Di dân không chính quy: Đầu dây mối nhợ

CHIÊU VĂN 09/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Nếu coi hành trình di cư bất hợp pháp, hay nói như ngôn ngữ của báo cáo mới nhất mà Hạ viện Anh vừa công bố qua Ủy ban Ngoại vụ - “di dân không chính quy” (irregular migration), là một sợi dây dài thì nó sẽ có ba nút thắt: điểm ra đi, hành trình, và điểm đến của di dân.

Người ta có đủ loại lý do để lên đường mưu cầu hạnh phúc ở một nơi không phải quê hương mình: chạy trốn chiến tranh và bom đạn, bị truy bức chính trị, di dân kinh tế, hay với những người rủng rỉnh tiền bạc là nhắm tới một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau, hoặc thậm chí đơn giản chỉ là nhu cầu “đổi gió”... Xét tới tận cùng, mỗi người một cảnh và đều có lý do chính đáng của họ.

Ảnh: upenn.edu
Ảnh: upenn.edu

Không nói tới những người đi kiểu “đầu tư định cư”, nút thắt chết người, theo nghĩa đen, ở nước mà người di cư xuất phát - chiến tranh hay nghèo đói, không phải là nút có thể gỡ được một sớm một chiều.

Lấy ví dụ, cuộc chiến ở Syria đã kéo dài 8 năm nay, tạo ra 5 triệu người tị nạn ở nước ngoài, thêm gần 8 triệu người nữa mất nhà cửa trong nước, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Còn với vấn đề di dân kinh tế, chừng nào mà một số quốc gia dư thừa lao động giá rẻ còn chưa đạt tới một ngưỡng thu nhập đủ cao nhất định, sẽ luôn có những người dân ra đi vì mưu cầu hạnh phúc ở một phương trời khác (hiện tượng di dân kinh tế không phải là không diễn ra theo chiều ngược lại, lao động từ các nước giàu sang các nước nghèo, điều chỉ càng khẳng định di dân là một hiện tượng tất yếu phải diễn ra trong một thế giới như ngày nay).

Nút thắt thứ hai là hành trình di dân. Không được thừa nhận, không được hỗ trợ, đối mặt với những chính sách thù địch ở các cửa khẩu, và cả nạn buôn người đã trở thành một vấn đề toàn cầu, di dân bất hợp pháp trở thành một canh bạc được thua lớn, nhiều khi phải trả giá bằng sinh mạng.

Nút thắt này cũng không dễ gỡ, một phần quan trọng bởi trong hành trình di dân, sự tự nguyện - thậm chí là quyết tâm, thể hiện qua việc gom góp những khối tài sản lớn để chi trả và phục vụ cho hành trình - của những người ra đi là một thực tế khó bác bỏ.

Công bằng mà nói, nếu hành trình suôn sẻ, không một di dân nào lại muốn được “cứu vớt” khỏi tay bọn buôn người - vì điều đó đồng nghĩa nguy cơ cao là họ sẽ bị ngăn chặn trước khi tới được “đất hứa”, bị trục xuất, mất một khối tài sản lớn, và phải trở về với điểm xuất phát. Chỉ khi hành trình trục trặc, ở mức độ nghiêm trọng như thảm kịch Essex vừa qua hay các vụ chìm tàu bi thảm ở Địa Trung Hải thỉnh thoảng vẫn nghe tin, người ta mới bắt đầu kêu gọi sự thay đổi và “thức tỉnh”.

“Di dân không chính quy”

“Thức tỉnh” cũng chính là lời kêu gọi của Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Anh (FAC) trong báo cáo đề ngày 29-10-2019 tựa đề “Phản ứng với di dân không chính quy: Đường lối ngoại giao” (Responding to irregular migration: A diplomatic route).

 

Từ khóa ở đây là “không chính quy” (irregular). Trong báo cáo, “di dân không chính quy” được định nghĩa: “Sự di chuyển của con người diễn ra bên ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định, hay các thỏa thuận quốc tế quản lý việc vào hay ra từ nước xuất phát, trung chuyển, hay điểm đến”.

Tại sao FAC lại phải dùng một từ trúc trắc như thế và diễn giải dài dòng như thế cho một nội hàm mà lâu nay vẫn được biết đến với tên gọi giản tiện: “di dân bất hợp pháp” (illegal migration)?

Các tác giả báo cáo, đứng đầu là nghị viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền, chủ tịch FAC Tom Tugendhat, giải thích sự dài dòng văn tự đó ở điểm 35-37 của báo cáo, dưới đề mục “Ngôn ngữ”, được dành riêng để thảo luận về những từ ngữ mà các nghị viên cho là phù hợp hay không khi thảo luận vấn đề nhập cư.

Điểm 35: “FCO [Văn phòng Ngoại vụ Anh] đã thay đổi cách dùng từ ngữ liên quan tới việc di cư trong những năm gần đây, từ “di dân không chính quy” như một vấn đề nhân quyền, thành “di dân bất hợp pháp” như một vấn đề an ninh”.

Điều dẫn tới điểm 37: “Ngôn ngữ là quan trọng, nhất là khi thảo luận một vấn đề nhạy cảm cao độ như di cư. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ đánh giá lại việc sử dụng cụm từ “di dân bất hợp pháp” trong các tài liệu chiến lược, và việc xếp loại vấn đề này chủ yếu là một mối đe dọa an ninh thay vì một vấn đề về sự ổn định nói chung. Cái giá mà những người di cư phải trả phải là ưu tiên và trọng điểm trong chính sách của nước Anh... FCO phải trả lời báo cáo này và cho biết lý do họ thay đổi ngôn ngữ sử dụng trong các tài liệu của họ, cùng những ngụ ý chính sách của sự thay đổi đó. Để bắt đầu, FCO nên cân nhắc đổi việc gọi di dân từ “bất hợp pháp” thành “không chính quy” trong tất cả các tài liệu chính sách”.

Quả thật đó chỉ là việc nhỏ nhất mà FCO cần lưu ý. Các nghị sĩ đại diện cho dân nguyện ở Anh đưa ra những khuyến nghị khác lớn hơn nhiều, như một sự thừa nhận rằng chính sách di cư của nước này đã gặp nhiều vấn đề những năm qua: “Chúng tôi khuyến nghị chính phủ mở rộng các con đường hợp pháp để xin tị nạn từ ngoài châu Âu và hợp tác với các đối tác EU khuyến khích họ làm điều tương tự”, tức các con đường này từ xưa tới nay đã không đủ rộng mở.

“Chúng tôi khuyến nghị ngoài việc tăng cường an ninh ở bắc Pháp, Anh phải hợp tác chặt chẽ với chính quyền Pháp để cải thiện điều kiện sống cho di dân. Phải đảm bảo đánh giá hiệu quả những yêu cầu xin tị nạn của những người có người thân sống ở Anh, và ưu tiên cho việc duy trì hợp tác song phương với Pháp sau Brexit...”.

Lý do cho khuyến nghị này được nêu ngay trước đó: “Chúng tôi lo ngại vì bằng chứng chúng tôi nhận được về tình trạng sống tồi tệ của di dân ở bắc Pháp, và vì các báo cáo nói ngày càng nhiều người sử dụng những tuyến đường nguy hiểm để vào Anh, bao gồm băng qua eo biển bằng thuyền nhỏ. Tập trung vào tăng cường an ninh biên giới mà không cải thiện điều kiện sống ở vùng này có thể phản tác dụng, buộc người nhập cư phải thực hiện những hành trình tuyệt vọng vượt eo biển”.

Vì chính lợi ích của nước Anh

Bởi tất cả những điều đó, phần kết luận khuyến nghị: “FCO phải đảm bảo rằng các lợi ích chiến lược rộng hơn của Anh được tính tới đầy đủ trong việc định hình chính sách nhập cư - chứ không chỉ động lực nhất thời trong nước muốn hạn chế di dân”.

Kết luận đó đồng nghĩa việc cấm đoán nhập cư không chỉ khiến Chính phủ Anh “đẩy người tị nạn vào những đường dây buôn người chết chóc” - theo lời của ông Tugendhat, mà xét “các lợi ích chiến lược rộng hơn” còn có thể có hại cho chính nước Anh.

Thật vậy, Tim Finch - giám đốc di dân tại Viện Nghiên cứu chính sách công London - trong một bài phỏng vấn với Vice năm 2014, khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi di dân rời nước Anh ngay ngày mai, đã đáp: “Đất nước sẽ tan tành..., sẽ có những khoảng trống lớn trong lực lượng lao động... Ở thời điểm này, nền kinh tế Anh cần lao động nhập cư thuộc mọi ngành nghề... Việc người di cư đồng loạt ra đi chỉ là viễn cảnh giả thuyết, và tạ ơn Chúa là nó không xảy ra”.

Finch cũng chỉ rõ nhiều lao động nhập cư làm việc trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhà hàng khách sạn, xây dựng, y tế... thực ra là những người có kỹ năng cao đang làm việc dưới mức kỹ năng của họ.

Finch đưa ra một ví dụ cụ thể về Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS): “Tên gọi của nó là Cơ quan Y tế quốc gia Anh, nhưng đó là một đơn vị sử dụng lao động toàn cầu. Khoảng 8% toàn bộ lực lượng lao động của NHS là người nhập cư, và gần 1/4 các bác sĩ nữa, nên nếu chúng ta nói: “Quý vị phải rời khỏi Anh ngay” - hay nếu họ tự quyết định ra đi hết - thì sau một đêm, ngành y tế của chúng ta sẽ rơi vào thảm trạng... Một trong những lý do quan trọng nhất khiến di dân tốt cho các nền kinh tế là vì nó không chỉ tìm được các kỹ năng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, nó còn mang tới sự sáng tạo, cách tân, và năng suất cao hơn”.

Hầu hết những người tìm được cách lọt vào Anh, dù hợp pháp hay không, đều là những người tháo vát, chăm chỉ, và sẵn sàng để làm việc cật lực, những người mà kinh tế gia của Đại học King’s (London) Jonathan Portes mô tả trong một bài viết năm 2017 của ông trên trang chuyên về quan hệ Anh - EU ukandeu.ac.uk là “những người bình thường, có năng suất cao, thu nhập trung bình, kỹ năng trung bình - những người mà nền kinh tế chúng ta thực sự cần”.

Các nghiên cứu chi tiết khác cũng cho thấy họ không làm giảm mạnh mức thu nhập thực ở Anh, hưởng các phúc lợi quá nhiều hay làm tăng giá nhà ở như các chính trị gia bài nhập cư vẫn tuyên truyền.

David Blanchflower, cựu ủy viên Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, chỉ ra thêm một hệ quả nữa từ những thực tế đó: “Chính sách thắt chặt chi tiêu của chính quyền đồng nghĩa tiền của họ [tiền đóng thuế của người nhập cư] không được sử dụng để chi trả cho những dịch vụ mà họ có quyền hưởng, dẫn tới tình trạng đông đúc quá mức”.

Bởi tất cả những điều đó, có vẻ như nút thắt quan trọng nhất của đầu dây mối nhợ câu chuyện “di dân không chính quy” là ở đầu bên kia của địa cầu.■

Bản báo cáo của FAC chủ yếu tập trung vào di dân vào Anh từ châu Âu và châu Phi, nhưng cũng là về chính sách nhập cư chung của chính phủ nước này. 

Các nghị sĩ nói thảm họa Essex phải là “lời kêu gọi thức tỉnh” sau khi gần 19.000 người đã thiệt mạng vì vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không thể để mặc cho di dân chết như cách răn đe nhằm ngăn chặn những người khác tới. [Bộ trưởng Ngoại giao Heather Wheeler] đã không làm được gì nhiều để thuyết phục chúng tôi rằng FCO thực sự nghiêm túc xử trí vấn đề này”, báo cáo viết trong phần về Libya.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận