TTCT - “Giải quyết vấn đề bất bình đẳng, bất công ở VN là một trong những ưu tiên chiến lược của Oxfam giai đoạn 2016-2020” - bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, trưởng chiến dịch thu hẹp khoảng cách và báo cáo bất bình đẳng tại VN của Oxfam VN, nói. Minh họa: DAD Theo bà Hoa, thông qua báo cáo này, Oxfam mong muốn cung cấp phân tích, thông tin để nhận diện những vấn đề bất bình đẳng hiện nay ở VN nhằm: 1- Cung cấp những phân tích quốc gia và toàn cầu giúp nhận diện vấn đề. 2- Mong muốn tạo ra các cuộc thảo luận, nhận biết vấn đề về mặt chính sách để có những giải pháp lâu dài, bền vững. 3- Gia tăng tiếng nói và vai trò của người dân. 4- Cùng đóng góp vào quá trình hoạch định và thảo luận chính sách. Đây là một báo cáo cung cấp khá đầy đủ hiện trạng về tình trạng bất bình đẳng ở VN và là báo cáo đầu tiên. “Có những con số biết nói như 210 người giàu ở VN dư sức đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, thu nhập trong 1 ngày của người giàu nhất ở VN cao hơn thu nhập trong 10 năm của người nghèo nhất VN. Đây chỉ là báo cáo đầu tiên, cung cấp một bức tranh đủ rộng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp những cái chuyên sâu nhỏ hơn, chi tiết hơn, chẳng hạn như ưu đãi thuế có tốt hay không, liệu đây có phải là cách để cạnh tranh về thuế trong thời gian tới hay không?”. Tính chất đại diện của những con số này như thế nào, thưa bà? - Về phương pháp, Oxfam dùng cách đo của Tổng cục Thống kê, theo đó tính 20% của dân số giàu nhất và 20% của dân số nghèo nhất để xem khoảng cách chênh lệch đó là bao nhiêu. Đây là phương pháp thường dùng để đo nghèo đói cũng như khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền theo như cách đo của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Tổng cục Thống kê. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng những con số chính thức được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cách đây 2-3 năm, mọi người có đề cập về chênh lệch giàu - nghèo nhưng hình dung khoảng cách này bao nhiêu thì còn mờ nhạt, giờ báo cáo này có thể giúp mọi người nhận diện vấn đề rõ hơn. Với tư cách là trưởng dự án, khi nhìn những con số thống kê “gây sốc” này, bà cảm thấy như thế nào? - Màu sắc bất bình đẳng ở VN rất đan xen và có nhiều sắc thái. Khi nói về bất bình đẳng và nhận diện hiện tượng này thì không chỉ nói về kinh tế, nó còn phản ánh thông qua chiều cạnh khác: đó là bất bình đẳng về cơ hội, trong đó có cơ hội tiếp cận giáo dục. Khi nói về khía cạnh bình đẳng giáo dục, nếu trẻ em học hành ở những điều kiện khác nhau, kết quả học hành cũng sẽ khác nhau. Tại buổi công bố báo cáo gần đây, một nữ thanh niên được bố mẹ tạo điều kiện đi học và học rất khá chia sẻ trước đây cô ấy nghĩ rằng những người sinh ra trong những điều kiện kém hơn sẽ không có điều kiện xin việc làm tốt như những người sinh ra trong gia đình khá giả. Nhưng rồi cô nhận ra rằng những người có nền tảng gia đình khá giả cũng gặp phải khó khăn trong xin việc làm tốt, do những điều không minh bạch trong tiến trình tuyển dụng. Đó cũng là một dạng bất bình đẳng về cơ hội. Ngoài ra, ở VN còn có tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế. Mặt khác, trong báo cáo cũng chỉ ra mỗi năm có hơn 500.000 người bị nghèo hóa vì chi phí y tế. Nếu làm bài toán so sánh, mỗi năm giúp được 1 triệu người thoát nghèo thì mặt khác, có một nhóm khác, khoảng nửa triệu người, đang bị đẩy xuống ngưỡng nghèo do các chi phí y tế. Do đó, chúng tôi đặt ra các câu hỏi là nếu tiếp tục tình trạng như thế thì các thành quả giảm nghèo của VN có bền vững hay không? Trong các chính sách công hiện tại, có chính sách nào bị lỗ hổng không? Những vấn đề nào cần được khắc phục và điều chỉnh trong thời gian tới?... Chính phủ VN cũng đưa ra cam kết chính rõ ràng về phát triển một xã hội công bằng, ai cũng có quyền, cơ hội ngang nhau, nhưng biến các cam kết này thành hành động và hiện thực hóa nó vẫn chưa nhận diện được. Chính phủ tiếp nhận các kết quả của báo cáo ra sao, thưa bà? - Hôm công bố báo cáo có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, một đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Khi nói về hoạch định chính sách, hai vị đại diện này đánh giá cao báo cáo ở hai điểm chính: 1- Cung cấp bức tranh chung về tình trạng bất bình đẳng ở VN. 2- Báo cáo này là nền tảng tạo nên một cuộc thảo luận chuyên sâu hơn về chính sách giảm bất bình đẳng ở VN. Ngoài ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội muốn cập nhật thông tin này cho các đại biểu Quốc hội. Đó là một tin rất vui cho Oxfam. Theo quan sát của tôi, hiện nay các cơ quan của Nhà nước khá cởi mở đón nhận những thông tin như thế này. Do vậy, đây là mối quan tâm chung cũng như cơ hội của hai phía. Sắp tới, chúng tôi sẽ gặp Bộ Kế hoạch - đầu tư để phối hợp triển khai mục tiêu phát triển bền vững. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là về những năng lượng tích cực nhận được từ buổi công bố báo cáo. Rất nhiều người tham dự mong muốn được tham gia các hoạt động về giảm bất bình đẳng ở VN của Oxfam. Điều đó cho thấy bất bình đẳng là mối quan tâm chung của mọi người vì ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. ■ Tags: Giàu nghèoBất bình đẳng giàu nghèoThu hẹp giàu nghèo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.