Tỉnh trong lúc mổ, nguy hiểm gì?

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG 20/08/2015 02:08 GMT+7

TTCT- Vợ tôi sinh mổ. Trong lúc mổ bỗng thấy tỉnh táo, nghe rõ tiếng trao đổi của bác sĩ mổ... Xin hỏi bác sĩ có trường hợp nào tỉnh giữa lúc mổ? Nguy hiểm gì đến tính mạng? Ngọc Hân (Đồng Nai)

Tỉnh lúc mổ sẽ để lại hậu quả khôn lường. Ảnh Hữu Khoa

Tỉ lệ nhỏ, hậu quả lớn

Một bệnh nhân thức tỉnh trong lúc mổ, còn gọi là thức không chủ ý, xảy ra trong quá trình gây mê toàn thân lúc đang trên bàn mổ do bệnh nhân không được cho đủ thuốc gây mê. Tỉ lệ thức tỉnh trong lúc mổ xảy ra từ 0,2-0,4% bệnh nhân tùy loại phẫu thuật. Sự thay đổi này tùy loại phẫu thuật cũng như trạng thái sinh lý của bệnh nhân.

Tỉ lệ này chiếm khoảng 0,4% trong mổ lấy thai và 1,5% trong khi phẫu thuật tim, giữa 10% và 40% đối với gây mê của các ca tổn thương nặng huyết động không ổn định.

Ngoài ra, thức tỉnh trong lúc mổ dễ xảy ra trên bệnh nhân dùng một số thuốc như á phiện, amphetamines, có bệnh tim hoặc có vấn đề về phổi, nghiện rượu, liều thuốc gây mê không đủ... Phần lớn bệnh nhân không cảm thấy đau, trong một số trường hợp bệnh nhân vẫn có cảm giác đau ở cổ họng do đặt ống nội khí quản, đau tại chỗ rạch.

Tỉ lệ giảm đi một nửa khi không dùng thuốc giãn cơ. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể cảm thấy đau hay cảm nhận được động tác lôi kéo trong lúc phẫu thuật, nghe được cuộc trao đổi của bác sĩ trong lúc mổ, trải qua cảm giác thiếu không khí hoặc khó thở.

Bệnh nhân không thể gọi báo cho bác sĩ vì họ đã được tiêm thuốc giãn cơ; nếu không có thuốc giãn cơ, bệnh nhân có thể co tay chân, cử động trong lúc mổ và điều này sẽ báo cho bác sĩ gây mê cần tăng liều thuốc gây mê nhiều hơn để làm cho bệnh nhân ngủ lại và cho thêm thuốc giảm đau.

Hậu quả của sự thức tỉnh trong lúc mổ có thể gây ra các tai biến trầm trọng như phù não, chấn thương các mô não lành nếu bệnh nhân được phẫu thuật sọ não hay bị bỏng điện... Hậu quả sau mổ có thể dẫn đến hiện tượng nhớ rõ ràng hoặc nhớ tiềm ẩn, có thể gây ra những rối loạn tâm lý nặng và kéo dài sau này như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ hay gặp ác mộng, khó hòa nhập xã hội... Các tác hại này đòi hỏi một quá trình tâm lý trị liệu lâu dài, tốn nhiều công sức.

Trang bị phương tiện kiểm báo

Để hạn chế các tác hại bất lợi cho người bệnh phải trải qua cuộc phẫu thuật, người làm công tác gây mê thường dựa vào nhiều phương tiện để theo dõi độ sâu gây mê như dựa vào đáp ứng của bệnh nhân với các kích thích bên ngoài theo bảng điểm MOAAS để đánh giá mức độ an thần và mất phản xạ mi mắt lúc khởi mê.

Giai đoạn duy trì mê có thể dựa vào sự thay đổi của huyết áp, nhịp tim, đổ mồ hôi, chảy nước mắt theo thang điểm PRST và cử động của bệnh nhân. Khi gây mê có sử dụng thuốc giãn cơ hoặc bệnh nhân có tình trạng huyết động không ổn định, sốc mất máu…, việc đánh giá độ sâu của gây mê dựa vào các tiêu chuẩn trên không còn chính xác.

Hơn nữa, mỗi bệnh nhân có đáp ứng với thuốc mê khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố như giới tính, tuổi, cơ địa và loại phẫu thuật. Vì vậy liều lượng thuốc mê cần phải thay đổi thích hợp với từng người bệnh tùy vào việc đánh giá của bác sĩ gây mê trước và trong mổ.

Với cùng một liều thuốc nhưng có thể quá liều với người bệnh này dẫn đến những hậu quả từ nhẹ đến nặng cho người bệnh mà thường gặp nhất là tụt huyết áp, thức tỉnh chậm, buồn nôn và nôn sau mổ là tác dụng không mong muốn thường gặp, gây khó chịu cho người bệnh khi hồi tỉnh.

Liều lượng thuốc mê cho một bệnh nhân trẻ khỏe hoàn toàn khác với liều lượng thuốc mê cho bệnh nhân già yếu, suy kiệt, có các bệnh lý nội khoa đi kèm như suy tim, cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu cơ tim, suy gan, suy thận... Tất cả những yếu tố này cho thấy có nguy cơ xảy ra tình trạng quá liều hoặc không đủ liều thuốc mê trong quá trình gây mê - phẫu thuật.

Một trong các mục tiêu của gây mê hiện đại là đảm bảo độ sâu hợp lý trong gây mê đủ để phòng ngừa tình trạng thức tỉnh trong lúc mổ, nên ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta tạo ra các máy bơm tiêm điện để truyền thuốc có kiểm soát nồng độ đích, từ đó có thể ước tính được nồng độ thuốc trong máu hay tại nơi tác dụng của thuốc là não.

Vấn đề quan tâm hiện nay là chất lượng gây mê, chất lượng hồi tỉnh nhằm đem lại những lợi ích tốt nhất cho người bệnh và tránh những biến chứng có hại. Cần phải có các phương tiện kiểm báo hiện đại để phát hiện kịp thời tình trạng thức tỉnh của bệnh nhân nhằm điều chỉnh liều thuốc mê, độ mê hợp lý; không để người bệnh rơi vào tình trạng mê quá sâu, và đặc biệt quan trọng đừng để bệnh nhân rơi vào tình trạng phẫu thuật khi chưa đủ độ mê khiến họ phải chịu nhiều đau đớn mà không nói ra được.

Dựa vào hoạt động của sóng điện não, các nhà nghiên cứu phát minh phương tiện đánh giá độ sâu gây mê một cách khách quan hơn là máy đo chỉ số phổ kép BIS bằng cách số hóa hoạt động sóng điện não thành thang điểm từ 1-100. Nếu gây mê BIS đạt từ 40-60 điểm thì đạt độ mê cho phẫu thuật, nếu dưới 40 điểm có nguy cơ ngộ độc thuốc mê, còn trên 60 điểm thì có nguy cơ thức tỉnh trong mổ cao. Ngoài ra còn có phương tiện kiểm báo khác.

Trong thực hành lâm sàng, người thầy thuốc luôn dựa trên nhiều yếu tố từ các biểu hiện lâm sàng của người bệnh, kết hợp với phương tiện kiểm báo để đảm bảo cuộc gây mê - phẫu thuật diễn ra một cách an toàn.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận