Chống lạm phát bằng lãi suất

XÊ NHO 02/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Dân Mỹ nói riêng và dân tình cả thế giới nói chung đều hoang mang trước cơn bão giá đang ập đến. Dù chỉ số giá cả chính thức ở Mỹ tăng 7,9% vào tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả thực tế tăng cao hơn thế nhiều lần: giá xăng đã tăng chừng 40%, giá món nào trong siêu thị cũng tăng vài ba chục phần trăm.

Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang (FED) nước này chỉ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần trước, làm sao thuyết phục thị trường họ đang sử dụng vũ khí hạng nặng để chống lạm phát? 

Lạm phát 14,8%, lãi suất phải trên 20%

Nếu đơn giản hóa mọi yếu tố khác chỉ còn tiền với hàng, sẽ dễ thấy nếu tiền nhiều lên mà hàng giữ nguyên, ắt hẳn giá sẽ tăng. Giá còn tăng mạnh hơn nữa nếu cùng lúc đó hàng giảm xuống. 

 
 Ảnh: aarp.org

Trong hai năm đại dịch COVID-19, chính phủ các nước liên tục bơm tiền ra cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, một lượng tiền khổng lồ so với thời bình thường. Cùng lúc, đại dịch làm chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa tắc nghẽn, đứt đoạn nhiều hơn, hàng gì cũng thiếu. 

Lại nữa, chiến tranh bùng nổ làm giá dầu tăng cao ở mức kỷ lục. Các yếu tố này cộng hưởng, các nước không bị lạm phát mới là chuyện lạ. 

Tăng lãi suất làm việc mua nhà, mua xe, mua hàng qua thẻ tín dụng trả dần sẽ đắt đỏ hơn, tức làm giảm tiêu thụ hàng hóa với hy vọng hàng hóa sẽ dần dồi dào trở lại. Tăng lãi suất cũng làm chi phí sử dụng đồng tiền cao hơn, nên cung tiền trong nền kinh tế sẽ giảm xuống. 

Đó là nguyên lý đằng sau việc tăng lãi suất nhằm chống lạm phát, nhưng mức tăng phải cao đủ để dập bão giá. 

Tuy nhiên, sự đời đâu phải lúc nào cũng đơn giản muốn tăng bao nhiêu thì tăng; tăng lãi suất như một thùng nước lạnh, dù chữa bệnh lạm phát nóng nhưng có khả năng làm nền kinh tế nguội ngắt theo sau, tức là suy thoái. 

Chính vì thế nhiều nhà kinh tế đang phê phán FED chống lạm phát không đến nơi đến chốn vì sợ đẩy nền kinh tế Mỹ vào chỗ suy sụp và muốn nương nhẹ do áp lực chính trị. Họ lấy bài học chống lạm phát của thời Paul Volcker làm thống đốc FED để buộc FED thời này noi theo.

Thập niên 1970, Chính phủ Mỹ in tiền ồ ạt để chi cho cuộc chiến ở Việt Nam; giá cả cứ tăng dần, nhất là sau hai cuộc khủng hoảng dầu thô trên thế giới làm giá dầu tăng vọt. 

Dân Mỹ thấy giá tăng nên đòi lương tăng theo để bù đắp, doanh nghiệp phải tăng giá bán để khỏi lỗ - cứ thế vòng xoáy lạm phát ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế Mỹ. 

Lạm phát năm 1980 lên đến 14,8%/năm trong khi chỉ là 1% vào năm 1965. Rổ thức ăn mua với giá 100 đôla vào năm 1970 thì đến năm 1978 phải bỏ ra 170 đôla mới mua được.

Mặc dù dân Mỹ phẫn nộ với giá cả leo thang, giới chính trị gia không dám có biện pháp mạnh vì họ sợ tăng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái. 

Hai đời tổng thống Nixon và Carter còn tính chuyện kiểm soát giá và lương bằng mệnh lệnh hành chính nhưng thất bại vì càng làm hàng hóa khan hiếm. 

Mãi đến năm 1979, khi Paul Volcker được cử làm thống đốc FED; chủ trương của ông này là đẩy lãi suất lên cao, cao hơn mức lạm phát để đạt được “lãi suất thực dương”. Vì thế ngay trong một năm sau khi nhậm chức, ông đã nâng lãi suất lên mức 17,6% và đến tháng 7-1981, lãi suất cao ở mức kỷ lục: 22,36%!

Cứ thử tưởng tượng đồng đôla Mỹ mà có lãi suất trên 20% thì mọi việc sẽ kỳ lạ đến đâu. Giả dụ một người mua căn nhà trị giá 100.000 đôla, trả góp trong vòng 30 năm. 

Nếu lãi suất gần như bằng không thì người đó mỗi tháng chỉ phải trả chừng 300 đôla, nhưng nếu lãi suất là 20% thì số tiền phải trả hằng tháng tăng vọt lên 1.700 đôla. Mua xe hay mua bất kỳ thứ gì trả góp cũng vậy. 

Thế nên ngay tức khắc nền kinh tế rơi vào suy thoái, mọi hoạt động kinh tế đình trệ, nạn thất nghiệp tràn lan, tỉ lệ thất nghiệp lên gần 11% vào năm 1982. Người dân càng phẫn nộ hơn trước.

Lúc đó cũng có nhiều nhà kinh tế cho rằng nâng lãi suất để chống lạm phát còn tệ hại hơn cứ để lạm phát mà nền kinh tế còn hoạt động, người dân có việc làm. 

Suy nghĩ này cho đến nay vẫn được một số nơi chia sẻ, như Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, cứ đòi giảm lãi suất trong tình hình lạm phát cao vì cho rằng cần giảm lãi suất để thúc đẩy phát triển kinh tế, rằng chi phí sử dụng đồng vốn cao chính là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Trong hồi ký của mình, Volcker kể tấm thảm trong phòng làm việc của ông mòn vẹt vì ông cứ đi tới đi lui trong nỗi thống khổ vì biết rất rõ cái giá phải trả khi nâng lãi suất. 

Nhưng ông không lung lay ý định dùng vũ khí lãi suất bất kể thiệt hại gián tiếp. Liều thuốc đắng của Volcker dẫn tới hai đợt suy thoái trước khi giá cả bắt đầu ổn định trở lại.

Cuối cùng lạm phát đã được khống chế, từ mức 14,6% năm 1980 xuống còn 1% vào năm 1986. Sau đó nền kinh tế Mỹ khởi sắc, kéo dài hơn hai thập niên mãi cho đến cú khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dè dặt vì sợ “đình lạm”

Chủ tịch FED hiện nay, Jay Powell, là người ngưỡng mộ Volcker, đi đâu cũng thấy mang theo sách của Paul Volcker. Thậm chí ông còn nói muốn mua 500 cuốn phát cho nhân viên FED, thế nhưng dường như Powell chưa học được sự quyết tâm và dứt khoát của người tiền nhiệm. 

Trong lần nâng lãi suất tuần trước, mức nâng 0,25 điểm phần trăm hầu như không tác dụng gì nhiều ngoại trừ tuyên bố của FED rằng sẽ tăng liên tiếp như thế thêm 6 lần nữa trong năm nay. 

Mục đích của FED là làm sao để đến cuối năm lãi suất sẽ ở vào mức gần 2%, tức cao hơn một chút so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất đến gần 3% vào cuối năm sau - là mức cao nhất tính từ năm 2008.

Lãi suất mà FED đề cập là lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng, sử dụng nguồn tiền gởi tại ngân hàng trung ương để đảm bảo mức dự trữ bắt buộc. 

Dựa vào “lãi suất cơ bản” này sau đó thị trường sẽ quyết định các mức lãi suất thương mại dùng trong vay tiền mua nhà, mua xe, vay nợ doanh nghiệp, thường là cao hơn nhiều và mức tăng cũng rộng hơn nhiều. 

Chẳng hạn, lãi vay mua nhà trả góp thời hạn 30 năm tuần trước đã tăng lên mức 4,25%, cao hơn mức cuối năm ngoái đến 1 điểm phần trăm. Tuần sau dự báo mức lãi này còn tăng nữa.

Có lẽ bài học phải nâng lãi suất lên thật nhanh thật mạnh, cao hơn lạm phát để có lãi suất thực dương thời Volcker đã không được áp dụng thời Powell là bởi Chính phủ Mỹ sợ nhất tình trạng “đình lạm”, tức vừa lạm phát cao kinh tế lại đình đốn, suy thoái. 

Hiện nay tình hình rất giống một sự lặp lại của thập niên 1970, giá dầu tăng vọt làm dân Mỹ đang bất mãn, nhất là khi túi tiền của họ thêm teo tóp lúc đem mua hàng hóa.

Điểm sáng duy nhất là thị trường lao động đang thu hút nhân lực, người đi làm có khả năng thương lượng mức lương cao hơn. Lãi suất nâng quá cao, quá nhanh sẽ triệt tiêu mức tăng trưởng này, dẫn đến suy thoái lan rộng. 

Phát biểu của Powell cho rằng tiền lương đang tăng quá nhanh không tốt cho nền kinh tế đang bị lên án. Cứ thử tưởng tượng lãi suất tăng đến mức doanh nghiệp không có tiền tăng lương, không đủ sức tuyển dụng thêm trong khi giá nhà, kể cả tiền thuê nhà tăng mạnh, thì sự phẫn nộ của dân Mỹ sẽ lên cao như thế nào. 

Bài toán của FED là tìm một điểm lãi suất trung dung, không làm kinh tế suy thoái mà cũng không kích thích tăng trưởng nóng, tạo thêm lạm phát. 

Đi tìm điểm này không phải là chuyện dễ - vì ngay cả tăng lãi suất lên đến 20% như thời Volcker, cũng phải mất năm sáu năm mới kìm được con ngựa lạm phát bất kham, chứ không phải một sớm một chiều. 

Hơn nữa hiện nay lạm phát còn do bóp nghẹt nguồn cung, hàng hóa thiếu thốn, giá cả tăng khắp thế giới chứ không riêng gì nước Mỹ. Vì thế cũng có nhiều nhà kinh tế cho rằng riêng chính sách tiền tệ không đủ kéo giá xuống một khi bóng ma chiến tranh, dịch bệnh vẫn còn đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận