Trung Quốc: khi tăng trưởng kinh tế đạt giới hạn

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 12/11/2013 09:11 GMT+7

TTCT - Từ sau khi Trung Quốc thành lập chính phủ mới, những chủ trương lớn về cải cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho giai đoạn phát triển mới sắp được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 9 đến 12-11-2013) đang thu hút dư luận trong và ngoài nước.

Hội nghị có thể thông qua các chủ trương và quyết sách quan trọng “chưa từng có tiền lệ”, như lời ông Du Chính Thanh - nhân vật lãnh đạo thứ tư trong thường vụ Bộ Chính trị.

Phóng to
Mối đe dọa bong bóng bất động sản đang thử thách những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong việc cải cách kinh tế. Trong ảnh: một khu biệt thự và chung cư đang xây ở tỉnh Liêu Ninh - Ảnh: Reuters

Từ năm 1978, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ tăng trưởng GDP bình quân trên 9%/năm liên tục hơn 30 năm. Đỉnh điểm là 14,2% vào năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng năm 2012, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 7,8%. Vì thế, năm 2012 cũng được coi là điểm mốc thời gian kinh tế Trung Quốc quá độ từ thời kỳ tăng trưởng cao chuyển xuống trung bình.

Ở điểm tận cùng của tăng trưởng kinh tế

Đó là nhận xét của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo trong “di chúc chính trị” công bố hồi tháng 3. Nếu không cải cách chính trị, cải cách cơ cấu nền kinh tế sẽ thất bại, gây nguy hại cho thành quả đạt được trong những năm qua, trong khi tính cấp thiết và độ nhạy của các vấn đề xã hội có thể tạo điều kiện cho thảm họa quay trở lại như cuộc Cách mạng văn hóa.

Trên New York Times ngày 19-7, Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy “nền kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn và mang tính căn bản”, “hệ thống kinh tế nước này đã đạt đến giới hạn của mình...”.

Tuy nhiên, như Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiều dịp đã khẳng định tốc độ tăng trưởng hiện nay là hoàn toàn phù hợp với quá trình cải cách cơ cấu kinh tế ở nước này, và với mức tăng trưởng trên 7%/năm, Trung Quốc vẫn đạt mục tiêu trở thành xã hội khá giả vào năm 2020.

Trung Quốc hiện vẫn có thừa tiềm lực để kích thích tăng trưởng ngắn hạn. Trong quý 3-2013, kinh tế nước này đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng của những quý trước đó, nhờ một số biện pháp kích cầu của chính phủ như đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vấn đề là làm sao Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững và dài hạn.

Theo các nguồn tin, Hội nghị Trung ương 3 là dịp quan trọng để ban lãnh đạo mới xác định tầm nhìn và các định hướng kinh tế - xã hội dài hạn cho 10 năm tới, có thể sẽ đánh dấu bước khởi đầu một quá trình cải cách và phát triển kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh mới.

Trung Quốc phải thực hiện sự chuyển đổi từ một nền kinh tế định hướng xuất khẩu chi phí thấp sang nền kinh tế được thúc đẩy bởi nội nhu và các ngành công nghiệp dịch vụ. Sẽ có các nỗ lực phá bỏ độc quyền của một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tự do hóa trong lĩnh vực tài chính và thiết lập một hệ thống bảo hiểm tiền gửi nhằm thúc đẩy sự ổn định trong ngành ngân hàng...

Sẽ có những quyết định nhằm khuyến khích người dân tăng chi tiêu thay vì tiết kiệm để thúc đẩy nội nhu, như thực hiện chủ trương an sinh xã hội cơ bản, tăng chi tiêu của chính phủ cho y tế giáo dục và lương hưu, điều chỉnh quyền sử dụng đất ở nông thôn, loại bỏ toàn bộ hoặc một phần hệ thống hộ khẩu, tiếp tục các dự án đô thị hóa trong 10 năm nhằm đưa hàng trăm triệu nông dân vào sống tại các thành phố vừa và nhỏ với các ngành công nghiệp dịch vụ...

Trong bài phát biểu ngày 21-10 tại đại hội Liên đoàn thương mại toàn Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa khẳng định chính phủ sẽ không dùng các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng mà duy trì sự ổn định chính sách, ngăn chặn việc mở rộng thâm hụt tài chính, không tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường và dựa nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế.

Chương trình cải cách kinh tế toàn diện sẽ bao gồm công khai ngân sách tài chính, cắt các khoản chi tiêu tiệc tùng, giảm sử dụng xe công và các chuyến thăm nước ngoài, cũng như tự do hóa tỉ lệ lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các công ty nhỏ và siêu nhỏ được tiếp cận các khoản vay tín dụng.

Đã có sự đồng thuận xã hội về sự cần thiết phải thay đổi và có rất nhiều kỳ vọng về các cải cách táo bạo tại Hội nghị Trung ương 3. Phái cải cách quyết tâm thực hiện các thay đổi nền công nghiệp, bộ máy hành chính và hệ thống tài chính, với một số hệ quả có thể gây tác động về phương diện chính trị làm suy yếu quyền lực của các ngân hàng và các tổ hợp kinh tế nhà nước lớn. Nhưng sự xơ cứng về tư tưởng vẫn rất mạnh sẽ làm chậm lại cải cách.

Theo một số nhà quan sát quốc tế, trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa dân túy Mao ít quay trở lại với Phái tả Mới cách đây không lâu nay dần dần tự khẳng định mình như trào lưu bảo thủ hùng mạnh nhất có khả năng cản trở cải cách chính trị, qua đó làm chậm cải cách kinh tế.

Các sự kiện xảy ra gần đây liên quan đến chính sách đối nội của Trung Quốc một lần nữa cho thấy bầu không khí sôi sục trong lĩnh vực tư tưởng và kình địch giữa các quan điểm bảo thủ và tự do đang diễn ra trong giới lãnh đạo và giới trí thức, bộc lộ xung quanh chủ trương giải pháp chính trị mang “đặc sắc Trung Quốc” hay những nguyên tắc vốn là nền tảng của nhà nước pháp quyền. Cuộc vận động phần nào bộc lộ tình trạng chia rẽ về chính trị.

Một trọng điểm của cải cách là giảm đặc quyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước và hình thành môi trường cạnh tranh công bằng hơn, với các quy định khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Những năm qua, các tập đoàn nhà nước hùng mạnh cùng các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ và vừa không hoạt động trên cùng một sân chơi bình đẳng.

Các tập đoàn nhà nước thường được các mối quan hệ chính phủ chống lưng và được cung cấp vốn tư bản dồi dào. Và chính tại đây, các cải cách gặp sự chống đối quyết liệt nhất. Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận: “Cải cách tất nhiên sẽ đụng chạm đến các nhóm lợi ích, nhưng phải thúc đẩy những cuộc cải cách một cách không ngần ngại nhằm tối đa hóa lợi ích của nhân dân”.

Chiến lược các vành đai kinh tế láng giềng/cận biên

Sẽ là phiến diện nếu nói rằng những quyết định của Hội nghị Trung ương 3 sẽ thông qua những giải pháp thúc đẩy nội nhu như là cứu cánh cho giai đoạn phát triển kinh tế mới. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã tìm kiếm một phép mầu khác thông qua việc xây dựng các vành đai kinh tế với các nước láng giềng/cận biên.

Trong hai ngày 24 và 25-10, các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã chủ trì cuộc họp các ban ngành liên quan để thông qua chủ trương “ngoại giao láng giềng”.

Trong đợt triển khai chính sách đối ngoại mới lấy láng giềng làm trung tâm, trong tháng 9 và 10 vừa rồi ban lãnh đạo Bắc Kinh đã đề xuất ba hành lang kinh tế + 1 con đường tơ lụa trên biển. Ấn Độ, Nga và Đông Nam Á là ba hướng quan trọng nhất. Các dự án kinh tế được đẩy nhanh, với tầm nhìn dài hạn tham vọng xuyên suốt thế kỷ 21.

Nếu thành công, các vành đai kinh tế và các khu vực tự do thương mại mở rộng này đủ giúp Trung Quốc có thị trường to lớn, ổn định cho hàng hóa của họ, làm đối trọng với mọi nỗ lực của Mỹ, Nhật Bản, phương Tây gây áp lực kinh tế đối với Trung Quốc trong những thập kỷ tới, thậm chí trong thế kỷ tới.

Theo dự tính, kim ngạch buôn bán Trung Quốc - ASEAN sẽ vượt Mỹ vào năm 2015 và vượt EU vào năm 2020 trong thứ bậc thương mại song phương khi đạt tương ứng 500 tỉ USD và 1.000 tỉ USD. Chiến lược còn nhằm góp phần củng cố ảnh hưởng Trung Quốc tại khu vực cận biên, duy trì môi trường ổn định cho an ninh và phát triển của Trung Quốc, hình thành lại hệ thống các khu vực ảnh hưởng cho đế chế Trung Hoa và “trật tự Trung Hoa” phiên bản mới.

Những ai chờ đợi các thay đổi mang tính cách mạng, những điều “hoành tráng” tại Hội nghị Trung ương 3 có thể phải giảm bớt kỳ vọng trước những chủ trương thận trọng của nền chính trị Trung Quốc. Trong thực tế, các vấn đề cơ cấu để giải quyết những cải cách vẫn tồn tại như trước. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc nhận thấy cần một đợt cải cách mạnh mẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận