TTCT - Một thỏa thuận thương mại tự do trên lý thuyết sẽ mở đường cho hàng Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng hơn, nhưng làm sao để tận dụng được điều đó trên thực tế lại là câu chuyện còn dài. Đồ họa: N.Hạnh, N.Đăng (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) Cuối tuần qua tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện các ban, ngành liên quan đã tham gia ký kết hai hiệp định với đại diện EU tại Việt Nam: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU. Ý nghĩa kinh tế Như bao thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khác, EVFTA về nguyên tắc sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam - EU khi xóa hơn 99% thuế nhập khẩu. Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam, và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Theo chiều ngược lại, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 - thời điểm dự kiến EVFTA có hiệu lực, và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm. Nhìn vào con số, dễ thấy từ lúc khởi điểm, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho EU ít hơn (65% so với 70%), và thời gian cam kết giảm thuế nhập khẩu tối đa cũng ngắn hơn (7 năm so với 10 năm). Nói cách khác, xét về xuất khẩu, Việt Nam được tạo điều kiện hơn, theo cách các nhà đàm phán gọi là “nguyên tắc bất cân xứng”. Phát biểu tại lễ ký kết ngày 30-6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải Việt Nam và EU chọn cách tiếp cận này vì sự chênh lệch trong trình độ phát triển hai bên. Ngoài ra, Việt Nam còn được hưởng những ưu đãi linh hoạt nhất định đối với các cam kết trong EVFTA. Trong khi đó, IPA buộc hai bên đảm bảo an toàn cho tài sản và vốn của nhà đầu tư đối tác, thông qua cam kết đối xử công bằng, thỏa đáng, tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không bồi thường thỏa đáng... Trong tranh chấp đầu tư, hai bên cũng sử dụng cơ chế giải quyết thường trực thay vì phương pháp tòa trọng tài trong từng trường hợp. Động lực tự chủ giữa chiến tranh thương mại Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2020. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên với thỏa thuận mới này, trước mắt Việt Nam và EU đã khai mở những con đường mới. Nền kinh tế toàn cầu đã và vẫn đang trong tình trạng bất ổn do những diễn biến khó lường từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cũng là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cũng như EU. Khi hai thế lực này có những bất đồng, các nền kinh tế còn lại buộc phải tìm đến nhau để đa dạng hóa hợp tác kinh tế, như lời ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ông Okun, người mới đây trình bày tham luận về sự va chạm giữa thương mại và chính trị trong một hội thảo ở Hong Kong, lấy ví dụ nền kinh tế Singapore - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng phải tìm tới những đối tác “đồng chí hướng”. Các đối tác ấy là EU, Nhật Bản và ASEAN, mà Singapore là một thành viên. “Tự do thương mại sẽ tiếp diễn, chỉ là không bao gồm chính quyền Mỹ. Các đối tác lớn của Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, bằng cách tăng cường đàm phán với những quốc gia trong nỗ lực đảm bảo thị trường xuất khẩu mới, vốn đang là đối tượng hoặc bị đe dọa từ loạt thuế quan của Mỹ. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU là một ví dụ”, ông Okun nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Căng thẳng trong vấn đề thương mại không chỉ xuất phát từ Mỹ và Trung Quốc. Trong ngày đầu tiên của tháng 7, những khác biệt trong ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, di chứng của thời Thế chiến II, đã biến thành xung đột thương mại, mà nhiều chuyên gia đồ rằng có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai láng giềng Đông Á. Dù thế nào đi nữa, va chạm giữa các nền kinh tế lớn cũng sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới thương mại đa phương như ngày nay. Một ví dụ điển hình là quy tắc nguồn gốc xuất xứ của EVFTA là quy tắc cộng gộp toàn phần, trong đó hàng Việt Nam có thể hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang EU mà không nhất thiết phải sử dụng nguyên liệu từ EU. Thay vào đó, mọi đối tác có FTA chung với Việt Nam và EU đều được xem là “nội khối”, lấy ví dụ Nhật Bản. Vì vậy đặt trường hợp Nhật Bản và EU nảy sinh mâu thuẫn, đây sẽ là vết cắt vào chuỗi cung ứng chung. Bức tranh lớn này cho thấy trong một thế giới với lợi ích đan xen, chồng chéo và nhiều căng thẳng, cam kết của Việt Nam và EU đang đóng vai trò cổ vũ hợp tác thương mại tích cực. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần bên lề lễ ký kết EVFTA và IPA tại Hà Nội hôm 30-6, Cao ủy thương mại của EU Cecillia Malmström cho rằng thông qua cam kết hợp tác này, Việt Nam và EU đã cất lên tiếng nói quan trọng. Bà nói: “Tôi nghĩ đây là cột mốc rất quan trọng, vì trong thời điểm những căng thẳng và cuộc chiến thương mại tiếp diễn cũng như chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng gia tăng, các nước vẫn tin rằng thương mại là điều tốt đẹp cho lợi ích chung, rằng chúng ta có thể giao thương theo cách đem lại lợi ích cho người dân. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ chúng ta gửi đến thế giới hôm nay. Và EU cũng như Việt Nam đều tin rằng thương mại tự do đã và sẽ là điều tốt đẹp cho chúng ta”. Những điều cần làm Tất cả những mặt tốt của một hiệp định thương mại tự do đều có thể trở nên vô nghĩa nếu không được thực thi hoặc tận dụng tốt. Vì vậy sau những hồ hởi ban đầu, vấn đề đặt ra là làm thế nào để “biến cơ hội thành bàn thắng”, và ai sẽ là người tận hưởng thành quả, cũng như thành quả ấy có được phân chia công bằng hay không. Trong khi Việt Nam cùng Singapore là những nước ký FTA nhiều nhất tại Đông Nam Á, tỉ lệ hưởng ưu đãi FTA của Việt Nam còn khiêm tốn. Các nghiên cứu gần đây từ phía Việt Nam cho thấy trong năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam qua các thị trường có FTA chỉ chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa tới 61% lợi ích từ thuế quan cho hàng Việt vẫn nằm đâu đó mà chưa ai tận dụng được. Số liệu này phù hợp với thực trạng chung là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Vì vậy với rào cản về chất lượng, cạnh tranh và quy định về nguồn gốc xuất xứ, với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam, EVFTA hầu như không có nhiều ý nghĩa, đơn giản họ không thể xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các công ty lớn có khả năng sản xuất theo quy trình khép kín hoặc các công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Đề cập tới khó khăn này ở cuộc họp báo ngày 30-6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận thách thức nhưng cũng lạc quan cho rằng đây là thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng tự thân. “Để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất...” - ông nói. Để doanh nghiệp chuẩn bị như đã nói, tất nhiên trước hết họ cần phải nắm bắt thông tin thực sự chuẩn xác. Điều này tiếp tục đặt ra một thách thức mới cho người làm công tác tuyên truyền. Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy sự thật phũ phàng về việc hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam “mù thông tin” về các hiệp định thương mại tự do lớn như EVFTA và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sự minh bạch về điều khoản và số liệu vì vậy trở thành vấn đề cấp thiết bên cạnh những cải cách khác. Điều quan trọng hơn nữa là chiến lược tổng thể để truyền thông cho doanh nghiệp mà Bộ Công thương cùng các ban ngành liên quan đang thúc đẩy. Điều phải làm hiện nay phía sau một lễ ký kết EVFTA, là đảm bảo nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi như thế.■ Những cam kết khác EVFTA là một dạng FTA mới, trong đó giảm thuế nhập khẩu chỉ là một phần trong nhiều cam kết tạo điều kiện cho đầu tư và xuất nhập khẩu hai chiều. Trong cam kết về mua sắm chính phủ, Việt Nam và EU có những thỏa thuận mang nội dung tương tự Hiệp định mua sắm chính phủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong đó ngoài một số nghĩa vụ hỗ trợ, Việt Nam cam kết bảo lưu có thời hạn với việc dành riêng một tỉ lệ nhất định các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước. Ngoài ra, thỏa thuận này cho phép các nhãn hàng Việt Nam và EU được bảo hộ, chống sao chép... theo các điều khoản về sở hữu trí tuệ. Tags: Xuất khẩuThương mạiCPTPPEVFTAThị trường châu ÂuHàng Việt Nam
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.