Cho con em "ở lại" học gì?

DU LONG 16/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - Khi xu hướng mà ngay trên website của Thanh tra Nhà nước cũng gọi là “tị nạn giáo dục” đang ngày càng phổ biến, câu hỏi không thể không đặt ra ngay là: Thế những học sinh, sinh viên ở lại sẽ học gì và được học gì?

Giáo dục cơ bản và chất lượng cao đều phải là trách nhiệm của Nhà nước. Ảnh: Reveal
Giáo dục cơ bản và chất lượng cao đều phải là trách nhiệm của Nhà nước. Ảnh: Reveal

 Hôm 6-6, các báo nhao nhao chạy tít: “Người Việt chi 3 tỉ USD mỗi năm cho du học”. Đây không đơn thuần là một chọn lựa cá nhân và gia đình tùy theo hoàn cảnh, bởi “...trong tất cả các khoản tiền đi ra nước ngoài thì khoản 3-4 tỉ USD dành cho du học là số tiền khôn ngoan nhất và đáng để tiêu nhất. Vì trên đời này không có đầu tư nào đáng giá hơn đầu tư cho giáo dục”.

Vấn đề ở chỗ “người ta tự nguyện chấp nhận để ngoại tệ ra đi, và rồi sau khi con em đi du học thì không ít người không quay về” - một người làm công việc giáo dục nhận xét.

Sở dĩ câu chuyện “chi 3 tỉ USD cho du học” ầm ĩ có lẽ là do sáng 6-6, báo chí “xúc động” với trả lời của bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước Quốc hội: “Theo các nguồn thống kê không chính thức, hằng năm số học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng cũng rất nhiều. Số tương tự mất 3-4 tỉ đôla dưới dạng các kinh phí khác nhau. Đấy là ước đoán”.

Kình nghê vui thú kình nghê

Tất nhiên, ông bộ trưởng đã nêu vấn đề ngay: “Làm sao để thu hút được các học sinh, các gia đình có điều kiện muốn con em mình tốt hơn, không chỉ ra nước ngoài mới có giáo dục tốt, mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt”.

Ông cũng giải thích tóm tắt giải pháp mà bộ của ông đã tham mưu với Chính phủ: “Với yêu cầu đạt chất lượng, ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục cơ bản, tập trung cho những vùng khó khăn, giáo dục phổ cập, còn chất lượng cao thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng rất trông đợi vào sự đầu tư của các nhà đầu tư và chương trình tiên tiến đã nhập của nước ngoài, chuẩn, kiểm định chất lượng ngay từ đầu để chúng ta tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực đối với đất nước...

Tới đây, trong sửa Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, chúng tôi rất ưu tiên điểm này trong vấn đề khuyến khích xã hội hóa”. Nếu hiểu không sai ý của ông bộ trưởng, thực tế hiện như sau: Nhà nước chỉ còn “đủ sức” gánh giáo dục cơ bản, phổ cập, còn giáo dục chất lượng cao (tạm hiểu là giáo dục đại học) thì sức Nhà nước có hạn, nên trông vào tư nhân.

Nếu mở rộng câu chuyện ra, có thể ngờ ngợ rằng khi tập trung phát biểu về nhu cầu “khuyến khích xã hội hóa giáo dục chất lượng cao”, ông bộ trưởng đã có một chút liên hệ nào đó với thực tế được mô tả ngay ở tựa một bài báo của Thanh tra Chính phủ: “Khi du học trở thành... “tị nạn” giáo dục” (Thanh Tra Chính Phủ 22-7-2017).

Bài báo dẫn báo cáo của một ngân hàng nước ngoài uy tín: “Bình quân mỗi năm người Việt tiêu tốn khoảng 1,8 tỉ USD cho con đi du học. 1,8 tỉ USD, bằng 1% GDP. Con số trên do HSBC đưa ra trong bản báo cáo học tập cho tương lai (Learning for life)”.

Bài báo cũng cung cấp một số liệu khác: “Bộ GD-ĐT cho biết hiện Việt Nam có hơn 100.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài, trong đó hơn 90% du học sinh là tự túc” và rồi “kết luận sơ bộ”: “Nay đời sống khá hơn, chuyện cho con đi du học là “chuyện thường ở huyện”. Du học cũng thoáng hơn, nhiều thành phần hơn, không cứ gì phải thực sự xuất sắc. Thi rớt tốt nghiệp THPT: xuất ngoại. Thi rớt đại học trong nước: xuất ngoại. Du học đã thành “cửa sinh” cho nhiều phụ huynh khi lựa chọn con đường đi cho tương lai của con em mình. Ở phương diện này, du học cũng như “tị nạn” giáo dục”.

Có lẽ làn sóng “tị nạn” này diễn biến song song với làn sóng “đầu tư định cư” ở một số nước “hàng đầu”. Mượn tạm một thí dụ từ Vietnamnet 14-11-2017: “Theo báo cáo hằng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 16 liên tiếp.

Trong năm học 2016-2017, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách các nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ với 22.438 sinh viên, tăng 1.035 sinh viên so với năm học 2015-2016, tức tăng gần 5%”. Trong khi đó, “theo Bloomberg, trong những năm gần đây, số lượng người Việt Nam di dân tăng trưởng ở mức trên 6% mỗi năm.

Trong đó số người đi theo diện thị thực đầu tư định cư EB-5 vào Mỹ năm 2017 tăng hơn 4 lần so với năm 2014. Trước đó, hai năm liền 2015-2016, Việt Nam là một trong hai nước có số người di cư tới Mỹ theo thị thực EB-5 đông nhất, chỉ sau Trung Quốc”.

Không phải ai cũng có điều kiện “bay nhảy”. Ảnh: Miles Corak
Không phải ai cũng có điều kiện “bay nhảy”. Ảnh: Miles Corak

 Tép tôm có được yên bề tép tôm?

Hai làn sóng “tị nạn giáo dục” và “đầu tư định cư” thể hiện một thực tế éo le ở đất nước “bốn ngàn năm văn hiến” này: một số người “có điều kiện” hơn đại đa số còn lại đã và đang chọn kế sách cho con em ra nước ngoài du học và cả gia đình đi định cư. Không ai có thể phán xét họ, nhưng đó là một tình hình có thực cần sự phản ứng từ chính quyền.

Khi ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định “chất lượng cao thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào sự đầu tư... của khu vực tư nhân” thì điều đó đồng nghĩa nói đến trường chất lượng cao là nói đến tư nhân, mà như thế thì học phí cũng “tư nhân”.

Bối cảnh của tuyên bố đó là dự báo tới đây, tình hình phân hóa giàu - nghèo ở Việt Nam sẽ thêm trầm trọng. Sự phân hóa này được Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo trong “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” kèm lời kêu gọi “đảm bảo giáo dục cơ bản chất lượng cao cho tất cả mọi người”.

Xin nhắc lại: “cho tất cả mọi người”, chớ không chỉ cho một số ít có khả năng đóng học phí hay đi du học. Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 mô tả một thực trạng ngày càng nghiêm trọng: “Hệ thống giáo dục của Việt Nam có tính hòa nhập, chất lượng cao và khá công bằng cho đến cấp trung học cơ sở.

Sau đó, hệ thống có tính loại trừ, thiếu công bằng và chất lượng trở nên bình thường... Quá ít em học tiếp sau phổ thông”. Nôm na mà nói, trước kia giáo dục bình đẳng và chất lượng cao, còn giờ thì bất bình đẳng và chất lượng xoàng.

Rõ ràng bài toán cơ bản mà WB, nhân danh mục tiêu đưa Việt Nam thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao, đặt ra là giải quyết vấn nạn “hệ thống giáo dục có tính loại trừ, thiếu công bằng”. Trong số 6 biện pháp chuyển đổi mà WB đề nghị có: “đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu”.

WB đã “chạm” đến thực tế mà dường như nhiều người đang quên: xã hội trung lưu ngày càng phát triển - một kết quả hết sức bình thường của quá trình phát triển kinh tế đã qua, song sự phát triển đó không đồng bộ với các nhóm xã hội chưa được trung lưu cùng các nhóm yếu thế.

Sự không đồng bộ giai tầng này thể hiện trong mọi mặt đời sống, bao gồm giáo dục. Con em gia đình trung lưu có thể “dễ dàng” vào đại học hay nghĩ đến du học (xin nhắc lại: đây không hề là lỗi lầm gì của họ, mà là một quyền hiển nhiên). Song như thế vẫn còn câu hỏi: con em các nhóm yếu thế có bao nhiêu cơ may?

Vấn đề không chỉ ở câu chuyện phân hóa xã hội tới đâu, mà còn là tương lai đất nước này sẽ như thế nào khi con em các tầng lớp “ở lại học trong nước” chính là nòng cốt của thế hệ lao động sắp tới? Bài toán năng suất lao động ngay lập tức được đặt ra và càng nghiêm trọng, khi các nước xung quanh vẫn nỗ lực duy trì giáo dục chất lượng cao ở mọi trình độ, cho tất cả những người có đủ năng lực. 

WB cảnh báo Việt Nam rất rõ ràng: “Trước hết cần tập trung nhiều hơn vào nâng cao năng suất, hiện đang rơi vào xu thế suy giảm dài hạn”.

Vì tất cả những điều đó, dạy gì cho hàng chục triệu con em “ở lại” - những người lao động chính yếu của đất nước trong tương lai này - nhất định là một vấn đề quốc gia đại sự không thể xem thường, không thể phó mặc cho “tư nhân”, cho “xã hội hóa”.■

Hành trang tối thiểu

Một vấn đề liên quan cốt lõi là cuộc cải tổ chương trình dạy và học nghề. Câu chuyện “giải cứu nông sản” và “được mùa mất giá” cứ tái đi tái lại đòi hỏi tối thiểu phải nghĩ tới một hệ thống dạy nghề nông, lâm, ngư, súc... kèm theo chút ít tính toán thị trường cả ở sơ cấp, trung cấp lẫn ở đại học và sau đại học, chớ không thể cứ tái tạo mãi hết lớp nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và “bán lúa giống, cây giống, con giống cho thị trường” hay các lớp công nhân lắp ráp mãi được. Từng địa phương cũng sẽ phải thay đổi.

Tạm đơn cử một gợi ý: Những tỉnh ven biển có cần mở ra những trường đào tạo thuyền viên “kha khá” theo kiểu người Philippines đã và đang làm rất thành công để nâng cao chất lượng đội ngũ thợ đóng - sửa tàu, thợ đi biển, thợ cảng...?

Philippines thật giống Việt Nam, khắp nơi là biển, dân số gần tương đương (103 triệu người) nhưng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về số lượng chỉ huy các tàu viễn dương, theo báo cáo thông tin thị trường lao động: Công nghiệp hàng hải Philippines qua các năm, công bố tháng 1-2017. Đất nước ấy có thể tự hào là “nguồn cung cấp toàn cầu người đi biển, cả chỉ huy lẫn thuyền viên lành nghề, cho thế giới thương mại quốc tế. Số chỉ huy tăng 34% từ năm 2005-2010, còn trong 5 năm qua ước tăng 24%”.

Chẳng qua Philippines đã định nghĩa “kinh tế biển” trong góc nhìn nhân lực - đào tạo, chứ không chỉ từ góc nhìn vật lực, chăm chăm đóng tàu, khai thác tàu!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận