Ẩn dụ sống ký sinh

SĨ PHU 15/12/2015 22:12 GMT+7

TTCT - Thế giới đang chứng kiến những xu hướng như xung đột nhìn bên ngoài là vì màu da nhưng thực chất bên trong là sự bất mãn đang rộ lên ở một số thành phố bên Mỹ; các vụ bùng phát vì tức giận ở chỗ làm dẫn tới thảm sát; thất nghiệp trong giới trẻ ở nhiều nước châu Âu; góc nhìn cực hữu về dân nhập cư lại được tán thưởng ở một số giới… Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là sự xuất hiện của các chính khách “sống ký sinh” trên nền tảng câu chuyện này.

REUTERS
Ảnh: Reuters

Có một hình ảnh được sử dụng thường xuyên trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng: trong tương lai, loài người chia làm đôi: một nhóm sống ở trên thong dong, thoải mái nhưng mềm yếu, dễ bị tổn thương, mất phương hướng cũng như mục đích sống; nhóm còn lại sống đâu đó dưới lòng trái đất, đen đủi, mạnh và dữ, luôn muốn đập phá như đang bị xiềng xích vô hình.

Chỉ là chuyện viễn tưởng nhưng đây cũng là một ẩn dụ có thể giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, âm ỉ xung đột hiện nay.

Làm sao “tiến lên trên nấc thang giá trị”?

Trong một xã hội bình thường luôn có sự tự nguyện phân công lao động: người chấp nhận làm công nhân lắp ráp máy móc, người chịu làm thợ may vá, người quét dọn và nhiều người khác làm đủ nghề xã hội cần như thầy giáo, bác sĩ, chuyên viên thị trường...

Nhưng làn sóng toàn cầu hóa do các công ty đa quốc gia thúc đẩy đã lấy đi nhiều công việc sản xuất tay chân bình thường từ nhiều nước phương Tây chuyển sang các nước khác, chủ yếu là các nước ở thế giới thứ ba. Trong một giai đoạn tương đối ngắn, hàng loạt người bỗng nhiên thấy công việc mình làm từ xưa tới nay một hôm biến mất.

Hàng loạt thành phố trù phú phát triển quanh một nhà máy sản xuất ôtô hay một loại máy móc gia dụng nào đó qua một đêm hóa ra hoang phế vì ông chủ các nhà máy này thấy chuyển chúng qua Trung Quốc thì tiết kiệm chi phí nhân công hơn nhiều.

Các mỹ từ của những nhà hoạch định chính sách, kể cả các nhà nghiên cứu, không xoa dịu được nỗi lo của những người bị tước đoạt công việc: họ đâu thể “tiến lên trên nấc thang giá trị”, họ đâu thể chuyển qua làm thiết kế, tiếp thị, nghiên cứu. Khi làm công nhân lắp ráp ôtô, mặc dù chỉ là vặn một con ốc trong chuỗi sản xuất tự động hóa, người công nhân mệt mỏi ra về vào cuối ngày nhưng vẫn tự hào về đồng lương anh ta lãnh vì anh ta nghĩ mình đang tạo ra một giá trị nào đó.

Tương tự, có thể vợ anh ta mất đi công việc may quần áo, em anh ta mất đi công việc đóng giày... Và thế là xảy ra cuộc cạnh tranh hoặc xuống đáy, làm những công việc tay chân chưa thể “đóng gói xuất khẩu” hoặc ganh đua lên nấc thang kế.

Cả hai hướng đều tác động lên quy luật cung cầu theo nghĩa một số lượng người nhiều hơn tranh nhau lượng công việc như trước, dĩ nhiên hệ quả là lương sẽ bị ép giảm, sức lực càng bị vắt kiệt, ai không chịu nổi sẽ có kẻ khác sẵn sàng nhảy vào thay.

Các nhà kinh tế có một ảo tưởng rằng toàn cầu hóa với việc dịch chuyển công ăn việc làm như thế là hợp quy luật, tận dụng được nguồn lực tốt nhất của xã hội, rằng các nước phương Tây sẽ dần dần thích ứng với vai trò mới: ngồi vẽ ra các sản phẩm, lo chuyện quảng bá chúng, còn sản xuất cứ để các nước đang phát triển đảm trách. Ai cũng có phần bánh ngon hơn, to hơn trước.

Thực tế cho thấy không phải tất cả người dân các nước phương Tây đều thích nghi được với vai trò “ngồi vẽ” như thế. Cho dù các nước này giàu, đủ sức lo chuyện an sinh xã hội để người không “ngồi vẽ” được vẫn hưởng một khoản trợ cấp nhất định nhưng một khi họ đánh mất sự tự tin, sự tự trọng, niềm tin rằng họ đang làm ra một cái gì đó có giá trị cho xã hội, con người sẽ bị bần cùng hóa, ít nhất về mặt suy nghĩ. Và đó là căn nguyên của cuộc khủng hoảng xã hội đang diễn ra ở nhiều nước.

Có thể tìm thấy những số liệu, những hình ảnh minh họa cho bức tranh nói trên một cách dễ dàng trên báo chí khi họ chạm đến một mảng nào đó, ví dụ sự điêu tàn của những thành phố bị bỏ hoang, một nền tảng giáo dục ở Mỹ tăng mạnh so với trước mà thất nghiệp vẫn cao và lương vẫn hầu như không đổi...

Các cuộc biểu tình chống đối toàn cầu hóa trong nhiều năm qua cũng cho thấy người ta biết rõ thủ phạm. Thỉnh thoảng trên báo chí Mỹ lại xuất hiện những bài viết lay động lòng người, như bài viết về cái chết của một nhân viên của Amazon, mỗi giờ phải đi lại trong một kho hàng rộng bằng 18 sân bóng đá để lấy ít nhất 100 món hàng giao cho khách.

Nếu sau này Amazon làm ra con robot lo được chuyện đó, công việc nhàm chán, nặng nhọc và mất sức của anh này rồi cũng sẽ biến mất. Để cuối cùng xã hội được gì? Khách hàng Amazon mua đồ rẻ hơn vài xu, còn ông chủ Amazon giàu thêm vài tỉ đôla chăng?

Những người phản đối bị áp giải khỏi cuộc vận động tranh cử của Donald Trump ở Raleigh, (North Carolina, Mỹ) hôm thứ sáu 4-12 -New York Time
Những người phản đối bị áp giải khỏi cuộc vận động tranh cử của Donald Trump ở Raleigh, (North Carolina, Mỹ) hôm thứ sáu 4-12 -New York Time

Những chính khách “ký sinh”

Thật ra câu chuyện này không có gì mới. Cái mới là hệ lụy chúng gây ra đang tạo những xung lực ngầm gây tác động lên mọi mặt của cuộc sống.

Có thể kể đến những xu hướng như xung đột nhìn bên ngoài là vì màu da nhưng thực chất bên trong là sự bất mãn đang rộ lên ở một số thành phố bên Mỹ; các vụ bùng phát vì tức giận ở chỗ làm dẫn tới thảm sát; thất nghiệp trong giới trẻ ở nhiều nước châu Âu; góc nhìn cực hữu về dân nhập cư lại được tán thưởng ở một số giới...

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là sự xuất hiện của các chính khách “sống ký sinh” trên nền tảng câu chuyện này, nổi bật nhất vẫn là ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ở một thời khắc khác, một bối cảnh khác, người như Donald Trump không thể tồn tại trên chính trường Mỹ quá một ngày. Bởi ông ta quá cực đoan, quá khích, kích động lòng thù hận, không xem báo chí hay công luận ra gì, mạt sát các sắc dân thiểu số, hạ nhục phụ nữ, phỉ báng tôn giáo... Thế mà cho đến nay ông ta vẫn là ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa trong thăm dò dư luận.

Thậm chí, một số nhà quan sát không loại trừ khả năng ông ta giành được sự đề cử chính thức của đảng này để ra tranh cử chức tổng thống Mỹ vào năm sau.

Tờ New Yorker liệt kê một số phát ngôn gây sốc gần đây của Donald Trump. Ở một cuộc diễn thuyết tại Iowa, Trump đưa ra một giải pháp đối với các mỏ dầu mà lực lượng ISIS đang nắm:

“Tôi sẽ ném bom cho tiệt chúng đi. Tôi sẽ phá tan các đường ống dẫn dầu. Tôi sẽ cho nổ banh các nhà máy lọc dầu. Rồi chẳng còn gì và các bạn biết không, lúc đó Exxon sẽ nhảy vào và trong vòng hai tháng họ sẽ xây dựng lại hết thảy mới toanh. Lúc đó tôi sẽ lấy dầu này”.

Câu dịch này đã lược bỏ các cụm từ chửi thề và tiếng đệm. Ở một ví dụ khác, tờ này trích lời Trump cho thấy ông ta tin rằng tra tấn là thứ vũ khí hữu hiệu: “Chỉ có kẻ dốt mới nói nó không hữu hiệu. Nếu không đi nữa thì chúng cũng đáng đời vì những gì chúng gây ra cho chúng ta”. Tờ báo nói thêm “chúng” là ai thì họ cũng không biết.

Nói sao thì nói, dù giận dữ, bất mãn và hoang mang, dân Mỹ với nền tảng văn hóa thường phải tỏ ra “nói đúng đường hướng”, tức bản thân họ không thể công khai phân biệt chủng tộc, thù ghét dân nhập cư, lánh xa dân Hồi giáo, bỗng nhiên có một gã thay họ nói toạc ra những điều họ cũng nghĩ, biểu sao tỉ lệ ủng hộ Donald Trump không cao cho được.

Khi Donald Trump chủ xướng bắt những người theo đạo Hồi ở Mỹ phải đăng ký vào một cơ sở dữ liệu thì các báo la làng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một Hitler đời mới, nhưng biết đâu trong thâm tâm, nhiều người dân Mỹ muốn chuyện đó mà không dám nói ra?

Những người như Donald Trump sẽ là dòng chảy chính của giới chính khách sẽ nổi lên ở các nước phương Tây: đánh vào nỗi sợ của những người dân từng mất công việc ổn định lâu đời, từng bị thua thiệt mà không hiểu vì sao, từng phẫn nộ vì bị nghèo đi nhưng lại không thể trút nỗi giận vào những tỉ phú mới như Bill Gates hay Mark Zuckerberg.

Vì thế họ tìm những vật thế thân như người da đen, người Hồi giáo, dân tị nạn Syria. Ví dụ Trump đăng lại trên mạng xã hội của ông ta, thản nhiên tuyên bố rằng năm 2015 đến 81% nạn nhân da trắng bị giết ở Mỹ là do người da đen gây ra, trong khi số liệu chính thức đúng đắn của FBI cho năm 2014 là 15%. Hoặc ông ta cứ khẳng định đã thấy hàng ngàn người đổ ra đường ăn mừng lúc xảy ra vụ 11-9 tại khu có nhiều người Ả Rập sinh sống ở New Jersey, thực tế hoàn toàn không có chuyện đó.

Báo chí Mỹ đang “bó tay” với Donald Trump. Mà đúng là như vậy. Ông ta là sản phẩm của một thời đại nên không thể giải quyết ông ta cùng các vấn đề của xã hội nếu không giải quyết căn nguyên. Và để giải quyết căn nguyên này, có lẽ sẽ phải quay trở lại đề tài “giải toàn cầu hóa” - trả thế giới này về lại với quy luật phát triển tự nhiên của nó.

Đừng ép người nông dân bỏ làng xóm ra thành thị làm công nhân bằng công việc tước từ tay người dân nước khác. Các ông chủ “tối ưu hóa” quy trình sản xuất đã quá giàu, nguồn tài nguyên của trái đất đã bị tận dụng cho quy trình này sắp cạn kiệt, kể cả hậu quả ô nhiễm môi trường còn để lại khắp nơi. Đã đến lúc phải tự hỏi, không lẽ chúng ta đang xây dựng một thế giới méo mó và dùng điện thoại di động để làm phẳng nó được sao?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận