Giá của đồng tiền

KHÁNH LINH 04/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - “Nếu bạn nợ ngân hàng 100 đôla thì đó là vấn đề của bạn, nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu đôla thì đó là vấn đề của ngân hàng” là câu nói nổi tiếng của tỉ phú Mỹ J. Paul Getty hay được giới tài chính dẫn lại. Nhưng sau biến cố nợ dưới chuẩn ở Mỹ gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, câu đó đã được bổ sung thêm một vế nữa: “Nếu bạn nợ 100 tỉ đôla thì đó là vấn đề của cả xã hội”. Tình trạng tăng trưởng nóng và thiếu kiểm soát với trái phiếu doanh nghiệp hiện giờ có nguy cơ sẽ gây ra một “vấn đề xã hội” như vậy.

Giả sử có một kết cục tốt đẹp hơn với phiên đấu giá vô tiền khoáng hậu cuối năm rồi cho lô đất 2,4 tỉ đồng/1m2 ở Thủ Thiêm: Công ty trúng thầu không bỏ cọc và trả số tiền vào khoảng 24.000 tỉ đồng. Một câu chuyện ly kỳ hơn sẽ xảy ra và kết cục của nó có thể “drama” hơn những gì đang diễn ra.

Tân Hoàng Minh hóa ra là công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể do họ không muốn vì các lý do an toàn trước nguy cơ M&A, hay chọn chiến lược tài chính chuyên biệt. Hoặc cũng có thể bản cân đối tài chính của họ chưa đủ chuẩn để niêm yết. 

 
 

Vậy tiền đâu để họ trả cho mảnh đất mà họ đã lỡ đấu giá thắng trong phút giây trào dâng? Câu trả lời đến từ một sản phẩm tài chính có tính chính danh hơi bấp bênh: trái phiếu doanh nghiệp.

Những khoản vay không rõ trách nhiệm

Do doanh nghiệp phát hành để thu hút vốn từ các nhà đầu tư - chủ yếu là cá nhân, trái phiếu là một khoản vay nợ với mức lãi cam kết cao hơn lãi suất ngân hàng từ 20% đến… 300%. 

“Trái phiếu dự án bất động sản hoàng gia lõi trung tâm Sài Gòn của công ty bất động sản quốc tế X, lãi suất 18% năm, do ngân hàng Y bảo lãnh…” - một quảng cáo kiểu như thế hấp dẫn hơn thông báo lãi suất 7,5% năm và an toàn hơn rất nhiều đầu tư tài chính đa cấp. 

Điều kỳ lạ là cái dự án đấy đã triển khai chưa và ngân hàng nào đó có trách nhiệm đến đâu với tình trạng trả nợ của doanh nghiệp thì không ai biết - và thực tế là không có ai có trách nhiệm gì ráo.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp cảnh báo rủi ro của việc mua trái phiếu doanh nghiệp. 

Thực chất đây là một khoản vay mà doanh nghiệp không hề có tài sản đảm bảo đối ứng, và chả có ngân hàng nào dám đi bảo lãnh cái khoản nợ mà khả năng trả nợ nằm ở một tài sản còn ở… thì tương lai.

Nếu doanh nghiệp được thẩm định là đủ khả năng trả nợ thì ngân hàng đã giành nhau cho vay với lãi suất thực tế không quá 12%/năm rồi, chứ đâu đến lượt các nhà đầu tư cá nhân “được” cho vay với lãi suất cam kết từ hơn 15%/năm trở lên. 

Không vay được ngân hàng, không đủ điều kiện lên sàn, không có tài sản cầm cố thì ta phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nói hơi quá, nó là biến tướng của kỹ thuật “tay không bắt giặc”.

Quay lại trường hợp của Tân Hoàng Minh. Sức khỏe của tập đoàn này được thể hiện phần nào qua kết quả kinh doanh năm 2020 là lỗ gần 2.500 tỉ. Trước khi đấu giá thành công lô đất 10.000m2 với đơn giá 2,4 tỉ đồng/m2, họ đã tiến hành kỹ thuật phát hành trái phiếu để có trong tay khoảng 10.000 tỉ đồng tiền mặt.

Số tiền này là nền tảng để họ tiến hành sở hữu mảnh đất kim cương kia, với giá trị được xác nhận trên giấy trắng mực đen là hơn 24.000 tỉ đồng, để rồi có thể cho phép họ vay ngân hàng một khoản không dưới 17.000 tỉ đồng - tương ứng 70% giá trị thật. 

Còn làm sao để xoay xở có tiền để trả nợ lãi suất cho ngân hàng và lô trái phiếu doanh nghiệp kia là nghề của họ, và không loại trừ khả năng một đợt trái phiếu cho “Siêu dự án trung tâm tài chính quốc tế mới Thủ Thiêm” lại được phát hành. Hệ lụy của nó là giá bất động sản và cổ phiếu bất động sản sẽ được một đội lái đẩy lên đến khi nào họ có thể thu đủ lãi thì thôi. 

Hậu quả lâu dài, đã có xã hội lo!

Một mô hình Ponzi biến tướng?

Về bản chất, nó không khác gì bán hàng đa cấp và mô hình Ponzi: thu tiền từ người sau trả tiền cho người trước, có khác là quá trình đấy có sự tham gia, vô tình hay hữu ý, của ngân hàng - điều mà giờ đây các giám đốc ngân hàng đang ra sức phủ nhận. 

Khả năng trả nợ của doanh nghiệp thì sao? Thật khó mà biết, vì nó phụ thuộc khi nào thì người mua trái phiếu nào trở thành người mua cuối cùng và kỳ đáo hạn là lúc nào.

Hệ lụy thực tế của nó thì khá rõ ràng, khi mới đây những nhà đầu tư nhỏ lẻ của 9 đợt phát hành “chui” của Tân Hoàng Minh đã giăng biểu ngữ đề nghị… Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước giải cứu. 

Công ty phát hành và nhà đầu tư tư nhân như đang vờn nhau trong một canh bạc mà luật chơi chỉ được thiết lập sau khi không ai trong họ là người thắng cuộc.

Giá trị của tiền tệ nằm ở tài sản đối ứng đại diện mà quốc gia in tiền đấy tạo nên. Còn giá cả của nó được đo lường bằng lãi suất ngân hàng. Hiểu nôm na, tiền không biết đầu tư vào đâu thì gửi ngân hàng là huề vốn với rủi ro là thấp nhất. 

Các mức lãi suất khủng từ các sản phẩm khác như gửi vào tổ chức tài chính, gửi đánh chứng khoán, mua trái phiếu doanh nghiệp của công ty chưa lên sàn… phải đi kèm rủi ro lớn hơn. Với chứng khoán là VN-Index đang rớt không phanh mấy tuần qua sau khi cổ phiếu FLC bị điểm mặt vì những hành vi thao túng ngang ngược và lộ liễu. Với hai sản phẩm còn lại là khả năng xù lãi, hay thậm chí mất luôn gốc.

Hay một kiểu sản phẩm khác là hợp tác kinh doanh với công ty tài chính quốc tế. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi ngang với mức cao nhất mà Ngân hành Nhà nước cho phép - tức gần 1%/tháng, ngoài ra công ty sẽ trả thêm cho nhà đầu tư 1-2% hàng tháng nữa - tiền lãi từ khoản đầu tư có lời của công ty, bằng cách nhập vào tiền gốc cho kỳ sau.

Công ty tài chính có các kênh đầu tư quốc tế, sản xuất các sản phẩm organic, năng lượng xanh và đầu tư vào các lĩnh vực giải trí - phim ảnh… 

Thỉnh thoảng chúng ta thấy rạp chiếu phim lại quảng cáo rầm rộ cho những bộ phim có đạo diễn nổi tiếng, diễn viên hạng nhất nhưng nội dung và lượng khán giả đến rạp, kèm đấy là doanh thu thì không ai quan tâm. 

Đấy là những bộ phim các công ty tài chính quốc tế đầu tư. Quốc tế là gì thì mời anh đến trụ sở công ty em tìm hiểu thêm, công ty em làm ăn ở Việt Nam 4-5 năm nay rồi, vừa khai trương khánh thành trụ sở mới, đang có kế hoạch lên sàn… Anh chị cứ gửi thử kỳ hạn 3 tháng xem thế nào, không thích thì rút ạ.

Người có tiền nhàn rỗi trong xã hội ngày càng nhiều. Kênh đầu tư để thu hút nguồn tiền đấy, do vậy, cũng càng đa dạng; những chuyên gia hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật đầu tư, làm giàu không khó, tự do tài chính… cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đấy là một thị trường sôi động mà số người rút ra ít hơn rất nhiều số người tham gia mới.

Để trái phiếu doanh nghiệp không trở thành biến tướng của mô hình Ponzi và trở thành một thị trường huy động vốn hiệu quả, nó phải được đặt trong sự phát triển và kiểm soát đặc thù: Nhà đầu tư nên là các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư có kinh nghiệm, những chủ thể vay nợ có khả năng đánh giá rủi ro và cơ hội của trái phiếu. 

Đấy là bản chất của khái niệm “phát hành riêng lẻ”, nơi tính không công khai đồng nghĩa với cơ hội cho những tổ chức có nghiệp vụ, có thông tin và chấp nhận mạo hiểm. Còn khi nó được phát hành rộng rãi công khai đến các cá nhân đầu tư tiền nhàn rỗi thì nó phải được giám sát chặt chẽ, và doanh nghiệp cần phải có công bố thông tin đánh giá tín nhiệm.

Sẽ không có một kết luận hay công thức nào được coi là kim chỉ nam cho nhà đầu tư. Thao túng, trục lợi qua cổ phiếu, thị trường riêng lẻ và công khai cho trái phiếu doanh nghiệp không được tách bạch rõ ràng, tạo tiền đề cho doanh nghiệp biết cách tận dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư nhỏ lẻ để thu lợi và gây rủi ro cho thị trường. 

Những điều này đang xảy ra trên thị trường vốn của Việt Nam và là những bước mà bất cứ nền kinh tế mới nổi nào cũng trải qua.

Giải pháp cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước lẫn quốc tế khuyến nghị. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đấy là tách bạch hai thị trường riêng lẻ và công khai, mỗi thị trường có một cơ chế kiểm soát riêng. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ bộ máy thực thi các giải pháp đấy có đủ động lực hay không.■

Một ví dụ khác khá điển hình là đầu tư vào Condotel quốc tế Cocobay ở Đà Nẵng - nơi Cristiano Ronaldo cũng có một căn. Nhà đầu tư cam kết trả lãi khủng, để đúng chỉ sau 5 năm, người cho vay thu lại được tiền gốc, từ năm kế tiếp là lãi ròng. 5 năm sau, nhà đầu tư kêu lỗ và không bán được hàng. Và đúng là nhà đầu tư nhận được đủ gốc thật, nhưng chính xác hơn là họ đã cho chủ đầu tư Cocobay mượn tiền 5 năm mà không có một đồng lãi nào! Đấy là còn may, nhiều nhà đầu tư thở phào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận