Tiếng gọi thay đổi

MẠNH KIM 08/11/2008 19:11 GMT+7

TTCT - Obama lên sân khấu, ăn mặc giản dị với áo khoác đen và sơmi trắng, bước ra vùng ánh nắng chói lòa trong tiếng hò reo vang dội của công chúng. Cho một tay vào túi áo khoác, Obama mỉm cười quan sát đám đông. Vẻ đĩnh đạc và điềm đạm, Obama cất tiếng nói, và như mọi lần Obama càng nói càng hùng hồn và cuốn hút. Đám đông lặng nghe như bị thôi miên...

Đó là ngày 9-10-2004 - một buổi sáng chủ nhật tại Milwaukee, một địa phương có truyền thống lưỡng lự trong lịch sử bầu cử. Trước đó, khi giới thiệu Obama với thượng nghị sĩ Russ Feingold, chính trị gia Dân chủ Gwen Moore đã nói: “Gã trẻ tuổi này đã thiêu cháy Illinois (bang nhà của Obama) cũng như sẽ nhóm lửa cho cả nước Mỹ. Anh ta là tương lai của Đảng Dân chủ”. Rồi quay về phía đám đông, Moore hét to: “Ông ấy là tất cả chúng ta. Ông ấy không là da đen cũng không là da trắng...”.

“Tôi có một giấc mơ”...

Tháng 1-2005 ở tuổi 43, Barack Obama đã là thượng nghị sĩ da màu duy nhất và là người thứ năm trong lịch sử của nước Mỹ được so sánh với những nhân vật từng in đậm dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ như Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr...

Thế rồi tháng 2-2008, ông chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Điều gì đã khiến Obama thay đổi ý định, đặc biệt ở thời điểm mà trong Đảng Dân chủ bà Hillary Clinton đang như cánh diều no gió? Obama nhìn thấy một cơ hội đang mở ra trước mắt: lần đầu tiên trong hơn 50 năm, nước Mỹ không có một tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm xuất hiện ở đường đua tranh cử.

Một chiến thắng của dân chủ

Tuần báo Time từng đánh giá Obama là một trong những “nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới”. Tháng 10-2005, tờ New Statesman (Anh) đưa Obama vào danh sách “10 nhân vật có thể thay đổi thế giới”.

Với Đảng Dân chủ Mỹ, như Simon Rosenberg (chủ tịch Tổ chức New Democratic Network) nhận định: “Obama đã thiết lập cho mình vị trí nhà lãnh đạo tối cao của thế hệ kế tiếp. Không ai thậm chí có thể tiến đến gần vị trí đó của ông”. Obama cũng đại diện cho sự chuyển giao trong tư duy xã hội Mỹ, nơi định kiến màu da từng có lúc rất nặng nề. Obama thuộc thế hệ chính trị gia da màu đầu tiên mà khát vọng dân tộc cũng tương tự những đồng bào da trắng.

Orlando Patterson, giáo sư xã hội học Đại học Harvard, viết trên Newsweek (10-11-2008): “Chiến thắng của Barack Obama vào ngày lịch sử 4-11-2008 đánh dấu “sự chiến thắng dân chủ” của nước Mỹ trong vấn đề màu da. Nó nhấn mạnh đến sức sống của khuynh hướng mạnh mẽ và rõ rệt trong xã hội Mỹ đương đại: sự đồng hóa và hợp nhất, một sức mạnh luôn đem lại nhiều lợi hơn hại cho dòng chảy xã hội Mỹ.

Nó cũng cho thấy khái niệm dân chủ lần đầu tiên đạt đến ý nghĩa và giá trị đầy đủ của nó, ở một xã hội mà văn hóa màu da có thời từng là vết nhơ trên mọi mặt xã hội với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lạnh lùng đến tàn nhẫn mà ngay thời điểm hiện tại người ta vẫn còn thấy lờ mờ lằn ranh màu da. Thu nhập các hộ da màu trung lưu đã giảm còn 30.945 USD/năm từ 2003-2005, chỉ bằng 62% hộ dân da trắng.

Năm 2002, giá trị tài sản trung bình người da trắng (88.000 USD) gấp 14,5 lần so với đồng bào da màu. Tỉ lệ người nghèo da màu đã tăng từ 21,2% năm 2000 lên 24,5% năm 2007; 1/5 dân số da màu thuộc thành phần “dưới đáy xã hội” hiện ở tình trạng nghèo khổ hơn người nghèo da trắng ở bất kỳ giai đoạn nào trong ba thập niên qua.

Thực tế còn cho thấy cộng đồng da màu thậm chí còn bị tách riêng ở nhiều vùng nước Mỹ hơn cả giai đoạn cuối thập niên 1960! New York - trung tâm của chủ nghĩa tự do Mỹ, bang mà một người da màu hiện ngồi ghế thống đốc (David A. Paterson) - là một trong những nơi chứng kiến tình trạng “trắng - đen” nhiều nhất nước Mỹ; tương tự Chicago, thành phố lớn nhất Illinois, bang nhà của Barack Obama.

Tại những thành phố này, người ta có thể thấy người da màu ngồi cạnh dân da trắng trong những trụ sở công quyền, nhưng sau giờ làm việc họ lại trở về nhà ở những khu ổ chuột tập trung chủ yếu thành phần gốc Phi, nơi thất nghiệp, tội phạm và nghiện ngập còn đầy rẫy...”.

Chẳng phải tự nhiên mà tờ New York Times đã giật tít “Rào cản sắc tộc đã đổ ngã khi cử tri ôm ấp tiếng gọi thay đổi”, trong bài viết về chiến thắng ấn tượng của vị thượng nghị sĩ da màu. Và của cả nước Mỹ!

Randall Kennedy (*):

“Obama là hiện thân cho sự biến đổi của xã hội Mỹ”

“Đối với tôi, chẳng có gì khó khăn khi hình dung anh ta ngồi ở Phòng bầu dục của Nhà Trắng cả. Bởi khi nói, anh ta nói với tất cả người dân Mỹ: da trắng, da đen, người gốc châu Mỹ Latin, người gốc châu Á... Không có mấy chính trị gia da đen trước đây có thể tự cho mình là người phát ngôn của cả cộng đồng dân Mỹ như thế. Họ luôn đại diện cho một cấp thẩm quyền, một thành phố... Và khi họ nói “chúng ta” thì họ thường chỉ liên hệ trước hết đến cộng đồng da đen của mình mà thôi (hiện chiếm 12,5% dân số).

Trước bầu cử, nhiều người da đen cho rằng Barack Obama ít có cơ hội thành công bởi họ tin rằng những người da trắng đang tự dối mình hay đang huyễn hoặc những người khác mà thôi. Trong quá khứ, cho dù đã lớn tiếng khẳng định sẽ bầu cho một người da đen thì khi vào phòng phiếu, nơi chẳng ai nhìn thấy mình, họ lại thay đổi ý kiến. Những lời hứa hẹn gây nhầm lẫn này đã làm nảy sinh một tâm trạng bi quan, thậm chí phần nào đó vô liêm sỉ, nhất là nơi những nhà bình luận người da đen. Thế nhưng, Obama lại đang là hiện thân cho một sự biến đổi của xã hội Mỹ, và anh ta sẽ chứng tỏ cho thấy họ đã sai lầm!

Điều này phản ánh một xu hướng sâu xa. Rất nhiều người Mỹ, cho dù nguồn gốc và lựa chọn chính trị là gì đi nữa, thì vẫn có thể bầu cho Obama. Họ mong đợi một đường lối mới, những đề nghị mới và họ cảm thấy với Obama, điều ấy có thể xảy ra”.

_____________

(*) Randall Kennedy là giáo sư tại Trường đại học Luật Harvard danh giá, thành viên Tòa án tối cao Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách về các vấn đề chủng tộc ở Mỹ, là thầy dạy của Barack Obama tại Trường Luật Harvard.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận