Trong vũng lầy của văn hóa xóa sổ

NGUYỄN VŨ 16/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong hoài niệm của những ai từng đọc sách của Dr. Seuss, những cuốn sách ấy toát lên sự ấm áp, song than ôi, nay họ buộc phải nhìn các cuốn sách này với cáo buộc chúng gây tổn thương.

 

 Amanda Gorman và Marieke Lucas Rijneveld

Da trắng quá, không được dịch thơ Gorman!

Nếu cần dịch một bài thơ từ tiếng nước ngoài cho độc giả trong nước, người ta sẽ đi tìm phẩm chất gì ở người dịch? Có lẽ quan trọng nhất là khả năng sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ và nếu người dịch cũng là nhà thơ, đó sẽ là lựa chọn tối ưu.

Nhưng không. Khi nhà thơ nổi tiếng Marieke Lucas Rijneveld của Hà Lan được chọn để dịch tuyển tập thơ của Amanda Gorman sang tiếng Hà Lan, thiên hạ phản đối chỉ vì Rijneveld da trắng. 

Theo họ, để “xứng đáng” dịch thơ Gorman, một thi sĩ trẻ tuổi người Mỹ da đen, người vừa nổi lên sau khi đọc bài The Hill We Climb tại lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, thì người dịch cũng phải là da đen!

Lập luận cực đoan này bất kể nhiều tình tiết hợp tình hợp lý: Marieke Lucas Rijneveld vừa đoạt giải International Booker danh tiếng và chính Gordon, 22 tuổi, đã chọn Rijneveld, 29 tuổi, như một người viết cùng thế hệ, nổi tiếng khi còn rất trẻ.

Nhà văn, nhà thơ thì rất nhạy cảm, ngay lập tức Rijneveld từ chối việc dịch và tuyên bố một cách rất độc đáo: “Tôi đã từng vui vẻ cống hiến sức lực để dịch tác phẩm của Amanda, xem nó như một nhiệm vụ to lớn để duy trì sức mạnh, giọng điệu và văn phong của cô. Tuy nhiên, dù tôi biết tôi ở một vị trí để suy nghĩ và cảm nhận điều này, nhiều người khác lại không như thế. Tôi vẫn ước mong ý tưởng của cô vươn tới càng nhiều độc giả càng tốt, mở rộng trái tim cho mọi người”.

Thập niên 1960, phong trào đấu tranh bất bạo động của Martin Luther King Jr. là nhằm xóa bỏ tình trạng phân chia chủng tộc trong xã hội Mỹ. Người da đen lúc đó đấu tranh để xóa các nhà vệ sinh, xe buýt, tiệm ăn bắt người da màu chỉ được dùng một khu dành riêng cho họ. 

Nay, cái hàng rào phân biệt chủng tộc tệ hại đó trở lại trong địa hạt văn hóa: thơ da đen chỉ có người da đen được dịch, và sẽ đến nhạc da đen chỉ có người da đen được hát, truyện da đen chỉ có người da đen thưởng thức.

Và điều tệ nhất là nhà xuất bản tập thơ đã đầu hàng trước áp lực của dư luận, hoan nghênh quyết định rút lui của Rijneveld và hứa hẹn “sẽ rút bài học” từ chuyện này.

Khi Colin Firth không đồng tình, anh ấy gặp rắc rối

Đặc điểm phân biệt đối xử theo một hướng cực đoan mới như thế đang nổi lên tại các nước phương Tây và ngày càng gây chia rẽ nước Mỹ. 

Russell T Davies, nhà viết kịch bản và nhà sản xuất chương trình truyền hình người Anh vừa gây xôn xao dư luận khi tuyên bố chỉ có người đồng tính mới được đóng vai đồng tính: “Tôi sẽ gây chiến. Tôi sẽ làm những người như Colin Firth xấu hổ vì vai diễn của mình”. (Colin Firth không phải là người đồng tính nhưng cùng Stanley Tucci đóng cặp vợ chồng đồng tính trong bộ phim mới Supernova; trước đó Firth từng giành được giải Oscar năm 2009 nhờ đóng vai đồng tính trong phim A Single Man).

 

 Colin Firth trong phim A single man.

Điều mỉa mai nằm ở chỗ, nguyên tắc cơ bản của phong trào LGBTQ là bình đẳng giới, không ai bị phân biệt đối xử dựa vào giới tính của họ và giới tính bạn đời của họ. Đề xuất của Davies là sự phân biệt, chống lại người dị tính muốn hành nghề diễn viên và đảm nhận các vai đồng tính.

Và luật lệ chống phân biệt đối xử ở Anh cũng như ở Mỹ đã tiến đến chỗ rất có thể Davies bị kiện đến trắng tay nếu trong vai trò nhà sản xuất mà từ chối một diễn viên chỉ vì anh ta không phải là người đồng tính.

Mặc dù khiêu chiến với Colin Firth như vậy nhưng chính Davies trong quá khứ từng sử dụng diễn viên “thẳng” cho các vai “gay” nổi bật là Hugh Grant trong bộ phim A Very English Scandal, thủ vai một chính trị gia đồng tính.

1.271 lần dùng từ "nigger" của The New York Times

Nếu từng nghe nhạc rap, bạn đã thấy trong ca từ của nhiều bài có từ nigger - một từ hiện nay thuộc loại đại cấm kỵ vì bị cho là xúc phạm dân da đen. Trong âm nhạc, phim ảnh, từ này mà do người da đen nói thì bình thường. Mọi việc chỉ trở thành lớn chuyện khi nó do dân da trắng thốt lên, dù chỉ để trích dẫn lời nói của người khác.

Donald McNeil Jr. là một nhà báo kỳ cựu làm cho The New York Times (NYT) đã 45 năm nay. Mùa hè năm 2019, ông làm người hướng dẫn cho một đoàn học sinh trung học Mỹ đi tham quan Peru do báo ông bảo trợ. Trong một buổi ăn tối, một học sinh hỏi ông liệu có nên cho nghỉ học một học sinh từng làm một cái video lúc 12 tuổi nay mới bị phát hiện, trong đó cô học sinh này dùng từ nigger.

Để hiểu bối cảnh video nói chuyện gì, McNeil hỏi cho rõ rằng học sinh kia dùng từ miệt thị đó với học sinh khác hay chỉ đang hát nhạc rap hoặc trích dẫn tựa một cuốn sách. Vấn đề là khi hỏi lại cho rõ vấn đề, McNeil đã dùng nguyên văn từ nigger chứ không nói tránh đi. 

Chuyện chỉ có thế, nhưng đầu năm nay báo chí khui lại và mặc dù trước đó tờ NYT đã kỷ luật McNeil, nhân viên NYT viết thư phản ứng, đòi điều tra lại, đòi McNeil phải công khai xin lỗi. Cuối cùng NYT gây sức ép để McNeil viết đơn xin nghỉ việc. 

 

 Donald McNeil Jr 

Tổng biên tập Dean Baquet nhanh nhẩu tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”.

Một loạt nhà báo đã lên tiếng trên khắp các báo nước Mỹ, phản đối cách ứng xử của tờ NYT với nhà báo của mình; họ khẳng định miêu tả một từ miệt thị là khác với sử dụng nó, và nếu không cho nhà báo quyền tự do sử dụng từ ngữ thì còn gì là báo chí.

 Đáng chú ý, một cây bút bình luận của chính tờ NYT là Bret Stephens đã viết một bài muốn đăng trên báo nhà, phản đối lãnh đạo NYT, đặc biệt là tuyên bố “bất kể chủ đích như thế nào” của tổng biên tập. 

Tuy nhiên, trong một email gởi bạn bè kèm bản thảo bài báo được các báo khác trích dẫn, Stephens cho biết bài viết đã bị chủ bút vất vào ngăn kéo. Bài báo có đoạn: “Có một sự khác biệt sơ đẳng giữa trích dẫn một từ vì mục đích kiến thức hay thông hiểu với việc sử dụng cùng từ đó vì mục đích lăng mạ hay gây thương tổn. Đánh mất sự phân biệt này, chúng ta sẽ đánh mất luôn khả năng hiểu những điều chúng ta được giáo dục để chống lại”.

Lục tìm các ví dụ ngay trên tờ NYT, Bret Stephens trích dẫn nhiều bài viết trong đó từ nigger xuất hiện nhiều lần với mục đích minh họa cho sự thay đổi trong cảm nhận của xã hội để chứng minh trong quá khứ, NYT không hề ngần ngại dùng từ này nhưng với mục đích thông tin. 

Ông viết: “Một nền báo chí biến “từ ngữ” thành “vật để sùng bái” - rồi từ “vật để sùng bái” thành “nỗi sợ” - sẽ ngăn trở tư duy mạch lạc và sự thông hiểu đúng đắn”.

Ông kết luận: “Vai trò của một nền báo chí tốt đẹp phải dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng lầy đen tối (của nền văn hóa xóa sổ, sa thải, hạ nhục công cộng và phán xét ngày càng không dung thứ). (Thế mà) Tuần trước chúng ta lại dấn sâu hơn vào chốn đó”. Đúng là NYT đã dùng từ nigger đến 1.271 lần kể từ năm 1969, lần gần nhất chỉ cách đó một tuần.

Dr Seuss gặp tai vạ

Sự việc mới nhất liên quan đến các cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng chuyên viết cho trẻ em, Theodor Seuss Geisel, dưới bút danh Dr. Seuss. 

Nhiều cuốn của ông đã được dịch sang tiếng Việt như Gờ-Rinh đánh cắp Giáng sinh!, Nếu tớ mở sở thú; nhiều cuốn được in lại nguyên bản tiếng Anh để trẻ em Việt Nam dùng làm sách học tiếng Anh. 

Ông viết các cuốn sách này hơn nửa thế kỷ rồi và đã qua đời cách đây 30 năm nhưng sách của ông vẫn đang bán chạy, năm 2020 thu về cho những người thừa kế của ông đến 33 triệu đôla, có cuốn năm ngoái bán đến nửa triệu bản.

Đùng một cái, đầu năm nay, nhân sinh nhật lần thứ 117 của Dr. Seuss, người ta tuyên bố sẽ ngưng xuất bản 6 cuốn của ông vì các hình ảnh mang tính phân biệt chủng tộc và nhạy cảm. 

Trước đó sách của ông được đánh giá cao vì các giá trị nhân bản, khơi gợi ở trẻ tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và lòng khoan dung. Người thân của ông nói, không hề có một mảy may phân biệt chủng tộc nào trong máu của ông. Nhưng rồi họ buồn rầu thừa nhận, thời đại ngày nay là thời đại khó khăn, nhạy cảm nên phải theo thời.

 

Trong hoài niệm của những ai từng đọc sách của Dr. Seuss, những cuốn sách ấy toát lên sự ấm áp, song than ôi, nay họ buộc phải nhìn các cuốn sách này với cáo buộc chúng gây tổn thương.

Có lẽ độc giả sẽ là người quyết định sau cùng xem có nên mua sách của Dr. Seuss hay không. Ngay sau tuyên bố loại bỏ một số sách của ông trong danh mục xuất bản, 9 trong 10 cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon lại là sách của Dr. Seuss, trong đó có cuốn The Cat in the Hat được viết ra cách đây 64 năm!

Và rồi, khi con mắt chống phân biệt chủng tộc cực đoan ấy tiếp tục soi xét cực đoan, e rằng sẽ còn rất nhiều tác phẩm kinh điển bị loại bỏ. Hiện đang có ý kiến đòi bỏ tác phẩm Odyssey của Homer ra khỏi chương trình vì phân biệt giới tính, bỏ cuốn Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) vì vinh danh người anh hùng da trắng, bỏ Chúa Ruồi (Lord of the Flies) vì toàn là nam sinh nhà giàu, nhiều đặc quyền...■

Sự nhạy cảm chủng tộc đang dâng cao hơn bao giờ hết ở Mỹ. Chẳng hạn, TP San Francisco có kế hoạch đổi tên 44 trường chỉ vì tên của nhân vật được đặt có dính líu đến nô lệ hay tỏ vẻ coi thường phụ nữ. 

Trong số các tên đòi đổi có cả các trường Abraham Lincoln, George Washington, Thomas Jefferson... Mặc dù Tổng thống Lincoln có công giải phóng nô lệ nhưng ông bị xem là không có phản ứng thích đáng khi tiểu bang Minnesota tuyên bố tử hình 300 người da đỏ nổi dậy, còn hai vị tổng thống Washington và Jefferson đều từng sở hữu nô lệ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận