Tỉnh thức khỏi ngây thơ

DUY VĂN 28/09/2016 05:09 GMT+7

TTCT - Chắc hẳn Mật vụ Snowden (tên phim gốc: Snowden) không là một bộ phim ăn khách theo nghĩa thông thường: không “quá nhanh”, cũng không “quá nguy hiểm”, dù có một pha sex mà vài nhà phê bình khó tính còn bảo chẳng để làm gì, nhưng giá trị thông tin và thức tỉnh của nó không nhỏ.

Một cảnh trong phim Mật vụ Snowden với Joseph Gordon-Levitt (thứ hai từ trái sang) trong vai Snowden. Ảnh nhỏ góc phải: đạo diễn Oliver Stone -Getty Images
Một cảnh trong phim Mật vụ Snowden với Joseph Gordon-Levitt (thứ hai từ trái sang) trong vai Snowden. Ảnh nhỏ góc phải: đạo diễn Oliver Stone -Getty Images


Bộ phim được đạo diễn Mỹ Oliver Stone xây dựng trên nền hai quyển sách: Dữ liệu Snowden của nhà báo Mỹ Luke Harding và Thời bạch tuộc của tác giả Nga Anatoli Kucherena, luật sư được Matxcơva chỉ định để hỗ trợ Edward Snowden.

Cựu nhân viên kỹ thuật NSA, CIA này từng nhiều ngày liên tục là đề tài nóng trên truyền thông thế giới hồi tháng 6-2013, sau khi rò rỉ thông tin về chương trình do thám PRISM của NSA cho tờ báo Anh The Guardian.

Việc tố cáo mà khi quyết định tiến hành, Snowden chấp nhận đánh đổi cả tự do: từ năm 2014 đến nay Snowden phải lưu vong ở Nga, nơi cựu nhân viên này quá cảnh và buộc phải dừng chân do bị Hoa Kỳ hủy hộ chiếu.

Trong thế giới thông tin...

Trong bộ phim, Edward Snowden (diễn viên Joseph Gordon-Levitt đóng), một thanh niên yêu nước, muốn phục vụ quân đội nhưng bị tai nạn buộc phải giải ngũ, đã chuyển sang cống hiến cho đất nước bằng năng lực công nghệ mạng vượt trội của mình.

Đầu tiên, nhiệm vụ của Snowden tưởng như phục vụ những “mục đích đúng đắn” - làm việc cho chính phủ, bảo vệ thị trường khỏi “những hacker Trung Quốc” đang gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ.

Nhưng càng chìm đắm vào công việc, Snowden càng nhận ra một hệ thống theo dõi toàn diện không chỉ kẻ thù, không chỉ đồng minh mà cả công dân Mỹ, trong đó có gia đình của chính mình...

Dần dần, qua những thực địa Hong Kong, Washington, Tokyo, Hawaii... qua những chiến trường ảo, nỗi ám ảnh mất tự do ngay trên giường ngủ của mình ngày càng lớn trong Snowden. Có lần Snowden còn chứng kiến vụ ném bom vào mục tiêu thường dân bởi máy bay không người lái, và được biết đó chỉ là một trong những vụ tấn công không cần phép tắc tòa án, không cần điều tra, bởi đã được phê chuẩn bởi FISA.

FISA là ai, là gì, chẳng ai được biết, nhưng quyết định của nó lại là cơ sở cho những hoạt động trừng phạt quân sự dưới danh nghĩa “cuộc chiến chống khủng bố”. Không ít nhân viên của những hoạt động ngầm như Snowden đã đặt câu hỏi tại sao họ lại dính vào những phi vụ giết người, đọc trộm, nghe lén ngoài ý muốn này?

Bộ phim giải thích biến chuyển của Snowden trong gần 10 năm, từ một người yêu nước ngây thơ cho đến khi nhân vật cay đắng ngộ ra: “Sự ngây thơ là chị em ruột của việc thiếu thông tin” (Thời bạch tuộc, NXB Eksmo, trang 211).

Thông điệp của Oliver Stone

Nhưng ý nghĩa bộ phim không dừng lại ở việc bộc lộ hệ thống nghe lén toàn diện, quy mô của NSA, lời nói dối của các chính khách hàng đầu Hoa Kỳ về việc vi phạm quyền riêng tư này.

Công này đã thuộc về Snowden. Oliver Stone có lẽ đặt ra mục đích khác. “Snowden là anh hùng hay tội đồ?” - khi được hỏi như thế, thư ký báo chí tổng thống Nga D. Peskov đáp: “Chúng ta không nên phán xét hành động của Snowden, chúng ta cũng không cần phán xét... Cái chính không phải là hành động của Snowden với chúng ta, mà là cả một vỉa thông tin được mở ra...”.

Có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ từ “vỉa thông tin” đó của mạch phim. Đó là khi trong lớp học của NSA, các học viên như Snowden, được giải thích chiến tuyến hiện nay nằm “ở đây, ở London, ở Berlin...” ở bất cứ đâu mà người ta có thể cài mã độc vào mạng, dần dần như một quả bom nổ chậm... Khi cần, chỉ một cú nhấp chuột, kẻ thù có thể nhấn chìm cả một đất nước trong tăm tối.

Hay ở cảnh một nhân vật là chủ ngân hàng đầy quyền lực thoáng chốc trở nên đáng thương, tội nghiệp chỉ vì những trang Facebook của con gái bộc lộ “gót chân Asin” cha mình.

Thế giới của bộ phim bỗng trở thành thế giới thực của khán giả, khi không ít người hiểu ra “kẻ thù” đang mai phục đâu đó trong chiếc điện thoại thông minh trên túi áo mình... Nhưng bi kịch thời đại chúng ta là để được tự do, người ta không thể thiếu công nghệ.

Nên một sếp NSA trong phim đã mỉa mai biện luận: “Người Mỹ không muốn tự do. Họ muốn an toàn. Và họ muốn có thể chơi với đồ chơi của mình”.

Mà có lẽ đâu chỉ người Mỹ?...

Bộ phim được thực hiện không hoàn toàn thuận lợi. Oliver Stone kể trên tờ The Hollywood Reporter, khi có đề nghị làm phim về Snowden, ông đã ngần ngại. Trước tiên ông vừa làm một bộ phim về chủ đề gây tranh cãi: “Những năm cuối đời của Martin Luther King Jr.” và không muốn dính dáng với một chủ đề khó khăn tương tự.

Chưa kể ông từng “gây thù chuốc oán” khi gọi tổng thống George Bush là “tổng thống tồi tệ thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ sau Richard Nixon” (trong phim W, 2008).

Mặt khác, ông lưỡng lự giữa việc làm một bộ phim hư cấu về một nhân vật vô danh, hay một bộ phim về một Snowden càng thực càng tốt. Nhưng dần dần, các nhà báo Guardian, luật sư Anatoli Kucherana và chính sự đồng ý hợp tác của Snowden (Snowden thật còn tham gia đóng cảnh cuối trong phim) đã khiến Oliver Stone “cắn câu”. Để rồi gặp nhiều khó khăn.

Bộ phim phải quay ở Munich (Đức) vì “chúng tôi không thấy thoải mái khi quay phim ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cảm thấy có rủi ro ở đây. Chúng tôi không biết NSA có thể làm gì...”.

Nhưng ngay cả ở Đức, bộ phim cũng không trơn tru về tài chính. Một số công ty có liên hệ với Mỹ từ chối tài trợ vì sợ ảnh hưởng tới việc làm ăn tại Mỹ. Cũng vì khó khăn về tài trợ mà khi gia đình gặp chuyện buồn, Oliver Stone đang quay phim ở Munich đã không thể quay về Mỹ dự tang lễ mẹ mình.

Sau này, ông kể: “Thật kỳ lạ khi làm một bộ phim về một người Mỹ nhưng không có khả năng tài trợ phim này ở Mỹ... Người ta bảo chúng tôi được tự do ngôn luận, nhưng suy nghĩ được tài trợ, suy nghĩ bị kiểm soát và truyền thông bị kiểm soát... Bạn có thể làm phim về những thủ lĩnh nhân quyền đã chết, nhưng không dễ làm phim về một người đương thời”.

Trong những điều kiện như thế, với những khó khăn riêng mình như thế, Oliver Stone đã truyền đi thông điệp của mình khi thực hiện bộ phim, qua sự thức tỉnh của nhân vật Snowden: “Không cần phải đồng thuận với các chính khách để trở thành người yêu nước”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận