Dư chấn trách nhiệm

TỪ PHONG 30/10/2012 21:10 GMT+7

TTCT - Dư chấn trận động đất diễn ra ngày 6-4-2009 ở thành phố L’Aquila, nước Ý còn kéo dài đến hôm nay bằng bản án gây chấn động đưa ra hôm 22-10: sáu nhà khoa học và một quan chức chính phủ bị Tòa án L’Aquila truy tố tội danh giết người vì đã không đưa ra lời cảnh báo thích hợp về trận động đất này.

Phóng to
Vụ động đất mạnh 6,3 độ Richter ngày 6-4-2009 tại thị trấn L'Aquila (Ý) đã khiến hơn 300 người chết - Ảnh: tumblr.com

Theo cáo trạng, trong một buổi họp ở thành phố L’Aquila hôm 31-3-2009, bảy bị cáo lúc đó đều là thành viên của ủy ban quốc gia dự báo và phòng chống thiên tai đã nhiều lần bảo đảm với người dân thành phố rằng không nên lo lắng về một loạt chấn động nhỏ làm rung chuyển thành phố trong sáu tháng trước đó. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau phiên họp, trận động đất 6,3 độ Richter đã tàn phá tan hoang thành phố cổ kính này, khiến 309 người thiệt mạng và hơn 60.000 người mất nhà cửa.

Bản án gây sốc nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới, thậm chí hàng nghìn người đã ký đơn đề nghị Chính phủ Ý xem xét lại kết quả xét xử, viện cớ rằng: cho đến nay, khoa học vẫn chưa có khả năng dự báo động đất. Nhiều tờ báo châu Âu đã lên tiếng bảo vệ các nhà khoa học Ý. Tờ Le Figaro dẫn lời giáo sư địa chấn học Jean - Paul Montagner chỉ trích quyết định này, mỉa mai rằng nếu theo logic này thì có thể “truy tố G. Bush (con) vì không ngăn được cuộc khủng bố 11-9 hay tất cả bác sĩ phẫu thuật thế giới vì không cứu mạng hết các bệnh nhân của mình!

Theo giáo sư Jean - Paul Montagner, tại L’Aquila cơn động đất 6,3 độ Richter được xem là có cường độ trung bình như từng xảy ra rất nhiều ở Ý. Vấn đề là thảm kịch diễn ra ngay bên dưới một thành phố cổ và không có kết cấu xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất. Trước cơn động đất gần đây ở Nhật gây nên thảm họa sóng thần làm chết rất nhiều người, một cơn địa chấn 7 độ Richter đã diễn ra. Và chẳng ai trách cứ các nhà khoa học Nhật Bản đã không dự báo được thảm họa, dù họ là những người rất giỏi trong lĩnh vực này”.

Đây là lần đầu tiên các nhà địa chấn học bị kết án trong một vụ việc tương tự. “Điều này gây lo âu bởi nó đặt lại vấn đề lòng tin của các nhà khoa học vốn chỉ làm tốt công việc của mình” - giáo sư Jean - Paul Montagner nói (*).

Nước Ý dường như có truyền thống đưa ra các phán quyết hết sức “đặc biệt” với các nhà khoa học. Tuy nhiên, từ thời Galileo đến nay quốc gia này đã tiến những bước dài và không thể nói phiên xử L’Aquila một lần nữa lại là một tòa án dị giáo đậm chất La Mã, nơi những người có tư duy khác biệt bị đưa ra xét xử.

Bỏ qua những yếu tố hàn lâm của vụ án này, có thể thấy những nỗ lực của nền tư pháp Ý trong việc tìm ra người phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất khổng lồ của người dân. Hàng trăm người có thể đã không phải chết, hàng chục ngàn người có thể đã tránh được tổn hại tài sản nếu như ủy ban quốc gia về dự báo và phòng chống thiên tai không đoan chắc về dự báo của họ.

Phiên tòa dẫn lời nhân chứng Guido Fioravanti, người gọi cho mẹ mình đúng 11 giờ đêm hôm động đất, ngay sau đợt rung chuyển đầu tiên, để hỏi thăm và nghe mẹ anh bảo ủy ban dự báo động đất khẳng định sẽ không có gì đáng sợ. Guido nói: “Lẽ ra họ đã rời nơi đó nếu không nghe theo lời khuyên của ủy ban”. Kết quả là sau đó người cha đã chết (**).

Nếu Viện Địa vật lý và núi lửa quốc gia của Ý cho rằng không thể dự đoán động đất và các thiên tai, thì họ cũng không nên nói người dân không phải lo lắng về khả năng xảy ra động đất, để hậu quả trở nên nặng nề như vậy. Và người dân có quyền đặt câu hỏi: vậy những khoản đầu tư cho Viện này nhằm vào mục đích gì?

Có thể liệt kê chức vụ những bị cáo để hiểu hơn về bản án: ông Franco Barberi đang đứng đầu Ủy ban các hiểm họa nghiêm trọng, Enzo Boschi là cựu chủ tịch Viện Địa vật lý quốc gia, Giulio Selvaggi là giám đốc Trung tâm động đất quốc gia, Gian Michele Calvi là giám đốc Trung tâm châu Âu về thiết kế địa chấn bền vững, Mauro Dolce là trưởng phòng nguy cơ động đất của Cục Bảo vệ công dân, Bernardo De Bernardinis là cựu phó ban kỹ thuật của Cục Bảo vệ công dân. Chỉ bị cáo Claudio Eva là nhà vật lý không giữ chức vụ.

Thiên tai, thật ra, không phải cái duy nhất khó dự đoán. Cuộc sống đầy rẫy rủi ro và cơ hội không thể đoán trước. Chẳng ai đoán được giá vàng, giá dầu mỏ, giá bất động sản hay sự suy thoái của nền kinh tế. Một trận động đất có thể cướp đi tài sản của vài chục ngàn người, nhưng quyết sách sai lầm trong kinh tế có thể làm mất cơ hội của hàng chục triệu người, thậm chí của vài thế hệ. Nhưng không phải thế giới chưa có những tiền lệ về thái độ nhận trách nhiệm. Và ở một số quốc gia, chẳng hạn Nhật Bản, việc phải từ chức vì một chuyện “trên trời rơi xuống” là hết sức phổ biến.

Phán quyết của Tòa án L’Aquila có lẽ sẽ còn nhận được nhiều phản ứng đa chiều. Dù chưa biết bản án cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng nó có lẽ sẽ làm nhiều người phải suy ngẫm. Hiện diện trong bản án này là câu trả lời: Ai chịu trách nhiệm khi đưa ra những phán quyết sai lầm và việc chịu trách nhiệm ấy cụ thể tới mức nào?

___________

(*): http://www.lefigaro.fr/sciences/2012/10/22/01008-20121022ARTFIG00457-seisme-de-l-aquila-le-proces-de-scientifiques-inquietant.php
(**): http://www.bbc.co.uk/news/world-europe-20025626

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận