TTCT - Thi thoảng tôi đọc được những bài báo có nội dung kiểu thử sống một tuần không đồ nhựa (dùng một lần) của tác giả phương Tây. Một ngày, tôi nghĩ, mình thử xem sao. Ảnh: ABC NewsChuyện "truyền cảm hứng" gần nhất cho tôi là thử nghiệm của Claire Murashima, trợ lý sản xuất chương trình của Đài phát thanh Mỹ NPR. Cô đã "tránh dùng đồ nhựa trong một tuần" và thuật lại kết quả hôm 26-7 vừa rồi.Chuyện cô Murashima ở MỹBản thân Murashima cũng hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ những người đã thực hành hạn chế đồ nhựa khác. Giảm nhựa không khó nhưng lỉnh kỉnh - phải luôn mang theo túi/giỏ, mang theo hộp đựng, phải hạn chế mua sắm online và đặt đồ ăn bên ngoài. Mặc dù đã tránh mua các sản phẩm đựng trong bao bì nhựa mới rất nghiêm túc, sau một tuần, Murashima đã dùng 102 món đồ nhựa hoặc chất liệu hỗn hợp, đa số là thực phẩm đóng gói sẵn và đồ chăm sóc cá nhân.Với chuyện ăn uống, Murashima phải đạp xe đến nhiều chợ nông sản ở thủ đô Washington D.C. để tìm nơi bán thực phẩm tươi sống, không đặt trong khay và gói bằng màng ni lông như ở siêu thị. Việc này mất nhiều thời gian của Murashima - như thể có thêm một công việc bán thời gian mới.Tốn thời gian nên Murashima cho rằng sẽ không nhiều người làm điều này trên thực tế vì nó buộc họ phải nỗ lực gấp nhiều lần. Mua siêu thị thuận tiện bao nhiêu - cứ lấy cái gói rau, ớt, mì, gạo, yaourt… cho vào giỏ rồi tính tiền thì đi chợ địa phương tốn nhiều công sức bấy nhiêu. Murashima xem đây là trải nghiệm khám phá nơi ở của chính mình.Ngoài ra, Murashima cũng phải hạn chế đặt đồ ăn bên ngoài, nghĩa là phải lăn vào bếp hoặc ra ngoài ăn sang. Cô tự làm nhiều thứ: bánh mì không gluten, nước ngọt để uống khi tập thể dục, kẹo dẻo vị đào từ quả đào tươi, các thanh lương khô ăn vặt từ yến mạch, cà chua sấy và súp cà rốt. Dĩ nhiên, không phải thứ nào Murashima cũng có thể tự làm. Cô muốn làm phô mai mozzarella nhưng không tìm được nơi bán sữa tươi toàn phần không đựng trong bình nhựa nên đành quyết định không ăn phô mai trong một tuần.Trong tuần thử thách không đồ nhựa, Murashima phải lên kế hoạch cho các bữa ăn và cố không để mình bị cám dỗ vào việc mua đồ ăn ngoài. Nhưng có một ngày, do không chuẩn bị trước bữa tối và về nhà với cái bụng rỗng, Murashima đã phải đặt đồ ăn - được đựng hộp nhựa dùng một lần.Claire Murashima cập nhật tình hình thực hiện thử thách trên TikTok. Ảnh chụp màn hìnhTrong suốt thời gian thử thách, Murashima luôn mang theo túi to để phòng trường hợp cần đựng đồ bất ngờ. Một lần, cô mang theo hộp đến siêu thị để mua cá hồi và hạnh nhân. Người bán thả miếng cá đã bọc giấy sáp, trên có dán tem giá tiền vào hộp dù việc gói miếng cá là không cần thiết. Với hạnh nhân, dù đã cân và ghi lại trọng lượng hộp trước khi đổ hạnh nhân vào, cửa hàng phải cần đến ba nhân viên và khoảng 5 phút để tìm ra cách trừ bì. Họ đổ hạnh nhân ra túi ni lông, cân, đổ lại vào hộp của Murashima rồi vứt cái túi đi. Điều này khiến nỗ lực mang theo hộp đựng hoàn toàn vô nghĩa.Murashima dặn bạn bè không mang đồ nhựa dùng một lần đến bữa tiệc ở nhà cô. Một đêm khác, Murashima có bạn đến chơi và do không có đủ đồ ăn, họ phải đặt thêm. Các phần ăn này được đựng trong hộp giấy lót nhựa cùng các bộ đồ ăn nhựa và hũ đựng nước xốt bằng nhựa.Khi hết dầu gội và dầu xả, cô phải đi 5 cửa hàng và trả hơn gấp đôi tiền để mua những sản phẩm này dạng bánh, gói trong giấy. Loại dầu gội và dầu xả dạng bánh này giá 15 và 13 USD, trong khi mỗi chai dầu gội và dầu xả thông thường chỉ khoảng 6 USD. Murashima dùng cốc nguyệt san thay băng vệ sinh. Cô cũng thử tự làm xà phòng rửa tay tạo bọt (vì không thích bánh xà phòng) nhưng thất bại. Murashima tìm được một cửa hàng sinh thái nơi khách có thể mang chai đến chiết xà phòng từ bình lớn vào chai riêng.Murashima cũng tình cờ học cách ủ rác hữu cơ. Cô cấp đông chúng để ủ phân vào cuối tuần. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của những người khác, cô biết có nhiều sản phẩm phân hủy sinh học như tăm chỉ nha khoa, lại không thể phân hủy được.Cuối cùng là thủy tinh. Dù thủy tinh được xem là tài nguyên vĩnh cửu, có thể tái chế nhiều lần mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không phải mọi đồ thủy tinh đều được tái chế ở nơi Murashima sống. Những lọ đựng serum dưỡng da sẽ bị lọt ra trong quá trình phân loại nên không được tái chế.Một số rác thải nhựa phát sinh sau một tuần không mua đồ nhựa dùng một lần của Murashima. Ảnh: Elizabeth Gillis/NPRMurashima xài tổng cộng hơn 200 USD trong tuần thực hiện nói không với đồ nhựa. Số tiền này chủ yếu dùng mua hàng tiêu dùng - gồm thực phẩm, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc và ăn uống bên ngoài; ít hơn khoảng 15 USD so với tuần trước, do cô giảm đặt đồ ăn và mua hàng qua mạng.Có hai lần Murashima vô tình mua trúng đồ nhựa, một hộp nui Mac and cheese bằng giấy nhưng túi đựng phô mai là ni lông. Cô cũng xài một cái ly nhựa khi đi uống nước bên ngoài vì quên đưa bình đã mang theo cho người phục vụ.Vài tổng kết được Murashima rút ra: bánh mì tự làm rẻ hơn mua, thực phẩm tươi sống ở chợ địa phương đắt hơn ở siêu thị. Thuốc uống là thứ phải đựng trong bao bì nhựa. Dù mang theo hộp đựng, dược sĩ nhất quyết cấp thuốc vào lọ mới cho Murashima và cô phải tìm hiểu rõ lâu mới ra nơi tái chế loại nhựa này. Sống không dùng nhựa dùng một lần là gần như không thể. Thiếu các cơ sở tái chế chấp nhận tái chế mọi loại rác nhựa và đây là điều đáng tiếc vì người dân muốn thấy mọi thứ được tái chế nhiều hơn.Và chuyện từ Sài Gòn, Nha Trang, Đà LạtĐọc chuyện của Murashima, tôi quyết thực hiện thử thách tương tự để xem sống không đồ nhựa dùng một lần ở xứ ta có gì khác biệt. Tôi thông báo trên Facebook để rủ rê bạn bè cùng làm, sau cùng chỉ một người ở Đà Lạt và một người ở Nha Trang tham gia. Thử thách này từ ngày 11 đến ngày 17-8.Ngày đầu không tốt lắm, nhưng cũng vì "lịch sử để lại": các đơn hàng đặt trước khi tham gia thử thách và hàng của mẹ gửi lên ùa về. Thành thử tôi phải ngậm ngùi viết vào sổ tay: "Phát sinh nhựa ngày 11-8: 2 bịch ni lông lớn, 2 hộp nhựa loại 0,5kg, 18 bịch hút chân không kèm khay xốp trắng, túi ni lông không phân hủy sinh học của siêu thị".Cả tuần thử thách, tôi mang cơm đến cơ quan, mang theo ly và chai khi đi uống cà phê bên ngoài. Với tôi, khó khăn nhất là hạn chế đặt đồ ăn. Cả tuần không đụng tới app đặt đồ ăn cũng thấy nhớ nhớ. Cũng may, tôi vẫn có thể uống cà phê ngoài tiệm.Nhà tôi ở ngay chợ, từ lâu tôi đã không dùng bao ni lông khi đi chợ mà mang hộp đựng và túi theo từ nhà. Do một lần mua phải cá ươn ở chợ, từ đó tôi luôn mua cá tươi đã cấp đông từ một người bán ở Phú Yên gửi vào. Toàn bộ đồ nhựa đã xài trong tuần tự thử thách, tôi rửa sạch, phơi khô để gửi đến cơ sở tái chế. Với thủy tinh, có vài điểm thu gom ở TP.HCM nhưng tôi cần hỏi rõ liệu họ sẽ tái chế hay làm như thế nào với những chai lọ này.Tham gia thử thách giảm nhựa cùng tôi có Trang. Đại gia đình 6 người của họ vừa chuyển đến Nha Trang một tháng qua. Trang cho biết mình muốn giảm nhựa từ lâu và luôn mang theo túi khi đi chợ. Tất tần tật những gì không cần túi ni lông như rau củ quả, trái cây Trang đều cho vào giỏ tự mang theo. Trang không mang hộp nhưng mang theo túi phân hủy sinh học để người bán đựng vào. Chị tận dụng tối đa những túi vô tình mang về nhà làm túi đựng rác. Các loại chai dầu, xà bông phát sinh thì giữ lại cho người gom ve chai. Chị giữ lại túi gai để mua gạo lần sau. Vấn đề đau đầu của chị là pin và vỏ hộp sữa. Nhà có 4 con, từ 3 - 12 tuổi, số lượng vỏ hộp sữa hằng ngày của gia đình chị rất nhiều. "Trang giảm sử dụng túi ni lông từ lâu, đơn giản là cho môi trường sạch thôi" - chị nói. Trang dự định sẽ khuyến khích người trong gia đình cùng hạn chế rác nhựa.Dụng cụ thay thế túi, hộp nhựa của Trang. Ảnh: NVCCCòn đây là tổng kết một tuần của Linh, ở Đà Lạt. "Chủ nhật không đi chợ nên không mua gì. Thứ hai mua 2 gói nấm và măng đóng gói sẵn nên có bao ni lông. Thứ ba mua thịt mang theo hộp và mang giỏ vải để đựng rau. Thứ tư mua mè có đóng gói sẵn. Thứ năm mua cà tím có lấy bao ni lông. Thứ sáu mua cam có bao ni lông và mua trái bí bỏ chung. Thứ bảy không mua gì. Vẫn còn dùng màng bọc thực phẩm. Linh sẽ cố gắng cất thức ăn thừa vào hộp có nắp đậy và sẽ bỏ việc sử dụng màng bọc thực phẩm".Dù đã chủ động hạn chế đồ nhựa dùng một lần, cả ba chúng tôi đều không thể sống một tuần mà không phát sinh đồ nhựa dùng một lần mới. Cũng may, tôi biết một cơ sở tái chế nhận tất cả các loại nhựa (từ bao ni lông đến vỏ hộp sữa) ở TP.HCM. Từ một năm nay, tôi đã rửa và phơi khô những bao bì này để dồn gửi cho họ. Tuy nhiên, những lúc rửa bịch ni lông đựng bún riêu, bún bò dính nhiều dầu mỡ, chính tôi cũng tự hỏi liệu việc tốn nước và xà bông để rửa những bao bì này có đáng hay không?Túi nylon và hộp sữa đã đã được rửa sạch chờ gửi đi tái chế của người viết bài này.Nhìn lại một tuần giảm nhựa, cả ba chúng tôi đều vui. Dù không giảm được tuyệt đối nhưng nếu xài xả láng, chắc chắn chúng tôi sẽ mang về rất nhiều bao bì ni lông. Từ một ý tưởng vu vơ, tôi được hai người bạn hưởng ứng.Cơ quan tôi cũng hưởng ứng và đã thông báo ngày thứ ba vừa rồi (20-8) sẽ là ngày không đồ nhựa dùng một lần ở cơ quan tôi. Chúng tôi sẽ không đặt đồ ăn, đồ uống bên ngoài. Em đồng nghiệp nói với tôi rằng "thử thách một tuần như chị chắc tụi em làm không nổi nhưng một ngày thì có thể".Tôi đang hy vọng từ ngày "thứ ba không nhựa" đầu tiên, chúng tôi sẽ duy trì ngày không nhựa mỗi tuần. Sống không nhựa, dù là nhựa dùng một lần rất khó nhưng giảm nhựa thì chắc chắn chúng ta cũng có thể. Cái hay của việc này là thấy kết quả ngay.Khi mua thực phẩm và đựng trong hộp tự mang theo, ta biết chắc chắn có một chiếc túi ni lông không bị thải ra môi trường. Điều tôi xúc động và thấy vui khi thực hiện thử thách là quan hệ với mọi người xung quanh.Thứ hai đầu tuần, chị đồng nghiệp cho biết để ủng hộ tôi, hôm nay chị mang cơm đựng trong hộp thủy tinh. Tôi giải thích là đồ nhựa dùng một lần mới phải tránh, chai hộp nhựa dùng đi dùng lại thì không sao. Vào cuối tuần, chị mời tôi ăn bánh mì gà. "Chị mua bánh mì không lấy bao ni lông, chỉ lấy gói giấy" - chị nói, khiến tôi thật sự xúc động.Chiều thứ tư, 14-8, tôi rủ mọi người đặt chè. Hăng hái chọn quán nhưng đến lúc chuẩn bị đặt hàng, tôi chợt nhớ ra mình lỡ trong thử thách nên quay xe. "Thử thách rồi qua tuần đặt đồ xả láng phải không" - các đồng nghiệp trêu tôi. Sáng thứ năm, một đồng nghiệp khác rủ tôi ăn kem: "Đựng trong ly giấy nên chị ăn được nè". Tôi tham gia, lúc nhận hàng mở ra mới thấy ly kem bằng giấy nhưng có tráng một lớp ni lông và kèm muỗng nhựa. Đồng nghiệp dọa sẽ chụp hình tôi xài đồ nhựa và đăng vào phần comment dưới bài đăng của tôi trên Facebook. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Truyền cảm hứngBảo vệ môi trườngViệt Nam xanhMôi trườngNhựa
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.