​Tin màu

LÊ THIẾT CƯƠNG 09/06/2015 18:06 GMT+7

TTCT - Bột màu báo cũ đã từng là chất liệu phổ biến, quen thuộc, đã trở thành biểu tượng của một thời, nào xa xôi gì, một chất liệu ít tiền, dễ vẽ, ai cũng vẽ được.

Mời trầu - Đỗ Dũng

Những họa sĩ 7X, 6X về trước, người nào mà chả từng gắn bó với bột màu báo cũ. Với thế hệ này, bột màu báo cũ là bạn bè. Ở được cùng nhau, chơi được với nhau, coi nhau là bạn, nghĩa là hai bên phải hiểu tâm tính của nhau, phải thuộc nhau, nương tựa được vào nhau, người này phải theo được người kia.

Dễ mà khó, khó mà dễ, nhất là bột màu báo cũ - một người bạn quá đỗi giản dị thì lại càng khó. Chắc chỉ do duyên mà gắn bó được cùng nhau chăng? Cả mấy thế hệ họa sĩ đã có duyên cùng bột màu báo cũ. Từ thời các họa sĩ của Trường mỹ thuật Đông Dương đến các họa sĩ khóa kháng chiến, thế hệ họa sĩ thời chiến tranh, cho đến thời hậu chiến, thời bao cấp...

Sen mùa hạ - Trần Gia Tùng

Ban đầu thì bột màu vẫn chỉ được coi là chất liệu để làm bài tập, ký họa hoặc làm phác thảo trước khi vẽ thành sơn dầu. Đương nhiên bột màu được vẽ trên các loại giấy chuyên dụng, nhưng đến thời chiến tranh, họa phẩm khan hiếm thì các họa sĩ buộc phải vẽ bột màu trên giấy báo (chưa in). Cho đến khi ngay cả giấy báo chưa in cũng không có thì giấy báo cũ, báo đã đọc xong, bán cân mới được lên ngôi.

Khỏa thân - Phạm Trần Quân

Cực cùng tắc biến, cái khó bó cái khôn. Mọi sự cứ tự nhiên vậy thôi, thế là một chất liệu mới hình thành, bột màu báo cũ không còn đóng vai phụ nữa, nó đã là một chất liệu độc lập, ngang hàng sơn mài, sơn dầu, màu nước. Nghệ thuật bao giờ cũng mang đến cho người ta tự do. Vẽ bằng gì, vẽ bằng chất liệu gì đâu có quan trọng. Một bức tranh nhỏ vẽ bằng bột màu trên tờ báo cũ mà đẹp, ấy cũng là đủ trả lời cho mọi câu hỏi kiểu như: nghệ thuật là gì, xấu đẹp là gì, chất liệu là gì, kích thước lớn bé là gì...

Xe đạp đỏ - Tào Linh

Mỗi chất liệu có một ngôn ngữ của nó, hay dở của nó, tính nết của nó. Bột màu sống (chưa trộn, nghiền với keo) có cái ẩm ướt, có cái gợn, xốp dễ hòa nhịp với giấy báo, báo cũ đã in với những dòng chữ to nhỏ, những lề, những khoảng trống, những bức ảnh là một cái nền tự nhiên, đã có đậm nhạt, đã có tình cờ để đôi khi lại là gọi ý, gọi hình, gọi màu về. Những chồng đè của màu lên chữ, những ẩn hiện chữ trên hình, những bỏ quên, những sót lại, những “vô tình” để còn chả phân biệt đâu là tranh đâu là báo, đâu là tin đâu là màu.

Thế là một sự “vô tình” lại thành “hữu tình”. Nếu không có, không còn tình thì vẽ làm gì, làm nghệ thuật làm gì? Tin và màu ở trong nhau, hòa với nhau làm một, là một.

Người đàn bà ngồi - Đặng Tiến

Duyên này sẽ mang duyên kia tới. Những trang báo cũ lại trở thành những bức tranh mới. Những hình ảnh, những tin tức, thời sự nóng hổi sau khi sống hết đời sống ngắn ngủi của nó sẽ hóa thân vào một đời sống mới, một đời sống dài hơn, đời sống của cái đẹp, của nghệ thuật. Nghệ thuật là “tin”, hội họa cũng là “tin”, tin của màu, tin của hình, tin màu, tin đẹp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận