Chuyện từ quốc gia với triệu phòng khách sạn

HOA KIM 15/12/2020 21:10 GMT+7

TTCT - Tại một số quốc gia mạnh về du lịch như Ý, ngành dịch vụ lưu trú địa phương vốn thoi thóp vì dịch COVID-19 giờ đây đứng trước nguy cơ phải bán tháo tài sản cho các nhà đầu tư cơ hội đến từ nước ngoài, dâng thị phần cho khối ngoại với những lo ngại về hệ quả lâu dài của một thị trường vắng bóng tay chơi trong nước.


Những dãy bàn trống vắng ở một nhà hàng ở Venice (Ý) hồi tháng 3-2020. Ảnh: Reuters

Ý là quốc gia có nhiều phòng khách sạn nhất châu Âu với hơn 1 triệu phòng, theo số liệu thống kê năm 2019 đăng trên Statistica. Các chuỗi và hệ thống khách sạn lớn chỉ chiếm 5% trong số này, trong khi những cơ sở lưu trú nhỏ lẻ dạng gia đình trị áp đảo với số đông còn lại.


Nếu như trước đây các nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với mô hình kinh doanh nhỏ và sở hữu manh mún vì khả năng sinh lời thấp, cuộc khủng hoảng toàn diện mà đại dịch COVID-19 đem đến đang đe dọa làm thay đổi điều đó cũng như mọi mặt của một ngành dịch vụ vốn đã oằn mình bởi các khoản nợ từ trước dịch.

Nhiều “sao”, lắm nợ

Khách sạn 5 sao Villa La Vedetta, tọa lạc tại thành phố Florence, miền trung nước Ý, đã phải đóng cửa vĩnh viễn trong khi nhiều khách sạn khác như Hotel Raphael ở thủ đô Rome đã không mở cửa lại từ khi tạm dừng kinh doanh trong đợt phong tỏa phòng dịch đầu tiên hồi cuối tháng 2-2020.

“Mảng khách sạn ở Ý luôn hấp dẫn các nhà đầu tư và năm nay, nhiều doanh nghiệp do gia đình sở hữu đang gặp khó khăn và không đủ khả năng mở cửa trở lại. Hoạt động đầu tư bất động sản (vì thế) đang rất sôi động” - Marie-Louise Scio, giám đốc điều hành chuỗi Pellicano Hotels gồm 3 khách sạn hạng sang do gia đình bà sở hữu ở Ý, nhận định với báo Financial Times.

Hồi tháng 9, tập đoàn Varde Partners của Mỹ chuyển nhượng 7 khách sạn ở Ý cho công ty ủy thác đầu tư bất động sản Covivio của Pháp với giá 573 triệu euro, chỉ 3 năm sau khi bỏ ra 150 triệu euro mua lại chuỗi khách sạn này. Quỹ phòng hộ Elliott Management có trụ sở tại New York cũng đã sang lại Bauer, một khách sạn nổi tiếng ở Venice, cho tập đoàn bất động sản Áo Signa vào mùa hè năm nay chỉ sau một năm sở hữu. 

Gruppo Statuto, chủ sở hữu đang ngập đầu trong nợ nần của khách sạn Danieli ở Venice và các khách sạn Mandarin Oriental và Four Seasons ở Milan, năm nay đã tiến hành các cuộc đàm phán với các bên cho vay để tổ chức lại cấu trúc vốn của mình chỉ hai năm sau khi được quỹ đầu cơ TCI cứu trợ.

“Nhiều nhà đầu tư tổ chức đang lùng mua khách sạn ở Ý, nhưng cầu hiện đang nhiều hơn cung” - Bernabo Bocca, chủ tịch Hiệp hội chủ khách sạn quốc gia Ý, nói với Financial Times. Vào đỉnh điểm của đại dịch, các đảng đối lập tại Ý cảnh báo cuộc khủng hoảng của ngành du lịch sẽ dẫn đến việc những “nhà đầu cơ quốc tế” tận dụng thời cơ để vơ vét các tài sản khách sạn giá trị cao của đất nước nếu không có sự can thiệp từ phía chính phủ.

Nỗi sợ này không phải vô cớ, vì hiện tượng tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ nước Ý. Compagnia Italiana Grandi Alberghi, công ty sở hữu những khách sạn lớn nhất của đất nước ở Venice, Rome và Milan trong phần lớn thế kỷ 20, đã phải bán mình cho tập đoàn khách sạn Sheraton International của Mỹ vào năm 1995 sau một cuộc tái cơ cấu nợ đầy đau đớn.

Bảo vệ ngành trọng yếu

Để ngăn các chủ khách sạn đang gặp khó khăn trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ, Ngân hàng đầu tư Cassa Depositi e Prestiti (CDP), với sự hậu thuẫn của Chính phủ Ý, đã dành ra một quỹ trị giá 2 tỉ euro nhằm mua lại bất động sản trong nước, vẫn để cho chủ cũ quản lý với mục đích bán tài sản này lại cho chính họ sau 10 năm, khi tình hình được dự báo khả quan hơn.

Nhưng một số nhà đầu tư cho rằng kế hoạch của CDP không thể là một giải pháp dài hạn. “Nó giống như đưa cho một người đang bị đau tim một ly nước ấm - Paolo Barletta, giám đốc điều hành tập đoàn bất động sản Gruppo Barletta ví von - Chúng ta cần có kế hoạch thu hút các thương hiệu khách sạn cao cấp quốc tế (để) mang khách du lịch nhiều tiền đến Ý. Thật vô lý khi thị trường khách sạn trong nước lại quá rời rạc và được điều hành ở cấp độ gia đình khi du lịch là một thành tố quan trọng của nền kinh tế đất nước”.

Theo Cơ quan du lịch quốc gia Enit, Ý là điểm đến hàng đầu của khách du lịch giàu có trên toàn cầu năm 2019 và thị trường du lịch cao cấp, được dự đoán sẽ là đầu tàu cho sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu sau đại dịch, được kỳ vọng tăng trưởng 6,2% vào năm 2025. 

Mới đây, ông Barletta và Nicola Bulgari, cháu trai của nhà sáng lập thương hiệu đồ trang sức nổi tiếng Bulgari, đã hợp tác thành lập Arsenale, một công ty chuyên mua lại và cải tạo các khách sạn bị bán tháo tại các điểm du lịch hàng đầu của Ý với mục đích nhượng lại cho các thương hiệu khách sạn quốc tế điều hành trong tương lai.

“Chúng tôi đang nhắm đến một số bất động sản ở Rome và nhiều nơi khác, và chúng tôi luôn là nhà đầu tư Ý duy nhất trên bàn đàm phán. 

Ý không có các tập đoàn khách sạn lớn, vì vậy chủ sở hữu (các khách sạn trong nước) bán cho người nước ngoài là chuyện dễ hiểu, dù là vì họ đang gặp khó khăn trong việc trả nợ hay vì người mua nước ngoài sẵn sàng trả nhiều tiền hơn” - ông Barletta nhận xét.

Một số chuyên gia trong ngành khác tỏ ra bình thản hơn trước làn sóng thâu tóm khách sạn trong nước bởi các nhà đầu tư nước ngoài. “Tôi không nghĩ sẽ là một bi kịch nếu các nhà đầu tư quốc tế thâu tóm khách sạn ở Ý. Nếu chủ mới mua tài sản rồi đưa công việc (của người Ý) ra nước ngoài thì không hay chút nào, nhưng khách sạn là tài sản không thể di dời” - ông Bocca nói. Tuy vậy, ông cũng thận trọng: “Nhưng nếu các quỹ phòng hộ đổ xô đến mua khách sạn trong nước với giá rẻ bởi vì chủ sở hữu của chúng đang phải gánh nợ, thì đó lại là một câu chuyện khác”.

Vẫn còn đó hoài nghi về viễn cảnh thêm một ngành kinh doanh của đất nước rơi vào tay người nước ngoài. “Tôi không chắc vấn đề chỉ là bài toán tài chính... Cứ nhìn vào cách các tập đoàn thời trang của Ý từng bị bán cho các nhà đầu tư nước ngoài thì thấy. Đó là sự thiếu tầm nhìn” - bà Scio ngao ngán.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận