Nghị trường: Đừng để bị mắc kẹt trong quá khứ

NGUYỄN VẠN PHÚ 09/11/2019 22:11 GMT+7

TTCT - Nhìn ở đâu cũng thấy có chuyện đáng bàn trừ chuyện quay về quá khứ, xới chuyện cũ lên để nói cho dễ bàn, dễ nghe, dễ thảo luận, nhưng lại không đi đến đâu

Minh họa
Minh họa

1. Như thường lệ, khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, người ta quan tâm hơn hết đến việc dõi theo những cuộc tranh luận của các đại biểu tại nghị trường, một phần muốn biết những nguyện vọng quan trọng nhất của cử tri vừa được nêu có được nhìn nhận, thảo luận, tìm giải pháp ngay tại nghị trường lần này hay không, một phần để biết thêm những đường hướng phát triển mới đang được hoạch định ra sao.

Nhưng trên nghị trường tuần trước, có thể thấy khá nhiều đề tài tranh luận đã được nêu tới nêu lui trong quá khứ, có thể cách đây vài năm, thậm chí cách đến cả chục năm, “nóng” từ đó đến nay.

Những ai quan tâm theo sát nghị trường qua nhiều năm đôi lúc không thể xóa được cái cảm giác chúng ta đang mắc kẹt trong quá khứ, với những loay hoay cũ và tiếp cận cũ.

Lấy ví dụ đề xuất đổi giờ học, giờ làm bắt đầu từ 8h30 của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, kéo theo là rất nhiều phân tích đồng tình hay phản đối của các đại biểu khác, của các chuyên gia, bác sĩ…

Ở đây chúng ta không bàn đến chuyện đề xuất này có hợp lý hay không, vấn đề nằm ở chỗ cũng chính vị đại biểu này đã đưa ra đề xuất này vào kỳ họp Quốc hội năm 2017, cách đây đúng hai năm, nội dung y như cũ, cũng bắt đầu bằng dẫn chứng các quốc gia ở châu Á và trên thế giới…

Và phản hồi năm nay của các chuyên gia cũng như năm cũ: muốn đổi giờ làm phải nghiên cứu bài bản, khoa học, phải khảo sát từng ngành nghề...

Một đề xuất khác cũng tại kỳ họp Quốc hội lần này là giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong các ngành sản xuất từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ, tiến tới giảm còn 40 giờ. Cũng như đề xuất đổi giờ làm nói trên, đề xuất tuần làm việc 40 giờ đã có từ lâu.

Năm 2011, ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lúc đó, đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu rút ngắn thời giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ mỗi tuần. Lúc đó ông Tùng cũng nêu nghịch lý là cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đã được nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần từ năm 1999.

Kiên trì với đề xuất của mình như ông Cảnh là điều hay. Tuy nhiên, nếu đề xuất cách đây 2 năm không được chấp nhận, 2 năm sau tốt nhất là nên tập trung vào các lý do người ta đã đưa ra để bác bỏ mà hóa giải các lập luận phản bác này.

Với đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cũng vậy, những người đưa ra đề xuất, phải nói là rất hợp lý này, đã có hay chưa những nghiên cứu công phu, xem thử giảm giờ làm kéo theo những tác động tốt xấu nào, làm sao để giảm trừ tác động xấu.

Rồi từ khi công chức nhà nước được nghỉ ngày thứ bảy từ gần 20 năm nay, đã có công trình nào nghiên cứu tác động của chế độ tuần làm việc 40 giờ chưa, năng suất lao động giảm hay tăng, khối lượng công việc hoàn thành tăng hay giảm?...

Các đề tài “nóng” khác tại kỳ họp Quốc hội lần này cũng từng “nóng” trong quá khứ: dường như năm nào chúng ta cũng bàn về chính sách trọng dụng nhân tài, năm nào cũng tranh luận về thế nào là người tài.

Kỳ họp cách đây chục năm có nhiều ý kiến về chuyện giảm dần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, tăng cường nội lực và năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại nêu lên ý kiến này như một nét mới trong chính sách vĩ mô.

2. Các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội trường Quốc hội là do những bức xúc từ thực tế cuộc sống. Chính vì vậy mà mới có những tít báo “Chậm giải ngân vốn đầu tư công làm “nóng” nghị trường”.

Ở đây không thể trách các đại biểu vì sao năm nào cũng than cùng một chuyện như thế vì có thể đó là thực tế kéo dài nhiều năm nay tại địa phương của đại biểu.

Nhưng để tránh tình trạng mắc kẹt trong quá khứ như bao đề tài khác, tại sao Quốc hội không bàn cho rạch ròi nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nay là ở đâu, vì sao Luật đầu tư công ra đời từ năm 2014 không giải quyết được sự chậm trễ này, việc sửa luật vào tháng 6-2019 liệu có tháo gỡ các nút thắt do đại biểu nêu lên?

Nói như vậy bởi điều đáng ngạc nhiên là trong các phát biểu của mình, không thấy đại biểu nào chịu khó đối chiếu những sửa đổi của Luật đầu tư công sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 để xem sang năm việc chậm giải ngân có còn kéo dài không bởi đó là yếu tố then chốt để chúng ta khỏi mắc kẹt trong quá khứ.

Ở hướng ngược lại, có những vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể quyết định số phận của hàng triệu, hàng chục triệu người dân lại bị bỏ quên, không ai bàn, không ai tranh luận. Ở đây chỉ nêu một ví dụ: biến đổi khí hậu và môi trường sống.

Tạm gác sang một bên các thông tin còn tranh cãi như liệu Đồng bằng sông Cửu Long có bị xóa sổ khi chìm dưới mực nước biển vào năm 2050, ai cũng thấy môi trường sống đang ngày càng xấu đi, nước ngập dai dẳng hơn, bão mạnh hơn, những ngày không khí ô nhiễm mù trời ngày càng nhiều hơn.

Vậy chúng ta đã có những bàn bạc để đi đến những quyết sách nào làm giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu chưa? Liệu việc phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than cần cân nhắc lại để hủy bỏ thay bằng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm phát khí thải, đồng thời giảm ô nhiễm không khí? Có đại biểu nào đòi phân bổ ngân sách cho việc đo lường chính xác chất lượng không khí chưa?

Biến đổi khí hậu kéo theo những vấn đề trọng đại, cần quyết định sớm như quy hoạch phát triển Phú Quốc ra sao khi chắc chắn nước biển dâng, dù cao hay thấp, dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch hiện tại.

Tương tự là quy hoạch phát triển các khu vực chúng ta biết chắc sẽ chịu cảnh triều cường ngày càng cao, ngày càng kéo dài - chúng ta đã có những cảnh báo gì cho người dân, có những quy định gì về xây dựng, thoát nước, kiến trúc, quy mô đô thị?

Ở tỉnh Ontario, Canada, sau hai mùa lụt, khi biết nước biển dâng làm một số vùng hằng năm sẽ có những tháng bị ngập lụt, chính quyền mới bàn với dân để di dời đi nơi khác sinh sống, nhà nước mua lại tài sản để dân có tiền dọn đi.

Ở một số nước, khi biết chắc cầu lao động sẽ giảm vì tự động hóa, thu nhập đầu người tuy vẫn tăng nhưng tiền chỉ chảy vào một nhóm nhỏ, chính quyền bèn tung ra thử nghiệm các chương trình “thu nhập cơ bản”, tức phát không một khoản tiền cho dân đủ sống dù không có việc làm.

Dù chưa đi đến đâu, các chương trình này đóng vai trò thăm dò, thử nghiệm những chính sách sẽ phải áp dụng trong tương lai.

Chúng ta chưa có điều kiện nhìn xa đến thế nhưng nhìn gần, ắt cũng phải cần bàn những phương án dự phòng khi giao thương toàn cầu tắc nghẽn, các nước quay về thời kỳ tiền toàn cầu hóa; làm gì khi các nước giảm mạnh lãi suất, không lẽ để chúng ta là nơi hút tiền đầu cơ?

Hoặc chí ít cũng phải bàn về tận dụng cộng đồng ASEAN để cho người dân hiểu và biết về cơ hội lao động ở các nước láng giềng một cách hợp pháp. Nhìn ở đâu cũng thấy có chuyện đáng bàn trừ chuyện quay về quá khứ, xới chuyện cũ lên để nói cho dễ bàn, dễ nghe, dễ thảo luận, nhưng lại không đi đến đâu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận