Chép sổ tay, bay ưu phiền

PHAN BẢO 22/10/2020 02:10 GMT+7

TTCT - Giữa thời đại công nghệ và thiết bị điện tử, vậy mà có hẳn một cộng đồng rộng lớn lựa chọn lưu giữ thông tin bằng cách thức truyền thống - ghi sổ tay. Những quyển sổ ngập tràn màu sắc với nội dung sống động, tưởng chừng chỉ là một trào lưu trên mạng xã hội, gần như đã trở thành một nét nghệ thuật hữu ích được yêu thích trên thế giới.

Ảnh: Bujoreens/Instagram

Chép sổ là một nghệ thuật

Quinci LeGardye, cây bút tự do của tạp chí Wired, có dịp tình cờ lướt ngang một video YouTube khoe những quyển sổ tay lập kế hoạch (planner) mà Alaina - nhân viên kế toán kiêm doanh nhân và là bà mẹ hai con - tự tay thiết kế.

Ngay lập tức bị cuốn hút, LeGardye đã xem một loạt những video khác của Alaina, bao gồm video có tựa đề “Cách tôi sử dụng sổ kế hoạch hạnh phúc”. Alaina có nét chữ gọn gàng và nhỏ nhắn. Cô sử dụng những hình dán dễ thương để minh họa trong cuốn sổ của mình: đám mây trắng bao bọc bởi một bong bóng màu xanh dương đậm cho biết hôm đó sẽ có mưa, chiếc ví nhỏ đặt cạnh mục “đánh giá ngân sách”, và máy tính xách tay bé xinh dán vào mục “lịch trình”. Alaina có tận 8 quyển planner như thế: một cuốn ghi chép chung, và các quyển còn lại là dành cho chuyện đọc sách, kinh doanh, ngân sách, gia đình, cá nhân, đức tin và ghi chú.

Trong tựa đề các video của Alaina luôn xuất hiện cụm “Cùng tôi lên kế hoạch”. Khi tìm kiếm với cụm từ khóa này trên YouTube, LeGardye nhanh chóng phát hiện cả một cộng đồng những người phô diễn nghệ thuật trang trí sổ tay kế hoạch. Những trang giấy được thiết kế với muôn hình vạn trạng, tô điểm đầy màu sắc tùy theo mục đích sử dụng. Có người sử dụng nhiều nhãn dán đến mức dòng kẻ trên trang giấy gần như biến mất, cũng có người chuộng bút tô màu.

Phong cách chép sổ cũng đa dạng: người kẻ khung, người gạch vài đầu dòng đơn giản; viết thành đoạn theo chiều ngang, hoặc vẽ các ô theo chiều dọc. Có người thích lập kế hoạch chung cho cả tuần, cũng có người, như Alaina, lên kế hoạch theo từng giờ: giờ nào làm việc, giờ nào ăn, mấy giờ tập thể dục, giờ nào xem Netflix, giờ nào gặp gỡ bạn bè. Alaina chỉ cần lật giở một trang trong quyển sổ trên bàn là biết chính xác mình phải làm gì trong giờ tiếp theo.

Thỏa thích sáng tạo

Tại Mỹ, phụ nữ đến văn phòng với “bóp sổ tay” Filofax - có bìa và nhiều ngăn đầy sắc màu, bên trong có phần sổ địa chỉ và ngăn đựng phụ kiện vào thập niên 1980, trước khi bắt đầu tự tay thiết kế sổ kế hoạch từ đầu những năm 2000. Họ thêm ảnh chụp, nhãn dán vào những khoảng trống trên trang giấy để lưu lại đó những kỷ niệm cá nhân. Dần dà, những quyển sổ lập kế hoạch ban đầu trở thành sổ ghi chép thuần túy cho gia đình hoặc cá nhân, với nội dung chủ yếu là viết nhật ký, kể chuyện, xếp lịch... Sự phổ biến của việc ghi chép vào sổ kế hoạch kéo theo sự phát triển của ngành giấy thủ công, giấy trang trí, bút màu và sổ lưu niệm.

Hầu hết mọi người bắt đầu lập kế hoạch trên giấy khi gặp phải biến cố cá nhân hoặc khi lịch trình của họ trở nên quá bận rộn. Desiree Perez, một “người có ảnh hưởng” (influencer) trong giới lập và trang trí sổ tay kế hoạch, kể với LeGardye rằng cô bắt đầu ghi kế hoạch ra sổ kể từ lúc một trong hai công việc của cô trở nên quá tải và cô “thèm được sáng tạo”.

“Việc thiết kế sổ kế hoạch đã giúp tôi lấy lại cảm giác sáng tạo vốn bị đánh mất vì cuộc sống chỉ có làm việc và làm việc cả ngày với máy tính, đồng thời nó cũng giúp tôi sắp xếp mọi thứ theo trình tự. Một công đôi việc, vừa giúp ích cho công việc lại vừa vui” - Perez chia sẻ. Cô nhân viên văn phòng này có đến 30.000 người theo dõi trên Instagram và 11.000 trên YouTube. Giống Alaina, cô cũng cho ra đời các video hướng dẫn ghi sổ tay với từ khóa “Cùng tôi lên kế hoạch”.

Việc lập kế hoạch trở thành một hoạt động kết hợp giữa tính trí tuệ và gu thẩm mỹ. Sự sáng tạo mà LeGardye đề cập và việc ghi sổ kế hoạch giờ đây gắn với nhau như hình với bóng, đến nỗi bullet journal - một cách ghi chép công việc và kế hoạch rất hiệu quả do Ryder Carroll, một nhà thiết kế tại Brooklyn (New York, Mỹ), sáng tạo ra - trở thành mảnh đất phóng tác màu mỡ cho giới họa sĩ.

Ảnh chụp màn hình YouTube/Paper & Ink Co Blog

Thử tìm kiếm hashtag #bulletjournal, hay rút gọn là #bujo, trên Instagram, kết quả trả về cho thấy số lượng bài đăng trang kế hoạch với bố cục vẽ tay, được trang trí cầu kỳ vượt trội hơn hẳn những ghi chép theo kiểu mẫu đơn giản do Carroll phát minh. Điều đáng nói là tất cả đều được tỉ mẩn thực hiện thủ công, trong thời đại thiết kế kỹ thuật số bằng máy tính.

Điều lý thú là ta không cần tự lập sổ của riêng mình, mà chỉ cần theo dõi quá trình những người như Perez thiết kế nội dung, trang trí và nghe quá trình suy nghĩ của cô ấy qua những video “Cùng tôi lên kế hoạch” cũng có thể mang đến cảm giác nhẹ nhàng như tìm thấy “vườn bình yên”, như LeGardye nhận xét.

Suốt thập niên qua, một cộng đồng lập kế hoạch trên sổ tay đã hình thành và lớn mạnh. Trên Instagram, hashtag #planneraddict” (nghiện sổ tay) được đề cập hơn 5,6 triệu lần và #plannercommunity (cộng đồng sổ tay) hơn 4,1 triệu.

Sổ tay kế hoạch, thứ thường chỉ được xem như dụng cụ học tập được bán dọc các kệ hàng ở siêu thị Target, đã tạo nên một ngành công nghiệp hàng triệu đôla. Số liệu gần nhất cho thấy ngành sổ tay kế hoạch thu về doanh số 342,7 triệu USD trong năm 2016, và chắc chắn con số này còn tiếp tục tăng.

Liệu pháp tinh thần

Mặc dù xu hướng này có vẻ nở rộ sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, thực chất nghệ thuật bujo đã tồn tại một thời gian trước đó. Họa sĩ bujo người Ba Lan Julia Pezowicz nói với Indulge, chuyên trang lối sống của tờ New Indian Express (Ấn Độ), rằng cô gắn bó với văn hóa bujo kể từ khi rời xa quê nhà để học lên cao vào mùa hè 2017.

“Tôi nhận ra rằng nếu tôi muốn bắt kịp với cuộc sống trưởng thành, học tập, công việc và sở thích của mình, tôi phải trở nên ngăn nắp hơn. Sau một hồi tìm kiếm một bộ lịch phù hợp nhất với nhu cầu của mình, tôi đã xem được một số bức ảnh sổ ghi chép theo hình thức bujo và thấy hứng thú muốn bắt tay vào thử” - cô gái 23 tuổi cho biết. Pezowicz nói thêm rằng việc bullet journal không chỉ giúp cô trở nên có tổ chức mà còn khiến cô cảm thấy có động lực để quay lại sở thích đã bỏ rơi từ lâu là vẽ và tô màu.

So sánh bullet journal như một liệu pháp trấn an và truyền cảm hứng, nhà sáng tạo đến từ Mumbai (Ấn Độ) Shanti S Javadekar cho biết hình thức này giúp cô theo dõi cảm xúc cũng như tiến trình hằng ngày vốn dễ bị bỏ mặc.

Những nhận định của Pezowicz hay Javadekar là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nhà tâm lý học Mini Rao chia sẻ với Indulge rằng cô luôn khuyên các bệnh nhân của mình nên viết nhật ký hoặc nhật trình để giải tỏa cảm xúc của họ thông qua con chữ.

“Đặt mục tiêu, dài hạn và ngắn hạn, viết về những gì bạn đạt được trong ngày có thể giúp bạn tự tin hơn rất nhiều. Bullet journal giúp mọi người làm việc có cơ sở, cho họ biết họ đang hướng đến đâu, khiến họ tập trung hơn và giúp họ tự tin hơn về những thành tựu trước đó” - Rao cho biết, và không ngần ngại khẳng định “viết lách là một phương pháp chữa bệnh và bullet journal là con đường giúp người ta tiến về phía trước”.

Tất nhiên những người yêu thích ghi sổ tay kế hoạch cũng sử dụng những ứng dụng quản lý thông tin liên lạc và quản lý thời gian như iCal hay Google Calendar. Nhưng khi những thông báo và danh sách những điều cần làm biến mất sau khi công việc vừa được hoàn thành, cảm giác đạt được thành tựu dường như cũng tan biến theo. “Ngược lại, nếu bạn nghĩ mình chẳng làm nên trò trống gì, sổ tay kế hoạch nhắc bạn nhớ rằng những việc cỏn con như tự nấu cho mình một bữa sáng cũng là một thành tựu” - LeGardye viết.

Sổ tay kế hoạch đã vượt xa khuôn khổ của một công cụ quản lý hiệu năng làm việc để trở thành sở thích và phong cách sống của hàng ngàn phụ nữ mỗi năm. Việc lên kế hoạch càng nhiều càng tốt mang lại cho phụ nữ cảm giác kiểm soát được cuộc sống vốn hỗn độn này. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong năm 2020 - một năm mà không có kế hoạch nào là vẹn lành trước ảnh hưởng của đại dịch.■

Ảnh: Tbhstudying/Instagram


Mọi người trong cộng đồng yêu thích lập sổ tay kế hoạch đều có chung hi vọng rằng họ sẽ trở thành phiên bản sống và làm việc hiệu quả, thoải mái, và hoàn thiện nhất của chính bản thân. Đối với nhiều người, viết lịch trình và nhiệm vụ ra giấy giúp họ giải phóng não bộ và loại bỏ lo lắng. Song, không phải ai cũng thích hoặc có khả năng lên danh sách chi tiết cho cuộc đời mình.

Ví như LeGardye đã thử hoạch định cuộc đời cô đến từng giây từng phút, chỉ để nhận ra rằng khi một nhiệm vụ bị trì hoãn, nó còn khiến cô bận lòng nhiều hơn. Và cô cũng thích sự linh hoạt hơn. Giải pháp “thỏa hiệp” sau có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện tại: LeGardye không muốn lên kế hoạch cho toàn bộ cuộc sống của mình, nhưng làm thế với vấn đề tài chính và công việc giúp cô bớt đi vài thứ để lo khi ở giữa đại dịch chưa biết hồi kết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận