Tuyển sinh ĐH: Thấy gì qua việc liên tục lạm phát điểm chuẩn?

THƯ HIÊN 17/09/2022 16:37 GMT+7

TTCT - Kể từ khi Bộ GD-ĐT đổi kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình hình tuyển sinh ĐH năm nào cũng lắm chuyện rối não để nói.


Tuyển sinh ĐH: Thấy gì qua việc liên tục lạm phát điểm chuẩn? - Ảnh 1.


Nguồn cơn của lạm phát điểm chuẩn

Từ cách đây khoảng chục năm, khi còn kỳ thi tuyển sinh ĐH "3 chung" (chung đề, chung đợt, dùng chung kết quả), mỗi kỳ tuyển sinh, dư luận lại bàn tán về các trường hợp 27 điểm (thang điểm 30) chưa chắc đã đỗ ĐH. Nhưng trên cả nước, số ngành, số trường bị đưa vào tầm ngắm của dư luận chỉ đếm được trên đầu ngón tay, loanh quanh ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội hoặc vài trường trong khối trường công an, quân đội.

Cho đến những năm đầu của giai đoạn chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia (từ năm 2015), việc ngành nào đó của trường nào đó lấy điểm chuẩn quá cao, khiến thí sinh đạt 27 điểm mà không đỗ ĐH vẫn bị xem như một cái dằm cần được nhổ ra, để "cơ thể tuyển sinh" được lành lặn, khỏe khoắn. Vì thế, năm 2016, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, ông Bùi Văn Ga, lúc đó là thứ trưởng Bộ GD-ĐT, "khoe" với báo chí tin vui là sẽ không còn tình trạng học sinh 27 điểm nhưng vẫn trượt ĐH.

Tuy nhiên từ năm 2017, bộ đã không ghìm cương được "con ngựa điểm chuẩn", khi mà chỉ cần đề thi dễ hơn một chút là đã khiến kỳ thi nảy nở những cơn "mưa điểm 10". Cũng năm này, điểm chuẩn ngành y khoa Trường ĐH Y Hà Nội vọt lên 29,25, một loạt ngành "hot" trường "hot" lên tới 27-28 điểm.

Phải đến năm 2020, khi Bộ GD-ĐT quyết định bỏ mục tiêu xét tuyển ĐH, ưu tiên mục tiêu xét tốt nghiệp, đổi tên "Kỳ thi THPT quốc gia" thành "Kỳ thi tốt nghiệp THPT" thì nỗi niềm lạm phát điểm chuẩn mới trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Năm 2021, kỷ lục điểm chuẩn đã được ngành Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) xác lập: thí sinh khối C khu vực 3 phải đạt 3 điểm 10 mới đỗ. Vì thủ khoa khối C của cả nước chỉ 29,25 điểm, nên những em đỗ đều phải nhờ việc được cộng tối thiểu 0,75 điểm ưu tiên.

Cũng năm 2021, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 10 trường với 12 ngành có điểm chuẩn từ 29,5 điểm trở lên (thang điểm 30). Cả nước có 61 em đạt 29,5 điểm nhưng không đỗ nguyện vọng nào, 130 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên nhưng trượt NV1. Tình hình trớ trêu ấy khiến Bộ GD-ĐT buộc phải ra tay "giải cứu" thí sinh điểm cao (từ 27 trở lên) nhưng trượt ĐH.

Năm nay, Bộ GD-ĐT chưa có thống kê, nhưng có thể thấy số ngành có điểm chuẩn từ 29,5 trở lên không chỉ ở con số 12. Lạm phát điểm chuẩn đặc biệt trầm trọng ở các ngành khối C. Riêng Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 31 mã ngành, nhưng đến 9 mã ngành điểm chuẩn khối C từ 29 điểm trở lên, trong đó 4 mã ngành điểm chuẩn khối C gần "đụng trần": (Đông phương học, Hàn Quốc học, quan hệ công chúng đều lấy 29,95 điểm), báo chí (29,9 điểm). Trường ĐH Luật Hà Nội có 3 mã ngành tuyển khối C thì mã ngành điểm chuẩn cao nhất là 29,5; cao nhì cũng 28,75.

Các khối thi khác đỡ cao hơn, nhưng cũng có ngành CNTT Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy 29,15. Còn tầm trên dưới 28 điểm thì rất nhiều ngành, nhiều trường đạt.

Khó đoán định chất lượng đầu vào?

Như vậy, điểm chuẩn cao ở mức phi lý đã có từ nhiều năm trước, và với chính sách chỉ có một kỳ thi THPT, tình hình càng thêm trầm trọng. Nhưng chỉ từ 3 năm nay, tình trạng lạm phát điểm chuẩn cao mới trầm trọng ở mức "hết chịu nổi". Với sự lạm phát điểm chuẩn cao đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải đầu vào của các ngành đó, trường đó đạt chất lượng cao?

Câu trả lời của các nhà chuyên môn là: Không! TS Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐT Trường ĐH FPT, nhận định: "Tuyển sinh theo phương thức sử dụng điểm thi THPT với nhiều trường hiện nay như một dạng tuyển bổ sung với số chỉ tiêu hạn chế (vì nhiều chỉ tiêu đã dành cho các phương thức xét tuyển khác), nên điểm cao cũng là chuyện bình thường. Điểm chuẩn 29 không có nghĩa dưới 29 điểm là trượt, mà là thí sinh đã đậu bằng phương thức khác". Nội hàm của bình luận này đã nói lên phần nào nguyên nhân của tình trạng lạm phát điểm chuẩn ĐH mấy năm nay.

Trở lại câu chuyện điểm chuẩn năm 2022 của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói trên, nếu xét điểm chuẩn của chính những ngành mà điểm chuẩn khối C từ 29 điểm trở lên, nhưng nhìn vào 5 tổ hợp còn lại (trường xét tuyển 6 tổ hợp A01, C00, D01, D04, D78, D83) thì sẽ thấy điểm chuẩn các ngành này cũng chỉ ở mức bình thường (tương đương các trường tốp 2) so với mặt bằng điểm chuẩn năm nay, mặc dù chỉ tiêu cho các tổ hợp đó rất ít. Chẳng hạn, với 2 tổ hợp phổ biến là A01 và D01 thì điểm chuẩn ngành báo chí chỉ là 25,75 và 26,4; Hàn Quốc học là 26,85 và 26,70; Đông phương học là 26,35 và quan hệ công chúng 26,75 tổ hợp D01 (2 ngành này không tuyển A01).

Khi phân tích trường hợp của ngành CNTT, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), sẽ thấy trường tuyển rất ít chỉ tiêu (cả trường là 980 chỉ tiêu), mà có tới 7 phương thức xét tuyển. Mỗi phương thức sẽ được phân bổ tỉ lệ chỉ tiêu khác nhau cho từng ngành. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có số chỉ tiêu được phân bổ là từ 20 - 50%, tùy theo chương trình đào tạo. Ngành CNTT có 120 chỉ tiêu, trong đó phương thức dựa vào kết quả thi THPT 2022 rất ít, chỉ 20% (24 em). Đây là số phần trăm chỉ tiêu thấp nhất so với 11 ngành khác của trường.

Một trường hợp khác cũng được bàn tán trong nhiều ngày qua là ngành sư phạm toán của Trường ĐH Quy Nhơn lấy điểm chuẩn 28,5 điểm, là nơi có điểm chuẩn ngành sư phạm toán cao nhất nước. Và trường này còn có mấy ngành sư phạm khác có điểm chuẩn 28,5. Lý do là vì mỗi ngành đó đều chỉ lấy trên dưới 10 chỉ tiêu (ngành cao nhất 18 chỉ tiêu), do chỉ tiêu từng ngành sư phạm của trường phụ thuộc vào đặt hàng đào tạo của địa phương.

Tại hội nghị tổng kết năm học của khối GD ĐH hồi tháng 8, ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phàn nàn việc nhiều trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, khiến số chỉ tiêu dành cho phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quá ít, và đây là nguyên nhân khiến nhiều ngành bị đẩy điểm chuẩn lên đụng trần.

Bộ GD-ĐT còn cho rằng nhờ tự chủ mà các trường ĐH đạt được những kết quả tích cực trong tuyển sinh, nhưng có hiện tượng "lạm dụng" tự chủ để đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có những phương thức hết sức phức tạp, khiến mục tiêu công bằng trong tuyển sinh bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, các trường có lý của họ. PGS Phạm Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nói rằng vì hiện chưa có đủ công cụ đánh giá (tin cậy) thí sinh như các nước phát triển, nên các trường phải mò mẫm, phải sử dụng nhiều phương thức đánh giá. Sau một số năm, dần dần các trường sẽ tìm được phương thức phù hợp cho đơn vị mình. Và khi đó, tuyển sinh đi vào ổn định, các thí sinh cũng sẽ dễ dàng lựa chọn phương thức đánh giá có lợi nhất cho mình. Lúc đó, công bằng tuyển sinh sẽ được đảm bảo theo nghĩa thí sinh nào cũng sẽ đạt được nguyện vọng tốt nhất trong phạm vi mong muốn và năng lực của bản thân.

Kìm hãm lạm phát điểm chuẩn

Chưa bao giờ Bộ GD-ĐT đánh giá tích cực về việc có những trường đặt mức điểm chuẩn quá cao. Phần lớn giới chuyên môn (về công tác tuyển sinh) cũng có quan điểm này. Từ nhiều năm trước, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nỗ lực truyền thông để giúp thí sinh, phụ huynh không đổ xô lựa chọn một vài mã ngành "hot" khiến điểm chuẩn mã ngành này dềnh lên quá cao, trong khi có những mã ngành khác có chương trình đào tạo tương tự, ngay của chính trường này.

"Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt NV1 cả những thí sinh xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao" - PGS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.

Đó là cũng là lý do năm nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định không tuyển phương thức kết quả thi THPT với 5 mã ngành "hot", vì không muốn đẩy điểm chuẩn các mã ngành này "đụng trần". Khi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh, trường phân bổ theo ngành. Bảng điểm chuẩn mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố cho thấy cả 5 chương trình mà trường không tuyển phương thức thi tốt nghiệp THPT đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.

Một ví dụ khác cho thấy sự khó đoán định về chất lượng đầu vào của điểm chuẩn, đó là khối trường công an. Điểm trúng tuyển vào các trường công an ở các tổ hợp quen thuộc như A00, A01, C00, D01 nhìn chung đều loanh quanh mốc trên dưới 20 (thang điểm 30). Ngay cả với đối tượng nữ, điểm chuẩn có cao nhất cũng chỉ 25,66 điểm (khối A1 ngành nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh, địa bàn 1). Trong khi đó, những năm trước điểm chuẩn các trường công an thường được chú ý vì có ngành có đối tượng thường xuyên "đụng trần".

Theo Bộ Công an, đó là nhờ năm nay, bộ bắt đầu tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh, với "đề thi có độ phân hóa và độ khó, do đó điểm thi và điểm trúng tuyển đã có sự thay đổi và phân hóa tốt so với năm 2021". Được biết, các trường công an có 3 phương thức tuyển sinh, không có phương thức nào sử dụng hoàn toàn điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, mà chỉ có phương thức 3 xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT với bài thi đánh giá của bộ. Với phương thức 3, tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường công an chỉ chiếm tỉ lệ 40%, còn điểm bài thi của Bộ Công an chiếm tỉ lệ 60%.■

"Các trường không thích phải sử dụng quá nhiều phương thức. Nhưng trong bối cảnh các trường có rất nhiều chương trình đào tạo khác nhau, việc tìm được phương thức lựa chọn người học phù hợp từng chương trình đào tạo là cần thiết. Ví dụ với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại thương, ngay cả với những thí sinh đạt điểm thi tiếng Anh cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chưa chắc đã theo học được. Để biết phương thức nào là phù hợp, các trường ĐH cần có thời gian"

PGS Phạm Thu Hương (phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận