Tự luận hay thành trắc nghiệm tồi

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP 11/08/2011 04:08 GMT+7

TTCT - Cùng với kết quả điểm thi môn sử thấp, cách đây ít lâu cũng nổi bật hiện tượng là ban C của trung học phổ thông bị bỏ trống vì học sinh không chọn. Điều đó phản ánh sự yếu kém nói chung về khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta tại mọi cấp đào tạo và nghiên cứu, mà một chuyên gia trong lĩnh vực đó đã gọi là “báo động đỏ”.

Rất tiếc là Nhà nước dường như chưa cảm nhận được mối nguy hiểm của tình trạng đó đối với nền giáo dục nói riêng và nền tảng văn hóa của dân tộc nói chung. Chẳng hạn, khi tập trung những khoản đầu tư lớn vào các chương trình tiên tiến ở bậc đại học và vào các trường đại học mới, hi vọng đạt “đẳng cấp thế giới” thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn dường như bị bỏ quên.

Phóng to
Thí sinh dự thi khối C vào Trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) làm thủ tục thi môn sử - Ảnh: Như Hùng

Khía cạnh quan trọng khác là việc ra đề thi. Một kỳ thi mà mục tiêu là cung cấp kết quả cho mọi trường đại học sử dụng để tuyển sinh theo các trình độ khác nhau thì dải điểm thi phải trải rộng, nói theo ngôn ngữ chuyên môn thì đồ thị phân bố điểm thi phải có dạng hình chuông trải rộng và đối xứng.

Khi bắt đầu kỳ thi “3 chung” vào năm 2003, báo Tuổi Trẻ (4-9-2003) đã công bố các đồ thị phân bố điểm thi tổng cộng có đỉnh cực đại ở điểm 3 (trên dải 30 điểm) và thống kê số học sinh đạt điểm tổng cộng trên 15 trung bình chỉ có 13%. Lúc đó công luận đã chê bai rất nhiều về chất lượng giáo dục phổ thông.

Mấy năm sau đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cố chỉ đạo ra đề thật “dễ” để đẩy cực đại về phía điểm cao, và vào năm 2005 riêng môn sử đã đẩy cực đại về phía khoảng điểm 8, thì dư luận lại có ý kiến. Với điểm sử năm nay chắc là số liệu thống kê sẽ cho cực đại ở khoảng điểm 2.

Tại sao có tình trạng đó? Vì bộ phận ra đề đã không sử dụng công nghệ đo lường trong giáo dục để ra đề thi nên kỳ thi luôn bị rủi ro về chất lượng. Nếu sử dụng công nghệ, có thể điều khiển được việc làm đề thi sao cho phân bố điểm thi có dạng hình chuông đối xứng trải rộng.

Một số người thoạt nhìn đề sử năm nay khen là đề hay. Tuy nhiên, nếu chất lượng kỳ thi bằng trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, thì chất lượng kỳ thi bằng tự luận phụ thuộc chủ yếu vào việc chấm điểm. Mà với thang điểm quy định kiểu đếm ý tính điểm một cách cứng nhắc như vừa rồi thì mặc nhiên một đề kiểu tự luận hay đã được biến thành một đề kiểu trắc nghiệm tồi!

Khi điểm thi phân bố lệch về phía điểm thấp, nhiều trường đại học sẽ rất khó tuyển sinh theo điểm sàn chung cứng nhắc. Với nền đại học đại chúng hiện nay, tổ chức một kỳ thi chung cho mọi trường đại học lấy kết quả để xét tuyển là hợp lý. Tuy nhiên việc xét tuyển là quyền tự chủ của trường đại học, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định về điểm sàn.

Chính vì thấy sự cần thiết phải nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển sinh, nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học 2006-2020 đã khẳng định cần “cải tiến thi tuyển sinh ĐH theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại...”. Nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã nhiều lần góp ý với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cơ quan của Bộ GD-ĐT chuyên trách về việc này, về việc nên sử dụng đúng công nghệ ra đề thi, nhưng những ý kiến này đã không được lắng nghe.

Kết quả là gần một thập niên qua cục vẫn giẫm chân tại chỗ về công nghệ làm đề thi. Chúng tôi mong những người lãnh đạo mới của Bộ GD-ĐT và Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cố gắng giải quyết bài toán về thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học một cách cơ bản hơn, trên cơ sở những tính toán từ góc độ xã hội và công nghệ, và nên dựa vào trí tuệ của nhiều chuyên gia giáo dục trong cả nước.

Những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành sử học và bạn đọc trên cả nước về hiện tượng điểm thi môn sử đại học năm 2011 cho thấy xã hội ta đã không hề bỏ rơi môn sử như nhiều người nhầm tưởng.

Nhưng có lẽ, nhiều người vẫn chưa nhận ra được bản chất của khoa học lịch sử, mới chỉ nói về việc dạy lịch sử ở trường phổ thông là “hướng đến mục tiêu giúp các em tiếp thu được tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc qua mỗi bài học lịch sử, từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc”.

Nói cách khác, học lịch sử là để thấy được niềm tự hào dân tộc chứ không mang lại được lợi ích kinh tế thiết thực. Như vậy, ta đã biến khoa học lịch sử thành một công cụ tuyên truyền không hơn không kém.

Môn lịch sử trong trường phổ thông hiện nay quá nặng về vấn đề đấu tranh chống ngoại xâm, chống phong kiến hơn là dạy về bài học phát triển kinh tế đất nước qua các thời đại, sách giáo khoa nặng về tuyên truyền “ta thắng địch thua” hơn là cho các em được học đúng sự thật lịch sử, hiểu đúng giá trị lịch sử.

Học lịch sử, làm khoa học lịch sử không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước? Đó là quan niệm, cách suy nghĩ sai lầm lớn nhất hiện nay. Những năm 1980, Hội Khoa học lịch sử VN đã đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế biển, thông qua nhận định hầu hết các nước có bờ biển dài, phát triển kinh tế biển đều có nền kinh tế phát triển. Đề xuất đó đã được chú ý và mười mấy năm sau dần trở thành hiện thực.

Học lịch sử chính là để nhận thức được quy luật phát triển của xã hội, thấy được cái sai trong quá khứ để tránh, tiếp thu được tinh hoa của nhân loại để phát triển cho quốc gia, dân tộc mình.

Ở VN, việc không coi trọng tư duy lịch sử đã dẫn đến tư duy nhiệm kỳ trong việc điều hành nền kinh tế, từ đó ta dễ nhận thấy rằng kinh tế đất nước những thập niên gần đây đã phát triển nhanh nhưng vẫn tiềm ẩn những bất ổn. Mà đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về mối liên hệ giữa sử học và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận