COVID, tiền nong và người trẻ

HOA KIM 15/01/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Một năm sống trong đại dịch COVID-19 đã để lại những ảnh hưởng rõ rệt, cả tiêu cực lẫn tích cực, lên chuyện thu nhập và vấn đề tài chính của người trẻ khắp thế giới.

Mọi kế hoạch đều đi tong

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, David Little (26 tuổi) vừa lấy bằng thạc sĩ kiến trúc và đang chờ bạn gái học xong trước khi cặp đôi dự định chuyển từ bang Florida đến thành phố Philadelphia sinh sống và tìm việc. Từng tràn trề hi vọng vào tương lai, giờ đây cả hai đang phải chật vật tìm kiếm một công việc phù hợp với bằng cấp. “Tôi không biết mình đang làm gì. Mọi kế hoạch của tôi đã đi tong. Gần như cả nước không có công việc nào dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ngành kiến trúc” - David nói với tờ The Guardian.

David từng có thời gian ngắn làm nghề đỗ xe thuê cho một khách sạn, trước khi bị cho nghỉ việc vào tháng 4 vì khách sạn cũng… hết khách. Do bạn gái cũng học ngành kiến trúc và không thể tìm được việc, tình cảnh cả hai đang “tạo ra những căng thẳng (trong mối quan hệ) mà bình thường không có”. Như nhiều người trẻ khác, David là nạn nhân điển hình của cuộc suy thoái kinh tế mà COVID-19 mang lại: tiền trợ cấp thất nghiệp sắp cạn, không còn bảo hiểm y tế, và nợ tín dụng ngập đầu vì áp lực chi trả các hóa đơn trong thời gian gần 1 năm không có việc làm.

Anh Lane Klumb (24 tuổi), sống ở bang Minnesota, cho biết vẫn đang trả nợ tín dụng sau khi “cà” hết hạn mức tất cả các thẻ của mình chỉ để đủ trang trải cuộc sống. Lane từng làm trong ngành bán lẻ trước khi bị giãn việc từ tháng 3-2020 và mới được gọi đi làm trở lại vào tháng 10 cho một công việc thời vụ. Xui rủi thay, ngay sau khi vừa trở lại làm việc, Lane đã phải cách ly do tiếp xúc với một đồng nghiệp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng do bản thân anh có kết quả âm tính, Lane không được chủ trả lương một đồng tiền công nào trong thời gian nghỉ việc đi cách ly, theo chính sách công ty. Sau tất cả, anh cho biết vẫn đang cố gắng trang trải học phí để hoàn thành chương trình học của mình tại Đại học bang Winona

Theo số liệu từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ do Trung tâm nghiên cứu Pew phân tích, 52% người Mỹ từ 18 - 29 tuổi hiện đang sống cùng cha mẹ, tăng hơn 2,6 triệu người so với thời điểm tháng 2-2020 và là tỉ lệ cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Khoảng 6 triệu thanh niên Mỹ tốt nghiệp trung học, cao đẳng hoặc cử nhân trong năm học 2019 - 2020, rất nhiều trong số đó bị quăng vào một thị trường việc làm gần như đóng băng vì COVID-19 và có thể mất nhiều năm để phục hồi. Những người trẻ đang là người phụ thuộc của cha mẹ cũng không đủ điều kiện để nhận 1.200 đôla tiền chính quyền liên bang hỗ trợ người dân để kích thích kinh tế vào đầu năm nay.

 ​Bạn có thất nghiệp hay giảm thu nhập thì các hóa đơn vẫn đến đều đặn mỗi tháng.

Alyssa Desmore (23 tuổi), một sinh viên đại học ở California. Cô hiện sống cùng cha mẹ và chỉ nhận 98 USD/tuần tiền trợ cấp thất nghiệp trong lúc chờ được gọi đi làm trở lại tại một học khu địa phương.

Tiết kiệm bất đắc dĩ

Tại Anh, theo Cục Thống kê quốc gia (ONS), về mặt kinh tế thì nhóm dưới 30 tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng COVID-19 do không có nhiều tiền tiết kiệm và ít cơ hội cắt giảm chi tiêu. Trong một báo cáo vào tháng 6-2020, ONS cho biết một hộ gia đình điển hình ở Anh thường chi trung bình 182 bảng Anh/tuần cho các hoạt động như du lịch, nghỉ lễ và ăn uống, tương đương 22% tổng ngân sách chi tiêu hàng tuần. Vì những hoạt động này không còn khả thi trong tình hình dịch bệnh, các gia đình hầu hết lựa chọn tiết kiệm khoản tiền này để bù lại phần thu nhập bị giảm vì dịch. Khoảng 53% thu nhập một người trưởng thành ở Anh được dùng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu và không thể bị cắt giảm như thức ăn, tiền thuê nhà và tiền trả góp mua nhà hàng tháng. ONS cho biết các hộ gia đình đang ở nhà thuê chi 61% ngân sách hàng tuần cho các nhu cầu thiết yếu, so với 52% đối với các hộ gia đình sở hữu nhà mình đang ở.

Với người trẻ dưới 30 tuổi, đặc biệt là những người tứ xứ đến thuê nhà và sinh sống ở London, tỉ lệ này còn cao hơn, tạo ra áp lực kinh tế lớn trong mùa dịch khi thu nhập bị giảm mà những thứ phải chi thì hầu như không thay đổi. Khi ai cũng phải ăn xài dè sẻn, chi tiêu để chăm sóc cây cảnh trở thành một khoản xa xỉ và Jared Thomas (26 tuổi), ở vùng South Wales, đã lâu không kiếm được khách thuê dịch vụ cắt tỉa cây từng giúp anh trang trải cuộc sống. “Cuộc sống của mọi người đều bị đảo lộn. Tôi thực sự không biết khi nào mới lại có việc để làm” - anh nói với Đài BBC.

“Đối với những ai đã phải đối mặt với khó khăn trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, đây là một lời nhắc nhở kịp thời về sự khác biệt mà một khoản tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp có thể đem lại. Không ai nói dành dụm là dễ dàng khi bạn vừa bắt đầu bước vào cuộc sống trưởng thành, nhưng bạn nên làm mọi thứ trong khả năng để dành dụm ngay khi có cơ hội” - Sarah Coles, chuyên viên phân tích tài chính cá nhân của một công ty dịch vụ tài chính ở Anh, nói với BBC.

Trong một bài báo đăng trên CNBC tháng 11-2020, tác giả AJ Horch nhận xét virus corona đã biến lực lượng lao động trẻ nhất nước Mỹ thành “những người tiết kiệm bất đắc dĩ”. “Bằng cách buộc mọi người thay đổi hành vi của họ trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus, COVID-19 đã dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, thói quen chi tiêu và tiết kiệm của nhiều người” - AJ viết.

Theo Horch, nhiều người thuộc thế hệ Z (sinh từ 1996 - 2010) còn chưa đủ tuổi để bỏ phiếu nhưng đã bị mất việc làm hoặc bị cắt lương vì COVID-19. Một số đã buộc phải chuyển về ở cùng gia đình hoặc ở gần gia đình vì không còn đủ khả năng tự nuôi sống bản thân. Theo một nghiên cứu về hưu trí năm 2020 của Ngân hàng Wells Fargo, 17% người thuộc thế hệ Z đã phải thay đổi hoàn cảnh sống kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bớt vật chất, thêm trải nghiệm

Nhưng bức tranh đời sống kinh tế của người trẻ trong năm 2020 không chỉ là những điểm tối. Khi buộc phải thay đổi, ta có quyền chọn thay đổi để mọi thứ tốt đẹp hơn. “Hơn 16% thế hệ Z và 18% thế hệ millennial đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn để nghỉ hưu kể từ khi đại dịch bùng phát” - Stefanie Lewis, giám đốc Ngân hàng Wells Fargo, chia sẻ.

Trong cái rủi có cái may, cũng nhờ học được cách tiết kiệm nhiều hơn trong mùa dịch mà nhiều khách hàng trẻ tuổi của Wells Fargo đã đủ khả năng trả hết nợ tín dụng và các khoản vay sinh viên, theo Stefanie. “Những điều đơn giản như nấu ăn ở nhà và hạn chế ăn ngoài đã thay đổi quan niệm của nhiều người về giá trị cuộc sống. Ai cũng biết tự nấu ăn có thể giúp bạn tiết kiệm tiền, nhưng khi không còn lựa chọn nào khác thì người ta mới nhận ra niềm hạnh phúc của việc đó” - Stefanie nói.

Brennan Hickey (30 tuổi), sống ở bang Arizona, cho biết số tiền tiết kiệm và phần đóng góp cho quỹ hưu trí của anh đã tăng lên sau 8 tháng từ khi bắt đầu có dịch. “Tôi đã ngừng mua sắm theo cảm hứng và hầu như không còn ăn tiệm. Do không còn phải di chuyển đến chỗ làm nên tôi cũng ít lái xe hơn” - Brennan chia sẻ và cho biết anh không ký lại hợp đồng thuê xe dài hạn sau khi hợp đồng cũ hết hạn. Số tiền anh để dành cho các kỳ nghỉ và ma chay, cưới hỏi đột nhiên trở nên dư dả khi COVID-19 khiến mọi hoạt động đình trệ. Khoản chi duy nhất tăng lên trong dịch là tiền mà anh đầu tư cho môn thể thao ưa thích là chạy bộ đường mòn. “Tôi cảm thấy thoải mái với những gì mình có và sống bớt lệ thuộc vào vật chất hơn. Tôi chi nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm và ít đi cho những món đồ mới” - Brennan nói với CNBC.

Với một số người trẻ như Robert Scanlon (23 tuổi), đến từ bang North Carolina, dịch COVID-19 giúp anh có mục đích rõ ràng hơn khi tiết kiệm. Thay vì ghé mua cà phê Starbucks mỗi sáng trên đường đi làm, Robert bắt đầu tự pha cà phê “vừa rẻ vừa ngon” ở nhà. “Tôi đang xây dựng tấm lưới phòng hộ cho riêng mình. Ai mà biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai” - Robert nói.■

Chẳng cần dịch hay khủng hoảng kinh tế, giới trẻ Mỹ ngày nay vốn đã kiếm ít tiền hơn thế hệ trước họ. Năm 1989, những công dân "boomer" (sinh ra trong cuộc bùng nổ dân số hậu Thế chiến 2) kiểm soát 21% tài sản quốc gia, trong khi thế hệ “millennial” (8x đời đầu đến 9x đời cuối) ngày nay chỉ kiểm soát 5% tài sản đất nước, theo số liệu năm 2019. Đại dịch corona càng khoét sâu vào sự khác biệt này. Tròn một năm dịch bệnh hoành hành, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm 16 - 24 tuổi ở Mỹ đã tăng từ 8,4% lên 24,4%, trong khi tỉ lệ này chỉ tăng nhẹ từ 8,5% lên 11,3% ở nhóm từ 25 tuổi trở lên, theo The Guardian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận