Tiêm vaccine phòng COVID-19: Vì sao nhiều người do dự ?

HỒNG VÂN 23/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Một số cuộc khảo sát cho thấy nhiều người trên thế giới sẽ không vội tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi một số khảo sát khác cho con số lạc quan hơn: từ 50 - 75% người dân muốn được tiêm phòng.

Người biểu tình phản đối thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở châu Phi tại ĐH Wits ở Johannesburg, Nam Phi ngày 1-7-2020. Ảnh: REUTERS
Người biểu tình phản đối thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở châu Phi tại ĐH Wits ở Johannesburg, Nam Phi ngày 1-7-2020. Ảnh: REUTERS

Ủng hộ hay không ủng hộ?

Susan Bailey, một y tá 57 tuổi đã về hưu ở Florida, Mỹ, trả lời phỏng vấn trên CNN khẳng định mình là người luôn tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là tiêm ngừa cúm mỗi năm. Tuy nhiên, bà là một trong số nhiều người Mỹ xác nhận rằng tại thời điểm này, bà sẽ không tiêm vaccine phòng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cho dù loại vaccine sắp được phép sử dụng.

“Tôi không phản đối vaccine nhưng tôi sẽ không tiêm vaccine này bây giờ. Tôi có một số bệnh lý nền và muốn chờ đến khi có đầy đủ nghiên cứu, trong một thời gian dài để xem liệu có biến chứng gì liên quan đến vaccine không”.

Bà Bailey cho biết sự đồng thuận về vaccine phòng virus corona chủng mới giữa các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và thời gian thử nghiệm ít nhất sáu tháng hiện nay mới chỉ là bước đầu trong việc thuyết phục bà thử nó. Theo bà, mọi thứ còn quá sớm, phải “18 tháng thì may ra”.

Theo CNN, tâm lý thận trọng như bà Bailey là của nhiều người trên khắp thế giới. Những người không thuộc phe chống vaccine cho rằng họ vẫn còn những quan ngại lớn về loại vaccine quá mới này. Neil Johnson, nhà nghiên cứu về tâm lý hoài nghi vaccine trên mạng xã hội (ĐH George Washington, Mỹ), cho biết người dân có 4 quan ngại, bao gồm: tính an toàn, sự cần thiết phải tiêm chủng, lòng tin về quá trình phát triển vắcxin và uy tín của công ty dược, sự không chắc chắn của khoa học.

Vaccine được các nhà khoa học công nhận là công cụ hiệu quả nhất trong cuộc chiến đấu với các bệnh truyền nhiễm, giúp ngăn chặn 6 triệu cái chết mỗi năm trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh vaccine là an toàn.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, từng nói: nếu có nhiều người ủng hộ tiêm vaccine ngừa virus corona, chúng ta có thể kết thúc đại dịch này. Một bài viết trên tạp chí y khoa The Lancet cũng đồng ý với quan điểm này khi khẳng định vaccine là cách duy nhất có thể giúp chấm dứt tình trạng phong tỏa hiện nay.

Tuy nhiên, khảo sát trực tuyến mà hãng tin Mỹ AP kết hợp Trung tâm vấn đề cộng đồng của ĐH Chicago, Mỹ (tháng 5-2020) thực hiện cho thấy 50% người Mỹ được khảo sát từ chối tiêm vaccine phòng virus corona chủng mới. Một nghiên cứu của King's College London công bố ngày 10-8 cũng cho thấy kết quả tương tự.

Dẫu vậy, kết quả khảo sát có thể làm chúng ta sai lầm vì các khảo sát khác nhau cho thấy kết quả khác nhau. Một khảo sát do CNN thực hiện tháng 5-2020 cho kết quả ngược lại khi có 2/3 người Mỹ tham gia khảo sát đồng ý thử vaccine phòng virus corona chủng mới khi nó được cho phép rộng rãi với giá rẻ.

Một khảo sát ở 19 quốc gia do nhóm vận động Convince - sáng kiến toàn cầu về truyền thông và giáo dục để khuyến khích tăng cường sự ủng hộ với vaccine COVID-19 trong khối tư nhân, tự làm chủ và người lao động - thực hiện cho thấy: khoảng 70% người dân Vương quốc Anh và Mỹ tham gia khảo sát đồng ý tiêm vaccine.

Mục đích của tiêm vaccine là tạo ra miễn dịch cộng đồng nếu phần đông người dân có kháng thể chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Vaccine phòng COVID-19 có thể có hiệu quả đến 70-75% nhưng nếu chỉ 2/3 dân số được tiêm vaccine thì mục tiêu miễn dịch cộng đồng “khó có thể” thực hiện được, theo nhận định của chuyên gia hàng đầu Mỹ về các bệnh truyền nhiễm - bác sĩ Anthony Fauci.

Một nghiên cứu của ĐH Hamburg (Đức) xuất bản ngày 26-6 cho thấy cần đạt được tỉ lệ 71-74% người dân châu Âu và Mỹ tiêm vaccine thì mới có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng, quan sát cho thấy “mức độ sẵn sàng hiện tại ở Pháp, Đức và Hà Lan có thể không đủ để đạt được ngưỡng này”.

Brazil, nơi các công ty dược của Anh, Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine của họ, có một nhóm người dân đã vận động trên mạng xã hội để chống lại vaccine do Trung Quốc phát triển.

Lập luận của họ là virus corona chủng mới đã xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và họ không muốn mình và mọi người giúp thử nghiệm loại vaccine từ Trung Quốc.Những hashtag như #nothanks (không, xin cảm ơn) #chinesevaccineNO” (vaccine Trung Quốc, xin miễn) tràn ngập trên mạng xã hội Brazil.

Không kể các phong trào chống vaccine đã bị chỉ trích nặng nề, một vài sự cố trong những năm gần đây cũng khiến lòng tin với vaccine suy giảm. Tại Philippines, dịch sởi năm 2019 liên quan đến tỉ lệ người tiêm vaccine giảm mạnh do hậu quả một chương trình thử nghiệm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue thất bại, khiến một số trẻ em thiệt mạng do tác dụng phụ của nó.

Tại Indonesia, nước từng có tỉ lệ cao (97%) người dân tin tưởng vaccine là an toàn trong khảo sát năm 2016, đến tháng 1-2020, đã có 15% phụ huynh do dự nếu cho trẻ tiêm phòng bệnh Zika. Nghiên cứu của Auliya Suwantika, giáo sư về dược tại ĐH Padjadjaran phát hiện tỉ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng của nước này giảm trong những năm gần đây, chỉ có 58% trẻ em được tiêm phòng đầy đủ, so với mục tiêu 93% của chính phủ.

Theo các nhà nghiên cứu, tâm lý do dự khi tiêm vaccine có thể là trở ngại tiếp theo trong việc đẩy lùi COVID-19. Hãy tự hỏi mình và những người xung quanh để tìm hiểu xem ai 100% sẵn sàng thử vaccine này. Nhiều người sẽ không sẵn sàng và muốn chờ những người khác được tiêm chủng trước.

Một tình nguyện viên được tiêm vaccine trong một thử nghiệm lâm sàng trên người về vaccine phòng virus corona chủng mới ở Soweto, Nam Phi ngày 24-6. Ảnh: REUTERS
Một tình nguyện viên được tiêm vaccine trong một thử nghiệm lâm sàng trên người về vaccine phòng virus corona chủng mới ở Soweto, Nam Phi ngày 24-6. Ảnh: REUTERS

Không chỉ là chuyện truyền thông

Ngày 15-8, Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik-V, phòng COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N. F .Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên của Nga sẽ ra mắt vào cuối tháng 8 dù vaccine này còn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 (trong đó vaccine phải được đánh giá hiệu quả trên hàng ngàn tình nguyện viên).

Áp lực đốc thúc tối đa việc phát triển vaccine vừa vì mục tiêu kinh tế (từ việc bán vaccine) vừa đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh (bằng cách tiêm vaccine) để nền kinh tế sớm khởi động trở lại là dễ hiểu. Tuy nhiên, những người thận trọng cho rằng việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vaccine, rút ngắn từ 10-15 năm xuống còn dưới 1 năm có thể “không hữu ích”.

Theo nghiên cứu của Scott Ratzan, giảng viên ĐH Y tế cộng đồng City University of New York (Mỹ), có thể người dân Nga, đất nước đầu tiên tạo ra vaccine phòng COVID-19, sẽ do dự nhiều hơn với vaccine so với người dân tại các nước khác.

Dù Nga tuyên bố vaccine Sputnik-V có hiệu quả, độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến hai năm nhưng khảo sát thực hiện bởi ứng dụng “Doctor Handbook” (Sổ tay bác sĩ) với hơn 3.000 nhân viên y tế Nga tham gia cho thấy 52% người trả lời cho biết họ chưa sẵn sàng tiêm chủng.

Chỉ 24,5% đồng ý tiêm vaccine và 1/5 sẽ giới thiệu vaccine Sputnik V cho các bệnh nhân, đồng nghiệp hoặc bạn bè. Một số người Nga cho biết họ rất sợ nếu phải tiêm vaccine này trong khi một số khác cho rằng quan ngại của các nước dành cho Nga là sản phẩm của sự “đố kỵ”.

Nhưng không chỉ có Nga đi đường tắt khi vội sản xuất vaccine, một loại vaccine của Trung Quốc cũng bỏ qua thử nghiệm giai đoạn 3 và được phép sản xuất cho quân đội sử dụng từ tháng 6-2020. Không chịu thua kém, trong ngày độc lập của Ấn Độ 15-8 vừa qua, Thủ tướng Modi tự tin khẳng định nước này có đến 3 loại vaccine phòng bệnh COVID-19 đang được thử nghiệm và kế hoạch sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn nhất có thể đã sẵn sàng. Theo ông Modi, ưu tiên tự túc về kinh tế và y tế là quan trọng nên đầu tiên, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine cho nhu cầu trong nước, với 1,3 tỉ người, sau đó mới cho thị trường toàn cầu.

Bác sĩ Mike Ryan, giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, cho biết: “Mọi người cần được thoải mái bàn luận về vaccine một cách thích hợp như có đầy đủ thông tin, thảo luận đa chiều để cuối cùng, tự họ có quyết định của riêng mình”.

Theo bác sĩ Ryan, việc của các nhà khoa học và chính phủ là tạo ra vaccine, việc của cộng đồng và người dân là lắng nghe và cuối cùng, hi vọng là có một loại vaccine thành công trong việc được số đông chấp nhận để có thể kết thúc đại dịch. Vấn đề mấu chốt hiện nay không phải là thuyết phục người dân rằng vaccine là an toàn mà làm mọi cách để đảm bảo điều này thành sự thật.

Jeremy Ward, tác giả nghiên cứu về tâm lý do dự về vaccine, phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu Pháp Coconel thực hiện đăng trên tạp chí The Lancet tháng 5-2020, cho biết: “Khi bạn sản xuất một loại vaccine mới với tốc độ này, vấn đề không chỉ là truyền thông, nó còn là sự minh bạch và có những quyết định đúng đắn. Cần đảm bảo các tình nguyện viên tham gia thử vaccine được lắng nghe, những lo ngại của họ được giải quyết và vaccine tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và hiệu quả”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận