TTCT - Ở TP.HCM, có thể “điểm danh” những bức tranh của Nguyễn Gia Trí như Vườn xuân Bắc - Trung - Nam (của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), Bên hồ sen (sở hữu của họa sĩ Bùi Quang Ngọc), Giáng sinh (sở hữu của nhà thờ Mai Khôi)... Họa sĩ Nguyễn Lâm trong lần phục chế bức Vườn xuân tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Lâm cung cấp Theo thời gian, có không ít tranh của danh họa này không được bảo quản tốt. Năm 2013, họa sĩ Nguyễn Lâm đã phục chế thành công bức phong cảnh của Nguyễn Gia Trí ở Lãnh sự quán Pháp, TP.HCM. Đầu năm nay, ông tiếp tục phục chế thành công ba bức khác ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Di sản cho đời sau Ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, bức Hoài niệm xứ Bắc được treo trong phòng đọc lớn, bức Vườn xuân treo ở phòng đọc doanh nhân, còn bức Trừu tượng treo ở phòng hội nghị. Họa sĩ Nguyễn Lâm cho biết: “Khi sáng tác ba bức sơn mài này, cụ Nguyễn Gia Trí có nguyện vọng lưu lại kỹ thuật sơn mài để con cháu thời sau tìm hiểu. Có thể nói ba tác phẩm trên tóm gọn sự phát triển sơn mài Việt Nam ở thế kỷ 20, từ thời kỳ vẽ sinh hoạt dân gian kiểu Henri Oger (bức Hoài niệm xứ Bắc), đến sơn mài hiện đại những năm 1960-1970 và phong cách trừu tượng”. Về lai lịch ba bức tranh này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II hiện có lưu lại văn bản của chính quyền Việt Nam cộng hòa mua vào năm 1967 để trang hoàng Thư viện quốc gia (tên gọi trước năm 1975 của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hiện nay). Giá ước lượng mua ba bức tranh được ghi rõ: Hoài niệm xứ Bắc (3,1mx2,1m, 5 tấm ghép lại) là 975.000 bạc, Vườn xuân (2,4mx2,8m, 4 tấm) là 1.050.000 bạc, Trừu tượng (122cmx244cm) là 450.000 bạc. Họa sĩ Nguyễn Lâm nói rõ thêm: “Hồi đó tranh cụ Trí thường mỗi bức có giá 1 triệu bạc. Trúng độc đắc vé số kiến thiết quốc gia cũng là 1 triệu bạc, đủ mua được một cái villa (biệt thự)”. Bút phê trên văn bản mua tranh Nguyễn Gia Trí cho rằng “nếu so với bức tranh khác ở dinh Độc Lập thì (giá) này của danh họa Nguyễn Gia Trí là không đắt”. Tổng số tiền mua tranh Nguyễn Gia Trí là 2.250.000 bạc, được trích ra từ số tiền 200 triệu bạc cấp xây dựng Thư viện Quốc gia, tức tương ứng khoảng 1% tổng kinh phí xây dựng. Điều thú vị là tỉ lệ này cũng gần với quy định của các nước tiên tiến hiện nay là các công trình kiến trúc lớn bắt buộc phải có tác phẩm nghệ thuật trang trí với kinh phí chiếm 1-2% tổng kinh phí xây dựng. Bức Hoài niệm xứ Bắc treo trong phòng đọc lớn Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - Ảnh: Q.T Bức Trừu tượng trước và sau khi phục chế - Ảnh: Ng. Lâm “Bắt bệnh” và “chữa bệnh” Được đặt vẽ vào năm 1967, thời gian qua ba bức tranh đã có dấu hiệu xuống cấp. Ông Bùi Xuân Đức, giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, kể lại khó khăn khi tìm người phục chế: “Tôi có nhờ chuyên gia Úc nhưng họ lắc đầu vì không hiểu gì về sơn mài Việt Nam. Tôi đánh tiếng những nơi ở Hà Nội thì yêu cầu của họ là phải mang tranh ra Hà Nội, tiền phục chế phải từ 10-20% giá trị thực tế bức tranh... Đây là những điều kiện chúng tôi không thể đáp ứng được. Khi biết họa sĩ Nguyễn Lâm phục chế thành công tranh Nguyễn Gia Trí ở Lãnh sự quán Pháp, chúng tôi đã nhờ anh phục chế”. Họa sĩ Nguyễn Lâm sinh năm 1941, từng đoạt HCB giải Hội họa mùa xuân năm 1962 (Việt Nam cộng hòa), là thành viên của Hội họa trẻ Sài Gòn những năm 1970. Ông cùng thời với Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Đinh Cường... Tính tới nay ông đã có thâm niên hơn 50 năm họa sĩ sơn mài. Việc ông phục chế thành công bức tranh của Nguyễn Gia Trí ở Lãnh sự quán Pháp là một sự kiện gây chú ý trong giới mỹ thuật về công việc bảo tồn. “Phục chế tranh Nguyễn Gia Trí rất khó, yêu cầu là người phải am hiểu và giỏi về kỹ thuật, lần theo từng chi tiết để “chữa bệnh” mà không được can thiệp quá sâu, làm sai lệch màu sắc, tổng thể bức tranh. Thường tôi phải có thời gian nghiên cứu, “bắt bệnh” bức tranh, thấy được thì tôi mới nhận lời” - ông giải thích. Nguyễn Lâm cũng xem việc phục chế tranh của bậc danh họa Nguyễn Gia Trí là một vinh dự của nghề nghiệp nên ông tiết lộ rằng tiền công cũng rất “văn nghệ”. Việc phục chế thành công ba bức tranh Nguyễn Gia Trí không những là thông tin tốt cho mỹ thuật Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của Gallery quốc gia Singapore (National Gallery Singapore). Đảo quốc này đang có tham vọng trở thành trung tâm mỹ thuật của khu vực Đông Nam Á, và gallery này được chính phủ hậu thuẫn cho kế hoạch đó. Ông Bùi Xuân Đức cho biết: “Ông Eugene Tan, giám đốc gallery này, từng đến thăm chúng tôi và hỏi mượn tranh cho triển lãm lớn nhân dịp ra mắt gallery vào năm 2015. Trước khi phục chế họ qua một lần, sau khi phục chế họ qua một lần nữa. Tuy họ đã có một bức phong cảnh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1940, nhưng họ rất quan tâm những bức tranh ở đây. Họ nói họ biết tranh Nguyễn Gia Trí là bảo vật quốc gia, cấm đưa ra nước ngoài, nhưng nếu chúng tôi đồng ý thì mọi giải quyết dù ở cấp cao nhất của hai quốc gia họ cũng sẽ nỗ lực tác động. Nhưng thật ra chúng tôi cũng chưa quyết định được điều này”. Tags: Phục chế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.