Thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội và thứ tự ưu tiên

TRUNG TRẦN 13/06/2024 10:32 GMT+7

TTCT - Cuộc tranh đấu dai dẳng giữa tăng thu nhập cho người làm công và giữ được lợi thế chi phí nhân công giá rẻ là điều mọi nền kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển nhanh đều phải đối mặt.

Mâu thuẫn đấy đã tồn tại từ cuối thế kỷ 19 khi chủ nghĩa tư bản đang ở giai đoạn tàn bạo nhất của nó, và vẫn còn gay gắt, quyết liệt cho đến tận bây giờ, ở khắp nơi.

Ảnh: NewsReport

Ảnh: NewsReport

Chỉ mới gần đây, báo chí đưa tin Bangladesh, xưởng may lớn nhất nhì châu Á sau Trung Quốc, nhận được nhiều đơn hàng do thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh hóa. Tin tức kém lạc quan hơn sau đấy là công nhân may ở Bangladesh biểu tình đòi tăng lương tối thiểu. 

Trong bối cảnh đơn hàng giảm do nhu cầu thị trường Âu - Mỹ đi xuống, giá gas và điện tăng do những khủng hoảng năng lượng đã quen mặt, quen tên trên thế giới, việc đòi hỏi tăng lương quả là nan đề cho chính phủ quốc gia này.

Lương tối thiểu và chi phí lao động

Mức lương tối thiểu cho công nhân may ở Bangladesh là 75 USD, tức khoảng 1,9 triệu đồng. Công nhân đòi lên 2,8 triệu, tương đương 113 USD, chính phủ trả xuống 90 USD, tức tầm 2,25 triệu. 

Nghiệp đoàn không đồng ý và 4 triệu công nhân may Bangladesh có thể nghe lời hiệu triệu của nghiệp đoàn để tranh đấu cho một mức thu nhập giúp họ tồn tại được mỗi tháng - khoảng 210 USD, tức gần gấp 3 mức lương tối thiểu hiện tại.

Nếu lấy tỉ lệ này áp dụng cho mức lương tối thiểu vùng thấp nhất của Việt Nam (3,25 triệu đồng của vùng 4), thì thu nhập của công nhân Việt Nam sẽ phải xấp xỉ 10 triệu, tức gấp 1,5 lần thu nhập bình quân của người dân (6,3 triệu). 

Với mức giá lao động đấy, kể cả có trả giá xuống 10-20%, chắc chắn giới chủ không đồng ý, khách hàng không đồng ý và hậu quả là không có đơn hàng.

Mọi chính sách an sinh xã hội và bảo vệ người lao động sẽ trở thành duy ý chí, khi nó không đem lại thêm công ăn việc làm. 

Bề nổi của câu chuyện là tranh luận dai dẳng mấy năm nay giữa Tổng Liên đoàn lao động, đại diện cho người làm công, và VCCI, Phòng thương mại công nghiệp - coi như đại diện cho doanh nghiệp sử dụng lao động, liên quan đến mức lương tối thiểu.

Nhưng bề chìm của câu chuyện là năng suất lao động quốc gia. Không tăng năng suất - lấy đâu ra tiền để tăng lương? Dù ngân sách có thặng dư dương bao nhiêu từ bán dầu, xuất khẩu phần mềm, gia công chip hay truy thu tối đa từ các đại án tham nhũng…, thì về nguyên tắc căn bản của quản trị tài chính, tiền đấy cũng không chi hết cho mục đích tăng lương được.

Trong trạng huống đấy, người lao động Việt Nam còn đang phải chịu thêm một khó khăn nữa mà bản thân họ không có khả năng giải quyết: Nạn bị quỵt tiền bảo hiểm xã hội từ các ông chủ làm ăn khó khăn hoặc vẫn làm ăn được nhưng không có tâm. 

Cách quỵt công khai, đúng luật là tối thiểu tiền lương cứng - tức lương tính bảo hiểm. Cách quỵt phạm luật là chây ì, hoặc ỉm luôn không đóng.

Tiền bảo hiểm xã hội, vốn là tài sản của người làm công, do ông chủ xưởng trả và đại diện hợp pháp của người lao động - tức tổ chức công đoàn, giám sát. 

Việc một cá nhân nào đó đứng ra lên tiếng sao tháng này chưa thấy công ty nộp tiền bảo hiểm xã hội cho tôi trên thực tế khá là hiếm hoi. Nói một cách hài hước: Nó là thứ mà người bán biết, người mua biết nhưng người sử dụng, sở hữu… ít khi biết.

Chưa thấy vai trò của công đoàn

Khi doanh nghiệp nợ người lao động khoản bảo hiểm này, cơ quan có thẩm quyền đứng ra kiện tụng giúp là công đoàn. Cho đến giờ, chưa có vụ việc nào được xử lý hình sự mà chỉ có thể dừng ở mức xử phạt hành chính. 

Trình tự phạt hành chính mất khoảng ba tháng, đủ để một doanh nghiệp biến mất không chỉ trên giấy tờ, mà cả trên thực tế vật chất. (Cho dù nguyên tắc luật phá sản là ưu tiên nguồn tiền cho các khoản nợ của người lao động).

Một trong những lý do mà người lao động ưu tiên chọn việc làm ở công sở, cơ quan nhà nước hay những công ty tập đoàn FDI lớn…, là những gì liên quan đến các khoản bảo hiểm, thuế má này thường rõ ràng, minh bạch, đúng hạn. 

Với các doanh nghiệp FDI dính dáng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, điểm trừ của báo cáo tài chính do một công ty kiểm toán đúng chuẩn công bố, liên quan đến nợ đọng bảo hiểm xã hội có thể là công cụ để khách hàng vin vào để không chọn công ty đấy làm nhà cung cấp.

Áp lực đấy, trong nhiều trường hợp, hữu dụng hơn những văn bản hành chính của cơ quan thuế và công đoàn. Nó dẫn đến lựa chọn bắt buộc của doanh nghiệp: Đóng tiền hay bị cắt đơn hàng? Dẫu mang tính tương đối, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn có những điểm cộng, mang lại lợi ích dù là tối thiểu, cho người lao động.

Câu chuyện mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cũng có những uyên nguyên tương tự. 

Một người có thu nhập trên 11 triệu đồng và không có ai phụ thuộc thì đã bắt đầu chịu thuế thu nhập cá nhân, còn nếu có bằng chứng hợp lý về người phụ thuộc thì được trừ 4,4 triệu cho mỗi người. 

Những con số đấy bất chấp thực tế, như bạn đang thuê nhà ở quận 1 và đang mướn người giúp việc trông con nhỏ một tháng 5 triệu, tức 11 triệu là chưa đủ tồn tại một cách tối thiểu, nếu đã cộng trừ nhân chia tất cả các khoản chi.

Sự lạc hậu của các quy định thuế thu nhập cá nhân, ai cũng biết, nhưng để sửa phải cần quy trình, cần thời gian và quan trọng hơn, sửa theo hướng có lợi hơn cho người nộp thuế, thì ngân khố quốc gia lại lõm vào một phần đáng kể, phần lõm đấy, bù từ đâu? 

Một vấn đề, nếu là của 1 tỉ người cộng lại, sẽ là vấn đề lớn, nhưng nếu nó là một vấn đề cực lớn nhưng được chia cho 1 tỉ người, thì lại thành chuyện nhỏ. Lý thuyết ở Trung Quốc về kiểm soát xã hội là như vậy.

Ta cũng có thể hiểu cách thức mà một chính phủ thường lựa chọn khi đụng đến bản cân đối tài chính quốc gia. Ai là người còn chịu đựng được, người đấy sẽ đứng sau cùng của thứ tự ưu tiên. Đấy chắc là gốc rễ của đề xuất gần đây trên nghị trường rằng người lao động được quyền tự đóng tiếp bảo hiểm xã hội nếu doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người.

Có thể mường tượng những gì sẽ xảy ra: Mọi yêu cầu chính đáng của người lao động, sớm muộn sẽ được đáp ứng. Vấn đề là mức độ ưu tiên và các đối ứng tương tác: Năng suất lao động, đơn hàng và chi phí nhân công, đều là những thứ quyết định đến thuật ngữ thời thượng, "sự dịch chuyển chuỗi cung ứng".

Rốt cuộc, vẫn là câu chuyện cũ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận