Chavez, Obama, Hollande: Những lộ trình cánh tả

DANH ĐỨC 15/01/2013 02:01 GMT+7

TTCT - Thật nghịch lý và trớ trêu khi nhận ra rằng Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Mỹ Barack Obama, bất chấp những dị biệt có thể gọi là loại trừ nhau, lại có một chút tương đồng về lộ trình cánh tả của hai ông, tương tự Tổng thống Pháp François Hollande.

Phóng to
Một người ủng hộ Tổng thống Hugo Chavez giương biểu ngữ có dòng chữ “Tôi bầu cho Chavez” ở Caracas ngày 5-1-2013 - Ảnh: Reuters

Cuộc cách mạng mang tên nhà cách mạng châu Mỹ Latin Bolivar mà ông Hugo Chavez đeo đuổi từ hơn 20 năm qua có thể sẽ phải dang dở nếu như ông có mệnh hệ gì. Thế nhưng, lộ trình có thể gọi là cánh tả của Tổng thống Mỹ Barack Obama và lộ trình cánh tả đã “có môn bài” của Đảng Xã hội đang cầm quyền ở Pháp lại đang tiếp diễn, cho dù về mặt lý thuyết và cả trong thực tế ông Chavez đã và đang đối đầu kịch liệt với lợi ích của nước Mỹ mà ông Obama đang lãnh đạo.

Ngày 8-10 năm ngoái ông Chavez tái đắc cử, tỉ lệ bỏ phiếu cho ông (54,42%) cũng cho thấy một xã hội phân đôi như ở Pháp hay ở Mỹ. Hơn phân nửa cử tri thuộc tầng lớp ít tiền đã lần lượt bỏ phiếu cho các ông này vì tin rằng lợi ích của mình sẽ được bảo vệ, gần phân nửa kia (tầng lớp giàu có) bỏ phiếu cho cánh hữu cũng vì tin rằng lợi ích của họ sẽ được bảo toàn.

Mộng làm cách mạng xã hội của ông Chavez

Điều này đã bộc lộ từ khi ông mới bước vào quân đội: “Hugo tự tách biệt với các lãnh tụ quân đội do lẽ họ tham nhũng và hành xử thái quá..., nhất là việc họ ngược đãi nông dân” (1). Cứ thế, ông Chavez leo đến lon trung tá bèn tổ chức đảo chính năm 1992 song thất bại, hai năm sau được miễn truy tố song phải giải ngũ để có thể làm chính trị.

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12-1998 trước nhà kinh tế học Henrique Salas Romer, ông Chavez cùng các đảng cánh tả đã tấn công ngay vào “thành trì” cũ bằng cách ban hành “tình trạng khẩn cấp xã hội”. Điều này cho phép ông có những “siêu quyền hành” về chính trị (tổ chức trưng cầu ý dân giải tán quốc hội, xóa bỏ hiến pháp năm 1961, bầu một quốc hội lập hiến mới...), kinh tế (quốc hữu hóa các hãng dầu hỏa nước ngoài, tái cơ cấu Công ty dầu hỏa quốc gia PSVSA vốn đang ngập đầu trong tham nhũng...).

92% cử tri đã bỏ phiếu đồng ý với ông, số cử tri phản đối là của các nhóm lợi ích mất quyền lợi mà đầu tiên là các địa chủ đang nắm giữ đến 70% diện tích đất canh tác nay bị buộc phải canh tác, bằng không sẽ phải giao lại đất cho nhà nước chia lại cho nông dân, nhằm chấm dứt việc phải nhập khẩu lương thực...

Tất nhiên các nhóm lợi ích đang tận hưởng những đặc quyền từ bao đời nay đâu dễ gì chịu bó tay. Ngày 21-9-1999, ông Chavez đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, sau đó gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton và được ông này tuyên bố ủng hộ (2). Ngày 13-10-2001, ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến (3). Năm 2002, một cuộc đảo chính đã nổ ra với những nghi vấn rằng chính quyền Mỹ dưới trào Tổng thống Bush có nhúng tay, song ông Chavez đã được giải cứu sau 47 giờ (4).

Từ đó, ông tiếp tục con đường cách mạng của mình: ít nhất người dân Venezuela cũng được dùng xăng giá rẻ nhất thế giới và được chăm sóc y tế nhờ vào chính sách “đổi dầu lấy bác sĩ” với Cuba - một nước có nền y tế tương đối tốt, trẻ con được đi học...

Một câu hỏi nhỏ: tại sao năm 1999 Tổng thống Clinton lại cấp visa cho ông và gặp ông trong khi Tổng thống Bush lại ủng hộ phe đảo chính năm 2002? Phải chăng ông Clinton thuộc Đảng Dân chủ mà trong định nghĩa, tối thiểu cũng nghiêng về những chính sách an sinh xã hội như có thể thấy hiện nay Tổng thống Obama đang tiếp nối, trong khi ông Bush thuộc Đảng Cộng hòa vốn bảo vệ lợi ích của các nhóm giàu có, cụ thể là luật giảm, miễn thuế trong 10 năm hết hạn ngày 31-12-2012 vừa qua?

Chính yếu tố này đã tạo thành “vách đá tài chính” cho ông Obama, do ông Obama muốn kết liễu những đặc quyền đặc lợi này và bảo vệ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, trong khi Đảng Cộng hòa thì ngược lại.

Vách đá tài chính của ông Obama

Vụ đấu đá giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ cuối cùng cũng đã kết thúc hiệp một với việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật thuế mới, theo đó cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các cặp vợ chồng có thu nhập trên 450.000 USD/năm sẽ phải đóng thêm thuế; ngược lại một số nhóm thuế được giảm, trợ cấp thất nghiệp sẽ kéo dài một năm... Hiệp hai của cuộc đấu này sẽ điểm trong hai tháng nữa, với việc mặc cả một đạo luật về mức trần nợ công và cắt giảm chi tiêu ngân sách mới.

Cả hai hiệp đấu đá đều (đã và sẽ) rất gay cấn vì những mặc cả sao cho mức thuế hay các hạng mục chi tiêu ngân sách phù hợp nhất với lợi ích kinh tế của cử tri mỗi đảng, sao cho để đừng bị cử tri trừng phạt bằng cách “đổi màu” lá phiếu bầu ở cuộc bầu cử giữa kỳ hai năm tới. Sau cuộc bầu cử ngày 6-11 năm ngoái, Đảng Cộng hòa đã mất thêm ghế ở thượng viện, từ 47/100 ghế xuống còn 45/100 ghế; ở hạ viện từ 242 ghế còn 234/435 ghế.

Ông Obama đã ép được Đảng Cộng hòa chấp nhận nâng thuế suất từ 35% lên 39,6% đánh vào những người có thu nhập cá nhân trên 400.000 USD/năm để có thu ngân sách bổ sung mà giảm thuế, tức tăng thu nhập trong thực tế, bình quân 1.635 USD cho 77,1% số hộ gia đình. Ngược lại, Đảng Cộng hòa cũng vớt vát được chút uy tín là tuy có phải nhượng bộ ở nhóm có thu nhập cao trên 400.000 USD, song vẫn bảo vệ được lợi ích của nhóm có thu nhập dưới con số đó, không để cho ông Obama áp được thuế suất cao đến nhóm có thu nhập trên 250.000 USD.

Khi người giàu ở Pháp né thuế

Tăng thuế nơi những người giàu nhất để san sẻ cho người nghèo nhất là điều mà các chính phủ với đảng cầm quyền là cánh tả, như Đảng Xã hội ở Pháp trong cuộc bầu cử tháng 5 năm ngoái và Đảng Dân chủ ở Mỹ bây giờ, và cũng là cái “lan can” bảo đảm phần nào sự quân bình và ổn định xã hội của lý thuyết lợi nhuận san sẻ (trickle-down). Mấy tuần nay, việc dư luận Pháp bình phẩm rất nhiều chuyện tài tử gạo cội Gerard Depardieu “vô quốc tịch Nga” (đọc bài “Lưu vong thuế” trang 26 cùng số báo) để chạy trốn mức thuế 75% của Tổng thống Hollande thuộc Đảng Xã hội là một thí dụ sinh động về “tính giai cấp” của các đảng cánh tả.

Vấn đề then chốt ở chỗ cả ở Mỹ lẫn Pháp, Nhật, Canada, Úc..., sở thuế đều “nắm tóc” được mọi công dân, nắm hồ sơ mọi tài sản, từ bất động sản, động sản đến chi tiêu sinh hoạt hằng ngày... Không công dân nào có mức lương chỉ chừng ấy mà có thể khơi khơi sắm cho vợ, con, thậm chí bồ nhí hết căn hộ cao cấp này đến ngôi biệt thự “phú hộ” hoặc chiếc xe “khủng” kia! Có tài thánh đến đâu, có cánh tay dài đến đâu cũng không ai giấu giếm được gì. Một khi cơ quan thuế đảm bảo đánh trúng địa chỉ và đánh đúng biểu thuế, xã hội sẽ bớt mầm mống so bì, giận dữ, bất ổn định. Những vụ xuống đường “Chiếm lấy Phố Wall” ở Mỹ, “thịnh nộ” ở châu Âu năm kia, năm ngoái đã nổ ra khi đại đa số người dân cảm thấy bất công.

Chính sách thuế khóa (nguồn thu ngân sách) cùng chính sách tài khóa (tức chi tiêu ngân sách) như thế nào phản ánh tính giai cấp của từng chính phủ, đồng thời cũng là những công cụ điều tiết sự ổn định xã hội. Một xã hội thiếu công bằng trong thuế khóa và trong sử dụng ngân sách thì tự mình gây mất ổn định.

Bất chấp những khác biệt, giữa các ông Chavez và Obama, Hollande cũng có chút tương đồng mang màu sắc cánh tả. Một đảng cánh tả không thể bảo vệ “lợi ích nhóm” của nhóm giàu nứt vách và cứ “giã” thuế nơi giới làm công ăn lương thấp mãi được, trái lại phải sống chết bảo đảm an sinh xã hội.

___________

(1): Rosa Miriam Elizalde, Luis Báez, “Our Chavez”, Abril Publishing House, tr.39-40
(2): Sđd, tr.378
(3): Sđd, tr.375
(4): Sđd, tr.295-304, 385

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận