Ai muốn về thời tự cung tự cấp?

CHIÊU VĂN 31/03/2020 00:03 GMT+7

Sau một thời gian dài toàn cầu hóa và kết nối thương mại quốc tế cấp tập, con virus nhỏ bé SARS-CoV-2 đang khiến nhiều quốc gia giật mình nhìn lại những mối đe dọa đáng sợ nếu một ngày bỗng nhiên tất cả tàu bè, xe container, nhà xưởng, quán xá... phải dừng lại, ở quy mô thế giới.

Đại dịch cũng làm dấy lên những lời cảnh báo với các nền kinh tế quá mở, và cả những kêu gọi trở về với thời “tự lực tự cường”, một giấc mộng đã không ít lần tan vỡ của nhiều quốc gia cách đây chưa lâu...

Tự chủ

Cho tới giờ vẫn chưa có nước nào vì Covid-19 mà đưa ra tuyên ngôn lý tưởng “juche” (chủ thể) như CHDCND Triều Tiên (điều mà không cần đại dịch, đã được thực thi suốt gần 70 năm qua ở nước này). Tuy nhiên, thực tế là các chính quyền khắp thế giới đang dựng lên những rào cản với sự đi lại của con người và hàng hóa chưa từng thấy kể từ thời Thế chiến II. Ở một số nơi, các đường biên giới thậm chí còn bị kiểm soát chặt hơn thời chiến tranh.

Ảnh: The Economist

Hi vọng rằng những sự can thiệp đó chỉ là tạm thời. Nhiều người vẫn tin thương mại quốc tế và toàn cầu hóa chỉ ngưng lại có thời hạn, nhưng vấn đề là hiện không ai biết thời hạn đó là bao lâu. Trong khủng hoảng, những cánh cửa đã bị chủ nhà đóng sầm vào mặt khách, bất chấp quan hệ hữu hảo lâu nay ra sao. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump không hề hỏi han gì các đồng minh châu Âu chí thiết khi đột ngột cắt đứt đi lại đường không giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đức cáo buộc Mỹ tìm cách chiếm độc quyền nghiên cứu văcxin. Pháp và Đức cấm xuất khẩu đồ bảo hộ y tế sang Ý. Hungary và Ba Lan đơn phương đóng cửa biên giới. Trung Quốc cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh...

Trong hoàn cảnh đóng cửa như thế, sự xuất hiện - hay đúng hơn là sự sống lại - của lý tưởng xây dựng một đất nước có thể tồn tại mà đóng cửa hoàn toàn, hay ít ra là phần lớn, với bên ngoài, là dễ hiểu. Một ví dụ là bài viết “Make America Autarkic Again” (Làm sao để nước Mỹ lại đủ sức tự cung tự cấp) trên trang The American Mind, nhại theo, nhưng cũng cùng tông và nhạc điệu với những khẩu hiệu ưa thích của ông Trump: “Make America Great Again” (Lại làm nước Mỹ vĩ đại) và “America First” (Nước Mỹ trên hết).

Tác giả bài viết, William Upton, đưa ra những lập luận nghe rất quen thuộc vào thời trước... Thế chiến II. Dưới tiêu đề phụ “Chuỗi cung ứng quốc nội, chứ không phải toàn cầu, mới cứu được chúng ta”, Upton cho rằng điều khiến nước Mỹ trở thành siêu cường là “sự thịnh vượng và năng lực tự cung tự cấp” của nền kinh tế giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chứ không phải “hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ từ Trung Quốc” như hiện nay. “Tôi hiểu rằng trong một thế giới đã toàn cầu hóa quá độ, một chính sách tự cung tự cấp tuyệt đối là bất khả. Nhưng cần phải đạt được một mức độ tự cường nhất định vì chính lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Kinh tế tự cung tự cấp, một khái niệm quen thuộc và gợi lại nhiều cảm xúc có phần tiêu cực ở Việt Nam, đang mang một ý nghĩa mới trong thời đại dịch. Trong quá khứ, rất nhiều nước theo đuổi giấc mộng tự cường tuyệt đối. Lấy ví dụ, đế quốc Anh được xây dựng trên nền tảng lý tưởng là “sự cô lập vinh quang” (splendid isolation), theo đó nước Anh không cần liên minh với ai hết mà vẫn đảm bảo được an ninh và các nhu cầu kinh tế, nhờ một hệ thống thuộc địa trải khắp toàn cầu. Ở phương Đông, đó là những thời kỳ “bế quan tỏa cảng” kéo dài ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, và cả Việt Nam. Rồi Thế chiến II nổ ra một phần quan trọng cũng vì sự xung đột của các đế quốc muốn tự cường. Ở Đức là giấc mộng tự chủ hoàn toàn về kinh tế của Adolf Hitler và chính quyền Quốc xã. Ở Đông Á, đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Hoa, rồi Đông Nam Á, gây chiến với Hoa Kỳ, một phần quan trọng là vì cần đảm bảo các nguồn tài nguyên thiết yếu chỉ có ở vùng nhiệt đới như cao su, trong một nền kinh tế đóng. Sau Thế chiến II, hai quốc gia lớn nhất trong phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô và Trung Quốc, về cơ bản cũng là những nền kinh tế đóng cửa gần như hoàn toàn với bên ngoài. Những ví dụ ít được biết đến hơn là Albania hay Myanmar trước khi “đổi mới”. Tức là nếu lịch sử có nói lên điều gì, thì đó là nỗ lực theo đuổi một nền kinh tế tự cung tự cấp tuyệt đối cho tới giờ đã không dẫn tới một kết quả nào có hậu.

Tự cường hay tự diệt

Thương mại toàn cầu bùng nổ từ sau Chiến tranh lạnh đã tạo ra một sự thịnh vượng mới ở rất nhiều nơi, bao gồm Việt Nam. Nhưng quả thực, dịch bệnh Covid-19 lại đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng tự lập của một nền kinh tế, ít ra là trong những mặt hàng thiết yếu, không phải là để đóng cửa hoàn toàn một lần nữa, mà như một cách bảo hiểm cho những tình huống khẩn cấp.

Thử lấy ví dụ với một trong những mặt hàng thiết yếu nhất: lương thực. Sản lượng lúa gạo trong năm 2019 của Việt Nam ước khoảng 43,8 triệu tấn, trong đó xuất khẩu là 6,3 triệu tấn, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (vietfood.org.vn), tức tiêu thụ trong nước là 37,5 triệu tấn (bao gồm cả gạo dự trữ). Nếu chỉ dừng lại ở đây, thì Việt Nam đủ sức tự cường về lương thực, và chừng nào còn cái ăn thì vẫn còn có thể tiếp tục “giãn cách xã hội”. Tuy nhiên, để sản xuất ra lúa gạo với năng suất như vậy, người nông dân cần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cơ giới hóa nông nghiệp... Chỉ nói riêng về phân bón, giá trị nhập khẩu mặt hàng này tuy giảm dần trong những năm gần đây, vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 1 tỉ đôla vào năm 2019, theo trang web của Bộ Công thương. Đó là chưa nói, ngay cả phân bón sản xuất trong nước cũng sẽ cần nguyên phụ liệu, máy móc, bao bì, hay chất liệu làm bao bì... nhập khẩu. Tính phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, chỉ qua một ví dụ này, khiến cho giấc mộng “tự cường” ngày nay thậm chí còn khó khăn hơn của thời trước Thế chiến, nhất là khi dân số thế giới giờ đã tăng hơn gấp ba so với năm 1950.

Cũng quan trọng không kém lương thực, một trong những mối lo lớn mà đại dịch Covid-19 gây ra là sự đứt gãy chuỗi cung ứng dược phẩm và trang thiết bị y tế toàn cầu. Một tỉ lệ lớn chế phẩm dược trên thị trường thế giới ngày nay được sản xuất tập trung ở Trung Quốc. “Khoảng 90% các tá dược hiện được sử dụng ở các hãng sản xuất dược phẩm Mỹ là từ Trung Quốc. Với việc các nhà máy ở đó đóng cửa vì dịch bệnh, chuỗi cung ứng dược phẩm của Mỹ sẽ gặp rủi ro” - một báo cáo của Cục Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trình cho Quốc hội viết vào tháng 2, điều này lại càng có nguy cơ trở thành hiện thực khi dịch bệnh đang bùng phát ở Mỹ.

Số liệu mới có của tháng 2 cho thấy Thượng Hải, cảng biển lớn nhất thế giới, giảm 20% tổng chuyến hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Cảng lớn thứ hai của Mỹ, Long Beach, cũng đã giảm 11%. Số liệu tháng 3 dự kiến còn tệ hơn. Đi kèm những số liệu đó là những lời kêu gọi tự cường, nhưng rủi ro lớn là các biện pháp khẩn cấp ngày hôm nay sẽ được củng cố thành quy luật trong tương lai: những rào cản với đi lại, thương mại và đầu tư không được dỡ bỏ. Trong đại dịch này, dễ hiểu là sẽ có những nhà lãnh đạo không còn muốn đất nước mình phải dựa vào thương mại quốc tế mới có được lương thực thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế, xăng dầu...

Nhưng một thế giới bị ngăn cách cũng sẽ là một thế giới nghèo khổ hơn, và nguy cơ không chỉ là các tổn thất kinh tế. Như thời trước Thế chiến II đã chứng minh, một thế giới bị ngăn cách cũng là một thế giới đầy nghi kỵ và dễ xung đột hơn. Không có thương mại, các nguồn lực quá khó có được sẽ trở thành những mồi lửa dễ cháy cho xung đột.

“Câu hỏi là những chính sách hạn chế xuất khẩu có tốt không. Và câu trả lời là không - Financial Times viết ngày 28-3 - Sẽ là tốt hơn nhiều nếu các chính sách hạn chế thương mại được dỡ bỏ... Một số người có thể cho rằng sản xuất nội địa là nguồn cung đáng tin cậy duy nhất. Nhưng con virus đã chỉ ra sự ngụy biện trong lập luận này: Nếu nhà máy nội địa nằm ở vùng bị phong tỏa, nguồn cung đó cũng sẽ biến mất. Sự đa dạng hóa nguồn cung cấp, cùng sự chuẩn bị nguồn dự trữ tốt hơn cho các tình trạng khẩn cấp, mới là chính sách an toàn nhất”.■

Năm 1960, tỉ lệ thương mại quốc tế so với GDP của nền kinh tế Mỹ là không tới 10%. Con số tương ứng của Liên Xô và Trung Quốc còn thấp hơn: 4% và 5%. Năm 2017, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP của Trung Quốc là 39,8%, Mỹ là 26,6% và Nga là 46,7%. Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam vào năm 2017 đứng thứ 6 thế giới về tỉ lệ này, cũng là thước đo độ mở của nền kinh tế, hơn 200%. Việt Nam cũng là nước có trên 40 triệu dân duy nhất nằm trong tốp 30 nền kinh tế mở nhất thế giới: ở vị trí 31 là Thái Lan. Hạ tầng kinh tế - xã hội toàn cầu ngày nay về cơ bản là một mạng lưới mà các mắt xích ràng buộc chặt chẽ với nhau, xoay quanh hai trung tâm: trung tâm tài chính Hoa Kỳ và trung tâm sản xuất Trung Quốc, cùng rất nhiều trung tâm vùng. Sự kết nối này giúp đạt hiệu suất tối đa qua tính kinh tế của quy mô và chuyên môn hóa, nhưng đồng thời tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Những cú sốc ở các trung tâm Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng trở thành sốc hệ thống, thậm chí gây ra tê liệt diện rộng, điều chúng ta đang được thấy cùng Covid-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận