Chuyện kinh tế - Nói vậy mà không phải vậy!

NGUYỄN VŨ 06/03/2019 03:03 GMT+7

TTCT - Kinh tế học không chỉ có các khái niệm khô khan, lạnh lùng; nó còn có nhiều cách hiểu trái ngược với cách hiểu thông thường nên nói chung, chuyện kinh tế thường phủ dưới một lớp màn bí ẩn, khó hiểu, nghe khó trôi.

Kinh tế học không chỉ có các khái niệm khô khan, lạnh lùng; nó còn có nhiều cách hiểu trái ngược với cách hiểu thông thường nên nói chung, chuyện kinh tế thường phủ dưới một lớp màn bí ẩn, khó hiểu, nghe khó trôi.

Minh họa
 

Lấy ví dụ, chuyện thất nghiệp. Chúng ta cứ thấy anh hàng xóm không đi làm nên nghĩ anh này đang thất nghiệp. Nhưng nhà kinh tế phải hỏi cho kỹ, nếu anh này sau một hai năm cố gắng xin việc làm không nơi nào nhận nên nản chí, không đi tìm việc nữa thì anh này không phải thuộc dạng đang thất nghiệp. Thậm chí một anh khác, mỗi tuần chỉ được bà ở đầu hẻm thuê chở đi chùa một giờ cũng được xem là có việc làm, không xếp vào diện thất nghiệp.

Hoặc có nhà kinh tế an ủi bạn “Thôi đừng buồn, dù sao ông cũng giàu hơn 15% người Mỹ”, ắt bạn sẽ cho nhà kinh tế này bị khùng. Hóa ra ông ta nói đúng: 15% người Mỹ đang có tài sản âm, tức nợ nhiều hơn tài sản, nên nếu bạn có chừng 10 đôla trong túi, bạn được xem là giàu hơn họ rồi.

Ngay cả các khái niệm rất phổ biến như tiền thì kinh tế học và người thường cũng hiểu khác nhau. Khi chúng ta kháo nhau ông kia có nhiều tiền lắm, chúng ta đâu đếm bao nhiêu tờ giấy bạc ông ta đang có trong túi mà nghĩ đến các tài sản khác nhau của ổng như nhà cửa, xe cộ, tiền trong ngân hàng, tiền trong các mảnh đất ông này sở hữu. Thế nhưng với nhà kinh tế, tiền là tiền, đất đai, chứng khoán ổng sở hữu là đất đai, chứng khoán - hai bên khác nhau.

Câu chuyện đánh thuế lên máy giặt ở Mỹ là một ví dụ mới nhất về chuyện khác biệt giữa cách nghĩ thông thường, ngay cả của các quan chức chính phủ và cách suy luận của nhà kinh tế.

Năm ngoái, Mỹ áp thuế 20% lên máy giặt nhập khẩu để hỗ trợ Whirlpool (hãng sản xuất máy giặt ở Mỹ). Whirlpool than máy giặt của LG, Samsung nhập vào Mỹ bán phá giá gây thiệt hại nặng nề cho họ nên cần phải dùng thuế để “trừng phạt”. Cứ tưởng theo lập luận thông thường, áp thuế như vậy máy giặt nhập khẩu sẽ thua, không cạnh tranh nổi, Whirlpool sẽ bán được hàng.

Đúng là trong một thời gian ngắn, chính sách này phát huy tác dụng. Whirlpool chạy hết công suất, tuyển dụng thêm 200 công nhân, giá cổ phiếu tăng thêm 20 đôla ngay sau khi sắc thuế nhập khẩu được công bố. Nhưng tác dụng này chỉ lóe lên rồi tắt ngúm. Một năm sau ngày áp dụng thuế 20%, giá máy giặt tăng nhưng tăng đều cho mọi loại máy, nội địa hay nhập khẩu.

Hóa ra một sắc thuế khác đánh lên thép nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào của Whirlpool tăng vọt, buộc họ tăng giá bán và số lượng máy giặt bán ra giảm 2,5%. Thế là chính sách hỗ trợ sản xuất nội địa phá sản. Điều tệ hại hơn, do giá máy giặt tăng lên, dân Mỹ trì hoãn mua máy mới, gắng xài máy cũ thêm một thời gian, càng làm doanh số bán ra của Whirlpool bị ảnh hưởng. Số liệu trên tờ New York Times cho thấy trước đây thị trường máy giặt tăng chừng 5% mỗi năm nhưng năm 2018 lại sụt 3%.

Các quan chức cũng thường nghĩ nếu các công ty lớn như Apple mà đưa việc sản xuất iPhone, iPad, MacBook về lại Mỹ, biết bao công ăn việc làm sẽ được tạo ra, giúp hồi sinh các vùng công nghiệp đang hoang phế. Một bài báo trên The New York Times cho biết thật ra Apple đã gắng thử làm vậy nhưng thất bại. Năm 2012, Apple đưa dây chuyền sản xuất chiếc máy tính MacBook về lại Mỹ, nhưng họ cay đắng nhận ra dây chuyền không hoạt động nổi chỉ vì họ không thể tìm mua được những con vít nhỏ xíu dùng trong chiếc máy tính này. Nơi sản xuất được con vít mà họ cần thì quy mô quá nhỏ, chỉ làm ra được tối đa 1.000 con vít/ngày.

Một nhà kinh tế nổi tiếng, Russ Roberts kể chuyện một nhà báo đến hỏi ông: Vậy chứ NAFTA (hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada) đã tạo ra bao nhiêu việc làm rồi làm mất bao nhiêu việc làm? Ông bảo ông không biết. Nhiều công việc bị mất đi khi nhà máy di dời qua Mexico nhưng nhiều việc làm khác được tạo ra; trong hàng trăm ngàn công việc mất đi và tạo ra như thế, cũng chẳng ai nói chắc bao nhiêu phần trăm là do NAFTA, bao nhiêu là do các tác động khác. Tay nhà báo nhíu mày: “Ông là nhà kinh tế chuyên nghiệp, sao lại lẩn tránh câu hỏi của tôi?”. Vị giáo sư nói: Tôi trả lời rồi đó chứ, chỉ có điều anh không thích câu trả lời này đó thôi.

Vì thế, mỗi khi chúng ta nghe các chuyên gia đoan chắc, hiệp định thương mại này sẽ làm tăng GDP chừng đó, hiệp định kia sẽ làm kim ngạch xuất khẩu thêm được chừng đó, tốt nhất là nên lắng nghe với thái độ hoài nghi. Chính ông Roberts thừa nhận: “Kết hợp kinh tế học với thống kê trong một thế giới phức tạp hứa hẹn nhiều mà chẳng đem lại bao nhiêu. Các nhà kinh tế như chúng ta cần khiêm tốn và trung thực hơn về độ tin cậy và tính chính xác của các phân tích số liệu thống kê”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận