TTCT - Trên diễn đàn “Văn hóa đi lại”, rất nhiều ý kiến bàn về ý thức kém của người lái xe. Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng khi được giáo dục tốt thì người ta mới ý thức việc lái xe cá nhân trên đường sao cho “coi được” thay vì lấn đường, vượt đèn đỏ, hay leo lề... Minh họa: Lê Đình Quỳ Nhưng điều này còn phụ thuộc vào lực lượng thực thi, tức cảnh sát giao thông (CSGT). Không thể phủ nhận rằng CSGT đã làm rất tốt vai trò điều tiết giao thông trên đường phố TP.HCM. Tuy nhiên, gần đây sáng kiến giữ đèn đỏ/xanh lâu hơn bình thường và bật tắt tức thì chuyển từ đèn đỏ qua xanh và ngược lại mà không còn dùng đến đèn vàng đã để lại hệ quả xấu. Kẹt vì dừng quá lâu Hằng ngày đi làm qua nhiều tuyến đường, tôi để ý thấy hiện tượng kẹt xe hay ùn tắc tại các ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Huỳnh Văn Bánh, ngã ba Phan Đình Phùng - Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), hay khu vực Đài liệt sĩ (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh)... là do CSGT hoặc các anh “áo xanh” thuộc lực lượng thanh niên xung phong giữ đèn đỏ/xanh quá lâu, nhiều lúc lại không quan sát và giám sát dòng xe trên đường. Lấy ví dụ ở ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Huỳnh Văn Bánh, gần như sáng hay chiều nào cũng kẹt cứng, trừ thứ bảy, chủ nhật (hệ thống đèn để tự động). Khi đèn đỏ/xanh được giữ quá lâu (3-4 phút hoặc hơn), ôtô nối đuôi nhau trên đường Huỳnh Văn Bánh, xe máy lấn hết qua phần đường dành cho người đi ngược lại, người đi từ đường Nguyễn Văn Trỗi kẹt cứng vì đã bị dòng xe trên đường Huỳnh Văn Bánh chặn kín. Đèn đỏ càng được giữ lâu, đường Huỳnh Văn Bánh đoạn từ Trần Huy Liệu đến Nguyễn Văn Trỗi người và xe như bị nêm chặt, không thể nhúc nhích. Vì không có đèn vàng - một khoảng thời gia cần thiết để người ta dừng xe chờ hoặc nhường đường, không đi ráng - nên khi đèn đỏ/xanh bật sáng đột ngột, người ta vẫn chạy bất chấp đèn tín hiệu. Đèn tín hiệu ưu tiên đã bật lên nhưng đôi khi phải chờ vài phút dòng xe mới được khơi thông, nhiều lúc ùn tắc luôn phải chờ CSGT xuống đường điều tiết. CSGT cũng không thể thổi phạt những người vượt ẩu vì họ đang “ngon trớn” với đèn xanh lại không có bất cứ tín hiệu nào báo trước là đèn sẽ chuyển sang đỏ. Một hệ quả tệ hại khác là nơi giao nhau giữa ngã tư, dòng xe hai bên đường đổ ra không theo một trật tự nào. Tắc đường, va chạm, bực bội xuất phát từ đây. Trong khi CSGT và các thanh niên xung phong ra hiệu lệnh bằng tay và thổi còi, người lái xe lúc đó mạnh ai nấy đi, giao thông hỗn loạn là đương nhiên. Kịch bản này xảy ra tương tự ở bất kỳ ngã tư nào. Buổi chiều đi làm về tôi hầu như không thể nào từ đường Phan Đình Phùng rẽ qua đường Huỳnh Văn Bánh được vì tắc đường. Ở ngã ba này hiếm khi CSGT có mặt điều tiết, thường chỉ có một anh ở lực lượng thanh niên xung phong đứng... bật đèn và để mặc cho bao nhiêu con người ngoài đường tự tìm cách lách qua dòng xe đông đúc về nhà. Chỉ trong tích tắc ở những ngã tư “không có đèn vàng”, giao thông bị nghẽn hoàn toàn mặc dù có bóng dáng những “áo xanh”. Nếu CSGT có mặt kịp thời giải cứu, kẹt xe mới mong được giải quyết. Rất nhiều trường hợp CSGT có mặt không kịp thời, tình trạng kẹt xe mất cả tiếng đồng hồ mới được thông suốt. Giáo dục và thói quen Hệ quả của việc giữ đèn xanh/đỏ quá lâu và không có đèn vàng - một khoảng thời gian chuyển tiếp quan trọng để người đi đường giữ trật tự và nghiêm túc chấp hành pháp luật - không chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc kẹt xe hay tắc đường. Theo tôi, điều tệ hại hơn là thói quen lái xe nghiêm túc của nhiều người đã bị mai một, còn những người thiếu ý thức thì tha hồ tung hoành, qua mặt CSGT mà không ngại bị phạt. Chỉ cần quan sát mọi người sẽ thấy tình trạng lấn sang phần đường của chiều ngược lại trầm trọng hơn khoảng một năm nay. Tương tự, cứ có đèn đỏ là y như rằng người ta... leo lề để cố giành phần đi trước. Và đương nhiên là vượt đèn đỏ mà không sợ bị thổi, bởi chính các anh CSGT dường như cũng hiểu rằng do “bật tắt xanh/đỏ” mà không có đèn vàng nên dễ dàng bỏ qua cho các tay lái cố tình đi ẩu. Người viết bài đã từng chứng kiến cảnh “cãi vã” đúng nghĩa giữa CSGT và người lái ôtô, vì người lái xe cho rằng anh ta đang... lỡ trớn ra giữa nơi giao nhau ở ngã tư thì đèn đỏ bất ngờ bật lên. Đó là chưa kể tại rất nhiều ngã tư, sau khi sử dụng tủ điều khiển đèn giao thông, CSGT đã quên trả lại hệ thống tự động bình thường, nghĩa là đèn vàng tắt lịm luôn, nhiều người tự cho phép mình chạy vượt đèn đỏ vô tư! Giáo dục một con người là cả một quá trình. Để người đi đường nói chung, người lái xe nói riêng tuân thủ luật, đi lại trật tự và có thói quen ứng xử “văn hóa” trên đường không thể ngày một ngày hai. Thật đáng tiếc là việc không dùng đến đèn vàng, lại giữ đèn đỏ/xanh quá lâu thật sự đã làm thay đổi thói quen của không ít người đi đường theo chiều hướng xấu. Những nỗ lực để lập lại trật tự giao thông sẽ “đổ sông đổ biển” với cách điều tiết “không đèn vàng” như hiện nay.■ Tags: Thói quen xấuVăn hóa đi lạiKhông đèn vàng
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.