Người Anh vừa đi bộ vừa kiếm tiền

PHA LÊ 22/10/2018 21:10 GMT+7

Đi bộ đối với dân Anh không chỉ là một thú vui, mà còn là một thú vui... kiếm ra tiền.

Đường đi bộ ở Bewerley (Ảnh: Pha Lê)

Thú vui này chẳng phải thứ đùng cái thành mốt, mà đã nhen nhóm từ rất lâu. Những nhân vật của các nhà văn Anh có tên nghe quen quen sống cách đây mấy trăm năm chưa bao giờ thoát khỏi số phận đi bộ, cô Jane Eyre có khác cô Elizabeth Bennet đến mấy đi nữa, một cô vẫn phải tốn vài trang đi bộ từ điểm A đến B, cô kia đi bộ từ B về A, có khi đi bộ đến rách cả giầy, tóe cả máu. Cậu bé David Cooperfield lúc bỏ trốn và muốn tìm lại bà dì Betsy nhưng không đủ tiền đi tàu cũng xem việc đi bộ từ London đến tuốt Dover là việc… bình thường.

Nếu nghĩ đấy là chuyện ngày xưa, phản ánh qua tiểu thuyết cũng xưa nốt thì thật là nhầm. Nước Anh hiện đại không phải xứ ai thích lười thì xin nghỉ làm để đi du lịch, thành ra những ngày phép đối với người Anh là rất quý giá. Thế mà thời nay vẫn có rất nhiều người dùng thời gian nghỉ hiếm hoi để thực hiện các chuyến đi bộ đường dài, xem việc bầm chân như cô Jane hay bé David là một niềm vui, rồi những công ty, tổ chức kiếm tiền bằng cách phục vụ cái niềm vui ấy.

Dễ thấy nhất là đi bộ tạo khách hàng phương tiện di chuyển công cộng, cho các quán xá, nhà trọ, nhà hàng ở những vùng quê để nơi mang tiếng là “làng quê” luôn giàu có. Theo đuôi họ là các công ty chuyển đồ đạc vali, do dân đi bộ đường dài hết mấy ngày chỉ đem túi xách hoặc balô lúc đi bộ thôi, hành lý lỉnh kỉnh khác phải có xe chuyển về nhà trọ giùm trước, thế là nước Anh có thêm một nghề lương thiện cho dân kiếm tiền.

Đâu chỉ là ngắm cảnh

Tôi rời Nidderdale để đến Malham - một thung lũng khác tại Yorkshire hòng trải nghiệm một chuyến đi bộ. Một cô tài xế taxi tên Emma đồng ý chở tôi tới đó, vừa lái xe nữ tài xế vừa khen rằng Malham đẹp lắm. Ừ, thì tuyến đi bộ một vòng thăm vòm núi Malham, đến hẻm núi Gordale Scar và thác Jannet Foss rất nổi tiếng, dài hơn 7km thôi, dễ đi, cả trẻ em cũng chỉ cần 3-4 tiếng là xong. Vòm Malham từng là nơi quay phim Harry Potter, cô Emma kể trước đó là thác nước nhưng giờ nước cạn rồi nên trở thành một vòm đá lớn nhẵn nhụi vô cùng quyến rũ.

Malham còn hấp dẫn vì tuyến đi giúp người cuốc bộ thấy được những cánh đồng chăn thả cừu và bò rải rác khắp vùng đồi núi uốn lên lượn xuống. Người Anh ưa dùng vật liệu có sẵn tại địa phương, nên dân Yorkshire lấy luôn đá ở Yorkshire để dựng trang trại, nhà ở, nhà kho, thậm chí để xây cả tường từ đá hòng chia đất của trang trại ra thành lô cũng như phân ranh giới cánh đồng của mình với cánh đồng nhà hàng xóm.

Trên đỉnh Malham. Ảnh: Pha Lê
Trên đỉnh Malham. Ảnh: Pha Lê

Kết quả là các cụm trang trại có nhà và tường đá phủ rêu đẹp một cách giản dị và bền bỉ, đủ đẹp để biến nơi mục đích chính là chăn nuôi thành điểm đáng xem nhất khi đi bộ chứ chẳng phải đi bộ chỉ là xem rừng, ngắm cây hoa, chim chóc, thác nước. Đi bộ mới hiểu vì sao thịt cừu, thịt bò và bơ sữa ở Yorkshire nổi tiếng ngon khắp thế giới, và tại sao dân Yorkshire chả bao giờ phải sợ các loại tin tức cảnh báo thực phẩm bẩn.

Rong rêu quyến rũ. Ảnh: Pha Lê
Rêu trên đá tuyệt đẹp. (Ảnh: Pha Lê)

Nước Anh bảo thủ vẫn dùng vật liệu từ thời nảo nào, cảnh tuyệt đẹp đấy, khổ nỗi tường đá với nhà bằng đá và gỗ cứ cho cảm giác như thể mình đang đi trên khu đất trống trơn bị bỏ hoang, báo hại vừa đi vừa sợ thót tim.

Nhà xây bằng đá của người địa phương. Ảnh: Pha Lê
Nhà xây bằng đá của người địa phương. (Ảnh: Pha Lê)

Nữ tài xế Emma mách rằng xây tường đá cũng là một nghề có từ rất lâu, giờ vẫn còn dân địa phương sống bằng nghề đó, không sợ thất nghiệp, thậm chí còn xem việc dựng tường đá ở miền quê là một nghệ thuật, vì nghệ nhân làm tường phải biết chọn vật liệu địa phương, biết xếp đá chứ không phải chồng mấy phiến lên với nhau, trét ximăng rồi muốn xây sao thì xây. Nhưng nhờ cái dải tường đá trải dài hút mắt mà cảnh vật nước Anh tự dưng nom vững chãi hơn hẳn, kiểu vững chãi của lòng đam mê đi bộ qua hàng mấy trăm năm vẫn chưa suy suyển ở xứ sương mù.

Nhà giàu cũng phải... thèm

Khoảnh khắc dễ thương bên đường. -Ảnh: Pha Lê
Khoảnh khắc dễ thương bên đường. Một phụ nữ vùng Yorshire đi dạo cùng con chó cưng của bà. (Ảnh: Pha Lê).

Bakewell là một thị trấn nhỏ ở miền trung, xinh xắn với số lượng thiên nga, vịt trời, chim chóc, cừu bò nhiều hơn số lượng người. Những thị trấn xung quanh khu vực này đều có tuyến đi bộ đẹp và văn phòng hướng dẫn với bản đồ đầy đủ. Lúc đang lội đường đồi nhấp nhô lác đác những chú bò gặm cỏ bình như vại, bỗng thấy một bác đang lúi húi xếp đá sửa góc tường giữa thiên nhiên trống trải. Nhìn bác lọt thỏm bé nhỏ mà càng thấy khâm phục tinh thần của bác.

Thị trấn Bake-well (Ảnh: Pha Lê)

 

Bác vui vẻ trò chuyện với người lạ, bảo rằng tường đá ở Bakewell cũng xưa rồi, có cái 200 năm tuổi, cái 100 năm, bác sống bằng nghề đắp và sửa tường, đồ cổ luôn cần sự chăm sóc thành thử việc không thiếu, mà dân ở đây không ai ham phá cũ xây mới, lâu lâu dân rảnh còn tụ họp ra sửa tường không công phụ bác cho vui.

Để có cái gọi là kinh tế địa phương, bản thân dân địa phương phải yêu địa phương mình. Họ yêu vật liệu địa phương, xây nhà làm tường từ những thứ thiên nhiên cho ở xung quanh, yêu những cái nghề làm nên cuộc sống ở địa phương họ. Từ Yorkshire đến Bakewell, những căn nhà xây từ đá gỗ bản địa luôn đáng giá nhất, thậm chí còn đắt ngang ngửa tiền mua bất động sản tại thành phố lớn như London. Người sống ở vùng quê không nhất thiết phải có suy nghĩ bỏ quê lên thành phố tìm việc, hoặc phải chui vào nhà máy làm công ăn lương. Họ cũng quý phong cảnh thiên nhiên nơi mình ở và đi bộ thường xuyên, nên chẳng mấy ai thích chặt cây hay san phẳng tuyến đi bộ để xây thêm cụm biệt thự.

Tường đá xung quanh Yorkshire (Ảnh: Pha Lê)

Nhắc đến thiên nhiên, cứ phải đi bộ giữa thiên nhiên thì mới yêu nó được. Lúc đọc thông tin rằng nước Anh có lắm rừng tư nhân, tôi tò mò hỏi dân địa phương thì ai cũng cho rằng đấy là chuyện thường. Rừng là một nguồn tiền bất tận, thành thử dân giàu rất ham, cứ có tiền là tương ngay một khoản rừng do nếu hiểu và biết khai thác đúng mực, bền vững, cái lãi thu được từ tài nguyên rừng cứ thế mà chảy vào túi, dùng muôn kiếp vẫn còn hoài. Người mua rừng luôn có rừng và tiền, người đi bộ luôn có rừng để đi.

Cách kiếm tiền bền vững từ thiên nhiên cũng rất đa dạng. Lúc một bác nghệ nhân tên Nigel ở Yorkshire thấy người Việt Nam lặn lội từ xa xôi đến, lại khoái đi bộ và những tiểu thuyết rặt Anh, bác đã dẫn tôi đến vùng đất có cây thạch anh mọc bạt ngàn - nơi nhà văn Emily Brontë lấy cảm hứng để viết truyện Đồi gió hú - vào một buổi sáng sớm đầy sương mù. Bác tủm tỉm cười bảo: “Đây, chỗ ở của Catherine và Heathcliff”. Sau bao nhiêu năm mà người đi bộ vẫn có thể ngắm nhìn khung cảnh mà chính bà Brontë từng ngắm nhìn.

Lúc đưa mắt nhìn thạch anh tím tuyệt đẹp dài hút mắt giữa làn sương mù, bác Nigel bỗng reo lên, chỉ tay về phía bức tường đá: “Kìa, gà gồ đỏ”. Bác kể rằng những mảnh đất hoang ở Yorkshire này từ ngàn năm tới giờ chẳng có gì mọc nổi ngoài thạch anh tím, nhưng đừng tưởng là không có cách nào biến nó thành tiền ngoài cách san phẳng để xây nhà lầu với khu mua sắm, nhìn vậy chứ giới tài phiệt tranh nhau mua đấy. Đất thạch anh là một hệ sinh thái đặc biệt hiếm hoi, ít nơi có, mà mầm cây thạch anh lại là món khoái khẩu của một giống gà quý: gà gồ đỏ.

Gà go
Gà gô đỏ trên đất thạch anh (Ảnh: Stephenburch.com)


Gà gồ đỏ ở vùng đất thạch anh nổi tiếng ngon, thịt bùi, mềm, mọng như thịt rừng mà lại ít mỡ. Tới mùa săn bắn, chủ đất sẽ bán vé cho những ai thích hoạt động này để họ đến săn gà gồ, một suất săn phải chừng... mấy ngàn tới chục ngàn bảng Anh. Ai nghe xong giá cũng phải giật mình, trừ dân địa phương, họ chỉ nhún vai nói người Anh bản xứ thích đi săn ngang bằng đi bộ nên chịu chi lắm.

Bởi vậy các chủ đất rừng và chủ các lô đất thạch anh tưởng là nghèo nàn này luôn kiếm bộn tiền, và chẳng ai phàn nàn về nhà giàu với các thú vui lạ đời vì nhờ đó họ kiếm ra tiền cũng như khai thác đúng mực mà người dân còn thiên nhiên để ngắm.Các chủ đất thạch anh giữ và nhân giống gà gồ trên diện rộng, họ quan sát xem khoảnh thạch anh nào vừa đủ “tuổi già” thì họ sẽ dùng lửa đốt sơ khoảnh ấy.

Đây là hình thức chăn nuôi có từ ngàn năm và đòi hỏi chủ đất phải có kinh nghiệm, do chọn đúng thạch anh đủ tuổi để đốt thì cây mới nhú mầm non. Gà gồ sẽ ăn các mầm thạch anh và tiện thể bón phân cho đất. Nếu biết quản lý luân phiên giữa các khoảnh và sắp xếp thời gian đốt xoay vòng, thạch anh lúc nào cũng còn để nuôi gà no đủ, nguồn thức ăn chăn nuôi cứ thế có mãi mà không phải bỏ tiền mua.

Ảnh: Pha Lê

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận