Trước thềm bầu cử nghị viện châu Âu: Ảo ảnh Brexit

NHẬT ĐĂNG 01/05/2019 21:05 GMT+7

Phía sau tương lai mù mịt liên quan tới tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, là bức tranh rõ ràng của quá khứ: người Anh chưa bao giờ là một thành viên đúng nghĩa của tổ chức mà họ đang muốn rời khỏi.

Ảnh: Behance
Ảnh: Behance

Báo chí quốc tế đang quen dần với việc sử dụng chữ “xác sống” (zombie) khi nói tới Vương quốc Anh và tiến trình rời EU. “Xác sống” là cách chơi chữ để nói về Thủ tướng Anh Theresa May và cả vai trò của Anh trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới đây.

Vật vờ

Sau khi lần thứ hai không thể đáp ứng hạn chót về Brexit với EU, Thủ tướng May chấp nhận đề nghị của Brussels về việc gia hạn tới ngày 31-10. Cũng vì trùng với lễ Halloween, chữ “xác sống” mới xuất hiện khắp các mặt báo khi nói về Brexit.

Bà May tuyên bố sẽ rời nhiệm sở ngay khi Brexit diễn ra thành công. Điều này khiến vị trí của bà trở nên mong manh hơn, khi sứ mệnh duy nhất còn lại là thuyết phục các luồng ý kiến đối lập chấp nhận một dự thảo Brexit do bà đưa ra.

Nói cách khác, vị thế của Thủ tướng May giờ đây vật vờ không khác gì chính công cuộc Brexit. Thứ hai, chữ “xác sống” cũng gắn liền với bà May theo hướng mô tả sự thụ động, thiếu linh hoạt, khó thay đổi để thích ứng của chính quyền Anh trong 3 lần bị Quốc hội bác đề xuất Brexit.

Trên thực tế, cả nước Anh cũng là một “xác sống” trong mắt không ít nhà lãnh đạo châu Âu đang kiên trì với định hướng hội nhập hơn nữa châu lục này. Việc vẫn ở lại EU tới cuối tháng 10 đồng nghĩa người Anh vẫn tham gia bỏ phiếu cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.

Đây là cuộc bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu, cho phép người dân các nước EU trực tiếp bầu đại diện của mình ở nhánh lập pháp quyền lực của châu Âu. Nhưng người Anh bầu để làm gì khi cuối năm nay họ đã chẳng còn là thành viên nữa?

Và nếu có câu chuyện nào đó thực sự sinh động hơn những “xác sống” ở EU, đó hẳn phải là Nigel Farage. Trong cùng ngày Brexit không diễn ra đúng hạn lần thứ hai, ông Farage ra mắt tổ chức chính trị mới của ông với cái tên không thể rõ ràng hơn: Đảng Brexit (Brexit Party). Chính trị gia có xu hướng cực đoan và cực hữu này từng gây sóng gió khi lãnh đạo Đảng UKIP mang đường lối chống EU giành thắng lợi ở cuộc bầu cử nghị viện năm 2014 và nay tiếp tục thu hút nhiều đảng viên gia nhập phong trào mới của ông, góp phần làm sâu sắc thêm mối lo chia rẽ và thiên về dân tộc cực hữu tại EU.

Nước Anh từ chối kýt Hiệp ước Rome 1957 - Hiệp ước được coi là khai sinh EU ngày nay (Ảnh: Wiki)

Vết nứt lịch sử

Kể từ sau cuộc trưng cầu chấn động năm 2016, người ta đã tìm kiếm mọi lý do để giải thích cho lựa chọn rời EU của người Anh. Đó có thể là những bất đồng rất “thời sự” và không thể giải quyết như chuyện ngân sách EU, hay trách nhiệm phân bổ người nhập cư. Nhưng tiếp cận bằng góc độ lịch sử, chuyện Anh trở thành thành viên đầu tiên rời EU chẳng có gì đáng thắc mắc.

Lịch sử của đảo Anh với châu Âu lục địa là một lịch sử đầy những bất trắc, nghi kỵ và toan tính đến cực đoan - điều thực ra không giảm bớt nhiều kể cả sau Thế chiến II. Vương quốc Anh từ đầu đã không ký Hiệp ước Rome 1957, hiệp ước được coi là khai sinh EU ngày nay, mà lúc đó chỉ là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) với 6 thành viên sáng lập là Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Thậm chí người Anh còn đứng ra tổ chức một nhóm 7 quốc gia đối trọng với EEC có tên Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) vào năm 1960.

Tới năm 1963, khi EEC phồn thịnh còn người Anh kẹt dính với tình trạng kinh tế èo uột, họ mới đề nghị tham gia. Cũng ngay từ lúc đó, Anh chỉ muốn xóa bỏ rào cản thuế nhập khẩu áp lên nước này, chứ nhất quyết không đồng ý với ý tưởng hòa nhập vào một liên minh chính trị. Cũng vì điểm này, tổng thống Pháp lúc đó Charles De Gaulle đã phủ quyết đề xuất gia nhập của Anh. Là một người “châu Âu chủ nghĩa”, tướng De Gaulle thậm chí coi nước Anh là “con ngựa thành Troy” của Mỹ.

Chỉ 2 năm sau khi chính thức gia nhập EEC, vào năm 1973, người Anh đã bỏ phiếu đòi ra đi. May thay, lúc ấy các cử tri đã chọn ở lại. Tới năm 1992, tư thế nhấp nhổm của người Anh được củng cố bằng việc từ chối tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu - điều hẳn nhiên tiếp tục khẳng định lập trường tách biệt về mặt chính trị và kinh tế của người Anh.

Tức là Brexit không phải không có những nền tảng nhất quán trong lịch sử. Người Anh, với sự thực dụng cố hữu, đã luôn muốn hưởng lợi từ EU: dỡ bỏ các rào cản thuế quan, tự do đi lại trong khối, hưởng ưu đãi thương mại... nhưng lại muốn từ chối hội nhập về chính trị và kinh tế. Hai mong muốn này trái ngược nhau: các thành viên của khối chỉ được hưởng những lợi ích chung nếu chấp nhận nhượng bộ những vấn đề chủ quyền truyền thống cụ thể, bao gồm các quy định về ngân sách, đồng tiền chung và phân bổ người nhập cư...

Ảnh: Telegraph

Vấn đề Đại Anh

Sự bế tắc trong các cuộc thảo luận về phương án Brexit tại Anh lên tới cực điểm, thể hiện qua sự kiện có phần hài hước vào đêm 27-3. Có tổng cộng 8 đề xuất Brexit được các nghị sĩ Anh đưa ra trong 24 tiếng họ tước quyền Thủ tướng May về vấn đề này, nhưng cả 8 đề xuất đó cũng đều không được thông qua.

Người Anh có thể không ai chịu nghe ai về việc nên Brexit thế nào, nhưng điều họ sợ nhất là việc phải rời EU theo kiểu “cạn tàu ráo máng”, có nghĩa không đi kèm thỏa thuận duy trì hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục hay tự do đi lại. Phương án này (không thỏa thuận - No Deal) nhận phản đối nhiều nhất: 160 phiếu thuận, 400 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu 8 phương án ở Quốc hội.

Tâm lý dân tộc đóng một vai trò lớn trong những khó khăn hiện giờ, bởi người Anh đã quá quen thuộc với hình ảnh một đế quốc Đại Anh (Great Britain) ngự trị thế giới mới cách đây chưa lâu, như lời bài hát nổi tiếng Rule, Britannia! (thơ James Thomson, Thomas Arne phổ nhạc năm 1740): “Ngự trị, hỡi Đại Anh! Hỡi Đại Anh, ngự trị trên những con sóng! Người Anh không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ chịu làm nô lệ”.

Tạp chí chính trị và văn hóa New Statesman (London, Anh) là một trong những tờ báo thẳng thắn và gay gắt nhất khi đề cập tới tâm lý này ở người Anh hiện đại, đặc biệt là những gì thể hiện qua câu chuyện Brexit.

Cụ thể, New Statesman từng chỉ trích những ảo tưởng của nước Anh về ảo vọng “tầm với toàn cầu” (global reach) giai đoạn đế quốc-thực dân, điều tạo ra cảm nhận rằng nước Anh có thể một mình làm nên những điều kỳ vĩ. Dưới thời cựu thủ tướng David Cameron, triết lý “tầm với toàn cầu” được nêu trở lại trong đánh giá quốc phòng của nước Anh.

Đến thời điểm Brexit sắp diễn ra, chính quyền Thủ tướng May vẫn nuôi dưỡng một tham vọng tương tự: Global Britain (Anh quốc toàn cầu), trong đó người Anh sẽ tự mình kết nối “bạn cũ và đồng minh mới” trên toàn cầu, làm động lực thúc đẩy một Vương quốc Anh với “một vị trí mới cho bản thân nó trong cục diện thế giới”, vượt ra ngoài khuôn khổ của EU.

Có điều nước Anh ngày nay không còn là nước Anh của 100 năm trước. Vì lẽ đó, thật không hợp thời khi họ vẫn duy trì sự hoài nghi với châu Âu như một thế kỷ đã qua và thật ra Global Britain - bất chấp tên gọi to tát của nó - là một cách tiếp cận tiêu cực, mang tính tự vệ và an ủi nhiều hơn là thực chất.

“Đáng buồn hơn, nó không thể đại diện cho một tầm nhìn lạc quan về sự cam kết của Anh trong một vai trò mới trên trường quốc tế” - giáo sư an ninh và chính trị Anh Oliver Daddow viết trên trang chủ của Trường Kinh tế London.■

Tương lai nào cho quan hệ kinh tế Việt Nam - Anh?

Các kế hoạch hợp tác kinh tế dự tính cho giai đoạn hậu Brexit đã được bàn thảo tại Anh lâu nay. Trong đó, chính sách “xoay trục” về châu Á đã xuất hiện trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 6-2018. Hội đồng Kinh tế Anh-ASEAN và Trung tâm Saw Swee Hock Đông Nam Á thuộc Trường Kinh tế London, trong nghiên cứu mang tên Lựa chọn tương lai cho quan hệ kinh tế Anh-ASEAN, cho biết Việt Nam là đối tác lớn thứ ba của Anh ở Đông Nam Á và là thị trường duy nhất Anh giữ được thị phần tính tới nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại sứ và lãnh đạo nhiều nhóm doanh nghiệp Anh tại Việt Nam đều cho rằng tương lai hợp tác Việt-Anh rất lớn, nhưng bất kỳ một thỏa thuận thương mại song phương nào nhiều khả năng cũng chỉ xuất hiện sau Brexit. Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói: “Tôi tin rằng khi Anh rời EU, chúng tôi sẽ sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, vốn dĩ tốt cho cả hai nước. Trong tương lai, Anh cũng sẽ cân nhắc về việc xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận