Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu: Giữ bản sắc đồng bằng

VÂN TRƯỜNG 08/10/2014 17:10 GMT+7

TTCT - Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu phát triển một đô thị trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL.

Khu vực quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ rất dễ bị ngập - Ảnh: Vân Trường
Khu vực quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ rất dễ bị ngập - Ảnh: Vân Trường

Các chuyên gia từ Bỉ đã tham gia nghiên cứu quy hoạch này và đóng góp quan trọng thông qua tư vấn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Đô thị đa trung tâm

KTS Ngô Quang Hùng, giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) - đơn vị lập quy hoạch, cho biết quy hoạch xây dựng Cần Thơ theo quan điểm “đô thị thích ứng biến đổi khí hậu” với đặc trưng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái của vùng ĐBSCL và là đô thị có chất lượng sống tốt, hài hòa giữa thành thị và nông thôn.

Theo quy hoạch mới, thay vì tập trung vào một đô thị trung tâm như hiện nay (nằm ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy), TP Cần Thơ sẽ theo mô hình “đô thị đa trung tâm”.

TP Cần Thơ sẽ có thêm năm đô thị gồm: khu đô thị công nghiệp Cái Răng (khoảng 4.850ha), khu đô thị công nghiệp Trà Nóc (khoảng 2.850ha), khu đô thị sinh thái Phong Điền (khoảng 1.500ha), khu đô thị mới Ô Môn (khoảng 4.100ha) và khu đô thị - công nghiệp Thốt Nốt (khoảng 4.850ha).

Trung tâm của TP Cần Thơ vẫn là hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy với các trung tâm hành chính - chính trị; tiếp vận đường bộ, đường thủy và hàng không; giáo dục, thể thao, y tế, thương mại, tài chính... Dự báo đến năm 2030, dân số khu trung tâm khoảng 500.000 người, quy mô đô thị khoảng 8.100ha. 

Các đô thị mới ở TP Cần Thơ phát triển về hướng tây bắc. Chuỗi khu đô thị được bố trí dọc bờ sông Hậu, nhưng không xây dựng liên tục dọc sông như quan điểm truyền thống. Nếu đô thị Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy chủ yếu bố trí dọc bờ sông thì đô thị quận Ô Môn lại nằm thụt sâu vào bên trong, nhường chỗ cho “túi chứa nước” khổng lồ nằm cặp sông nhằm giải quyết tình trạng ngập.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đây là vùng đất thấp không phù hợp phát triển đô thị, chỉ phù hợp sản xuất nông nghiệp và là nơi chứa nước khi triều cường, có thể sẽ có những hồ chứa nước khổng lồ để thoát nước cho các đô thị. Đô thị quận Thốt Nốt cũng chỉ có một góc nằm cạnh sông, phần lớn diện tích cặp sông còn lại cũng để cho nông nghiệp.

Thích ứng và giữ bản sắc

Theo KTS Ngô Quang Hùng, bài toán của Cần Thơ là “vừa giữ bản sắc đồng bằng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Đó là một bản sắc được thể hiện trên cả ba diện mạo.

Một là, diện mạo của một đô thị sông nước: lịch sử của Cần Thơ và nhiều thành phố khác trong vùng ĐBSCL cơ bản đã là một đô thị sông nước. Ngay trong quá trình hiện đại hóa đô thị, TP Cần Thơ vẫn được nhận diện nhờ mối quan hệ đặc trưng với sông Hậu với vô số kênh rạch thủy lợi và các cù lao trên sông.

Thách thức hiện nay là định hướng quá trình đô thị hóa để gắn kết sự phát triển với nền cảnh quan hiện có.

“Điều quan trọng là các khu đô thị dự kiến không được nhập thành một vùng đô thị bên sông rộng lớn, hỗn loạn, thiếu bản sắc. TP Cần Thơ cần có một không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và những dải cây xanh với quy mô phù hợp” - ông Hùng nói thêm.

So với quy hoạch năm 2006, quy hoạch mới của TP Cần Thơ có sự khác biệt lớn. Khu vực giữa các khu công nghiệp Thốt Nốt và Trà Nóc được đề xuất trở thành một công viên rộng lớn cấp vùng - công viên sông Hậu.

Nhìn Cần Thơ như một đô thị sông nước nhằm cấu trúc lại mối quan hệ của nó với mặt nước, có sự thay đổi định hướng chính từ một thành phố “nằm trên sông Cần Thơ” thành một thành phố “gắn bó chặt chẽ với sông Hậu và các sông nhánh trực giao với sông Hậu”. 

Hai là, diện mạo một đô thị - vườn cây trái: “tài sản lớn” cả về bản sắc, sinh thái và kinh tế của TP Cần Thơ là những vườn cây ăn trái gắn liền mạng lưới đường thủy. Đó chính là những gì đóng vai trò then chốt trong chiến lược xây dựng và bảo tồn cảnh quan của thành phố, góp phần định hình các khu vực cây xanh, mặt nước của khu vực.

Bố trí lại khu đô thị Ô Môn để tạo ra các cơ hội cho một vùng cảnh quan vườn cây ăn trái mới dọc sông Hậu. Quy hoạch cũng điều chỉnh hướng tuyến trục đường cao tốc, đường sắt chạy vòng quanh mảng xanh lớn của vườn cây ăn trái ở phía đông nam trung tâm thành phố (huyện Phong Điền).

Các vườn cây ăn trái lớn ở đây vừa là lá phổi xanh cho Cần Thơ, vừa là mảng xanh bổ sung cho không gian đô thị tại các quận trung tâm thành phố, tạo nên một hệ thống đô thị - thiên nhiên riêng. 

Ba là, diện mạo một đô thị tích hợp quản lý nước: mạng lưới nước được quy hoạch để giải quyết các vấn đề về lượng nước (ngập lụt, trữ nước bề mặt, thoát nước và thủy lợi) và chất lượng nước (nước thải và làm sạch nước) kết hợp với việc sử dụng nước cho hoạt động giải trí và tạo vẻ đẹp cảnh quan.

Tuyến công viên giữa các khu đô thị và kết hợp với các cảnh quan nông nghiệp có thể xem như “công viên linh hoạt” tạo ra các không gian phục vụ người dân trong mùa khô và dùng để chứa nước trong mùa mưa. “Túi chứa nước” đó được quy hoạch nằm ở dải đất thấp thuộc quận Ô Môn, cặp sông Hậu. 

Quy hoạch mới cũng yêu cầu Cần Thơ tận dụng tối đa hệ thống sông, rạch hiện hữu và xây dựng mới một số hồ lớn tạo cảnh quan kết hợp làm hồ điều hòa thoát nước và cân đối đào đắp. Các khu đô thị hiện hữu do mật độ xây dựng cao nên sẽ phải xây bờ bao chống ngập, song các đô thị mới sẽ tận dụng địa hình tự nhiên, giữ lại sông, rạch và tạo thêm hồ, kênh, rạch để thoát nước.

Để chống ngập, quy hoạch nói rõ ở khu trung tâm cao độ xây dựng phải trên 2,5m, ngay cả các công viên cây xanh cũng phải trên 2,3m. Riêng khu đô thị - công nghiệp Thốt Nốt phải cao trên 3,1m. 

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, nhận thức được sai lầm trước đây khi cho lấp quá nhiều mương, rạch ở khu đô thị mới Nam Cần Thơ (quận Cái Răng), thành phố đã chỉ đạo hạn chế tối đa việc lấp mương, rạch trong nội thị.

TP Cần Thơ vừa xây dựng các công trình kè chống sạt lở và chống ngập vừa làm kè bảo vệ hiện trạng các mương, rạch. Ngành xây dựng dự kiến khi lập quy hoạch chi tiết các đô thị sẽ đào rất nhiều hồ điều hòa khổng lồ để giúp tiêu thoát nước khi mưa và triều cường, đồng thời cấp nước cho mương, rạch đô thị vào mùa khô để ổn định môi trường sinh thái.

Cái khó còn lại là những đòi hỏi lớn về đất và kinh phí. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận