TTCT - Ông từng là nhà ngoại giao nổi tiếng châu Á trong những năm 1980-1990 trong vai trò trưởng đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Cuốn sách của ông Can Asian think (Người châu Á có thể nghĩ) giúp ông được Foreign Policy chọn là 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới. Hiện Kishore Mahbubani đang là hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐH NUS ở Singapore. TTCT có cuộc trao đổi với ông về giáo dục cũng như thay đổi trong khủng hoảng. Phóng to Ông Kishore Mahbubani Singapore luôn linh động với thay đổi * Quá trình chuyển đổi từ nhà ngoại giao sang nhà giáo dục có khó cho ông? - Tôi rất hạnh phúc. Với tôi đó là sự chuyển đổi tự nhiên vì tôi vẫn có thói quen viết rất nhiều. Kể cả khi tôi là thứ trưởng bộ ngoại giao hay là đại sứ tại LHQ, tôi vẫn viết rất đều. Tôi cảm giác khi ngưng làm đại sứ thì tôi giống như được thả ra khỏi lồng. Khi làm đại sứ thì anh phải cẩn thận, anh không thể phê phán các nước khác thẳng thắn. Nhưng làm giáo sư thì tôi có thể phê phán bất cứ ai. * Năm 1997 và giữa những năm 2000, Singapore thay đổi tầm nhìn về giáo dục của mình từ “trường học tư duy, quốc gia học tập” đến “dạy ít, học nhiều”. Có vẻ như thay đổi luôn xuất phát từ khủng hoảng? - Tôi nghĩ Singapore thay đổi không phải chỉ vì khủng hoảng. Đó là quá trình suy nghĩ rất kỹ của Chính phủ Singapore. Chính phủ Singapore luôn chú trọng việc xem xét, cân nhắc lại chính sách của mình coi có phù hợp hay không - về việc này chúng tôi chắc đứng hàng đầu thế giới. Chúng tôi luôn tư duy các vấn đề ở tầm dài hạn. Đến cuối thế kỷ 20, chúng tôi hiểu rằng thế giới đang thay đổi rất nhanh và việc cần thiết là tạo ra thế hệ sinh viên mới có khả năng tự suy nghĩ và có khả năng thích nghi với thế giới đang thay đổi. Hệ thống giáo dục Singapore, dù rất thành công, cần tiến hành thay đổi theo hướng chú trọng nhiều hơn tới tư duy phản biện (critical thinking), khả năng sáng tạo. * Ở Trường Lý Quang Diệu, ông đào tạo những công chức cho chính quyền. Ông có nghĩ là có thể dạy cách điều hành nhà nước? - Mục đích Trường Lý Quang Diệu chúng tôi không phải là đào tạo công chức cho Singapore. Chỉ 20% sinh viên là người Singapore thôi. 20% là từ Đông Nam Á, 20% từ Ấn Độ, 20% từ Trung Quốc và 20% là từ phần còn lại của thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện khả năng quản lý ở châu Á. Chúng tôi tập trung mang tính khu vực và toàn cầu nhiều hơn chứ không phải chỉ tập trung vào Singapore. Tôi nghĩ là có thể dạy cách điều hành nhà nước. Để điều hành thành công và có chính sách công tốt đòi hỏi phải có kiến thức kinh tế tốt, kiến thức chính trị tốt và kỹ năng lãnh đạo, quản lý tốt. Chương trình học chúng tôi vì vậy cũng dựa trên các trụ cột về kinh tế, chính trị và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Chúng tôi dạy cả ba lĩnh vực đó. Không chỉ vậy, chúng tôi cố tìm cách để hòa hợp cả ba lĩnh vực đó. Năm nay, chúng tôi mới đưa ra một chương trình học mới mà tôi tin là đỉnh cao của lĩnh vực này. Chúng tôi tin nhờ vậy Trường Lý Quang Diệu có thể đào tạo những công chức với chất lượng tốt nhất. Đương nhiên tốt nghiệp xong họ hoàn toàn có thể làm việc trong lĩnh vực tư nhân hay NGO chứ không cứ phải là chỉ làm trong nhà nước. Chúng tôi từng có chương trình rất thành công với ADB để đào tạo 900 công chức Việt Nam trong ba năm để học các chương trình ngắn hạn. * Trong quá trình thay đổi có những điều là cốt lõi và không nên thay đổi, với Singapore thì điều đó là gì? - Singapore có những nguyên tắc cốt lõi cần được duy trì cho sự tồn vong của mình. Nguyên tắc đầu tiên là trung thực. Singapore có lẽ là nước trung thực nhất ở châu Á. Tham nhũng hầu như không có ở Singapore. Đương nhiên là thỉnh thoảng cũng có như gần đây chúng tôi có xử một số chính trị gia… nhưng Singapore là nước có tỉ lệ tham nhũng ít nhất. Trung thực vì vậy là tài sản lớn nhất và chúng tôi phải giữ được điều đó. Điều thứ hai chúng tôi tin rằng nguồn tài nguyên duy nhất chúng tôi có chính là con người. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào giáo dục ở Singapore và đầu tư vào mọi cấp của giáo dục. Chúng tôi có một số trường ĐH thuộc vào hàng tốt nhất thế giới. NUS đang nằm trong top 20 thế giới. Cùng lúc chúng tôi cũng đào tạo mọi người trong lĩnh vực bách nghệ và học nghề. Điều thiên tài ở Singapore là chúng tôi cung cấp giáo dục cho cả những người có kết quả học tập không tốt - học nghề. Đào tạo nghề của chúng tôi cũng đứng hàng đầu thế giới và nhiều nước trên thế giới đều đến để học hỏi. Ngoài ra, chúng tôi có một văn hóa thực dụng. Định nghĩa hay nhất của thực dụng chính là từ Đặng Tiểu Bình. Không quan trọng là mèo đen hay mèo trắng, miễn bắt được chuột là tốt. Singapore luôn linh động với thay đổi. Trong những năm đầu mới lập quốc, Chính phủ Singapore từng có thời rất “xã hội chủ nghĩa”. Chúng tôi không bao giờ cho phép casino vì nghĩ rằng đánh bạc sẽ thúc đẩy tham nhũng và tội phạm. Nhưng rồi chính phủ đủ tự tin về khả năng quản lý của mình thì họ cho phép casino hoạt động. Như vậy đó là có tính thích nghi, có tính linh động. Một chính sách thành công trong rất nhiều năm thì không có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì chính sách đó. May mắn là “đường đi hai chiều” * Một trong những chính sách mà Singapore tập trung vào là thu hút những chuyên gia hàng đầu. Nhưng nhiều chuyên gia sau một thời gian đã bỏ đi như Neal Copeland, Jenkins... ĐH Chicago gần đây đã chuyển chương trình MBA danh tiếng của mình ra khỏi Singapore, trường mỹ thuật của NYU cũng rời bỏ Singapore... Singapore sẽ điều chỉnh thế nào thị trường tài năng cấp cao - vốn mang tính linh động lớn? - Chúng tôi rất linh động. Một số người đến, một số người đi. Chuyện đó bình thường. Ví dụ như Trường New South Wales (UNSW) từng được cho phép mở trường ở khu vực Changi, họ từ chối. Giờ khu vực đó là của Trường ĐH Công nghệ và thiết kế (SUTD) và đó là chương trình kết hợp với MIT. Và MIT thì danh tiếng hơn rất nhiều, rõ ràng UNSW mắc một sai lầm lớn. Rồi ĐH Chicago rời đi nhưng tuần này chúng tôi mới khai trương ĐH Yale-NUS. Yale là một trong hai đại học số 1 thế giới cùng với Harvard và đây là lần đầu tiên Yale mở cơ sở ngoài Mỹ. Việc Yale chọn Singapore là điều quá tuyệt vời. Bạn bè tôi ở Harvard nói họ “sốc” khi biết Yale chấp nhận để tên và mở cơ sở ngoài Mỹ. Singapore trên thực tế giờ trở thành thủ đô giáo dục không phải chỉ là của Đông Nam Á mà còn là cả châu Á. Vì vậy tất cả các cơ sở giáo dục lớn đều muốn tới Singapore. Như Trường kinh doanh INSEAD danh tiếng ở Paris giờ họ cũng mở tại Singapore. Trước kia các giáo sư muốn dạy ở Paris hơn thì giờ họ lại muốn đến làm việc ở Singapore. Như vậy với mỗi ví dụ các trường chuyển đi, anh lại có ví dụ của các trường tốt chuyển đến. Ví dụ ĐH Tokyo được thành lập từ năm 1877 và hơn 132 năm họ từ chối việc có chương trình đào tạo chung với bất cứ ĐH nào trên thế giới. Nhưng đến năm 2009 thì họ thay đổi và điểm đến đầu tiên của họ chính là Trường Lý Quang Diệu của chúng tôi. Gần đây có xu hướng là những người tài Singapore muốn ra nước ngoài sống thay vì ở lại. - Tôi nghĩ Singapore luôn có vấn đề về chuyện chảy máu chất xám. Nhưng ít nhất chúng tôi may mắn vì đó là chuyện “đường đi hai chiều”. Người ta bỏ đi nhưng đồng thời cũng có nhiều người tài tìm đến ở Singapore. Chất lượng của những tài năng ngoại đến đây là hàng tốt nhất thế giới. Những sinh viên PhD đến từ những trường số một thế giới. Ngay ở Lý Quang Diệu chúng tôi có TS Vũ Minh Khương là người Việt Nam từng học tiến sĩ tại Harvard. * Theo ông, thách thức nhất của châu Á trong những thập kỷ tới sẽ là gì? - Châu Á có rất nhiều thách thức nhưng tôi luôn rất lạc quan về châu Á. Tôi luôn nói là cho tới năm 1820, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn là Trung Quốc và Ấn Độ. Chỉ trong vòng 200 năm qua mà châu Âu và Mỹ nhảy vọt vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu nhìn trong lịch sử 2.000 năm của thế giới thì lịch sử 200 năm vừa rồi là bước rẽ lớn của lịch sử. Nhưng mọi bước rẽ thì đều đi đến chấm dứt. Vì vậy, sẽ là tự nhiên cho châu Á trở lại [về vị trí đứng đầu]. Sẽ luôn có thách thức trong quá trình đó nhưng chúng ta có thể vượt qua được như chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhưng xã hội châu Á nên học từ Singapore: thích nghi và luôn thay đổi. Điều đó rất quan trọng. * Nhưng đâu là thách thức lớn nhất? - Với xã hội châu Á thì thách thức lớn nhất luôn là tham nhũng, điều làm bộ máy của họ không thể vận hành hiệu quả, hệ thống khó thu hút được người tài thật sự. Trung Quốc đang phát triển rất tốt nhưng thách thức số 1 mang tính sống còn của họ chính là tham nhũng. Thách thức thứ hai là khả năng thích nghi với thay đổi. Trong quá khứ, anh có thể mời đón đầu tư nước ngoài nhưng giờ thị trường châu Âu, Mỹ không còn phát triển nhanh nữa. Chúng ta cần phát triển thị trường nội địa nhanh hơn. Ví dụ ASEAN đang cố phát triển cộng đồng kinh tế vào năm 2015. Anh biết đấy, các nước ASEAN luôn “hai bước tiến, một bước lùi”. Họ nói năm 2015, nhưng đến năm đó họ sẽ lại có vài trường hợp ngoại lệ nào đó để không thực hiện ngay. Xin cảm ơn ông. * Sự hưng thịnh rồi suy vong nhanh chóng của Yahoo!, Blackberry hay Nokia cho thấy chu kỳ thay đổi giờ diễn ra ngắn hơn bao giờ hết. Singapore đối phó thế nào với các xu thế thay đổi nhanh này? - Tôi không nghĩ là có ai có thể chuẩn bị với những thay đổi kiểu đó (cười). Thế giới đang phát triển ngày càng nhanh hơn bao giờ hết. Vì vậy, bạn chỉ cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Một điều lợi thế của Singapore là chúng tôi nhỏ, cởi mở và linh động với thay đổi. Singapore có chính sách là không bao giờ trợ cấp cho các ngành. Ví dụ như khi Singapore khuyến khích đầu tư, họ thu hút thành công được một nhà sản xuất camera của Đức để mở nhà máy ở Singapore. 500 kỹ sư Singapore được đào tạo ở Đức để làm việc. Nhưng sau vài năm, nhà máy của Đức này không cạnh tranh nổi với công ty của Nhật và họ phải đóng cửa. Chính phủ lúc đó nói “nếu anh không cạnh tranh được thì anh phải rút thôi”. Vì vậy bạn phải chuẩn bị cho cái mà Joseph Schumpeter gọi là “hủy diệt có sáng tạo” (creative destruction). Một ngành mà anh không còn có thể cạnh tranh được thì anh nên tìm lĩnh vực gì đó mới. Đừng cố tìm cách bảo vệ ngành - đó là nguy hiểm lớn nhất vì bảo hộ chỉ dẫn tới cái chết sớm của các ngành. Tags: SingaporeTrung thựcNhà ngoại giaoKishore Mahbubani
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.