Thực hư thành tựu xuất khẩu nông sản?

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 28/03/2019 02:03 GMT+7

TTCT - Không ít quan chức khẳng định Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản thứ 15 thế giới. Nhưng mọi chuyện có phải như vậy?

Minh họa

Nói nôm na, nông sản là sản phẩm nông nghiệp, tức là sản phẩm của nông dân, nên xuất khẩu càng nhiều, tiền chui vào túi nhóm dân cư đời sống còn nhiều khó khăn này càng lắm là điều hết sức đáng mừng. Mới đây, tại một hội nghị hết sức quan trọng, con số xuất khẩu nông sản được đưa ra là đã đạt 36,6 tỉ USD năm 2017, ước năm 2018 đạt 40 tỉ USD. Có đúng là thế không?

Đường đi tới "ngôi sao sáng”

Tất nhiên, căn cứ vào các số liệu thống kê của WTO, vẫn có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Việt Nam là ngôi sao sáng nhất trong “làng” xuất khẩu nông sản thế giới, kể từ khi cơ quan này có số liệu thống kê về nhóm hàng này của nước ta từ năm 1997.

Đó là chặng đường dài để đi từ 3,1 tỉ USD lên 29,6 tỉ USD, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ 20 của thế giới nhờ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân cao kỷ lục 12%/năm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới này. Con số này thậm chí cũng đồng thời là kỷ lục trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu.

Trong 10 năm đầu, nhịp độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt 14%/năm, chỉ thấp hơn chút ít so với hai quốc gia Ba Lan và Nga. Điều đó giúp Việt Nam tăng được 11 bậc trong bảng xếp hạng (từ thứ 38 lên thứ 27). Trong 10 năm gần đây, Việt Nam tiếp tục vươn lên dẫn đầu với nhịp tăng 10,1%/năm và vẫn tăng được 7 bậc nữa trong bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, tuy nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong 20 năm gần đây cũng đã tăng nhanh nhưng với hơn 7 tỉ USD xuất siêu, chúng ta hiện đang giữ vị trí quốc gia xuất siêu thứ 16 thế giới.

Việt Nam đạt được tất cả thành quả đó trong điều kiện tiền đề quan trọng bậc nhất để phát triển nông nghiệp là tài nguyên đất đai hết sức eo hẹp. Các dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy mặc dù là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp siêu nhanh (tới 1,59 lần trong 20 năm trở lại đây) nhưng với 121.780km², Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 68 trong 218 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới ở tiêu chí này.

Với dân số 94,6 triệu người, đứng thứ 16 thế giới, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 1.288m², đứng tận vị trí thứ 165.

Tất cả những thực tế trên cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia rất, rất nghèo về đất nông nghiệp, nhưng đã khai thác triệt để nguồn tài nguyên hết sức quý báu này để phục vụ cuộc sống của người dân và hơn thế, trở thành nước cung cấp nguồn nông sản rất đáng kể cho thế giới.

Nhưng đã đến lúc nhìn kỹ hơn vào các con số được tuyên bố để thực sự hiểu hơn về bức tranh xuất khẩu nông sản, logic của nó trong tác động tới việc cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân.

Bức tranh "made in Vietnam” và "râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Nếu xuất khẩu hàng nông sản của nước ta năm 2017 đã đạt 36,6 tỉ USD như khẳng định của các nhà quản lý thì Việt Nam đã vượt qua thêm năm quốc gia đứng trên (Anh, Mexico, Ba Lan, Nga và Argentina) để giành vị trí thứ 15 thế giới, không phải đợi đến 40 tỉ USD năm 2018 như con số ước tính.

Nhưng Việt Nam thực sự chưa đạt tới điều này, bởi sự chênh lệch trong kim ngạch xuất khẩu do Bộ NN&PTNT của Việt Nam tuyên bố với con số do WTO xác định những năm gần đây ngày càng lớn: lên tới 23 - 25%. Tất cả là do quan niệm khác nhau về hàng nông sản.

WTO dựa trên cơ sở pháp lý là nghị định thư về nông nghiệp (Agreement on Agriculture) được bộ trưởng thương mại các nước thành viên thỏa thuận để xác định đâu là hàng nông sản.

Theo đó, hàng nông sản bao gồm 23 mã hàng đầu tiên thuộc danh mục hàng hóa hai chữ số (trừ mã hàng 03. thủy sản); 21 mã hàng thuộc danh mục hàng hóa bốn chữ số và 4 nhóm hàng thuộc danh mục hàng hóa sáu chữ số.

Với việc chỉ đích danh những nhóm hàng và mặt hàng được xếp vào nhóm hàng nông sản như vậy, nội hàm của hàng nông sản bao gồm hai phân nhóm: phân nhóm thứ nhất là lương thực và thực phẩm, kể cả thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (food, feed) và phân nhóm thứ hai là nông sản nguyên liệu (raw materials).

Như vậy, mọi loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và hút cũng như mọi loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bất kể mức độ chế biến sâu nông thế nào, cũng đều thuộc phạm trù hàng nông sản.

Trong khi đó, đối với phân nhóm nông sản nguyên liệu, dễ dàng có thể thấy rằng chỉ những sản phẩm thô mới thuộc hàng nông sản.

Chẳng hạn, đối với nhóm hàng bông mang mã số 52, bao gồm 12 mã hàng thuộc danh mục hàng hóa bốn chữ số (từ 52.01 đến 52.12), thì chỉ có ba mã hàng đầu tiên từ 52.01 đến 52.03, tức là chỉ gồm xơ bông chưa chải thô hoặc chưa chải kỹ, phế liệu bông (kể cả phế liệu sợi và bông tái chế) và xơ bông chải thô hoặc chải kỹ, là thuộc hàng nông sản. Chín mã hàng còn lại đều là những sản phẩm chế biến sâu hơn nữa thì lại không thuộc hàng nông sản.

Và trong các số liệu thống kê hàng nông sản của WTO cũng còn bao gồm cả hai phân nhóm hàng thủy sản và lâm sản, tức là hiểu nông nghiệp và nông sản theo nghĩa rộng. Theo đó, tương tự nguyên tắc phân loại nông sản nguyên liệu của nông nghiệp nói trên, có thể dễ dàng nhận ra: chỉ có rất ít mã hàng có thể xếp vào phân nhóm hàng lâm sản.

Chẳng hạn, ở mặt hàng cao su gồm 15 mã hàng bốn chữ số thì chỉ có mã hàng 40.01. là cao su tự nhiên và các loại tự nhiên tương tự ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá, dải, cũng như mã hàng 40.04. phế liệu, phế thải và mảnh vụn cao su mới là nông sản nguyên liệu.

Hoặc đối với nhóm hàng gỗ gồm 15 mã hàng bốn chữ số thì cũng chỉ có hai mã hàng 44.01. gỗ nhiên liệu dạng khúc, thanh nhỏ, cành, bó... và phế liệu, mùn cưa... và mã 44.03. gỗ cây, đã hoặc chưa bóc vỏ, dác gỗ hoặc đẽo vuông thô mới có thể xếp vào phân nhóm hàng lâm sản.

Đối với nhóm hàng 03. thủy sản thì câu chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bởi tất cả bảy mã hàng từ 03.01 đến 03.07 đều thuộc hàng nông sản, còn không ít những sản phẩm chế biến sâu thì đều đã nằm trong một số danh mục hàng nông sản chế biến sâu nói trên.

Theo phương pháp nói trên, các kết quả tính toán về xuất khẩu hàng nông sản từ các số liệu thống kê của ITC rất sát với các số liệu do WTO công bố, cũng như các số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, sự sai biệt không đáng kể.

Nhưng trong khi phạm vi hàng nông sản của WTO được phân định rõ ràng, cụ thể như vậy thì nội hàm của khái niệm hàng nông sản của các nhà quản lý nước ta lại rất dị thường.

Điều có lẽ đặc biệt nhất là ở chỗ phân bón cũng như thuốc trừ sâu và nguyên liệu không thể nào là sản phẩm của nông nghiệp, cho nên cũng không bao giờ là nông sản, mà đích thực chỉ là yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Lạ lùng là chúng lại được gọi là nông sản, đã từ lâu được coi là bộ phận cấu thành của hàng nông sản nhập khẩu và gần đây cũng tiếp tục được tính vào hàng nông sản xuất khẩu.

Tiếp theo, sản phẩm cao su theo “thông lệ” quốc tế nói trên không còn là nông sản bởi nó không phải là sản phẩm của nông nghiệp, mà là của các ngành công nghiệp khác như chế biến nông sản nguyên liệu cao su, nhưng ở Việt Nam nó vẫn được các nhà quản lý coi là nông sản. Không những vậy, điều còn phi lý hơn nữa là nó được tính là hàng nông sản chỉ trong xuất khẩu, còn trong nhập khẩu thì lại không phải là nông sản. Đây rõ ràng là điều hết sức khiên cưỡng.

Khác rất nhiều so với công nghiệp chế biến cao su, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã phát triển ngày càng mạnh trong khoảng hai thập kỷ qua, nên việc vẫn gán sản phẩm gỗ với quy mô ngày càng lớn (chỉ kém nhóm hàng thủy sản đứng đầu) vào nhóm hàng nông sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xuất khẩu nông sản ngày càng “nở nồi” hiện nay.

Trong khi đó, ngược lại, lại có một số mặt hàng là nông sản đích thực với quy mô rất đáng kể và đang có xu hướng tăng nhanh như thực phẩm chế biến, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, nguyên phụ liệu thuốc lá... lại không được tính toán gì đến, khiến bức tranh xuất nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam càng thêm méo mó.

Tất cả chỉ nói lên một điều: các nhà quản lý đã ấn định “rổ nông sản xuất khẩu” không theo “thông lệ” nhưng lại đem so nó với những “rổ nông sản xuất khẩu” được xác định theo “thông lệ”, cho nên mới có chuyện thành tựu vượt trội như vậy.

Trên trường quốc tế, nông sản là phạm trù đã được luật định. Sở dĩ các quốc gia tham gia cuộc chơi trong WTO phải chặt chẽ như vậy là vì nó gắn chặt với vấn đề phạm vi trợ cấp và quy mô trợ cấp, nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Thị trường sẽ chọn lọc những sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Việt Nam đã là thành viên WTO từ lâu, việc thực hiện các quy định này là điều không cần bàn cãi. Vì vậy, rất cần tránh những sai lạc trong số liệu dẫn đến những sai lạc trong nhận thức và trong chính sách.

Đối với nông dân, việc “rổ nông sản” xuất khẩu có “nở nồi” thành 40 tỉ USD thì họ cũng không hoặc chưa được gì thêm. Song nếu tính toán cho đúng, “rổ nông sản” xuất khẩu này “co lại” còn 30 tỉ USD thì các nhà quản lý nợ nông dân một lời lý giải: “rổ nông sản” xuất khẩu mà “co lại” như thế thì thu nhập bình quân đầu người có thể còn là 32 triệu đồng như tuyên bố nữa không, và khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn có thu hẹp lại hay không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận