Giữa kiến thức và trí khôn

HẢI MINH 18/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - Trong kinh tế học về sự chú ý của thời mạng xã hội và Internet di động, sự chú ý của người dùng - với các hãng quảng cáo, bán hàng, các nền tảng mạng xã hội, truyền thông… - trở thành một nguồn lực khan hiếm giống như dầu mỏ hay tiền mặt vậy.

Ảnh: 1843 Magazine
Ảnh: 1843 Magazine

 

Nhưng từ trước khi được biến thành một khái niệm kinh tế học thời thượng, sự chú ý của con người chính là nền tảng để chúng ta trải nghiệm thế giới xung quanh, để đơn giản sống cuộc đời của mình mà thôi. Và đây có thể coi là khía cạnh khác của kinh tế sự chú ý.

“Chúng ta chìm đắm trong thông tin, nhưng lại đói khát trí khôn”. Những lời đó của nhà sinh học người Mỹ Edward Wilson vào cuối thế kỷ trước thật đúng với kinh tế học về sự chú ý. Trong khi việc coi sự chú ý như một nguồn lực khan hiếm cần giành giật và kể cả thao túng để có được tri thức và nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận, điều đó chưa chắc đã là trí khôn.

Một diễn giải sai lầm?

Trong thời đại điện thoại thông minh nhan nhản khắp nơi này, thật dễ tin rằng clip nào có nhiều lượt xem (view) nhất trên YouTube, bài đăng nào có nhiều lượt thích (like) và chia sẻ (share) nhất trên Facebook, tài khoản nào có nhiều người theo dõi (follow) nhất trên Twitter, sẽ là kẻ chiến thắng.

“Nền kinh tế của sự chú ý” là cụm từ đã được nghĩ ra để giải thích những gì đang diễn ra - như mọi khi - dưới góc nhìn kinh tế học thực chứng truyền thống. Theo đó, sự chú ý của người dùng là một nguồn lực khan hiếm, và ngày càng khan hiếm hơn khi họ có quá nhiều thứ để bận tâm, theo dõi, chia sẻ…

Tín điều đó trở thành trọng tâm cho “hệ sinh thái thông tin mới”, khi những thông báo tin nhắn mới, thư điện tử mới, tương tác mới trong tài khoản mạng xã hội… chớp nháy không ngừng nghỉ trên chiếc điện thoại của chúng ta, 24/24 giờ, 7 ngày một tuần. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp ngày nay là phải giày xéo lẫn nhau để chiếm cho được sự chú ý đó, càng nhiều càng tốt.

Sự diễn giải đó là có ích trong một thế giới quá tải về thông tin, và một thế giới mà hầu hết mọi thiết bị và ứng dụng trên màn hình điện thoại của chúng ta được thiết kế để khiến chúng ta phải “mắc câu” - đúng nghĩa đen, như một con cá dính vào lưỡi câu và bị giật ra khỏi nước, vĩnh viễn không bao giờ thoát ra được nữa.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề sức khỏe tâm thần của chính chúng ta, kinh tế học của sự chú ý còn chỉ ra nhiều vấn đề xã hội rất nghiêm trọng nữa: từ sự suy giảm đáng lo ngại lòng cảm thông tới việc “vũ khí hóa” mạng xã hội - nơi mà hòn bấc ném đi sẽ ăn ngay một quả đại bác ném lại, chứ không chỉ là hòn chì như ngày xưa.

Tuy nhiên, cách hiểu về “sự chú ý” (attention) trong kinh tế học về sự chú ý có lẽ mang tính đặc thù. Kinh tế học được định nghĩa là môn học “nghiên cứu cách khai thác, sử dụng và phân bổ các nguồn lực khan hiếm” nhằm những mục đích cụ thể (bao gồm, nhưng không chỉ, việc tối đa hóa lợi nhuận).

Vì thế, kinh tế học nói tới sự chú ý đặt trọng tâm vào việc coi đó như một nguồn lực: cần được khai thác, sử dụng và phân bổ để phục vụ cho một mục đích nào đó - ý tưởng tất yếu dẫn tới những tật bệnh trên mạng xã hội. Sự chú ý của mỗi chúng ta, khi chúng ta không sử dụng chúng vì mục đích của chính mình, sẽ trở thành một công cụ để người khác khai thác.

Nhưng tính đếm như thế với sự chú ý đã bỏ qua thực tế rằng nó không chỉ hữu ích và để phục vụ một mục đích nào đó.

Với tư cách là những con người - homo sapiens, trước khi là con người kinh tế - homo economicus, sự chú ý là nền tảng cho việc chúng ta tồn tại trên thế giới này.

Như một công cụ, sự chú ý tất nhiên là quan trọng. Nhưng chúng ta cũng có thể chú ý một cách vô tư hơn nhiều, và điều này mới quan trọng với bản chất con người chúng ta: để học hỏi, để cởi mở, để trải nghiệm cuộc sống, mà không với một mục đích cụ thể nào cả.

Lấy ví dụ, khi bạn tới một đất nước mới, một thành phố mới, nếu bạn là một người đi công tác thì sự chú ý của bạn sẽ là nguồn lực: bạn cần đặt phòng, cần biết rõ lịch hẹn làm việc, cần các phương tiện chuyên chở đi và đến với giờ giấc rõ ràng…

Nhưng nếu là một kẻ lãng du, sự chú ý của bạn sẽ ở trạng thái vô tư hơn nhiều, nó không còn là một công cụ nữa. Bạn sẽ muốn lang thang giữa những con người và cảnh tượng ở đó, muốn tìm hiểu những lạ lùng và khác biệt, cả thích thú và khó chịu, thậm chí là muốn chiêm nghiệm hay nổi loạn một chút so với bản thân ngày thường.

Ảnh: Meredith Sadler
Ảnh: Meredith Sadler

 

Nửa kia của câu chuyện

Coi sự chú ý là một nguồn lực, như ngụ ý trong kinh tế học, chỉ kể một nửa câu chuyện, và là nửa kém hấp dẫn hơn. Theo các chuyên gia về thần kinh, bán cầu não trái và phải truyền đạt thế giới vào nhận thức của chúng ta theo cách rất khác biệt.

Sự chú ý với tư cách một công cụ là phần việc của bán cầu não trái, nơi chuyên chia nhỏ những dữ liệu mà nó nhận được vào từng ngăn: để phân tích và phân loại, rồi sử dụng với những mục đích cụ thể.

Ngược lại, bán cầu não phải ở trong trạng thái “lãng mạn” hơn: sự nhận thức mang tính tự thân, cởi mở với những gì diễn ra, với sự mới mẻ.

Trạng thái chú ý này “phát tác”, lấy ví dụ, khi chúng ta chú ý tới con người, thế giới tự nhiên, hay một tác phẩm nghệ thuật. Còn bán cầu não trái sẽ hoạt động khi ta tính thuế, canh giờ đón con, hay mưu toan một vụ làm ăn.

Vì thế, trong khi sự chú ý quả là một nguồn lực, chúng ta cũng phải giữ lại cho mình cảm nhận rõ ràng rằng sự chú ý là trải nghiệm tự thân của mỗi người chúng ta.

Điều thứ nhất có thể giúp cuộc sống vật chất của ta tốt hơn, nhưng điều thứ hai mới là điều khiến chúng ta vẫn là chúng ta: ý tưởng nền tảng rằng những gì chúng ta chú ý, cách chúng ta chú ý sẽ định hình thực tại của chúng ta, từng chút một, ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm khác.

Cũng chính trạng thái chú ý tự thân mới là điều kết nối chúng ta với những cảm nhận mục đích sâu sắc nhất. Chính vì thế, vấn đề hiện giờ rất khó giải quyết. Trước hết, cơn bão táp những sự kích thích và một rừng những “lưỡi câu” giăng mắc khắp nơi khiến chúng ta gần như chắc chắn sẽ mắc câu. Tất cả thu hẹp rất nhiều không gian của sự chú ý tự thân.

Ngày nay, khi ta đứng trong thang máy, đứng chờ xe buýt, đợi tới lượt mình trong phòng khám…, gần như tự động chúng ta sẽ cắm mặt vào điện thoại. Thứ hai, cách kể chuyện sự chú ý - nguồn lực kinh tế nhận được sự hỗ trợ khổng lồ từ các tập đoàn lớn nhất, điều càng củng cố ý tưởng cho rằng sự chú ý chỉ là một nguồn lực mà thôi, thay vì trước hết là một trải nghiệm - như bản chất ban đầu sơ khai của nó.

Ở một chiều cực đoan, chúng ta có thể tưởng tượng ra một cảnh tượng mà chúng ta dần đánh mất hoàn toàn sự chú ý tự thân. Sự chú ý chỉ còn là một công cụ - tệ hơn, một công cụ để người khác thao túng chúng ta.

Trong khi một hệ quả như vậy là cực đoan, nó không phải là khó hình dung, bởi thực tế đó đã hiển hiện trước mắt chúng ta hằng ngày. May mắn là hiện giờ chưa xã hội nào rơi vào trạng thái “thây ma điện thoại” hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ cần những lời khuyên để xã hội đó không bao giờ xảy đến.

Để bắt đầu, khi nói tới sự chú ý, chúng ta phải luôn nhắc mình rằng đó là một trải nghiệm chứ không phải một công cụ.

Tiếp đến, chúng ta cần suy nghĩ lại cách chúng ta sử dụng thời gian của mình. Ngoài vấn đề “vệ sinh kỹ thuật số” (tắt điện thoại, bỏ thiết bị điện tử ngoài phòng ngủ, giới hạn giờ lên Facebook…), chúng ta cần chủ động hơn trong việc sử dụng thời gian - và sự chú ý của mình - trong những môi trường cởi mở, đón nhận, không bị ai định hướng: một cuộc tản bộ, ghé thăm một bảo tàng, nghe một đĩa nhạc, ăn một bữa tối không tin nhắn với người mình yêu mến…

Hiệu quả nhất là chúng ta đơn giản trở lại với trạng thái chú ý tự nhiên của mình, dù chỉ là trong chốc lát, mỗi ngày. Lắng nghe hơi thở, ngắm nhìn một thứ gì đó đẹp đẽ mà không phải chụp ảnh nó để khoe với ai, hay hò hét ngoài sân vận động, tất cả đều hay. Thật đáng giật mình khi mà tất cả những điều đó giờ trở thành xa xỉ với một số người, những ai đã để sự chú ý của mình trở thành chỉ còn là một nguồn lực khan hiếm.■

Định lượng cuộc đời

Một phong trào công nghệ đang nổi lên là “định lượng bản thân” (quantified self), hay còn gọi là “ghi số liệu cuộc đời” (lifelog), mà những người tham gia sử dụng các thiết bị thông minh để theo dõi hàng nghìn chuyển động và hành vi mỗi ngày của bản thân để thu thập dữ liệu lớn về chính bản thân.

Khi đó, dữ liệu là đầu vào giá trị duy nhất. Những dữ liệu được thu thập và lưu trữ về cơ thể bạn là đủ loại, chỉ cần có thiết bị điện tử thích hợp, bao gồm lượng thức ăn tiêu thụ, chất lượng không khí, tâm trạng, độ dẫn điện của da, mức oxy trong máu, mức insulin và cortisol…

Nhà cung cấp dịch vụ hứa hẹn rằng bằng cách đo từng ngày những dữ liệu đó, ta sẽ có đủ thông tin để theo dõi, cải thiện, và nâng cấp bản thân! Trang chủ của phong trào này (quantifiedself.org) cũng cho biết họ đã hình thành được hơn 100 nhóm tại 34 quốc gia khác nhau, lớn nhất là ở Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận