Từ một vụ từ chức…

DANH ĐỨC 06/02/2023 07:25 GMT+7

TTCT - Việc nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern loan báo sẽ rời nhiệm sở và một loạt vụ từ chức trước đó của các quan chức và chính trị gia cấp cao nhất ở đây, ở kia, báo hiệu một năm không yên ả.

Không phải lãnh đạo quốc gia nào cũng có thể ung dung phát biểu như bà Ardern hôm 19-1 vừa qua: "[Tôi] biết ơn khi được lãnh đạo đất nước trong 5 năm rưỡi qua, và biết khi nào phù hợp để tiếp tục, còn khi nào thì không". Phải "phước đức" lắm mới được chọn lúc nào còn tại vị, lúc nào nên ra đi trong an toàn và danh dự!

Bà Ardern đã phải từ chức dù chính tích không đến nỗi nào. Ảnh: stuff.co.nz

Bà Ardern đã phải từ chức dù chính tích không đến nỗi nào. Ảnh: stuff.co.nz

Đang thành công bỗng bị quật ngã

Có vẻ bà Ardern không va vấp gì lớn trong 5 năm rưỡi cầm quyền. Trong tuyên bố từ chức, bà tổng kết công việc thành công hơn là thất bại: 

"Ngoài lịch trình đầy tham vọng của chúng tôi tìm cách giải quyết các vấn đề dài hạn như khủng hoảng nhà ở, trẻ em nghèo và biến đổi khí hậu, chúng tôi còn phải đối phó với một vụ vi phạm an toàn sinh học lớn, một cuộc tấn công khủng bố trong nước, một vụ phun trào núi lửa và một đại dịch toàn cầu trăm năm mới có một lần cùng cuộc khủng hoảng kinh tế kèm theo…".

Quả thật, bà Ardern đã vững tay chèo trong nhiều sóng cả. Thường thì người ta làm càn không cần biết đúng sai do bất tài, thiếu năng lực hoặc chần chừ, không biết phải làm gì. 

Bà Ardern thì khác. Vụ khủng bố mà bà nêu là vụ xả súng ở hai đền thờ Hồi giáo thị trấn Christchurch hôm 15-3-2019 khiến 51 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

Ngay sau đó, bà Ardern đã cho thấy lòng trắc ẩn, đầu óc tỉnh táo và sự dứt khoát khi đứng về phía các nạn nhân vốn là di dân, trong đó có người chưa phải công dân New Zealand và tín đồ Hồi giáo, vốn chỉ chiếm 1,3% dân số nước này, trong khi hung thủ là người da trắng "chính gốc": 

"Họ có thể là người di cư đến New Zealand, thậm chí là người tị nạn. Họ đã chọn New Zealand làm nhà mình và đó quả là nhà của họ. Họ là chúng ta. Còn kẻ gây ra bạo lực thì không phải. Những kẻ đó không có chỗ ở New Zealand".

Đây là chọn lựa dứt khoát giữa các nạn nhân vô tội và kẻ thủ ác vì chống người nhập cư không cùng tôn giáo. 

Gọi là dứt khoát do lẽ trước đó, khi ra tranh cử năm 2017, bà Ardern từng hứa sẽ cắt giảm 30.000 người/năm trên tổng số người nhập cư đang là 70.000 người/năm. Bà đứng về phía các nạn nhân không có nghĩa là tự phủ định mình, mà là đứng về công lý. 

Và bà không chỉ nói suông: 6 ngày sau vụ nổ súng, bà siết chặt luật sử dụng súng, cấm bán súng tiểu liên quân dụng và thu hồi hơn 62.000 khẩu súng qua chính sách mua lại.

Hai năm sau vụ thảm sát, New Zealand cũng như các nước khác, rơi vào đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo của bà Ardern, nước này nổi tiếng là có chính sách chống Covid hữu hiệu hàng đầu. 

Từ sách lược ban đầu cũng là zero Covid - đóng cửa biên giới, phong tỏa - nhanh chóng chuyển qua sách lược linh động, qua đó giữ được độ lây nhiễm và tử vong ở mức thấp - đến tháng 1-2023 chỉ có không đầy 2.500 ca tử vong.

Những tưởng với các thành quả trên, vốn đã đem lại thắng lợi vẻ vang ở cuộc bầu cử năm 2020 cho đảng cầm quyền - 65/120 ghế đại biểu quốc hội, bà Ardern sẽ giữ chắc ghế trong nhiệm kỳ hai, nào ngờ những thất bại trong lĩnh vực chính sách nhà ở và kinh tế đã quật ngã bà.

Đầu tiên là lời hứa giải quyết cuộc khủng hoảng của bà khi tranh cử năm 2017: sẽ xây 100.000 chỗ ở mới trong vòng 10 năm tới. Cuộc khủng hoảng nhà ở tại New Zealand vốn là vấn nạn triền miên. Điều tra dân số năm 2018, thực hiện 6 tháng sau khi Đảng Lao động của bà Ardern lên nắm quyền, cho thấy tỉ lệ sở hữu nhà là 64,5%, thấp nhất kể từ năm 1951.

Sau hơn 5 năm cầm quyền, bà Ardern đã không thể đảo ngược tình thế: năm 2023, tỉ lệ sở hữu nhà tại New Zealand được dự báo sẽ giảm còn 63,6% (Sydney Morning Herald 23-1). 

Giá nhà cao quá, dân thường không mua nổi: cách đây một năm, theo The Economist 12-2-2022, một ngôi nhà trung bình ở Auckland, thủ đô thương mại, giá 1,4 triệu đô la New Zealand (935.000 USD), gấp 35 lần thu nhập trung bình.

Từ một vụ từ chức… - Ảnh 2.

Giá nhà ở New Zealand so với một số nước phát triển khác, giai đoạn 1980-cuối 2010 - Ảnh: The Economist

Chuyện giá nhà dẫn tới nhiều hệ lụy: xã hội New Zealand chia thành hai giai cấp - có nhà ở và không có, Financial Review 6-1-2022 cay đắng bình luận. 

Kết quả, theo stuff.co.nz 13-10-2022, năm 2021 những người trẻ (15-24 tuổi) ở New Zealand có giá trị tài sản ròng cá nhân trung bình thấp nhất (chỉ 3.000 đô la New Zealand), trong khi những người 65-74 tuổi sở hữu tài sản trung bình tới 433.000 đô la New Zealand. Tương tự, 10% hộ gia đình giàu nhất nắm giữ khoảng 50% tổng giá trị tài sản ròng ở New Zealand. 

Kết quả: 4 ngày sau khi bà Ardern loan báo từ chức, Roshena Campbell, ủy viên hội đồng thành phố Melbourne, đã tống tiễn bà bằng bài báo tựa đề "Jacinda: Hứa nhiều, thất hứa thật nhiều" (SMH 23-1).

Đây chắc là bài học không chỉ cho bà thủ tướng New Zealand mà cho mọi nhà lãnh đạo quốc gia khác: những than vãn trên báo chí rằng người trẻ, giới lao động, người thu nhập trung bình… không tài nào mua được nhà ở, là tâm tư chất chứa trong mọi xã hội, mà khi có dịp bùng nổ thì chính quyền "đi đứt". 

Những oán thán đấy chính là điều khiến bà Ardern than "đã kiệt sức". Đó là chưa nói New Zealand là một quốc gia vốn được quản trị cực tốt: một trong ba nước đồng hạng nhứt trên bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2021, cùng Đan Mạch và Phần Lan.

Chuỗi từ chức ở Anh

Đương kim Thủ tướng Anh Rishi Sunak lên nắm quyền từ ngày 25-10-2022 kế nhiệm nữ thủ tướng Elizabeth Truss, người giữ nhiệm vụ này chỉ trong 50 ngày - thời gian giữ chức thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. 

Bà Truss lên thế ông Boris Johnson, cũng chỉ làm được hơn 3 năm. Còn ông Sunak vừa bước qua mốc 100 ngày tuần rồi. Cả ba vị thủ tướng đều lần lượt là thủ lĩnh Đảng Bảo thủ Anh lên nắm quyền sau các cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng.

Tất nhiên, không chỉ các ông bà này thôi chức, mà cả "bộ sậu" dưới quyền cũng được thay thế. Họ đông đến mức đến ngày 10-11-2022, Inews đã đếm được qua hai nhiệm kỳ thủ tướng trước, 147 vụ từ chức hay cách chức các thành viên chính phủ (cấp bộ trưởng và thứ trưởng) đã diễn ra - coi như cứ hai ngày lại có một quan cấp thượng thư về vườn!

Khác với bà Ardern ở New Zealand, ở Anh là từ chức do uy tín công vụ xuống thấp, bắt đầu từ thời ông Johnson, khi các thành viên chính phủ rời nhiệm sở hàng loạt để phản đối chính ông thủ tướng. 

"Nổ tung màn bạc" là vụ cùng lúc hai bộ trưởng tài chánh Sunak và y tế Sajid Javid từ chức ngay sau khi ông Johnson lên tiếng cáo lỗi vì đã bổ nhiệm ông Chris Pincher vào nội các, dù biết ông này từng dính "bê bối tình dục" và đã bị đình chỉ chức đại biểu quốc hội (BBC 5-9-2022).

Bộ trưởng Sunak lúc đó, bây giờ đang là thủ tướng, nhấn mạnh trong thư từ chức rằng "công chúng có quyền mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn, đủ trình độ và nghiêm túc". 

Tương tự, ông Javid nói ông không thể tiếp tục chức vụ với lương tâm yên ổn dưới quyền một thủ tướng đã mất niềm tin.

Từ một vụ từ chức… - Ảnh 3.

Chỉ trong vòng mấy tháng mà mấy chính phủ ở Anh đã đổ. Áp lực chính trị với người đứng đầu thường rất lớn tại các nước dân chủ đại nghị. Ảnh: The Times

Khuất tất trong hỗ trợ chống Covid

Tất nhiên, không phải mọi vụ từ chức hay cách chức ở Anh năm ngoái đều vì "đạo đức cá nhân" hay mất uy tín chính trị, còn có cả những vụ như vụ Nam tước Agnew (Lord Agnew) từ chức đầu năm 2022 vì trách nhiệm trong công tác chống gian lận tài chính liên quan tới chiến dịch đối phó Covid.

Hôm đó, 24-1-2022, Nam tước Agnew, bộ trưởng tài chính kiêm bộ trưởng văn phòng nội các, nói trước Thượng viện rằng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp đã làm việc "hết sức tồi tệ" khi giám sát các khoản tín dụng trong khuôn khổ hỗ trợ đương đầu với Covid, dẫn đến những khoản gian lận khổng lồ (Sky News 24-1-2022). 

Đó là những khoản tiền thất thoát khi nhà nước tung các gói khoản tín dụng "giải cứu" giới doanh nghiệp nhỏ trong đại dịch.

Tổng Kiểm toán Anh đếm ra tới 47 tỉ bảng Anh được cho vay ưu đãi, mà 5 tỉ là những khoản vay được cấp vì khai báo gian lận. Lord Agnew nhấn mạnh ông từ chức "không phải để tấn công thủ tướng", mà do ông thiếu trách nhiệm: 

"Thưa các thượng nghị sĩ. Do lẽ tôi là bộ trưởng phụ trách chống gian lận, tôi cảm thấy không trung thực khi tiếp tục vai trò đó nếu làm đúng công việc của mình… Chính vì lý do đó mà tôi quyết định từ chức, có hiệu lực ngay lập tức".

Ít nhất cũng có thể thấy trong mớ hỗn độn những tai tiếng này, một vài gương mặt biết "tự xử" và vai trò độc lập của Tổng Kiểm toán Anh. Thành ra, con tàu Vương quốc Anh vẫn nổi, không có nguy cơ chìm nghỉm trong tham nhũng.

Nói chung đâu cũng vậy, đều có những "éo le" và cám dỗ nhưng sống còn hay không chính là bởi hệ thống quản trị nhà nước vận hành sao cho các cá nhân ở vị trí có thể trục lợi biết đường mà "kiêng khem" hay "tự xử". 

Nói ví von, xã hội là một cơ thể, thì đó chính là hệ miễn dịch. Bằng không sẽ như trong vở kịch Con tê giác của Eugène Ionesco. Thoạt kỳ thủy chỉ có mỗi một cái đầu sáng ra mọc sừng rồi biến thành tê giác, sáng mai thêm mấy cái đầu tê giác nữa, miết rồi tất cả thành tê giác hết ráo.■

"Công chúng có quyền mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn, đủ trình độ và nghiêm túc"

Rishi Sunak (cựu bộ trưởng tài chính, đương kim thủ tướng Anh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận