Thông điệp của Higgs

GIÁP VĂN DƯƠNG 16/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - Có khá đông bạn trẻ tham dự buổi ra mắt cuốn sách Hạt Higgs và Mô hình chuẩn - Cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học (NXB Tri Thức) tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) cuối tuần trước, bất chấp thời tiết không thuận lợi.

Điều này cho thấy thể loại sách khoa học, nếu làm tốt, vẫn có khả năng thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Minh họa: VIIP

Việc tìm ra hạt Higgs đã không chỉ xác tín tính vững chắc của Mô hình chuẩn trong vật lý mà còn mở ra một chương mới cho khoa học. Những câu hỏi xưa cũ nhất, như khối lượng là gì, cũng đến lúc phải xem lại. Thì ra khối lượng không phải là số đo lượng vật chất chứa trong vật thể, hay đại lượng đặc trưng cho độ quán tính của vật chất, như đang được giảng dạy trong sách giáo khoa, mà có nguồn gốc sâu xa từ sự tương tác của các hạt cơ bản với trường Higgs trong chân không lượng tử.

Con đường tìm ra hạt Higgs thực tế là một cố gắng trong việc tìm đến cội nguồn của vật chất. Vì thế nó cũng là một phần trong hành trình tìm ra nguồn cội của mỗi chúng ta. Và cũng vì thế mà nó kỳ thú, nhưng cũng đầy gập ghềnh gian khổ. Phảng phất trong nó không chỉ là những phương trình mang giải Nobel, mà là hơi thở của hàng ngàn năm tự vấn: Mọi thứ tạo bởi cái gì? Vì sao lại như vậy?

Tuy là kỷ yếu về hạt Higgs, nhưng nội dung của cuốn sách không chỉ giới hạn trong lĩnh vực vật lý. Mấy chục ngàn con người làm việc cùng nhau trong mấy chục năm trời để hướng đến mục tiêu chung, không chỉ các nhà khoa học mà còn cả các nhà quản lý và chính trị gia, vượt qua bao khó khăn đủ thể loại thì nội chuyện đó cũng đủ để viết thành những cuốn sách dài.

Nếu không có một niềm tin mãnh liệt vào việc mình làm, không có một khát vọng truy tìm tri thức, không hiểu rõ ý nghĩa công việc mình làm, thì công cuộc truy tìm hạt Higgs vô cùng tốn kém nhiều khả năng sẽ đứt gánh giữa chừng. Vì thế, sự kết nối này là một tấm gương về sự hợp tác của các nhà khoa học, các nhà làm chính sách trong việc triển khai những dự án khoa học lớn.

Việc tìm ra hạt Higgs đã vượt ra khỏi ý nghĩa khoa học thuần túy để trở thành một biểu tượng vừa mang cả ý nghĩa khoa học và nhân văn. Có lẽ vì thế mà giáo sư Pierre Darriulat đã đặt tựa đề cho bài thuyết trình của mình trong buổi ra mắt cuốn sách là “Khám phá boson Higgs - Nỗ lực vượt bậc của con người”. Cũng vì lẽ đó, những bài viết về khía cạnh nhân văn của sự kiện này cũng đầy ý nghĩa và khơi gợi, không chỉ với người làm khoa học, mà còn với đại chúng không nắm rõ những phương trình.

Quá trình chuẩn bị bản thảo của cuốn “Kỷ yếu hạt Higgs” này rất công phu, bắt đầu từ tháng 8-2012, tức ngay sau khi sự kiện tìm ra hạt Higgs được các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) công bố. Tính đến ngày ra sách thì thời gian chuẩn bị kỷ yếu lên đến một năm rưỡi, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bản thảo của cuốn sách đã hoàn thiện trước khi ta biết tới một thông điệp nhân văn mà giáo sư Peter Higgs gửi đến cộng đồng trên đường ông đến Stockholm để nhận giải Nobel vật lý năm 2013. Vì sao chúng ta nên nhắc lại thông điệp đó, nhân dịp ra mắt cuốn sách này?

Khi trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh ngày 6-12-2013 trên đường đi nhận giải, giáo sư Peter Higgs đã “bật mí”: Năng suất làm việc của ông không đáp ứng được đòi hỏi của hệ thống học thuật hiện thời! Lý do ông nêu ra thật đơn giản: Với hệ thống học thuật hiện thời, ông sẽ không có đủ yên tĩnh để tiến hành những nghiên cứu mà ông thực hiện gần 50 năm về trước.

Trên thực tế, ông đã suýt bị Đại học Edinburgh đuổi việc vì “làm việc không năng suất”. Lý do là sau bài báo quan trọng công bố năm 1964, bài báo đã mang lại giải Nobel, trong mấy chục năm tiếp theo ông chỉ công bố được dưới mười bài báo khoa học.

Điều này đã làm các chức sắc đại học nơi ông làm việc cảm thấy khó chịu. Họ đã cân nhắc đuổi việc ông. Nhưng chuyện đã không xảy ra vì họ nhận thấy rằng ông có thể sẽ được giải Nobel năm 1980 vì trước đó, năm 1979, Glashow, Salam, Weinberg được trao giải cho thành tích xây dựng Mô hình chuẩn. Mà công trình về hạt Higgs của ông lại nằm ở vị trí trung tâm của mô hình này.

Như vậy, chuyện năng suất hay không năng suất, mất việc hay không mất việc xảy ra đã trên ba chục năm. Nhưng vì sao ông nhắc lại chuyện này trên đường đi nhận giải? Ông thù dai, hay chỉ nhân việc này mà gửi một thông điệp đến giới quản trị đại học? Nhiều người cho rằng ông đang “tính sổ” với Đại học Edinburgh. Nhưng với bản tính “nhút nhát” có tiếng, lý do này không thuyết phục.

Có thể ông nhắc lại chuyện này chỉ để một lần nữa lưu ý sự vận hành của hệ thống học thuật hiện thời đang có vấn đề. Cả hệ thống đang trượt dài theo hướng thực dụng ngắn hạn và xa rời nguồn cội ban đầu của khoa học, đến mức những công trình đỉnh cao, có thể mang lại giải Nobel, cũng khó có cơ hội thực hiện được.

Điều này gợi ra những suy nghĩ gì?

Đầu tiên là những nghiên cứu thuần túy học thuật, dẫn dắt bởi sự tò mò vô vụ lợi, dường như không được chào đón trong hệ thống học thuật hiện thời.

Mọi hoạt động học thuật đều phải được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể, trong đó quan trọng nhất là số tiền tài trợ và số bài báo được công bố. Việc này là cần thiết, đặc biệt ở những nước mà nền khoa học còn chưa phát triển. Nhưng với các nền khoa học đã trưởng thành như ở Anh thì nếu lạm dụng quá mức sẽ có thể gây hại cho chính sự phát triển của khoa học.

Thứ hai là tự do của nhà khoa học dường như bị giới hạn rất nhiều bởi chính hệ thống quản lý học thuật hiện thời. Tất cả đều được vận hành như một ngành công nghiệp với các chỉ số đầu vào đầu ra rất rõ ràng. Các nhà quản lý khoa học, tuy không trực tiếp làm nghiên cứu, lại có tiếng nói quyết định trong việc định hướng phát triển của khoa học, thông qua việc quyết định tài trợ nghiên cứu và tuyển dụng nhân sự. Điều này có hại hơn là có lợi cho sự phát triển của khoa học.

Thứ ba là sự lãng mạn trong khoa học dường như đã không còn. Giờ đây, những nghiên cứu “trên trời” thuần túy vì tò mò trí tuệ đã không còn được đón chào như trước. Xung quanh nhà khoa học là sự ồn ào của vô vàn chỉ số, đến mức không còn sự yên tĩnh cho sáng tạo. Rất ít người có thể giữ được sự lãng mạn để bay bổng theo giấc mơ khoa học của mình trong thế giới hiện thời.

Cuối cùng, công việc nghiên cứu dường như đang được vận hành như một ngành công nghiệp. Các nhà nghiên cứu phải cạnh tranh dữ dội, giữa các nhóm và các nước, đến mức không còn chút tự do đáng kể nào để theo đuổi những công trình của đời mình.

Đó cũng là lý do mà Einstein đã than thở 60 năm về trước: “Nếu tôi được trẻ lại một lần nữa, tôi sẽ không cố gắng để trở thành nhà khoa học, học giả hay giáo viên. Tôi sẽ chọn trở thành một thợ sửa ống nước hoặc người bán hàng rong, với hi vọng rằng bằng cách đó tôi sẽ tìm được sự độc lập tối thiểu trong hoàn cảnh hiện thời”. “Hoàn cảnh hiện thời” này là hoàn cảnh của 60 năm về trước. Và 60 năm sau, một nhà khoa học lớn khác cũng nhắc lại thông điệp này bằng một cách khác.

Đây là một cảnh báo. Cảnh báo để những nhà quản lý học thuật thêm thận trọng trong các quyết định của mình. Nhưng đây cũng là một thực tế. Một thực tế mà nhà khoa học phải thích nghi. Nếu không thích nghi được thì ngay cả người có khả năng đoạt giải Nobel như Peter Higgs cũng có thể bị đuổi việc như thường.

Vấn đề còn lại là thích nghi như thế nào? Không có câu trả lời toàn năng, mà mỗi nhà khoa học phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Nhưng thích nghi một cách tỉnh táo để không trở thành nô lệ của hệ thống, không xa rời tinh thần tự do khám phá, tò mò vô vụ lợi, tức không xa rời cội nguồn đích thực của khoa học, có lẽ là điều cần hướng đến. Thông điệp này làm ta suy nghĩ và giúp ta hiểu hơn về nhân cách của Peter Higgs - một trong những người khai sinh hạt Higgs.

Sách do các giáo sư và nhà khoa học: Cao Chi, Chu Hảo, Pierre Darriulat, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm làm chủ biên. Giáo sư Ngô Bảo Châu viết lời bạt, kể về mối cơ duyên giữa hạt Higgs và bổ đề cơ bản.

Cuốn sách là tập hợp bài viết của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau về sự kiện tìm ra hạt Higgs, thường được giới truyền thông gọi là “hạt của Chúa” - thành tựu khoa học của giải Nobel vật lý 2013 - bao gồm cả nội dung khoa học và nhân văn mà sự kiện này hàm chứa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận