“Không, chúng tôi sẽ không giảm học phí”

HOA KIM 02/04/2020 04:04 GMT+7

TTCT - Bấm bụng móc hầu bao, thậm chí chấp nhận vay tiền chính phủ để đóng học phí hàng chục nghìn USD mỗi năm cho các trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ với niềm tin “đắt xắt ra miếng”, nhiều sinh viên và phụ huynh đang như ngồi trên lửa khi các trường thông báo chuyển sang dạy online 100% vì dịch COVID-19.

Ảnh: Washington Post
Ảnh: Washington Post

Nhiều sinh viên ở Mỹ cho biết cảm thấy bất công khi phải trả tiền cho dịch vụ không tương xứng, thậm chí thu thập chữ ký để kiến nghị nhà trường hoàn trả học phí. Số khác than phiền bị đẩy vào thế khó khi không có điều kiện truy cập Internet tại nhà để theo dõi các lớp học online, trong khi ký túc xá cũng đã yêu cầu sinh viên dọn đi như một biện pháp phòng dịch.

Chưa bàn đến hiệu quả so với giảng đường truyền thống, những phản kháng của sinh viên và gia đình đối với việc dạy và học online cho thấy xã hội, ngay cả ở Mỹ với các trường đại học và hãng công nghệ danh tiếng, chưa thật sự sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ chạm đến cốt lõi của giáo dục.

Học, đâu chỉ là nghe giảng

Sau khi ra thông báo chuyển toàn bộ hoạt động giảng dạy lên nền tảng trực tuyến, Đại học Stanford cho biết sẽ không hoàn lại một phần học phí của học kỳ mùa đông nhưng sẽ miễn phí ăn ở của học kỳ mùa xuân, bắt đầu từ ngày 30-3, cho những sinh viên bị buộc dọn ra khỏi ký túc xá.

“Không, chúng tôi sẽ không giảm học phí” là câu trả lời phía nhà trường đưa ra trong phần giải đáp “những câu hỏi thường gặp” của sinh viên trên website chính thức liên quan đến vấn đề học phí của học kỳ mùa xuân sắp tới, khi mà toàn bộ việc dạy học dự kiến được thực hiện online do ảnh hưởng của COVID-19.

Jessica de la Paz, sinh viên Stanford năm cuối hiện đã dọn từ ký túc xá về nhà ở thành phố San Jose, cách trường 30 phút chạy xe, để hoàn tất năm học cuối qua mạng. Jessica cho biết cô có thể thông cảm cho nhà trường trong chuyện không hoàn lại một phần học phí học kỳ mùa đông khi diễn biến dịch bệnh quá nhanh và nằm ngoài dự liệu của hầu như tất cả mọi người, nhưng việc nhà trường muốn thu đủ học phí của học kỳ kế tiếp trong bối cảnh sinh viên chỉ được học online khiến cô thất vọng.

“Tôi cảm thấy không công bằng khi phải chi trả cho chất lượng giáo dục mà mình không được hưởng. Việc tiền của tôi được dùng vào việc gì hiện vẫn rất mù mờ” - Jessica nói với báo Wall Street Journal.

Jessica cho biết phần lớn kiến thức cô tích lũy được trong môi trường đại học đến từ những trao đổi sâu với giảng viên trong văn phòng khoa và qua các buổi làm việc nhóm với bạn bè cùng lớp, chứ không phải đến từ các bài giảng trên giảng đường. Những tương tác giữa người với người như vậy, theo cô, rất khó để có thể mô phỏng trên môi trường học từ xa qua mạng.

Một số trường, trong đó có Đại học Harvard, Đại học bang Ohio và Đại học California, San Diego, đã thông báo cho sinh viên và gia đình họ sẽ nhận lại một phần tiền chỗ ở và khẩu phần ăn cho những tuần không ở ký túc xá vì dịch COVID-19.

Phụ huynh được kêu gọi kiên nhẫn chờ trong khi chi phiếu được chuyển theo đường bưu điện đến từng nhà, nhưng với nhiều người đó là cách xử lý chưa khiến họ hài lòng: các ông bố bà mẹ giờ đây phải gánh các chi phí phát sinh của việc có thêm một miệng ăn trong nhà. “Việc phải nuôi mấy đứa nhỏ trong vài tháng không nằm trong dự tính của tôi…

Nếu tôi không làm việc, cả nhà sẽ chẳng có gì ăn” - bà Frances Gleeson (57 tuổi) cho biết sau khi dành một ngày làm việc để lái xe đi đón hai đứa con đang học đại học từ ký túc xá nhà trường trở về nhà.

Học phí trọn gói tại một đại học công lập ở Mỹ năm 2020 hiện ở mức trung bình 15.380 USD/năm, trong đó 3.870 USD là học phí và các phí khác, còn 11.510 USD là tiền ăn ở, Wall Street Journal dẫn số liệu của Tổ chức College Board.

Đối với đại học tư, số tiền trung bình phải đóng gần gấp đôi - 27.370 USD/năm, gồm 14.380 USD học phí và 12.990 USD tiền ăn ở. Nhiều trường lấy nguồn thu chính từ các khoản ngoài học phí, do đó ngay cả việc cắt giảm các chi phí này cho sinh viên trong mùa dịch đã là một quyết định không dễ dàng về mặt tài chính.

Jacob Locke, sinh viên năm 3 tại Georgetown College, bang Kentucky, phải vay tiền chính phủ để trang trải học phí đại học và dự kiến sẽ gánh khoản nợ 50.000 USD ngay sau khi ra trường. Ý nghĩ rằng một phần trong số tiền đó được dùng để chi trả cho những lợi ích, dịch vụ mà mình không được tận hưởng do phải học online đối với Jacob thật khó chấp nhận.

“Họ (nhà trường) dựa vào các điều khoản trong hợp đồng, nên tôi không nghĩ mình có thể làm gì được. Nhưng nó như cú đá vào mặt sinh viên chúng tôi vậy” - Jacob nói chua chát.

Học online cũng lắm bất tiện

Lệnh đóng cửa trường học tại Mỹ vì dịch COVID-19 chỉ là khởi đầu cho một loạt khó khăn mà các sinh viên quốc tế phải đối mặt. Bên cạnh cú sốc tinh thần của việc bị đuổi khỏi ký túc xá và phải nói lời chia tay bạn bè, nhiều sinh viên quốc tế còn phải vật lộn để trang trải cho những mối lo mới: tìm nơi ở tạm trong mùa dịch và bắt buộc phải có kết nối Internet để học online.

Đối với những sinh viên chọn giải pháp hồi hương - lựa chọn vốn nhiều may rủi khi nhiều nước đã ban bố lệnh cấm di chuyển và thực hiện cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh - thì lệch múi giờ là một vấn đề nan giải của việc tham gia lớp học trực tuyến. Một lớp học bắt đầu vào buổi chiều ở Mỹ sẽ diễn ra sau nửa đêm ở nhiều nước châu Á.

Một sinh viên Harvard năm 3 đề nghị không nêu tên nói với The Verge nhà cô ở Zimbabwe không có đường truyền Internet ổn định, đồng nghĩa cô không thể tham gia lớp học trực tuyến nếu buộc phải về nhà. Hiện cô đã bay sang Anh ở tạm với gia đình một người dì trong lúc tìm kiếm một nơi ở ổn định hơn. “Toàn bộ chuyện này đã thật sự phơi bày những bất công và những điều trước đây chưa từng được nói đến” - cô nói.

Một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Columbia cho thấy tất cả sinh viên đều có kết quả học tập đi xuống khi học online so với học trực tiếp. Trong đó, sinh viên da màu, sinh viên có học lực kém, và sinh viên nam là những nhóm có kết quả thay đổi tiêu cực nhất.

Năm năm sau đó, một nghiên cứu năm 2018 cũng chỉ ra những sinh viên tiếp thu bài chậm chịu thiệt thòi nhất khi phải học trực tuyến, báo Seattle Times dẫn lời phó giáo sư Di Xu của Trường Sư phạm Đại học California, Irvine. “Các sinh viên trẻ, nam giới, thuộc cộng đồng thiểu số, và không có sự chuẩn bị tốt về mặt học thuật thường gặp nhiều khó khăn trong môi trường học tập trực tuyến…

Tại nhiều trường cao đẳng cộng đồng được chúng tôi khảo sát, tỉ lệ bỏ học giữa chừng ở các lớp trực tuyến lên đến 50%, một con số kinh khủng” - Di Xu nhấn mạnh. Trong khi đó, những sinh viên học giỏi sẵn và có khả năng tự học cao dễ thích nghi hơn khi tiếp thu bài giảng trực tuyến.

Không chỉ sinh viên gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến. Đối với nhiều giảng viên trung thành với lối dạy học truyền thống thì dịch COVID-19 đã buộc họ phải bồi dưỡng lại, hoặc với không ít người là học hỏi từ đầu, kiến thức về công nghệ và phương pháp giảng dạy thích hợp cho môi trường online.

Giáo sư Jacques Berlinerblau, giảng dạy môn văn minh Do Thái tại Đại học Georgetown, cho rằng chiếc màn hình giữa giảng viên và sinh viên là rào cản lớn nhất trong việc khuyến khích sinh viên phát biểu, tranh luận đóng góp vào bài học.

“Liệu công nghệ có thể tạo điều kiện cho chuyển biến mạnh mẽ trong phong cách sư phạm của nhiều nhà giáo trong thập niên vừa qua - từ học tập thụ động sang học tập chủ động - hay không? Tôi e rằng câu trả lời là không”.■

Thế hệ “Zoomer”

Trong bối cảnh hàng loạt trường học tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới chuyển sang dạy học online và hàng triệu người bị cách ly tại nhà, nền tảng hội họp trực tuyến Zoom cung cấp giải pháp kết nối, gặp gỡ và trao đổi công việc qua mạng nổi lên như một “hiện tượng” theo đúng nghĩa đen. Có lúc Zoom đạt gần 600.000 lượt tải mỗi ngày, trở thành ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên App Store.

Zoom đã chuẩn bị cho sự gia tăng đột biến người dùng kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc từ tháng 1-2020, khiến nhiều công ty phải cho nhân viên làm việc từ xa. Nhưng không một sự chuẩn bị nào giúp họ lường trước được việc nền tảng của mình sẽ trở thành một hiện tượng xã hội: tiệc tùng cùng bạn bè, lễ nhà nhờ, triển lãm nghệ thuật, thậm chí là live show ca nhạc - tất cả đều được tổ chức qua Zoom trong thời buổi “ai ở chỗ nào ở yên chỗ ấy”. Các sinh viên chán ngán cảnh cách ly với thế giới tìm đến Zoom để “hẹn hò giấu mặt”; các phòng tập vắng người vì dịch cũng dùng Zoom để duy trì các lớp yoga tại nhà.

Tương tự “boomer” dùng để chỉ thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số hậu Đệ nhị thế chiến, giới trẻ ngày nay đang tự phong mình biệt danh “thế hệ Zoomer” để ám chỉ sự lệ thuộc ngày càng sâu sắc vào nền tảng này. “Cuối cùng chúng ta đã biết ký tự “Z” trong thế hệ Z là viết tắt của chữ gì” - một sinh viên hóm hỉnh nhận xét trong một nhóm Facebook chuyên chia sẻ các ảnh “chế” về Zoom.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận