Hiện trường vụ án thành phim trường TikTok

TUẤN SƠN 29/11/2020 23:15 GMT+7

TTCT - Những video ngắn ghi lại công tác dọn dẹp hiện trường vụ án - với đầy đủ máu me mà những hình ảnh có thể khiến nhiều người buồn nôn - đang tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng xã hội TikTok ở Mỹ.

Ảnh: Wired

Đó là một ngày tháng 8 oi bức ở thành phố Tampa, nằm bên bờ Tây bang Florida, Hoa Kỳ. Một chiếc ôtô loang lổ vết máu và lỗ chỗ vết đạn bắn, với phần nội thất được phủ một thứ chất lỏng đã khô lại, đặc quánh - là máu người nhưng có màu vàng nhờ nhợ như thể bãi ói để lâu ngày. “Nhìn giống đạn 9 li” - một người đàn ông trong bộ đồ bảo hộ trắng nói với đồng nghiệp, sau khi xem xét vỏ đạn còn sót lại trong xe sau một vụ thanh toán băng đảng.

Tất cả những hình ảnh trên được ghi lại và biên tập theo kiểu snapshot - những đoạn clip ngắn từ 3-5 giây ghép lại với nhau theo tiết tấu nhanh trên nền một đoạn nhạc đang thịnh hành trên kho âm thanh của TikTok. Đoạn video dài chưa đến một phút được tự động phát lại từ đầu ngay khi vừa kết thúc, cho đến khi người xem chủ động bấm dừng hoặc vuốt ngón tay để chuyển sang video khác - một kiểu thiết kế có chủ đích gây nghiện của TikTok và mạng xã hội nói chung nhưng còn giúp người xem như được dự phần “giải mã” hiện trường vụ án qua từng cảnh quay được tua đi tua lại nhiều lần. Sau 2 tháng đăng tải, video đã thu hút hơn 60,7 triệu lượt xem cùng gần 7 triệu lượt yêu thích.

Những video đưa người xem đến nơi xảy ra các vụ án đời thực và chứng kiến công tác lau dọn hiện trường của những người được đào tạo chuyên nghiệp không còn là chuyện lạ trên nền tảng mạng xã hội được hơn 100 triệu người sử dụng mỗi tháng tại Mỹ. Với hàng trăm triệu lượt xem tổng cộng, những video này thường được quay tại hiện trường một vụ giết người hoặc tự sát, với nhân vật chính là các đội vệ sinh đang dùng đủ cách để làm sạch mọi vết máu cũng như các chất dịch cơ thể khác tại hiện trường, sau khi cảnh sát đã hoàn tất điều tra vụ án và mang xác nạn nhân đi.

Những người này còn nhận luôn việc dọn dẹp nơi ở của những người vừa mới qua đời mắc hội chứng thích tích trữ đồ đạc và không muốn bỏ đi thứ gì - những tủ lạnh đầy ắp thực phẩm thối rữa, chuột, gián và giòi, và mỗi khoảng trống đủ để đặt bàn chân mà di chuyển trong nhà cũng là một sự xa xỉ khi đồ đạc qua nhiều năm chất thành núi có khi cao quá đầu. Tất cả những thứ đối với nhiều người là nỗi kinh tởm lại là thiên đường dành cho những người trót có niềm say mê đối với chủ đề hiện trường.

Tài khoản có lượng view khủng nhất trong thể loại “TikTok hiện trường” này là @crimescenecleaning, do Spaulding Decon - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ làm sạch hiện trường - quản lý. Với hơn 160 video và 2,8 triệu người theo dõi, họ là những người tạo ra cả một thể loại “vũ trụ điện ảnh” về hiện trường tội phạm - với những nhân vật xuất hiện thường xuyên như #DecompKyle (Kyle Phân hủy - chuyên gia dọn dẹp những gì còn lại của thi thể người) hay Fiona - “thám tử” chuyên kiểm tra tủ lạnh của những người không chịu vứt bỏ đồ ăn quá đát.

Gabe Chrismon, quản lý của Spaulding Decon khu vực Nashville, chia sẻ với tạp chí Wired rằng đã có nhiều khách hàng liên hệ với công ty ngay sau khi xem video để đặt vấn đề sử dụng dịch vụ, dù trước đó họ còn chưa từng nghĩ dịch vụ này có mặt trên đời. Công ty còn sử dụng nền tảng này để tương tác với người theo dõi và trả lời các câu hỏi phổ biến về nghề: “Làm thế nào để bước vào nghề?” hay “Có thật là xác người sẽ nổ tung trong quá trình phân hủy?”.

Một trong những khán giả trung thành của @crimescenecleaning là Josephine, 26 tuổi, đến từ Seattle. Cô thích việc có thể xem việc dọn dẹp hiện trường diễn ra một cách trung thực nhất mà không phải qua quá nhiều khâu biên tập như những chương trình truyền hình thực tế.

Xu hướng “TikTok hiện trường” vẫn gây tranh cãi vì lằn ranh mờ nhạt giữa “giáo dục” và “gây sốc”. Nền tảng này không dung thứ nội dung máu me, bạo lực nhưng cho phép nếu hình ảnh đó nhằm mục đích giáo dục, chẳng hạn như tìm hiểu quy trình y khoa. Kênh @Deathscience của Jeremy Ciliberto chọn cách làm khác để khỏi phải bận tâm về chuyện vượt quá giới hạn: cũng nội dung dọn dẹp hiện trường nhưng hoàn toàn là mô phỏng, không phải cảnh máu me thật sự, nhằm “giáo dục và thư giãn mà không phải dã man hay mang cái chết ra làm vui”.

Với Grace (tên nhân vật đã thay đổi), 17 tuổi, các video này phản ánh mong muốn thực sự tìm hiểu về nghề thu dọn hiện trường của không ít người trẻ. “Tôi nghĩ thứ cuốn hút tôi chính là cái chết. Tôi thực sự luôn bị ám ảnh bởi cái chết và sự hiểu biết về những gì xảy ra với phần xác sau khi ta chết” - cô nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận