Tuyển sinh của đại học tư: Phía sau những lời kêu khó triền miên

NGỌC HÀ 08/10/2013 18:10 GMT+7

TTCT - “Ra riêng” đã 20 năm, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn đang chật vật tìm lối đi, bức tranh tuyển sinh ảm đạm kéo dài suốt mấy năm qua.

Trong muôn vàn lý do được chỉ ra, cơ chế quản lý của Bộ GD-ĐT thường bị cho là nguyên nhân chính đẩy các trường vào khủng hoảng tuyển sinh, rơi vào tình trạng “chờ giải thể”. Có thật như vậy?


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - Ảnh: N.K



GS Trần Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh



GS Trần Hồng Quân tại hội nghị tổng kết 20 năm mô hình trường ĐH, CĐ ngoài công lập - Ảnh: X.T.

Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (VIPUA) - GS Trần Hồng Quân khi nêu tỉ lệ sinh viên (SV) theo học trường tư quá ít ỏi, chỉ chiếm 12,7% và có thể thấp hơn ở các năm tiếp theo đã gọi đây là một thất bại. 

Và ông đặt câu hỏi: ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?

Bất đồng âm ỉ

Dù thừa nhận tình trạng “vẫn còn có không ít trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết, ở một số trường các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê”, song nguyên do chính, theo GS Quân, vẫn là những bất ổn về chính sách, sự bất công quá đáng giữa trường công - trường tư, SV học trường công - SV trường tư.

Bất đồng giữa VIPUA và Bộ GD-ĐT còn thể hiện rõ trong những văn bản giằng co kiến nghị và trong các cuộc họp công khai mà ngay cả việc tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ngày 26-9 vừa qua cũng là một ví dụ.

Tháng 6-2013, Văn phòng Chính phủ trong công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Các trường ngoài công lập tổ chức hội nghị đánh giá 20 năm hoạt động của mô hình trường tư trong quý 3.

“Thế nhưng tháng 9 sắp hết, Hội nghị Trung ương 8 đã cận kề mà Bộ GD-ĐT vẫn lặng thinh. Hiệp hội sau khi xin ý kiến các cấp đã đơn phương tổ chức hội nghị với khách mời là chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT để bày tỏ ý kiến, kiến nghị của mình” - TS Văn Đình Ưng, người phụ trách truyền thông của VIPUA, nói.

Thế rồi chẳng riêng hiệp hội than vãn, các trường tư cũng tự đứng lên kể “cái khó” của mình. Mấu chốt vẫn là vấn đề tuyển sinh, là sự “thiên vị” của bộ dành cho trường công theo thái độ “con riêng - con ghẻ”. 

Những việc chưa từng có tiền lệ như sự kiện Trường CĐ ASEAN kiện thanh tra Bộ GD-ĐT lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội do bị xử phạt hành chính và bị dừng tuyển sinh năm 2013 lại được nêu với đầy bức xúc mà dù kết quả của vụ kiện ra sao, bên nào thắng, bên nào thua thì thiệt hại về uy tín cả hai phía là không tránh khỏi.

Loay hoay quy hoạch

Theo GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long, trường ĐH tư đầu tiên của Việt Nam - trường bà đã ra đời trong một thời điểm đầy thuận lợi. “Năm 1988 là năm đầu tiên trường tuyển sinh. 74 SV ngoài công lập đầu tiên đều là học sinh giỏi vì lúc đó các em chỉ được thi ĐH một lần. Số SV trường tuyển đều là thí sinh thiếu 1-2 điểm so với điểm chuẩn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.

Đến thời điểm này, ĐH Thăng Long vẫn duy trì năm khoa đào tạo quy mô 9.000-10.000 SV. Nhưng không nhiều trường làm được như ĐH Thăng Long khi mở trường mới về sau này, lúc mà cử nhân ra trường thất nghiệp ê hề. 

Cùng ở phía Bắc, nhiều trường đang ngóng cổ đếm từng thí sinh, tận dụng cả chính sách tuyển thẳng học sinh huyện nghèo, không phải qua thi tuyển mới “giắt vốn” chừng 50 em/năm cho cả... chục ngành đào tạo.

Nhưng cứ nhìn vào thực tế thì thấy những hội nghị của các trường ngoài công lập trong mấy năm trở lại đây phần nhiều chỉ họp để bàn cách phản pháo, nêu kiến nghị lên Bộ GD-ĐT. Nhiều chuyên gia giáo dục dù không hài lòng với cung cách quản lý của Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ sự ngán ngẩm khi lâu lắm rồi các trường ngoài công lập cùng cơ quan đại diện cho hệ thống các trường này là VIPUA chẳng có lấy một hội thảo nào bàn về cách nâng cao chất lượng.

Tâm điểm của các hội nghị cũng như câu hỏi đầu tiên trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo các trường này vẫn là “năm nay tuyển sinh được bao nhiêu?”.

Giả sử có bàn đến việc tháo gỡ khó khăn tuyển sinh thì ngoài kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, các trường lại tìm học nhau những chiêu kéo thí sinh vào trường như tuyển thêm môi giới, tăng tỉ lệ hoa hồng trích từ học phí để tặng người đưa thí sinh vào trường, treo học bổng điện thoại thông minh, máy tính xách tay... cho 10-30-50 SV đầu tiên đăng ký nhập trường...

Theo tính toán của chính các chuyên gia VIPUA, quy chiếu vào tiêu chí xây trường 25 SV/giảng viên thạc sĩ và một giảng viên có 0,3 cán bộ quản lý thì tính riêng quỹ lương mỗi SV phải trả thông qua học phí đã là 1,3 x 12 x 7.000.000/10/25= 437.000 đồng (với mức lương bình quân thạc sĩ là 6 triệu đồng và 1 triệu đồng phúc lợi).

Theo đó, học phí tối thiểu phải là 20 triệu đồng/năm để bảo đảm được các mục chi thường xuyên khác. Nhưng thực tế, để kéo thí sinh có những trường phải giảm học phí xuống mức rất thấp: ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc) thu học phí ĐH chỉ 500.000 đồng/tháng, ĐH Thành Đô thu 550.000 đồng/tháng (cho thời giá năm 2013).

Với mức học phí này lại phải san sẻ cho chi phí tuyển sinh đến từng trường THPT mà nhiều trường triển khai trước đó, dễ hiểu chi phí thực tế đầu tư chăm lo cho đào tạo chẳng còn được bao nhiêu...

Và rồi khi các trường ĐH bị xã hội kêu ca vì tăng quá nhanh về số lượng mà mất dần kiểm soát chất lượng, ngành giáo dục lập tức xin Chính phủ “phanh” việc mở trường, cố gắng kìm quy mô đào tạo, điều chỉnh mạng lưới ĐH, CĐ mới. GS Phạm Phụ - người đã bỏ công sức nghiên cứu rất sâu về mô hình phù hợp cho giáo dục ĐH tư thục - chua xót đưa ra nhận xét:

“Khó lòng mà phát triển số SV ngoài công lập lên tỉ lệ 30-40% như mong muốn của những nhà làm kế hoạch, dù tiềm lực đầu tư cho xã hội còn rất lớn. Từ năm 2006-2007 có hàng trăm hồ sơ xin lập trường, nhưng nhiều nhà đầu tư tâm huyết đã bỏ cuộc.

Không chỉ kế hoạch phát triển SV ngoài công lập bị đổ, kế hoạch chuyển ĐH dân lập sang tư thục cũng bế tắc. Thực tế đã có nhà đầu tư bán tháo cổ phẩn, có cơ sở đang thu về một chủ, có cơ sở hướng đến kinh doanh đất đai, bất động sản...”.

“Nồi cơm” tuyển sinh và “tấm áo vá” chất lượng

Cũng phải nói rằng Bộ GD-ĐT đã có những “nhượng bộ” đáng kể trong chính sách dành cho trường tư. Từ chỗ nhiều năm kiên quyết không hạ điểm sàn thì đến năm 2013, bộ đã lặng lẽ tổ chức đề thi nhẹ nhàng hơn, điểm sàn dễ thở hơn, tăng nguồn tuyển sinh trên sàn, giúp các trường gặp khó có thêm nguồn tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận những điều chỉnh về đề thi, điểm sàn năm 2013 chính là vì tuyển sinh của trường ngoài công lập. Nhưng kể cả nỗ lực này của Bộ GD-ĐT cũng chưa đủ với trường tư, tình hình tuyển sinh năm 2013 ở nhiều trường vẫn rất bi đát.

Một chuyên gia về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì cho rằng: “Giả sử Bộ GD-ĐT thả cửa tuyển sinh, trường tư vẫn không tuyển nổi thí sinh thì khác nào không khảo cũng tự xưng về chất lượng. Trường khư khư lo giữ nồi cơm tuyển sinh của mình mà không biết rằng thí sinh nhìn rõ tấm áo vá của chất lượng đã tránh xa từ đầu”.

GS Hoàng Xuân Sính kể trong một thời gian dài bà đi đến từng trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang gặp khó để tìm hiểu những vướng mắc của mô hình.

“Với tôi, hai nguyên nhân chính dẫn đến cái khó, cái khổ của trường tư là địa điểm dựng trường và học phí. Một trường ĐH ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), giữa bát ngát đồng ruộng sừng sững mọc lên một tòa nhà không thể nào hút thí sinh được.

Thứ hai là vấn đề học phí: Ai sẽ là người học khi xung quanh là môi trường nông nghiệp, dân cư nghèo nàn, điều kiện sản xuất hạn chế. Nhu cầu học của dân cư xa thành phố không nhiều, học phí chỉ cần cao hơn trường công là phụ huynh không lựa chọn. Nếu nhà đầu tư chấp nhận bù lỗ 10 năm trở lên, chấp nhận mức học phí thấp thì còn trụ nổi, nhưng nhà đầu tư nào cũng muốn quay vòng nhanh thì làm sao dựng nổi trường?” - bà phân tích.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không phải trường ngoài công lập nào cũng lộ ra cơn khát tuyển sinh bằng cách đổ lỗi cho cơ chế.

Trong không khí ngột ngạt đòi quyền lợi, đòi bình đẳng trường công - trường tư, đòi hỗ trợ chính sách cho SV ngoài công lập của hội nghị tổng kết 20 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - vẫn đúc kết:

“Như phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng nói 9/10 trường tốt nhất của Mỹ chính là trường tư. Đây là dữ liệu chứ không đơn thuần là đánh giá cảm quan. Tại sao hiệp hội, tại sao các trường lại không tự tin với tiềm lực của chính mình? Tiền và đất không làm nên trường học với môi trường sư phạm đặc thù. Đừng phân biệt trường công - trường tư và càng không được mặc định trường công tốt hơn trường tư theo những luận điểm giáo điều. Quan trọng là trường tư phải biết phát huy sức mạnh trí tuệ của mình để xây trường ra trường, lớp ra lớp”.

Tiếc là điều này, như đã nói, chưa từng được chú trọng bàn thảo đến đầu đến đũa.

Ba kiến nghị của VIPUA:

- Triển khai thực hiện nghị định 69/2008/NĐ-CP (về chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường), trong đó có vấn đề đất đai, tín dụng và thuế.

- Thực hiện đúng Luật giáo dục ĐH, cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh không đi kèm điều kiện, Bộ GD-ĐT đóng vai trò giám sát.

- Cho phép các tổ chức ngoài nhà nước thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.

(Theo phát biểu của GS Trần Hồng Quân, chủ tịch VIPUA, tại hội nghị ngày 26-9)

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận