèo khổ với ánh mắt ngơ ngác những nỗi niềm muốn gởi trao nói tiếp:

- Tui vái trời phật cho tui trúng một tờ vé số độc đắc, trúng xong rồi tui chết cũng được.

- Gì kỳ vậy, trúng sao không sống mà hưởng, chết làm gì - ông bạn cà phê của tôi cười cười nhìn bà.

- Tui khổ quá chú, muốn trúng rồi để lại cho mấy đứa cháu - bà ngồi xuống thềm gạch, đưa xấp vé số cho chúng tôi - Tui già vầy mà phải nuôi bốn đứa cháu nội ngoại. Hai đứa con có chồng vợ khác, nó bỏ cho mình nuôi muốn chết. Mà không phải nhà tui không đâu, tui thấy nhiều người như vậy lắm.

Trai gái bây giờ nó cưới nhau rồi bỏ nhau, bỏ con cái dễ dàng quá. Cái thời buổi gì mà lạ quá mấy chú?

Tôi gởi tiền và xấp vé số về lại phía bà sau khi đã chọn được hai tờ. Bà nói lời cảm ơn rồi chậm rãi đứng dậy, khó nhọc bước đi, không quên để lại cho chúng tôi một câu hỏi khó giải đáp: “Cái thời buổi gì mà lạ quá mấy chú?”.

Nhìn theo dáng bà, ông bạn cà phê của tôi bảo:

- Xã hội bây giờ khuyến khích người ta ăn chơi, hưởng thụ ghê lắm. Mày thấy đó, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên như nấm; bao cao su, thuốc kích dục thì ở đâu và mua bao nhiêu cũng có; lại thêm phim ảnh, Internet, điện thoại thông minh, việc làm quen, hẹn hò cũng quá dễ dàng. Nói chung bây giờ con người ta sống hưởng thụ nhiều hơn, dễ dàng gạt đi sự hi sinh, trách nhiệm của mình...

***

Hai ngày cuối tuần của tôi trôi qua nặng trĩu với những câu hỏi vậy đó. Có ai trả lời được không?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận