​Tự do cho người già

KIỀU BÍCH HƯƠNG (BỈ) 07/02/2015 02:02 GMT+7

Kết loạt Câu chuyện cuộc sống Những người già “mắc nợ” (xem TTCT từ số ra ngày 11-1), TTCT giới thiệu góc nhìn của một CTV về cách phương Tây giải quyết vấn đề này.

 

Biển báo giao thông dành riêng cho người cao tuổi - Ảnh: VRT

Từ khi chuyển sang Bỉ sống, cuối năm nào tôi cũng vào hai nhà dưỡng lão thăm các cụ cao tuổi nhất của gia đình chồng. Vào rồi mới thấy đây không hẳn là “mái ấm” theo nghĩa một nơi ở vừa có tình cảm ruột thịt vừa tự do, cũng không thể gọi là “trại” kiểu người Việt thường liên tưởng kèm theo cái rùng mình ớn lạnh vì cô độc.

Nhà dưỡng lão - nơi ở của người giàu

“Mẹ có nhớ năm nay bao tuổi rồi không?” - vợ chồng tôi hỏi mẹ Maria (mẹ đỡ đầu của chồng). “Tháng 3 này mới tính sang tuổi 93” - bà cụ vẫn tư duy kiểu Tây rất mạch lạc.

Mẹ đỡ đầu và bố đỡ đầu của chồng tôi là chị em ruột (cũng là cậu, dì ruột của mẹ chồng), thời trẻ từng xây nhà ở cùng một phố. Về già họ lại chọn hai nhà dưỡng lão ở xa nhau. Cách hai cụ chọn phòng cũng rất khác.

Mẹ Maria thuê căn hộ mini có bếp nhỏ đủ đầy bếp điện hai mâm, lò vi sóng, tủ lạnh... Không trồng hoa trên bancông nhỏ được thì mẹ chăm tưới mấy chậu lan, xương rồng đặt bên cửa sổ hứng nắng chan hòa rọi vào phòng khách bày tivi, sofa đơn và đôi. Tổng cộng tiền thuê căn hộ mini, bữa ăn phục vụ tại phòng, chi phí thuốc men và bác sĩ... khoảng 2.500 euro/tháng.

Đi qua dãy phòng hiện đại như khách sạn đặt tên “Phố Cúc Cu”, chúng tôi vào nơi ở của bố đỡ đầu Constant. Đơn giản chỉ một phòng có bàn ghế mini tiếp khách kê cạnh giường ngủ đơn, chiếc tủ đựng đầy đồ uống, phòng vệ sinh sát cửa ra vào.

Ngồi chưa ấm chỗ bố đã giục: “Đến giờ phải ra ăn tối rồi, đi theo bố ra căngtin vừa ngồi ăn nóng sốt vừa nói chuyện”. “Có tin nhắn cho cụ đấy cụ ơi” - một điều dưỡng viên nhắn, bố Constant vẩy tay: “Không phải lúc này”. Đưa bố vào chiếc bàn quen thuộc, chúng tôi đợi ông cụ tự hào khoe “con cháu đến thăm cuối năm đây này” với từng bạn già rồi mới về.

Giá thuê căn phòng giản tiện như vậy khoảng 50 euro/ngày, còn sức tự ra phòng ăn tập thể cũng là cách tiết giảm chi phí.

“Cậu và dì khỏe cả chứ” - mẹ chồng tôi hỏi khi chúng tôi vừa từ nhà dưỡng lão về. Bước sang tuổi 76, bà có thể đã nghĩ về nhà dưỡng lão rồi. Nhưng khác thế hệ trước, thay vì đeo vào cổ cục điều khiển như chìa khóa xe hơi kết nối với phòng điều dưỡng viên (cần trợ giúp chỉ cần bấm nút) như cậu và dì ruột của mình, mẹ chồng tôi chọn cách vẫn ở ngôi nhà xưa cũ và gánh lên vai việc giặt giũ, trông cháu cho các con khi cần.

Thỉnh thoảng bà than: “Dì Maria vẫn được lĩnh lương của người chồng đã mất, gọi là chế độ lương đôi nên thoải mái sống ở nhà dưỡng lão. Đến thời mẹ hết rồi. Bố chồng con mất là họ cắt ngay lương ông ấy. Mẹ mà vào nhà dưỡng lão mỗi năm chi phí hơn 20.000 euro, nhỡ sống đến mười năm chưa chết thì hết vèo cái nhà, còn gì chia cho con cháu”.

Các góc hành lang trong nhà dưỡng lão luôn được trang trí, sắp đặt tạo cảm giác ấm áp như đang ở nhà

Chính phủ lo xa của “xã hội người già”

Người Bỉ vừa đón năm mới với nhiều quy định mới áp dụng từ tháng 1-2015, trong đó có: người về hưu sau tuổi 65 vẫn có thể làm việc và kiếm tiền tùy thích mà không bị mất quyền hưởng lương hưu. Riêng tuần cuối cùng của cuộc tổng đình công toàn quốc (phản đối chính phủ cắt giảm chi tiêu và tăng tuổi về hưu lên 67) cuối năm 2014 gây tổn thất 264,8 triệu euro cho khối kinh doanh tư nhân.

Những chuyện này nói lên điều gì? Chính phủ có thể đổ lỗi phải gánh một xã hội phương Tây già cỗi điển hình với chi phí lương hưu nhiều, bảo hiểm y tế lắm. Quả là chính phủ biết lo xa. Sau việc cắt bỏ lương đôi, giờ lại khuyến khích người già tiếp tục lao động!

Khác một số nước châu Âu, ở Bỉ càng sinh con nhiều càng hưởng trợ cấp nuôi trẻ cao, đứa trẻ sau nhận tiền nhiều hơn đứa trước. Cũng là gánh nặng ngân sách, nhưng không hẳn vì thế Bỉ tránh được sự già hóa dân số.

Sống trong xã hội “già”, dịch vụ chăm sóc cũng được trang bị tiện lợi đến mức ở tuổi thất thập nhưng không cổ lai hi, các cụ có thể sống tự do và thoải mái sử dụng thiết bị hiện đại trong ngôi nhà của mình hoặc nhà dưỡng lão mà không cần con cái trợ giúp.

Hồi mới sang Scotland làm dâu, chị Khánh bạn tôi kể: “Thấy mẹ chồng sống một mình tội quá, ngỏ ý mời mẹ về ở chung cho phải đạo làm con nhưng mẹ từ chối. Ngẫm cũng phải, mình tính nghệ sĩ, thích đàn hát véo von suốt ngày trong khi mẹ chồng cần yên tĩnh nghỉ ngơi, ở chung lại làm phiền nhau”.

Ở cách nhà con chỉ năm phút đi bộ, mẹ chồng chị Khánh cũng đeo vào cổ thiết bị điều khiển từ xa nối với trung tâm cứu trợ người già. Cần gì cứ bấm nút. Ngày ba buổi sáng, trưa, chiều tối, dịch vụ xã hội cử người đến nấu ăn, thay đồ cho bà cụ. “Thỉnh thoảng vợ chồng mình chỉ đến đưa mẹ ra ngoài chơi và giúp chi trả dịch vụ bằng chính lương hưu, bảo hiểm y tế của mẹ”. Nghĩa vụ làm con đơn giản chỉ có thế.

Năm ngoái Vân, một người bạn của tôi ở Bỉ, ngạc nhiên vì có vị khách ốm yếu, già nua đến gõ cửa thuê căn hộ cao cấp cô vừa mua thêm sát căn đang ở. Đó là cụ Emma. Với mức lương hưu đôi hơn 2.000 euro/tháng, cụ không vào nhà dưỡng lão mà chọn cách bán nhà lớn, thuê căn hộ nhỏ nơi chung cư đông người già để sống những ngày cuối đời.

Thỉnh thoảng Vân nấu món ngon lại mời cụ sang ăn cho vui. Một lần cụ Emma ra phố lượm được con mèo hoang đem về làm bầu bạn. Thế là bạn tôi thích thú quan sát cụ già Emma chăm mèo như chăm con trong khi bản thân phải cậy nhờ dịch vụ xã hội cử người đến lau dọn, giúp tắm rửa, chở đi siêu thị mua đồ. Thích đi xa một chút, cụ Emma sẽ được hỗ trợ tiền xe.

Tôi nghĩ còn một lý do nữa khiến những người như cụ Emma hay mẹ chồng tôi không muốn vào nhà dưỡng lão: thích hằng ngày ra ngoài mua sắm, ngắm phố phường nếu còn có thể tự di chuyển được. Ở nhà dưỡng lão đi đâu cũng phải báo cáo khá phiền. Người cao tuổi muốn dạo phố là cả vấn đề.

Tại Anh có hẳn biển giao thông riêng cảnh báo lái xe cẩn thận chờ người già qua phố. Gần đây, tấm biển in hình hai người còng lưng có sự hỗ trợ của cây gậy đã du nhập vào Bỉ. Vùng Alsemberg (gần Brussels) quyết định đặt biển này cạnh nhà dưỡng lão Zennehart. Có cả lời khen lẫn tiếng chê. Bên phê cho rằng hình ảnh này tạo cảm giác tiêu cực về người cao tuổi “có phải ai về già cũng còng lưng và dùng gậy đâu”.

Tâm sự của cụ François ở nhà dưỡng lão Zennehart trích đăng trên Flanders news.be: “Chúng tôi có phải sóc hay lợn hoang đâu. Một số bạn già của tôi đi rất chậm. Chúng tôi xứng đáng được quan tâm chứ”.

Các góc hành lang trong nhà dưỡng lão luôn được trang trí, sắp đặt tạo cảm giác ấm áp như đang ở nhà

Thuốc ngủ, robot Zora và “thuốc an thần hữu hiệu”

Dĩ nhiên nhà dưỡng lão không phải thiên đường hoàn hảo của người già. Một nghiên cứu của Đại học Gent cho biết vài nhà dưỡng lão ở vùng đông Flanders đã lạm dụng thuốc cho người già để giúp họ tránh phiền muộn, lo âu, thậm chí suy sụp vì chồng/vợ qua đời.

Cụ thể, thu thập số liệu từ 735 nhà dưỡng lão ở vùng Flanders, nhóm nghiên cứu của Đại học Gent phát hiện khoảng 44% người cao tuổi dùng 10, thậm chí hơn 10 viên thuốc các loại mỗi ngày. Thuốc ngủ khiến người cao tuổi thiếu tỉnh táo, giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ đột quỵ.

Có nhiều liều thuốc an thần cho người già hơn là một viên thuốc ngủ. Robot nhân đạo Zora cao 57cm, giá 15.000 euro là một trong những ứng dụng công nghệ cao nhất giúp người già giảm cô đơn. Chỉ cần nhấn nút, Zora sẽ đứng trên bàn và hát, thậm chí nhảy điệu Gangnam Style khích lệ các cụ cùng đứng lên vận động giãn xương cốt.

Nhà dưỡng lão De Boarebreker là nơi đầu tiên sử dụng Zora như nhân viên điều dưỡng. Nhờ trợ giúp của ngân hàng, chi phí trả tiền mua hoặc thuê Zora giảm còn khoảng 271 euro hằng tháng. Tới đây Zora còn được lập trình trợ giúp người già bị ngã, biết hỏi xem “hôm nay cụ cảm thấy thế nào?” trong khi nhân viên y tế - con người thực - vẫn giám sát mọi việc qua máy quay gắn ở đầu Zora.

Không như con người, Zora lúc nào cũng ở tâm trạng tốt và luôn chân luôn tay, được cụ Simonna Codenie (92 tuổi, ở nhà dưỡng lão De Boarebreker) bế gọn trong lòng như một đứa trẻ: “Có nó thật vui”.

“...Không liều thuốc an thần nào cho người già bền vững và nhân văn bằng tiếp xúc con người. Sống trong xã hội đề cao tự do cá nhân, cha mẹ già thường không chung nhà với con cái. Tôi vẫn nhận thấy người ta đang gắng xoay xở để có sự gắn kết gia đình ý nghĩa nhất”.

Nhưng không liều thuốc an thần nào cho người già bền vững và nhân văn bằng tiếp xúc con người. Sống trong xã hội đề cao tự do cá nhân, cha mẹ già thường không chung nhà với con cái.

Tôi vẫn nhận thấy người ta đang gắng xoay xở để có sự gắn kết gia đình ý nghĩa nhất. Không chỉ mỗi gia đình duy trì ít nhất một lần trong năm đến nhà dưỡng lão đón ông bà về dự bữa cơm sum họp năm mới, mà nhà trường cũng chung tay nuôi dưỡng sự quan tâm của trẻ nhỏ dành cho người già.

Tại trường mẫu giáo nơi con tôi theo học, hằng năm luôn có Lễ hội dành cho ông bà (chứ không dành cho bố mẹ), nếu không còn ông bà ruột thịt thì gửi giấy mời ông bà họ, người già hàng xóm cũng được.

Trong ngày hội này, người cao tuổi được mời đến trường xem các cháu múa hát, thưởng thức cà phê và bánh ngọt, tâm sự bạn già, vào lớp của cháu nghe cô giáo trò chuyện, quà mang về nhà thường là tấm ảnh ngộ nghĩnh chụp đứa cháu của mình đóng vai hiệp sĩ, bác sĩ...

Năm vừa rồi, mẹ chồng tôi dự hội về khoe được cô giáo tặng tấm ảnh con trai nhỏ của tôi trong trang phục bác nông dân lái máy cày. Thanh lý hết đồ đạc, bán cả nhà riêng để vào nhà dưỡng lão nhưng bố mẹ đỡ đầu của chồng tôi vẫn mang theo những bức ảnh gia đình treo khắp tường phòng.

Mỗi dịp thăm hỏi cuối năm, mẹ Maria thường tiễn chân chúng tôi ra cầu thang, không quên dặn: “Nhớ rửa tấm ảnh mẹ bế cháu rồi gửi vào đây nhé”. Bọn trẻ ngày càng lớn, những tấm ảnh mỗi năm một nhiều thêm trên tường nhà dưỡng lão.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận