TTCT - Thượng đỉnh NATO diễn ra khi chiến sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 500 ngày, là dịp để các nước thuộc liên minh quân sự này cập nhật tình hình chiến sự, và cả những cân nhắc tương lai trong cuộc đối đầu với Nga. Reuters 11-7 loan tin Nga đã tiến hành các cuộc không kích xuyên đêm đồng loạt vào thủ đô Kiev của Ukraine, cảng Odessa trên Biển Đen, và khu vực phía nam Kherson, chỉ vài giờ trước khi thượng đỉnh NATO ở Lithuania khai mạc.Ảnh: Foreign PolicyMàn "chào đón" của NgaĐây là lần thứ nhì Nga tấn công Kiev từ trên không trong tháng 7 này, lần trước là vào đầu tháng, bằng những chiếc UAV Shahed. Cảng Odessa cũng bị tấn công. Riêng khu vực Kherson bị pháo kích bởi quân Nga đang đồn trú trong vùng chiếm đóng. Đến cuối ngày 11-7, hãng tin Ukrinform của Ukraine loan tin quân Nga tấn công 27 lần và bắn 668 quả đạn đại bác. Dù lần này có vẻ tần suất tấn công của Nga đã giảm so với trước, các vụ ra đòn trước khi NATO họp thượng đỉnh gửi đi một thông điệp không thể nhầm lẫn.Có thể nhìn các cuộc tấn công của Nga ngay trước khi NATO khai diễn thượng đỉnh như bức tranh thu nhỏ của tình hình chiến sự sau 500 ngày: quân Nga tuy không "nuốt" được Ukraine như đã ngỡ khi bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt", nhưng vẫn ở thế chủ động, muốn ra tay lúc nào thì ra. Tuy nhiên Ukraine đã đứng vững. Thậm chí một tỉnh như Kherson mà vào đầu chiến dịch là mục tiêu tập trung tấn công hàng đầu, giờ cũng trong tình trạng "da beo".Nga vẫn còn sức tiếp tục cuộc chiến tranh tiêu hao nhờ trường vốn, và qua sử dụng các vũ khí rẻ tiền mà hiệu quả như UAV "tự sát" Shahed-136 gốc gác Iran. Một đại tá pháo binh Ukraine giải thích: "Thay vì bắn cả trăm quả đạn đại bác, chỉ cần tung ra một chiếc UAV". Với UAV, không có nguy cơ mất phi công và máy bay, chưa kể tiền của mua sắm, bảo trì, đào tạo... Đeo đuổi chiến tranh tiêu hao bằng UAV càng dễ dàng hơn sau khi Iran và Nga ký kết vào hôm 9-11-2022 thỏa thuận sản xuất UAV ngay tại Nga. Công nghệ không cao siêu gì: một nhà máy nông cụ là đủ để lắp ráp linh kiện nhập ngoại, chủ yếu là từ... Mỹ. Mới đây, hôm 6-7, tờ Financial Times cho biết Nga đã khởi sự sản xuất UAV tại một nhà máy trong tỉnh Tatarstan. Cứ tấn công kiểu này, Nga có thể kéo dài cuộc chiến tranh đến vô tận.Tăng cường răn đe và phòng thủCâu chuyện bức tranh chiến sự thu nhỏ bằng UAV hôm khai mạc thượng đỉnh NATO cũng đã được đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, và thiếu tướng Matthew Van Wagenen, phó tham mưu trưởng tác chiến NATO (SHAPE), trình bày tóm tắt hôm 3-7. Theo ông Bauer, phòng thủ vẫn luôn là nền tảng cốt lõi của NATO, và trên cơ sở này NATO đối phó với cuộc chiến của Nga suốt 17 tháng qua. Dù không phải là một bên tham chiến, NATO ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine, bằng cách cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của khối, cũng theo hai vị tướng.Ảnh: The New York TimesCụm từ "răn đe và phòng thủ" được nhắc tới 30 lần trong tuyên bố khai mạc của thượng đỉnh Vilnius cũng chính là từ khóa định nghĩa chức năng và hoạt động của NATO. Đoạn 19 của tuyên bố gồm 90 đoạn, dài 11.251 từ này là khẳng định "bán sống, bán chết" lập trường của tổ chức: "NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào với Nga. Chúng tôi tìm kiếm sự ổn định và khả đoán ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và giữa NATO với Nga". Thành ra, nay khi chiến sự đã nổ ra, NATO phải "dấn thân", chẳng qua cũng để "răn đe và phòng thủ". NATO đã là như thế, Ukraine cũng chỉ "răn đe và phòng thủ" - như có thể đọc ở đoạn 13: "Nhằm hỗ trợ khả năng răn đe và phòng thủ của Ukraine trong ngắn, trung và dài hạn, hôm nay chúng tôi đã đồng ý tiếp tục xây dựng... một chương trình hỗ trợ nhiều năm cho Ukraine".Răn đe và phòng thủ phải bằng chuẩn bị quốc phòng, mà đầu tiên là "tiền đâu": "Chúng tôi cam kết lâu dài đầu tư ít nhất 2% GDP hằng năm cho quốc phòng". Đây đã là chuyện NATO nói đi nói lại nhiều năm qua. Hiện trong thực tế, mới có 7 trong 30 quốc gia thành viên coi như đạt mức mục tiêu này. Nói "coi như" là bởi báo cáo thường niên 2022 do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố hôm 21-3-2023 cho biết thậm chí chỉ có 5 nước (Anh, Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và Mỹ) là thực sự đạt mức 2%, Croatia và Pháp thì chỉ mấp mé.Trong thời bình, các hứa hẹn ngân sách quốc phòng còn có thể du di, song hiện chiến tranh đang ở giữa năm thứ hai, làm sao có thể tiếp tục không chịu chi cho quốc phòng, nên lần này NATO "gắt" là phải. 500 ngày chiến tranh giữa Ukraine và Nga đã cho thấy NATO có phần "chậm lụt" trong cuộc tỉ thí vũ khí với Nga, đặc biệt "hụt hơi" trước các tên lửa siêu bội âm, như tướng Van Wagenen, tham mưu trưởng tác chiến, trong họp báo tiền thượng đỉnh hôm 3-7 đã thú nhận.Những tổn thất quá lớn ở Ukraine trước đây do các tên lửa siêu bội âm như tên lửa đạn đạo Kh-47 Kinzhal (có tầm bắn khoảng 2.000km, phóng đi được từ máy bay thật xa chiến trường, di chuyển nhanh gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh, mang đầu đạn nặng gần 500kg) và UAV "tự sát" của Nga, chính là những "thiếu hụt" mà NATO nay đã nhìn ra. Bởi thế, NATO dành đoạn 28 để hạ quyết tâm: "Chúng tôi cam kết đầu tư ít nhất 20% ngân sách quốc phòng vào các thiết bị chính, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển. Chúng ta cần... hiện đại hóa và cải cách các lực lượng và năng lực hiện hữu, bao gồm cả tích hợp các công nghệ đổi mới".Quyết tâm dành 20% ngân sách quốc phòng cho việc phát triển các vũ khí, thiết bị cốt lõi là cần thiết, song trong thực tế lại chậm lụt hơn những nỗ lực tương tự của phía Nga, mà gần đây trang web của The Jamestown Foundation ngày 15-6 có bài phân tích nêu rõ: "Có vẻ như Điện Kremlin đã trở nên khá lạc quan về tính hiệu lực và hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Dmitry Medvedev, cựu chủ tịch và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đều tuyên bố rằng hoạt động sản xuất trong tổ hợp công nghiệp - quân sự đã tăng "nhiều lần" (government.ru 31-5-2023; scrf.gov.ru 1-6-2023). Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ những tuyên bố này bằng cách đưa ra những con số được cho là chính xác về sự gia tăng đó: sản xuất vũ khí chính tăng 2,7 lần, sản xuất vũ khí và thiết bị có nhu cầu cao nhất tăng 10 lần trong vòng một năm".Trong một nhà máy sản xuất xe tăng của Nga. Ảnh: The DriveMột bản tin của Reuters đề ngày 4-4-2023 còn nhấn mạnh rằng sản xuất quân sự gia tăng và chi tiêu nhà nước khổng lồ giúp ngành công nghiệp của Nga tiếp tục phát triển: phân tích dữ liệu gần đây cho thấy mức giảm sản lượng công nghiệp hằng năm đã chậm lại trong tháng 2-2023, chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ, sau khi đã giảm 2,4% trong tháng 1, phần lớn nhờ vào sản xuất quốc phòng, đủ bù đắp cho một số thiệt hại chủ yếu do lệnh trừng phạt với xuất khẩu năng lượng, và cho phép Matxcơva tiếp tục chiến dịch ở Ukraine.Nhìn từ cơ chế mỗi bên, có thể thấy Mỹ, nước có nền sản xuất quốc phòng tiên tiến và mạnh nhất thế giới, vẫn đi theo lớp lang "gọi thầu - đấu thầu - duyệt thầu - phân bố gói thầu - kích hoạt sản xuất" sau khi Bộ Quốc phòng đã thông qua kế hoạch sản xuất. Quá trình đó chặt chẽ nhưng rất mất thời gian. Trong khi đó ở Nga, quá trình rút ngắn do tính "kinh tế chỉ huy" còn đọng lại, đặc biệt là trong mảng sản xuất quốc phòng.Báo Mỹ New York Times 2-5 cho biết khi lượng vũ khí tồn kho ở Nga cạn kiệt, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã hối thúc gia tăng sản xuất. Cụ thể, ông Shoigu đã yêu cầu các hãng sản xuất vũ khí của Nga đẩy nhanh "tốc độ và khối lượng sản xuất", đồng thời lưu ý rằng bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mục tiêu sản xuất đều phải được xác định và khắc phục "kịp thời". Ở Mỹ hay ở Pháp, Anh, không thể có sự chỉ đạo trực tiếp kiểu đó.Mở rộng NATO và sườn phía đôngĐây là một vấn đề then chốt khác được bàn thảo ở thượng đỉnh, khi NATO đã triển khai thêm lực lượng sẵn sàng chiến đấu tại chỗ mạnh mẽ ở sườn phía đông, mở rộng lên cấp lữ đoàn để răn đe và phòng vệ. Đô đốc Bauer trong họp báo ngày 3-7 cho biết rằng sau ngày 24-2-2022, NATO đã phản ứng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bằng cách kích hoạt các kế hoạch phòng thủ của khối từ Baltic đến Biển Đen.Ảnh: The Daily BeastTuyên bố Vilnius nêu rõ NATO phải phản ứng nhanh hơn và ở quy mô lớn hơn bằng cách thành lập một lực lượng phản ứng đồng minh đa quốc gia và đa lĩnh vực mới, để cung cấp nhiều lựa chọn trước các mối đe dọa và khủng hoảng theo mọi hướng. Một trọng điểm phòng thủ là khu vực biển Baltic, nơi vừa kết nạp thành viên mới Phần Lan.Nhà báo Phần Lan Lauri Ilmari Nurmi đã hỏi ông tổng thư ký NATO nhân dịp hội họp này: "Biển Baltic đã trở thành biển nội địa của NATO (sau khi kết nạp Phần Lan), NATO đồn trú 300.000 quân mới trong tình trạng sẵn sàng cao. Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với các quốc gia tiền tuyến như Phần Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan? Và thông điệp của NATO gửi tới ông Putin và nước Nga là gì?".Câu trả lời của ông Stoltenberg không rõ có trấn an được ông Nurmi không: "Việc cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO mang tính lịch sử. Phần Lan đã là thành viên đầy đủ. Và với thỏa thuận mà Tổng thống (Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip) Erdogan, Thủ tướng (Thụy Điển Ulf) Kristersson và tôi đã có thể đạt được đêm qua, Thụy Điển cũng sẽ trở thành thành viên đầy đủ. Điều này... đặc biệt quan trọng với khu vực Baltic, bởi vì khi nhìn vào bản đồ, anh sẽ nhận ra rằng khả năng phòng thủ khu vực Baltic đã được cải thiện rất nhiều". (Ông Stoltenberg, không biết vô tình hay hữu ý, đã không trả lời phần câu hỏi về thông điệp gửi tới ông Putin).Cũng đã có những đồn đại về khả năng Ukraine được kết nạp, chủ yếu là bởi những đề xuất, và cả đe dọa của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ví dụ ông nói sẽ không tham dự thượng đỉnh NATO nếu Ukraine không được đảm bảo kết nạp nhân dịp này). Nhưng rốt cuộc, ông Zelensky vẫn đến Vilnius phó hội. CNN 11-7 đưa tin: "Tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ đám đông yêu mến ông và một số nhượng bộ từ các nhà lãnh đạo của liên minh - nhưng không có mốc thời gian rõ ràng khi Ukraine có thể tham gia". Chút nhượng bộ đó có thể nghe thấy ngay trong họp báo tối 11-7 qua lời ông Stoltenberg: "Chúng tôi tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO, và đồng ý loại bỏ yêu cầu với Kế hoạch hành động dành cho thành viên. Điều này sẽ thay đổi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine từ quy trình hai bước sang quy trình một bước".Cụ thể, theo quy trình hai bước, thì: (1) Các quốc gia muốn gia nhập liên minh phải đồng ý thực hiện mọi cải cách cần thiết về chính trị, pháp lý, chính sách kinh tế, quốc phòng...; và (2) Thư bày tỏ ý định gia nhập phải được bộ trưởng ngoại giao nước có nguyện vọng gia nhập gửi tổng thư ký NATO để "xác nhận về việc chấp nhận các nghĩa vụ và cam kết của tư cách thành viên". Còn quy trình một bước riêng cho Ukraine, theo ông Stoltenberg, là: "Chúng tôi sẽ đưa ra lời mời Ukraine gia nhập NATO khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".Tất nhiên, Nga không nuốt trôi thông điệp trên của NATO. Cuối năm 2021, Nga từng ra tối hậu thư cho NATO yêu cầu trở lại với tình hình trước năm 1997, tức trước khi Lithuania, Bulgaria, Estonia, Latvia, Romania, Slovakia và Slovenia gia nhập tổ chức này vào năm 2004. Đây cũng có thể coi là một trong những giọt nước tràn ly dẫn tới cuộc chiến Ukraine hiện tại!■ Chủ nhà thượng đỉnh NATO năm nay Lithuania là một trường hợp điển hình cho thấy mối lo ngại với Nga của các thành viên NATO nằm giáp biên giới nước này. Trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Quốc hội Lithuania đã quyết nghị tăng ngân sách quốc phòng từ 2% tổng ngân sách quốc gia vào năm 2020 lên 2,5% trễ nhất là vào năm 2030; song hôm 1-3-2022, nước này đã quyết định ngân sách quốc phòng (đang là 2,2% năm 2022) sẽ cán mốc 2,5% sớm 5 năm, vào năm 2025. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Artis Pabriks giải thích là để tăng số lượng binh lính, đầu tư vào cung cấp hậu cần, phát triển các hệ thống không người lái, hỗ trợ hỏa lực gián tiếp, cơ giới hóa lực lượng mặt đất và tăng cường năng lực an ninh mạng quốc gia, cũng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Ông Pabriks liên hệ tới thực tế: "Liên quan đến cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine, cần phải tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước chúng ta và NATO" (lsm.lv 1-3-2022). Tags: Liên minh quân sựNga tấn công KievChiến dịch quân sựTình hình chiến sựThủ đô KievTổng thư ký NATOTổng thống Nga Vladimir PutinHội nghị thượng đỉnh NATOChiến tranh tiêu haoCông nghiệp quốc phòngNga Vladimir PutinNATOQuan hệ nga natoCuộc chiến Ukraine
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.