Thu hút lao động: Muốn bền vững, phải ân cần

TÂM LÊ 26/02/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Thực tế cho thấy sự đối đãi tử tế của doanh nghiệp đối với người lao động không chỉ để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn trong bối cảnh mới, mà còn là một chiến lược giữ chân và thu hút lao động bền vững, có lợi cho cả đôi bên.

Nhiều buổi phỏng vấn diễn ra ở KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Tâm Lê

 

Lương mới, nhiều chế độ ưu đãi

Chính sách ưu đãi được các doanh nghiệp thực hiện cả trước và sau Tết Nguyên đán, như chế độ lương thưởng, hỗ trợ xe đưa đón, lì xì năm mới. 

Trong đó điều người lao động quan tâm nhất vẫn là chế độ lương, phụ cấp, tiền tăng ca... đã được công ty điều chỉnh đều tăng ít nhiều. Các chính sách ưu đãi hấp dẫn còn được các doanh nghiệp công khai trên thông báo tuyển dụng.

 Chẳng hạn, tuyển công nhân chính thức số lượng lớn, độ tuổi nâng cao, trước đây quy định đến 35 thì nay 40 tuổi vẫn trúng tuyển. 

Các mục chế độ lương cơ bản, tăng ca, thâm niên, phụ cấp nhà ở, xăng xe, ăn uống rõ ràng. Tổng thu nhập trung bình tới 9-12 triệu đồng/tháng. Với lao động ở xa, công ty hỗ trợ tìm phòng trọ, test Covid-19 miễn phí… 

Ở trang tin của khu Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Hà Nội, Công ty SEI (Nhật Bản) thông báo tuyển 1.000 công nhân chính thức đi làm ngay.

Các chế độ lương, phụ cấp của công ty khá hấp dẫn, lương cơ bản 4,98 triệu đồng, phụ cấp các phòng ban 1,2 triệu, phụ cấp xăng xe, nhà ở, chuyên cần, lễ Tết… tổng thu nhập từ 7,5-13 triệu/tháng.

Công ty điện tử Canon thông báo tuyển dụng số lượng không giới hạn công nhân làm chính thức, chế độ mới năm 2022 với nhiều mức ưu đãi: lương cơ bản 5 triệu đồng, thuộc dạng cao trong khu vực hiện nay. 

Phụ cấp đi lại 100.000 đồng, trợ cấp chuyên cần 200.000 đồng, trợ cấp đời sống 350.000 đồng, trợ cấp đêm 1,378 triệu đồng. Thưởng ngay 6,150 triệu đồng khi làm đủ 6 tháng. Công ty có chỗ ở và có xe đưa đón người đi làm.

Ở các KCN của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thông tin tuyển dụng cũng có nhiều ưu đãi lớn. Một thông báo tuyển việc làm tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh của nhân viên tuyển dụng Phạm Phương Anh ghi lời chào mời hấp dẫn: “Mặc dù hết Tết rồi nhưng xuống Bắc Ninh làm vẫn được lì xì nha các bạn. Có tăng ca và có ký túc xá miễn phí”. 

Chế độ lương cơ bản 4,9 triệu đồng, phụ cấp 1,2 triệu, chuyên cần 700.000 đồng. Tổng mức lương từ 9,5-12 triệu/tháng. Công việc cũng được nêu rõ là làm tại kho, ngồi làm (không phải đứng), sản xuất tai nghe. Không cửa từ, không áp lực và không ép sản lượng...

Công ty Hồng Hải Foxcom, một trong những công ty lớn tại Bắc Ninh và có chi nhánh tại Bắc Giang, cũng đăng tuyển dụng với thông báo chế độ mới năm 2022. 

Lương cơ bản 4,9 triệu đồng, tổng phụ cấp 1,8 triệu, tiền ăn 1,066 triệu đồng. Đóng bảo hiểm xã hội, thưởng lễ Tết, ký túc xá, nhà ở miễn phí. Tổng lương từ 9-12 triệu đồng/tháng.

Công nhân hào hứng trở lại làm việc

Công nhân Bùi Thị Dền, quê ở Lào Cai, vừa cùng chồng trở lại KCN Vsip tỉnh Bắc Ninh làm việc. Chị Dền khoe vừa nhận được lì xì của công ty và vợ chồng sẽ đi ăn liên hoan một bữa. Cuối năm ngoái chị bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ Tết sớm, tuy nhiên công ty vẫn trả nguyên lương và thưởng Tết cho chị. 

Công ty tính lương theo sản phẩm, mỗi tháng vợ chồng chị Dền thu nhập hơn 20 triệu đồng. Năm vừa qua anh chị xây nhà ở quê, vẫn còn một ít nợ, vì thế cả hai cố gắng làm việc chăm chỉ để trả hết nợ trong năm nay.

Công nhân Lương Hải Yến quê ở Hòa Bình cho biết sẽ xuống công ty ở Bắc Ninh làm việc. Ra ngoài Tết công ty đã nhiều việc và Yến được báo sẽ tăng ca liên tục nên thu nhập sẽ cao hơn so với năm trước. 

Năm qua dịch bệnh khiến việc làm không đều, thu nhập giảm mạnh, Yến hy vọng năm nay sẽ ổn định hơn.

Công nhân Bùi Thị Dền trong bữa ăn trưa tại công ty. Ảnh: Tâm Lê

 

Chị Bùi Thị Mai đang nghỉ thai sản và sắp quay lại công ty để làm việc. Chị Mai quê ở Yên Bái, chị đang làm cho một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội. 

Năm trước công ty của chị cũng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng không nặng nề như các công ty khác nên lương thưởng Tết vẫn đầy đủ. 

Chị Mai liệt kê các khoản được hưởng: bảo hiểm được 34 triệu đồng, thưởng Tết 7 triệu, lương dưỡng sức 3 triệu. Chị cho biết mình may mắn hơn nhiều công nhân khác, nhất là thời điểm sinh con có được khoản tiền trợ cấp trong lúc dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thu cũng quê ở Yên Bái, vừa nộp đơn xin việc ở KCN Bắc Thăng Long, cho biết: “Đợt này xin việc dễ hơn những lần trước, vì nhiều công ty tuyển công nhân chính thức số lượng lớn. Lương cơ bản và phụ cấp đều tăng, có nhiều cơ hội để lựa chọn”. 

Chị nói năm trước nhiều lần chạy lòng vòng xin việc cả tháng vẫn không được, phải làm công nhân thời vụ cho các công ty khác nhau. 

Lần này chị nộp đơn vào một công ty lớn và được nhận ngay vào làm chính thức với mức lương khá cao. Trong phòng trọ mới thuê, chị Thu đang rất hào hứng cho ngày đi làm đầu tiên của mình.

Trong lương phải có trượt giá

“Người lao động chính là tài sản quý giá của các doanh nghiệp, vì thế họ cần được đối xử tốt trong thời điểm này” - ông Đinh Quốc Toản, chủ tịch công đoàn các KCN và khu chế xuất Hà Nội, nói.

Ông Toản cho rằng vẫn có những doanh nghiệp nhìn nhận chuyện ứng xử với lao động chưa đúng đắn, khi bám víu chuyện Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng để làm cớ từ chối tăng lương, hoặc không tính mức trượt giá trong đó.

Theo ông Toản, ngay cả những doanh nghiệp quá khó khăn cũng cần tính toán việc thực hiện quy định, chính sách việc làm phù hợp, có thể tập trung sản xuất, không đầu tư tràn lan và cốt lõi là giữ chân lao động bằng cách đảm bảo được đời sống của họ. 

“Hiện nay người lao động đã nắm bắt thông tin tốt hơn, họ biết được khó khăn do đâu, họ cũng sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên cuộc sống tối thiểu của họ phải được đảm bảo và khi khó khăn qua rồi thì chính họ phải là người được quan tâm hơn cả” - ông Toản nhận định.

Sản xuất đang được nối lại sau 2 năm dịch bệnh gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và lao động, nhưng thách thức mới về lạm phát đang ập tới, và nhiều chuyên gia nhận định đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.

Ông Tạ Văn Dưỡng, trưởng ban chính sách và pháp luật Liên đoàn lao động TP Hà Nội, giải thích về việc lực lượng lao động trở lại làm việc rất cao tại các doanh nghiệp (trong thành phố khoảng 96%, ở các KCN khoảng 98%) là do những doanh nghiệp đó có chính sách thu hút và giữ chân lao động rõ ràng, với phúc lợi và sự quan tâm đến người lao động thiết thực, ngay cả trong thời điểm khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, vẫn duy trì thưởng Tết. Có doanh nghiệp đưa đón công nhân về nhà ở Thanh Hóa, Nghệ An đón Tết, tạo hiệu hứng, sự phấn khởi cho lao động. 

Nhiều doanh nghiệp lì xì đầu năm cho người lao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu đến đúng ngày làm việc...

Và nếu tiền lương và phúc lợi là tiêu chí thứ nhất thì tiêu chí thứ hai là lấy người lao động để thu hút người lao động. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính lực lượng lao động này lại thu hút lao động khác cho doanh nghiệp.

Những đòi hỏi của người lao động về tăng lương và phúc lợi trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lạm phát chực chờ... là tất yếu. Vấn đề còn lại chỉ là cách đối thoại sao cho hai bên cùng trao đổi rõ và cặn kẽ những khó khăn của mình.

 “Cả doanh nghiệp và người lao động nên chia sẻ với nhau trong lúc này. Chính phủ và chính quyền địa phương cùng bàn giải pháp, cứu doanh nghiệp và người lao động. Thời gian qua Chính phủ đã có các giải pháp nhưng những giải pháp này vẫn chưa đồng bộ giữa y tế, kinh tế và thị trường lao động. 

Các chính sách đến tay người lao động được thụ hưởng cũng chưa được nhiều. Để lao động gắn bó với công việc, trước hết mức lương tối thiểu phải được đảm bảo” - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện khoa học lao động và việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận